Thời nay, khái niệm “phát triển bản thân” chắc không còn xa lạ với bạn, vì chỉ cần lên mạng, bạn sẽ nhận được hàng trăm lời mời của các khóa học như Chữa lành đứa trẻ bên trong, Yêu thương bản thân, Thấu hiểu Nội tâm, Thiết kế cuộc đời, Thiền trị liệu...


Tôi biết ơn tất cả những người thầy đã và đang hàng ngày đem đến cho chúng ta những kiến thức để giúp chúng ta hiểu mình, để chữa lành và yêu thương mình, đồng thời tìm ra những phiên bản tốt hơn, đủ đầy và hạnh phúc hơn của mình.

Một việc đáng kể mà tôi làm được cho bản thân trong năm 2023 là tham gia khóa tu cho các thầy cô giáo (teachers’ retreat) ở Làng mai, và thật may mắn, từ đó đến nay tôi được thực hành THIỀN CHÁNH NIỆM với Tăng thân ở Scotland, những người bạn Anh dễ thương và yêu quý Pháp Tu của thầy Thích Nhất Hạnh. Mỗi tuần 1 lần, chúng tôi cùng nhau thiền, và tôi rất tự hào mình là người Việt Nam.

Nếu các bạn đã từng hoặc đang học các khóa học phát triển bản thân, chắc các bạn cũng thấy rằng hầu hết ở đó bạn đều được dạy những kiến thức của đạo Bụt về Tâm linh. Chỉ cần cách đây 5 năm nếu ai đó nói với tôi về tâm linh, chắc tôi đã cho rằng đó là điều nhảm nhí, tôi đã rất thiếu hiểu biết. 

Khi một người trải nghiệm cuộc sống đủ để nhận ra rằng có những điều xảy ra mình không thể kiểm soát hay không giải thích được, thường người đó sẽ tìm đến tâm linh. Nhưng càng ngày tôi càng gặp những người trẻ tuổi với một đời sống tâm linh phong phú, vì  những lý do nào đó họ  đã “ngộ ra sớm”, giúp bản thân có được bình yên, hạnh phúc mà không cần phải trải qua nhiều đau khổ hay thất bại.

Tâm linh là việc tìm kiếm ý nghĩa cho cuộc sống thông qua sự hiểu biết về bản thân và kết nối với trí tuệ sẵn có của vũ trụ. Đó là nỗ lực của con người để kết nối với một điều gì đó rộng lớn hơn và vĩ đại hơn chính chúng ta. Tâm linh quan trọng ở chỗ, nó hướng cuộc sống của con người tới tình yêu thương và sự bác ái. Khi bạn hiểu bản thân và hiểu các quy luật của vũ trụ, bạn sẽ nỗ lực để chế ngự bản năng tiêu cực của mình và hướng thiện một cách tự nhiên.

Bạn thân mến, nếu bạn muốn nuôi dưỡng cuộc sống tâm linh, thì THIỀN để kết nối với bản thân và chăm sóc cảm xúc của mình là một cách rất tuyệt vời. Bạn có thể dành 30 phút hoặc nhiều hơn mỗi ngày để ngồi xuống yên tĩnh và tập trung vào hơi thở hay cơ thể của mình.

Nhưng bạn cũng có có thể thực hành thiền bất cứ ở đâu và lúc nào, theo như pháp tu của Làng Mai, là chỉ cần CÓ MẶT TRONG HIỆN TẠI. Đó là khi bạn nói, làm hay suy nghĩ bạn thật sự nhận biết mình đang nói gì, đang làm gì, đang suy nghĩ gì. Hãy cố gắng làm một việc một lúc và không suy nghĩ về một việc khác. 

Phải đến khi sang Làng Mai lần này tôi mới biết Nhất Hạnh có nghĩa là “một hành động”. Điều thú vị là bạn có thể nghĩ làm thế bạn sẽ chậm lại, nhưng việc bạn HÀNH ĐỘNG TỪ TỪ VÀ CÓ Ý THỨC sẽ đem lại hiệu quả cao hơn cho trong những gì bạn làm.

Trong thiền ca Làng mai có câu “Chánh Niệm là Bụt”, mà Bụt thì luôn có ở mỗi chúng ta. Thiền sẽ giúp bạn kết nối tâm linh được với phiên bản Bụt của mình, phiên bản của hạnh phúc đích thực.

Hoa Le

Một bộ phim điện ảnh giải trí, tưởng chỉ đơn giản ở việc sai phạm thì cấm, hợp lệ thì duyệt, đóng góp phê bình khen chê phim, lại trở nên rạo rực sục sôi như chiến trường.

Người ta cãi nhau, chửi nhau, cuồng nộ hằn học, thậm chí từ mặt nhau vì bất đồng quan điểm. Chuyện hài hước đủ tiêu chuẩn tham gia chương trình chuyện lạ đó đây thế giới.

Đi sâu vào lý giải, chúng ta nghiệm ra những nguyên nhân chính sau đây:

1) CHỦ NGHĨA DÂN TỘC: Một tác giả người Do Thái từng nói: "Nếu nắm được bản chất, bạn sẽ hiểu Chủ nghĩa Quốc gia (nationalism) (còn gọi là CHỦ NGHĨA DÂN TỘC) đơn giản là một công cụ để củng cố chính quyền và kiểm soát sự đồng lòng trong nhân dân.

Con người là động vật bầy đàn, nhưng từ khi có trí khôn thì độc lập tư duy nhận thức, 10 người 10 ý. Vô cùng khó khăn để tất cả có thể ngoan ngoãn đồng lòng làm việc cùng nhau. Vì vậy từ các bộ lạc nguyên thủy, họ đã phải sáng tạo ra thứ gì đó để mọi người ngoan ngoãn tin tưởng, đồng lòng đoàn kết. Những tín ngưỡng, các vị thần linh này nọ cứ thế ra đời. Dễ thấy rằng ở vị trí trung tâm của các bộ lạc làng xã luôn là nơi xây dựng các công trình tín ngưỡng, đền đài thờ phụng... vì đó là thứ tiên quyết cho sự tồn tại của bộ lạc.

Xã hội càng phát triển văn minh, những sự sáng tạo này càng phải mang những lý tưởng cao đẹp hơn để con người tin tưởng mạnh mẽ hơn. Nếu như ở thời phong kiến người ta tin tưởng vua là thiên tử, là thánh nhân thì dần dần chủ nghĩa dân tộc lên ngôi vì nó cao cả đẹp đẽ hơn rất nhiều. Có như thế mới có những người lính sẵn sàng hi sinh vì đất nước, những lính phát xít Đức, Nhật... sẵn sàng chiến đấu mù quáng vì lý tưởng quốc gia mình.

Vậy đó là công cụ vô cùng cần thiết để ổn định xã hội và đoàn kết dân tộc. Những chính quyền của những quốc gia tỷ dân nhiều sắc tộc như Ấn Độ, Trung Quốc... hiểu điều đó nên cực kỳ đẩy mạnh tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc. Là con dao hai lưỡi, nó dẫn đến những hệ quả tiêu cực, ngăn cản sự tự do phát triển xã hội nếu đi quá đà, cực đoan.

Một bộ phim hư cấu lấy cảm hứng lịch sử (không phải phim tài liệu lịch sử) có lẽ là một điều bình thường trên thế giới, nhưng đối với những tín đồ chủ nghĩa dân tộc, đó có thể là điều không thể chấp nhận được, là xuyên tạc lịch sử, là tàu khựa, sính ngoại... Thế là các sử gia online mọc lên như nấm sau mưa, chửi rủa một bộ phim hư cấu đã được kiểm duyệt... để thỏa lòng chủ nghĩa dân tộc.

2) TƯ DUY NHỊ NGUYÊN (Binary thinking): Không phải ta thì là địch,  không đúng thì là sai, không tốt thì là xấu. Tư duy nhị nguyên nguy hiểm vì nó cản trở cái nhìn đa chiều, khách quan. Người ta sẽ chỉ nhìn thấy ai không cùng quan điểm với mình là kẻ thù. "Tao chê mà mày khen, phải chửi nhau thôi". "Phim nước ta thì không được dính dáng đến người tàu, phim không đúng với bản cũ tôi đã xem thì là sai"...

3) THIÊN KIẾN XÁC NHẬN (Confirmation Bias): những mặc định có sẵn trong đầu mà không cần kiểm chứng hay sự thật thế nào. "Tao thấy thằng diễn viên tao ghét có mặt trong phim thì chắc chắn phải chửi mặc dù chưa cần xem." "Nghe mọi người nói phim này xuyên tạc lịch sử nên tao phải chửi vì nó đụng chạm đến lòng tự tôn dân tộc của tao. Không cần xem phim đâu, phải chửi trước đã."

4) SỰ GANH GHÉT KÈN CỰA NHAU cứ dần trở thành dân tộc tính.

Là những tính xấu hiển nhiên của loài người, nó sẽ được giảm thiểu nếu có nền giáo dục dân trí tốt, ngược lại sẽ lây lan di truyền và trở thành dân tộc tính.

Sự ganh ghét kèn cựa này khá phổ biến giữa những người trong nghề với nhau, thậm chí cả những tiền bối già về sinh học mà trẻ con trong nhận thức. Họ thường có suy nghĩ: "Mày không được giỏi hơn tao". "Trình mày còn kém lắm, tao mới là số 1".... Vì thế thay vì đóng góp xây dựng, tử tế với nhau, họ thường tìm cách đạp nhau xuống bùn, bêu riếu sỉ nhục hạ bệ nhau...

Thật là đúng với câu nói vui: "Giàu nó ghét, đói rét nó khinh, thông minh nó tiêu diệt..."

Tu Lenh Anh Do

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.


I- TÌNH HÌNH

Thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá IX và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XII về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, những năm qua, các cấp, các ngành đã nhận thức ngày càng rõ hơn vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công nghệ sinh học.

Công nghệ sinh học nước ta có bước phát triển nhanh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng; ứng dụng ngày càng rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo đột phá trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, y dược, môi trường.

Công nghiệp sinh học từng bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm công nghệ sinh học trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về công nghệ sinh học tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, công nghệ sinh học phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng của công nghệ sinh học lạc hậu so với khu vực và thế giới; công nghiệp sinh học chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học còn nhiều hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân của hạn chế, yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức của không ít cấp uỷ, chính quyền về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công nghệ sinh học chưa đầy đủ; cơ chế, chính sách chưa phù hợp, thiếu hấp dẫn để thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đầu tư cho phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; mối liên kết giữa các nhà khoa học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp trong phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học chưa hiệu quả, còn lỏng lẻo.

II- QUAN ĐIỂM

1. Phát triển công nghệ sinh học là xu thế của thế giới; là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống Nhân dân.

2. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng và địa phương; lợi thế của quốc gia đi sau. Tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng điểm, cơ bản, nhất là tận dụng ưu thế về đa dạng sinh học nước ta.

3. Phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách vượt trội tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.

III- MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát triển, phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á.

Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào GDP cả nước.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2030

- Nền công nghệ sinh học nước ta đạt trình độ tiên tiến thế giới trên một số lĩnh vực quan trọng, là một trong 10 quốc gia hàng đầu Châu Á về sản xuất và dịch vụ thông minh công nghệ sinh học; được ứng dụng rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

- Xây dựng nền công nghệ sinh học có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở vật chất, tài chính đủ mạnh đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

- Công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; doanh nghiệp công nghiệp sinh học tăng 50% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 50% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu; đóng góp 7% vào GDP; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2045

Việt Nam là quốc gia có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Châu Á.

Công nghiệp sinh học đóng góp 10-15% vào GDP.

IV- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

1. Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới

- Các cấp uỷ, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên nghiên cứu, quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống Nhân dân.

- Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học là một nội dung, nhiệm vụ được xác định trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, ngành, lĩnh vực.

- Hệ thống báo chí chú trọng giới thiệu thành tựu công nghệ sinh học; chủ động tuyên truyền các tập thể, cá nhân điển hình trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Kịp thời khen thưởng, tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động hiệu quả.

2. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học.

- Có chính sách vượt trội, phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, quốc phòng, an ninh; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học.

- Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

- Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm công nghệ sinh học.

3. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

- Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các vắcxin và chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, nhất là các loại dịch bệnh nguy hiểm, mới phát sinh, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm.

- Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu trong nước.

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu, sản xuất thuốc, vắcxin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược.

- Chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển.

- Tập trung xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sớm quy hoạch phát triển công nghiệp sinh học, khai thác tối đa lợi thế vùng nhằm sản xuất các sản phẩm chủ lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; liên kết các doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm công nghệ sinh học.

- Hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ sinh học nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ mới, sở hữu trí tuệ; nghiên cứu sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học quy mô công nghiệp; xây dựng thương hiệu, thương mại hoá sản phẩm; khai thác, sử dụng hiệu quả các phát minh, sáng chế công nghệ sinh học có giá trị cao của thế giới, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp sinh học.

- Chủ động ứng phó tình huống khủng bố bằng tác nhân sinh học, chiến tranh sử dụng vũ khí sinh học; xử lý chất độc hoá học; bảo đảm an ninh sinh học trong nghiên cứu, sản xuất, làm chủ công nghệ sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đặc thù phục vụ quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

4. Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

- Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo nhân lực công nghệ sinh học từ giáo dục phổ thông đến đại học và trên đại học. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực công nghệ sinh học. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu.

- Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học đầu ngành, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín đạt trình độ quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, xuất khẩu nhân lực công nghệ sinh học có trình độ cao.

- Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ lõi, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà Việt Nam có lợi thế.

- Tiếp tục đầu tư hoàn thiện, sớm đưa các trung tâm công nghệ sinh học quốc gia ở ba miền Bắc, Trung, Nam vào hoạt động; hiện đại hoá hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ sinh học, các trung tâm đánh giá, kiểm định; xây dựng một số trung tâm kiểm soát dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu giám sát và phòng, chống dịch bệnh.

- Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ đạt trình độ quốc tế; nâng cao năng lực của các cơ sở nghiên cứu công nghệ sinh học lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

5. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học

Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học, tuân thủ các điều ước quốc tế có liên quan đến công nghệ sinh học mà Việt Nam tham gia.

Có chính sách mua, chuyển giao, trao đổi công nghệ sinh học, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao của thế giới vào Việt Nam; hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ công nghệ sinh học phát triển.


V- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết.

2. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, hoàn thiện pháp luật; tăng cường giám sát hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; ưu tiên bố trí nguồn lực tài chính để thực hiện Nghị quyết; rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật có liên quan đến phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

4. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch hướng dẫn, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết, phát huy vai trò phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, cơ chế, chính sách về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học.

5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, hướng dẫn việc quán triệt thực hiện Nghị quyết; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện, báo cáo Bộ Chính trị.

Nguồn: Chinhphu.vn

 

 

Được tạo bởi Blogger.