Thời gian vừa qua, dư luận hết sức bàng hoàng trước hàng loạt những vụ tự sát của người nổi tiếng mà nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng này chính bởi căn bệnh trầm cảm.

Không sai khi nói trầm cảm là một căn bệnh nguy hiểm trong xã hội. Trầm cảm khiến con người rơi vào trạng thái mất cân bằng, cô đơn, không muốn chia sẻ với ai dẫn đến ngày càng có nhiều người lựa chọn con đường tử sát để kết thúc cuộc sống.

Bởi vậy, bất kì ai cũng có thể là đối tượng của căn bệnh trầm cảm cho nên việc sớm phát hiện và điều trị tâm lý là vô cùng cần thiết.


TRẦM CẢM LÀ GÌ?

Trầm cảm là một chứng bệnh rối loạn tâm trạng gây ra trạng thái buồn rầu, chán nản, mất hứng thú với cuộc sống. Trầm cảm gây ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cách hành xử và cảm nhận của con người. Trầm cảm trong một thời gian dài sẽ gây tác động tiêu cực đến tinh thần và thể chất.

Khi bị trầm cảm, họ rơi vào trạng thái mất cân bằng. Họ trói buộc mình trong thế giới riêng của bản thân, tách biệt hoàn toàn với xã hội. Căn bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến thần kinh và tâm lý, thậm chí trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, những người trầm cảm có thể tự tay kết liễu đời mình.

Thực tế cuộc sống, không ai có thể vui vẻ mãi được, sẽ có những thời điểm tâm trạng đi xuống, buồn bã trước những vấn đề gặp phải trong công việc, cuộc sống hoặc gia đình thường ngày. Nếu như tâm trạng đó kéo dài ngày qua ngày, con người sẽ khó vượt qua được bóng ma tâm lý mang tên trầm cảm do chính mình tạo ra.


DẤU HIỆU CỦA BỆNH TRẦM CẢM

- Không có hứng thú với cuộc sống, cảm thấy cô đơn và trống rỗng, ngại giao tiếp với người khác.

- Cảm thấy nặng nề, mệt mỏi với công việc và cuộc sống. Đầu óc không thể tập trung vào việc gì.

- Sang chấn tâm lý, những cú sốc tinh thần như mất người thân, áp lực công việc, bất hòa với mọi người xung quanh.

- Học sinh, sinh viên quá nhiều bài vở, hẫng hụt, xuống sức học rồi đuối dần.

- Người lớn tuổi biểu hiện phiền muộn đau đớn, chậm chạp, ít nói, quên lẫn, dễ lầm với bệnh già.

- Thức khuya, dậy sớm, khó ngủ có dấu hiệu nhức đầu, nhức mỏi, hồi hộp ép ngực… uống thuốc mà không hết.

- Bi quan, thường xem mình có lỗi với gia đình, thua thiệt và không bằng người khác, tự nghĩ mình vô dụng, không đáng sống và nghiêm trọng có thể dẫn đến ý định tự tử, hoặc cố tìm cách tự tử.

AI CŨNG LÀ ĐỐI TƯỢNG CỦA BỆNH TRẦM CẢM


Những ngày vừa qua, dư luận không khỏi đau lòng trước sự việc nam ca sĩ, nhạc sĩ người Hàn Quốc Kim Jong Hyun tự tử vì trầm cảm suốt 10 năm qua. Cách đó không lâu, thủ lĩnh nhóm nhạc Linkin Park là Chester Bennington cũng đã từ giã cõi đời vì chứng trầm cảm nặng. Và còn rất nhiều người đã tự sát vì trầm cảm.

Nguyên nhân có thể đến từ những cú sốc tinh thần, sự thay đổi bất ngờ trong cuộc sống, nhưng phổ biến nhất chính là do áp lực công việc, áp lực cuộc sống tích tụ từ ngày này qua ngày khác. Trầm cảm giờ đây không chỉ còn giới hạn ở những người nổi tiếng nữa, nó đang ngày càng lan rộng bởi bản thân nhiều bạn trẻ cũng gặp rất nhiều vấn đề trong cuộc sống nhưng lại ngại chia sẻ, không được ai đó giúp đỡ.

Có thể nói, trầm cảm là một trong những căn bệnh tâm lý phổ biến nhất trên thế giới. Một thực tế mà không phải ai cũng biết là gần 80% dân số thế giới đều sẽ mắc phải chứng trầm cảm vào một thời điểm nào đó của cuộc đời. Trầm cảm có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng nghiêm trọng với giới trẻ.

Ngày càng có nhiều người trẻ vướng phải căn bệnh tâm lý cực kỳ đáng sợ này và con số ấy đang ngày càng gia tăng theo từng năm. Theo số liệu từ trang suicide.org, số lượng người trẻ tự tử đang gia tăng đến chóng mặt.

- Cứ 100 phút lại có một người trẻ tự sát.

- Tự tử đứng thứ 3 trong số nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong độ tuổi 15 -26.

- 20% trẻ tuổi teen trầm cảm trước khi đến tuổi trưởng thành.

- 10 – 15% trường hợp trầm cảm thể hiện nhiều hơn một triệu chứng.

- Chỉ 30% những ca trầm cảm được chữa trị.

Có rất nhiều lý do khiến số lượng người trẻ mắc phải căn bệnh trầm cảm đến mức báo động như tác động từ gia đình, gien di truyền… nhưng nguyên nhân chính là do cuộc sống. Xã hội phát triển, người trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều thông tin, vô tình việc này tạo ra áp lực, khiến họ muốn làm mọi thứ vượt quá khả năng của mình. Chính vì không thể chạm tới những chuẩn mực ấy mà họ đã nghĩ theo hướng tiêu cực dẫn đến cảm giác lạc lõng, thất vọng về bản thân dẫn đến trầm cảm.

Đối với những người đã trưởng thành thì nguy cơ trầm cảm bủa vây họ còn lớn hơn gấp nhiều lần. Công việc không ổn định, bất mãn và cạnh tranh trong công việc, cuộc sống không như ý, áp lực từ phía gia đình đôi khi tạo ra địa ngục tâm lý khiến cho tâm lý con người không thể đứng vững được.

Quả thực trầm cảm không chừa bất cứ một đối tượng nào cả. Theo báo cáo tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. HCM), tỉ lệ bệnh nhân có dấu hiệu trầm cảm sau sinh khoảng 13%, trong đó có 5,3% trầm cảm thực sự. Trầm cảm sau sinh là một dạng của bệnh trầm cảm ảnh hưởng chủ yếu đến phụ nữ và một số ít nam giới sau khi đứa con sinh ra.

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ, đặc biệt là sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ, tuy vậy đáng mừng là bệnh này đáp ứng tốt với điều trị. Ngoài ra ở những thời điểm đặc biệt khác của cuộc đời, phái nữ cũng có nguy cơ cao như trầm cảm trong giai đoạn tiền kinh nguyệt, rối loạn khí sắc liên quan đến thời kì mãn kinh.

ĐỐI PHÓ VỚI BỆNH TRẦM CẢM


Căn bệnh trầm cảm gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần con người, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến hành vi tự tử. Vì thế, việc phát hiện và điều trị kịp thời là vô cùng cần thiết. Trong khi đó, các dấu hiệu của trầm cảm lại rất dễ bị bỏ qua vì rất giống với stress thông thường.

Khi gặp một người có dấu hiệu của trầm cảm, việc giúp đỡ họ là điều cần thiết. Trầm cảm là một căn bệnh có thể chữa được nhưng cần phải làm càng sớm càng tốt. Việc trầm cảm càng nặng, việc hồi phục càng tốn thời gian, bạn có thể cần đến sự trợ giúp của các bác sĩ tâm lý.

Khi nghi ngờ hoặc biết người thân hay bạn bè mắc bệnh trầm cảm, bạn nói chuyện với họ một cách thẳng thắn và chân thành. Cần lựa chọn từ ngữ sao cho người bệnh cảm nhận được sự quan tâm đúng mực, được quan tâm, được lắng nghe, được ủng hộ, được tôn trọng. Người trầm cảm thường có xu hướng tự cô lập mình, do đó cần kiên trì và nhẫn nại động viên họ chia sẻ cảm xúc của mình.

Vậy nên, bạn có thể trợ giúp những người mắc bệnh trầm cảm bằng cách động viên người trầm cảm chia sẻ những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống khiến cho họ có thể tin tưởng bạn. Bạn có thể nhờ cậy thêm sự trợ giúp của gia đình, bạn bè xung quanh và đừng cố gắng làm tất cả mọi thứ một mình. Bên cạnh đó, thường xuyên lắng nghe, thấu hiểu, không chỉ trích và đánh giá về quá khứ của họ. Bản thân những người đang phải chăm sóc cho người thân bị trầm cảm cũng cần được hỗ trợ.


Với những thông tin trên, chúng tôi hy vọng phần nào giúp những người có dấu hiệu trầm cảm nhận biết căn bệnh của bệnh để hiểu hơn về bệnh tình của mình để kịp thời điều trị. Bên cạnh đó, những người đang phải chống chọi với trầm cảm cảm thấy không quá cô đơn trong hành trình địa ngục tâm lý.

PHAN HỒNG

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.