Nhà bạn tôi ở sát bên cầu Công Lý, bên này là quận Phú Nhuận, ngó qua bên kia đường là quận Ba. Bạn chụp những con đường về khuya, nhìn từ trên cao, không một bóng người, chỉ lấp loáng mấy ánh đèn cứu thương qua lại giữa phố xá ủ vàng, rồi bật lên “sao nhớ Sài Gòn quá đi”.

Tôi không nói nhớ. Nhưng im lặng lôi ra hết những hình ảnh, âm thanh quen thuộc được cất kỹ, như thể muốn đè lên tiếng còi nối đuôi nhau mỗi ngày hay những bọc thi thể người được ai đó quay chấp chới như để ghi lại bằng cớ cái phút giây hiện diện sau cùng.

Cả những “chương, hồi” đang giễu qua cái sân khấu vốn được dựng lên trên mớ phức cảm quái gở, dị thường.

Không nổi.

Tận cùng của tang thương lẫn xấu xí, đều khiến tôi câm nín.

Ngay cả hình ảnh đón nhận, trang nghiêm quy tập tro cốt những người đã ra đi vì dịch bệnh, chưa/không có người thân tiếp nhận để đưa về một nơi chốn, lập bàn thờ hương khói; đó là một hành xử phải đạo, đúng đắn. 

Và tôi hồi hướng về những linh hồn không quen biết, cho dù chỉ là trước màn hình. Vậy thôi.

Còn nhìn nhận hơn thế, chịu.

Bất kể là thiên tai, địch họa hay dịch bệnh lan tràn, một khi để dẫn đến tử vong, tử vong số đông, đã là một sự mất mát khủng khiếp và là một “thất bại” đau đớn của con người.

Vậy mà từ đây, để nhìn ra, cố gắng nhận lấy những bài học tang thương ấy mà tỉnh táo hơn lên, khôn ngoan ra giùm, vẫn chưa, vẫn không.

Tự dưng, nhìn hàng người ở Hà Nội, rồi nào mớ giấy “xét nghiệm đi đường”, tưởng như chuyện ở Gò Vấp, Phú Thọ, Bình Điền hôm qua. Sài Gòn, trong cái chất “đi trước”, cả… ăn chửi cũng không chịu “về sau”. Sài Gòn, trong muôn ngàn cái thiệt thòi, cả con số vaccine trù liệu, cũng vênh và thiếu hụt, sức người thì đang kiệt…

Tự dưng, nhớ một người Sài Gòn vừa mới nằm xuống, sách ông có chép lại chuyện năm 1929, Sài Gòn thiếu nhà thương trầm trọng. Đến nổi, trên Phụ Nữ Tân Văn đã phải thốt lên tiếng kêu than : “Than ôi, thành phố Sài Gòn này lớn vào hạng nhất nhì ở Viễn Đông… vậy mà không có một cái nhà thương phổ thông cho bọn trung lưu trở xuống…”. (số 18, tháng 8/1929).

Tờ báo nữ giới này cũng vạch trần “thành phố nói không có tiền. Tiền xài chuyện vô lối thì có, còn xài sự lợi ích chung thì lại rằng không?…Món gì cũng phải có thuế mà dân sự muốn dùng món gì cũng không có, đi đường muốn tiểu cũng không có chỗ, khi sinh sản không có chỗ sanh, khi bệnh hoạn muốn dưỡng cũng không có chỗ dưỡng. Ôi thôi…” (số tháng 12/1929) - trích dẫn từ Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ - tạp bút của Lê Văn Nghĩa.

Đó là chuyện của Sài Gòn gần 100 năm trước.

Sài Gòn hôm nay, nhà thương dựng lên khắp các cửa ngõ. Chỉ có điều, lúc này, tại đây, người Sài Gòn “từ chết tới bị thương” đang đầy rẫy…

Ngó về Bình Dương, thương thôi không đủ, sợ là không kịp.

Lê Huyền Ái Mỹ 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.