Có được vị trí ngay trung tâm, diện tích lớn, giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhiều khu đất tại TP Hồ Chí Minh được người dân ví là đất “vàng” nhưng trải qua hàng chục năm nay vẫn chỉ là những khu đất bị bỏ hoang hoặc để làm bãi gửi xe. Số phận “long đong” của những khu đất “vàng” kéo dài đến bao giờ thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời (?).


Kỳ 1: Những “đại” dự án hoang hóa

Dự án Tháp SJC vẫn chỉ là… khu đất trống

Ngày 2-2-2004, UBND thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận về chủ trương giao Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) tiến hành thực hiện dự án (DA) đầu tư khu tứ giác Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, quận 1, với yêu cầu: “SJC phải cam kết bằng văn bản tiến hành xây dựng DA Cao ốc SJC với kế hoạch cụ thể, khả thi về tiến độ, thời gian thực hiện; nếu để chậm trễ, kéo dài thành phố sẽ thực hiện thu hồi. Đơn vị cần triển khai khẩn trương, có kết quả và phối hợp UBND quận 1 lập phương án bồi thường di dời, tái định cư để giải quyết mặt bằng triển khai được trọn ô phố (phương án cụ thể, khả thi về di dời các hộ dân); đồng thời cần thuê tư vấn nước ngoài về kiến trúc để thực hiện DA Cao ốc SJC đạt tầm công trình đẹp, quy mô hiện đại tại trung tâm thành phố”.

Xét đề nghị số 506/CV-Cty của Công ty SJC và ý kiến đề xuất của Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH&KT) tại Văn bản số 3336/QHKT-KT, UBND thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 7714/UB-TM ngày 25-12-2004: “Đồng ý về chủ trương giao Công ty SJC làm chủ đầu tư cao ốc Văn phòng - Thương mại - Căn hộ tại địa điểm của Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC theo đề xuất của Sở QH&KT; Công ty SJC được phép bàn, trao đổi với các đối tác trong và ngoài nước về hợp tác đầu tư xây dựng DA này và báo cáo Thường trực UBND thành phố xem xét, quyết định”.

Đến ngày 1-3-2005, Văn phòng HĐND và UBND thành phố Hồ Chí Minh có Thông báo số 551/TB-VB truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh về DA cao ốc Tháp SJC của Công ty SJC: “Chấp thuận chủ trương đầu tư cao ốc SJC với diện tích là 3.805 m² được giới hạn bởi các tuyến đường Lê Lợi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực, quận 1, chức năng của DA là làm văn phòng, căn hộ cho thuê, khách sạn và trung tâm thương mại. Chấp nhận chiều cao tối đa của công trình không quá 175 mét, có sáu tầng ngầm để xe, hạn chế quảng cáo điện tử, tăng diện tích nhà ở, yêu cầu thiết kế phải bảo đảm tính mỹ thuật cao, mang tính văn hóa hiện đại; giao cho Công ty SJC hoàn chỉnh DA, tổ chức mời các chuyên gia quy hoạch kiến trúc phản biện để lựa chọn phương án thiết kế phù hợp”.

Về tiến độ thực hiện DA, theo chỉ đạo của UBND thành phố Hồ Chí Minh ngày 17-8-2007: Thống nhất nội dung chức năng về số lượng căn hộ được quy hoạch trong DA Tháp SJC là 150 căn hộ, trong đó bao gồm 50 căn hộ phục vụ tái định cư tại chỗ và 100 căn hộ cho thuê theo đề xuất tại Công văn số 269/UBND-QLĐT ngày 31-1-2007 của UBND quận 1 và Công văn số 757/SQHKT-QHKT ngày 15-3-2007 của Sở QH&KT. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hướng dẫn Công ty SJC thủ tục cấp phép đầu tư DA theo quy định hiện hành, thời gian trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo này.

Tuy nhiên, Sở KH&ĐT đã không thực hiện đúng chỉ đạo nêu trên mà có Tờ trình số 7266/TTr-SKHĐT ngày 12-11-2007 và dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) trình UBND thành phố xem xét, cấp GCNĐT cho Công ty CP Sài Gòn Kim Cương (đơn vị được thành lập do SJC và ba cổ đông khác được thành lập mới tại GCNĐT số 41121000051 do UBND thành phố Hồ Chí Minh cấp cùng ngày 12-11-2007) làm chủ đầu tư DA Tháp SJC, quận 1 (?).

Theo GCNĐT số 41121000051, tổng thời gian hoàn thành xây dựng DA: không chậm hơn bốn năm kể từ ngày được cấp GCNĐT; DA sau 12 tháng kể từ ngày được cấp GCNĐT mà không được triển khai hoặc DA chậm tiến độ quá 12 tháng so tiến độ mà thực hiện DA quy định tại GCNĐT này thì cơ quan cấp GCNĐT có quyền quyết định chấm dứt hoạt động của DA, trừ trường hợp được tạm ngưng hoặc giãn tiến độ thực hiện DA theo quy định.

Đến nay đã gần 11 năm kể từ khi GCNĐT được cấp nhưng diện tích đất để thực hiện DA Tháp SJC vẫn là một khu đất trống. Khu đất có thời điểm được đưa vào hoạt động kinh doanh làm bãi đậu xe nhưng giờ đã được quây kín bằng hàng rào tôn.

Long đong phận đất “vàng”

"Khu đất vàng" số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TP.HCM) nhìn từ trên cao. Ảnh: HOÀNG GIANG
Tại khu vực quận 1, chỉ cần đi vòng quanh một lượt cũng dễ dàng nhận biết được hàng chục khu đất “vàng” với vị trí đắc địa, có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng vẫn bỏ hoang, làm bãi đậu xe... như khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng với bốn mặt tiền Hai Bà Trưng - Công Trường Mê Linh - Thi Sách - Đông Du, có diện tích 6.000 m². Theo kế hoạch, nơi đây sẽ được xây dựng thành DA tổ hợp căn hộ, thương mại, văn phòng nhưng sau nhiều năm nó vẫn đang là bãi đất trống, một phần được trưng dụng làm bãi giữ xe máy.

Hay khu đất DA BIDV Tower có vị trí đắc địa tại số 117 - 119 phố đi bộ Nguyễn Huệ, diện tích khoảng 2.712 m², được phê duyệt xây dựng DA BIDV Tower do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm chủ đầu tư, giờ toàn bộ khu đất dùng làm bãi giữ xe; Khu đất ngã tư Nguyễn Đình Chiểu - Nguyễn Bỉnh Khiêm, vào năm 2004 được UBND thành phố Hồ Chí Minh giao cho Công ty Phát triển nhà quận 1 làm chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở, văn phòng cho thuê. Sau nhiều lần hợp tác không thành thì đến nay vẫn đang là bãi đất trống.

Đặc biệt, một khu đất “vàng” trong thời gian vừa qua mang rất nhiều “tai tiếng” nhưng cũng không kém phận “long đong” là DA đầu tư xây dựng khách sạn cao cấp, thương mại, dịch vụ, căn hộ cho thuê tại số 8-12 Lê Duẩn, quận 1, có tổng diện tích đất hơn 4.896 m². Trước năm 1975, khu đất này thuộc tài sản của Công ty Esso Eastern, INC và Công ty Shell. Sau khi được chuyển đổi cho nhiều đơn vị, bộ ngành sử dụng, đến năm 1994 UBND thành phố Hồ Chí Minh đã cho xác lập quyền sở hữu nhà nước và giao cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố tiếp tục quản lý và ký hợp đồng cho thuê nhà, đất với bốn đơn vị trực thuộc Bộ Công thương là Công ty CP Hóa chất Vật liệu điện thành phố, Công ty CP Kim khí thành phố, Công ty Thiết bị phụ tùng Sài Gòn và Công ty CP vận tải xăng dầu VITACO.

Thực hiện phương án sắp xếp các mặt bằng nhà, đất, năm 2007 UBND thành phố Hồ Chí Minh có chủ trương xây dựng khách sạn tiêu chuẩn năm sao và có một phần trung tâm thương mại tại khu đất 8-12 Lê Duẩn; giao Công ty TNHH Một thành viên Quản lý kinh doanh nhà thành phố thu hồi và quản lý mặt bằng trong thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng DA, giao Sở KH&ĐT thành phố chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành các bước đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư. Tuy nhiên, theo đề nghị của Bộ Công thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương, phương thức đầu tư, tháng 10-2010 UBND thành phố Hồ Chí Minh đã đồng ý về phương án thành lập Công ty CP để thực hiện DA trên. Theo đó, Công ty CP được thành lập và Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Kinh doanh nhà thành phố giữ tỷ lệ vốn góp là 50%, 50% còn lại do bốn công ty thuộc Bộ Công thương (mỗi công ty góp 12,5%).

Thực tế, trước đó, ngày 6-8-2010, Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm có văn bản gửi Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố đề nghị được hợp tác đầu tư thực hiện DA. Trên cơ sở đề nghị đó, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận để Công ty TNHH MTV Hoa Tháng Năm tham gia hợp tác 30/50% vốn góp của Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố. Cùng thời điểm trên, ngày 20-8-2010, bốn công ty thuộc Bộ Công thương (sau này là cổ đông sáng lập Công ty CP Đầu tư Lavenue) đã ký thỏa thuận với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) đồng ý chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển DA. Đến ngày 29-10-2010 đã chính thức ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty CP Đầu tư Lavenue cho Công ty Kido.

Do đó, tổng vốn góp tại Công ty CP Đầu tư Lavenue là 775 tỷ đồng, với tỷ lệ vốn góp Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP Hồ Chí Minh chiếm 20%, Công ty Kido chiếm 50% và Công ty Hoa Tháng Năm chiếm 30%. Tuy vậy, đến thời điểm này DA vẫn chưa được thực hiện và toàn bộ 4.896 m² đất “vàng” tại số 8-12 Lê Duẩn vẫn đang được sử dụng làm bãi giữ xe.

Theo báo Nhân Dân 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.