Phim truyền hình Nhật Bản (hay được gọi là drama) với sự phát triển lâu đời đã làm nên kho tàng lịch sử dồi dào và bền vững trong lòng khán giả hâm mộ.

Khán giả xem phim Nhật không chỉ để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của xứ sở hoa anh đào mà còn là để hiểu thêm về văn hóa, đời sống của dân tộc này. Hay nói cách khác, xem phim để phần nào nhìn thấy xã hội nước Nhật, những triết lí cuộc sống ẩn chứa trong đó.

SÔI ĐỘNG MỘT DÒNG PHIM DRAMA

Phim truyền hình Nhật Bản, được phát sóng trong ba tháng theo bốn mùa trong năm: mùa đông (từ tháng Một đến tháng Ba), mùa xuân (từ tháng Tư đến tháng Sáu), mùa hạ (từ tháng Bảy đến tháng Chín) và mùa thu (từ tháng Mười đến tháng Mười Hai).

Có nhiều bộ phim được lên sóng truyền hình các ngày trong tuần vào 9 giờ, 10 giờ hoặc 11 giờ tối. Drama còn được chiếu vào buổi sáng hoặc buổi chiều hàng ngày và các tập có thể được chiếu mỗi ngày trong vài tháng. Các bộ phim truyền hình khung giờ tối được phát sóng hàng tuần và thường có độ dài 10 đến 14 tập một giờ.

Dòng phim Drama Nhật đa dạng về thể loại từ học đường, tình cảm gia đình đến tâm lí xã hội, trinh thám, hành động xen vào đó là các tình huống, cốt truyện đa dạng và linh hoạt trong cách giải quyết vấn đề.

CÂU CHUYỆN GIA ĐÌNH THƯỜNG ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG PHIM DRAMA

Dear Sister (Dia Shisuta)


Drama Nhật thường đề cập đến những câu chuyện xoay quanh gia đình. Điển hình nhất có thể thấy đó là bộ phim Dear Sister.

Bộ phim này kể câu chuyện cảm động về tình cảm gia đình và tình yêu đôi lứa. Hai nhân chính là Fukasawa Misaki (Ishihara Satomi) và Fukasawa Hazuki (Matsushita Nao) là hai chị em ruột. Cô chị Hazuki tính tình cầu toàn, giỏi mọi mặt nhưng giao tiếp kém, ngược lại cô em Misaki học không giỏi nhưng hòa đồng đáng yêu nên luôn được mọi người yêu quý.

Sau mấy năm bỏ nhà ra đi, Misaki đột ngột trở về định cư tại nhà Hazuki, làm cho cuộc sống thường ngày của Hazuki bị đảo lộn hoàn toàn. Misaki đã lập một danh sách “Mười điều phải làm trước khi chết” để giúp chị cô thoát khỏi viễn cảnh thất vọng vì không thể sống một cuộc đời đúng nghĩa.

Bằng những trò phá hoại và sự thông minh tưởng chừng như gian ác, Misaki đã hoàn thành từng điều một trong danh sách. Đó là làm Hazuki chia tay tên hôn phu phản bội, khiến Hazuki phải nghỉ việc ở cơ quan, giúp Hazuki theo đuổi công việc thiết kế những chiếc váy cưới lộng lẫy, hòa giải xung đột giữa Mẹ và Hazuki, giúp Hazuki tìm thấy người đàn ông yêu cô thật lòng… Misaki quả là đứa em gái dễ thương hơn là dễ ghét.

Thế nhưng, Misaki đang giấu nhiều bí mật. Misaki bị bệnh hiểm nghèo, bản thân cô còn đang mang thai và có thể chết khi sinh con. Không vì nghịch cảnh bản thân mà Misaki trở nên ích kỷ, cô luôn yêu thương và làm tất cả vì chị gái Hazuki. Bộ phim đề cao tình cảm khăng khít giữa các thành viên trong gia đình, nhất là tình chị em, mẹ và con gái.

Suna no Tou


Một bộ phim khác là Suna no Tou (Tháp Cát) rất được khán giả trẻ Nhật yêu thích. Cũng mang bối cảnh gia đình Nhật Bản, Aki Takano (Miho Kanno đóng) là một người nội trợ có cuộc sống bình thường và vui vẻ với người chồng và hai đứa con nhỏ. Mở đầu bộ phim, gia đình họ chuyển nhà tới một tòa chung cư cao cấp hơn những gì họ hằng mong muốn.
  
Tại đây, Aki Takano gặp gỡ những người hàng xóm luôn đấu đá nhau. Họ làm mọi cách cô lập Aki và khiến gia đình cô tan vỡ. Trong lúc ấy, có một câu chuyện khác xảy ra song song với chuyện nhà Aki, vụ bắt cóc trẻ em hàng loạt Hamelin. Tính nghệ thuật và chất nhân văn của kẻ bắt cóc ở chỗ tại hiện trường vụ án, hắn luôn để lại một cành hoa cẩm chướng vàng.

Hai câu chuyện tưởng chừng không liên quan nhưng lại có nối liên kết với nhau chặt chẽ gỡ dần những nút thắt bí ẩn của quá khứ bạo tàn. Bộ phim đề cập đến vấn đề bạo lực gia đình, từ nguyên nhân đến kết quả là tạo ra những con người luôn mang tâm hồn tổn thương và đầy mặc cảm về gia đình đã sinh ra và nuôi nấng họ.

Ngoài ra, bộ phim còn nhắc nhở chúng ta hãy biết trân trọng những người thân trong gia đình bằng tất cả tình yêu thương.

Kahogo no Kahoko (tạm dịch là Kahoko – Cô Nàng Thơ Ngây)


Bộ phim kể về một sinh viên Đại học tên là Nemoto Kahoko vô cùng ngây thơ. Kahoko là đứa con “trứng mỏng” được bảo vệ quá mức trong xã hội Nhật Bản hiện này.

Lớn lên trong sự đùm bọc và nuông chiều của cha mẹ, Kahoko đã trở thành một thanh niên nai tơ kỳ tích. Cô đã 21 tuổi và đang trong quá trình tìm việc làm nhưng cô chưa bao giờ ngủ đêm ở bên ngoài, chưa từng đi làm thêm, hay làm việc nhà hoặc tự lái xe một mình và cô cũng chưa từng tự lựa chọn quần áo mà luôn phải nhờ cậy đến mẹ Izumi.

Mẹ cũng là người bạn thân gần gũi nhất của Kahoko từ nhỏ đến giờ và người cha không thể sống thiếu sự đáng yêu của cô. Và một ngày kia, cuộc đời Kahoko thay đổi hoàn toàn khi gặp chàng thanh niên Hajime Mugino, lớn lên trong một môi trường hoàn toàn trái ngược. Khi đó, cô cảm thấy mình thật sự khác với mọi người.

Bộ phim là quá trình trưởng thành của cô ếch con với mong muốn thoát khỏi kiếp nòng nọc còn đuôi. Thế nhưng, khi Hahoko thay đổi, mọi người trong gia đình cô bắt đầu lo lắng và khủng hoảng. Đó cũng là lúc mọi người xung quanh nhận thấy sức mạnh tiềm ẩn nỗ lực trưởng thành của Kahoko.

Bộ phim là bài học cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về phương pháp giáo dục con cái. Nếu một cá nhân luôn được bao bọc và chịu sự bảo vệ chặt chẽ của gia đình thì rất khó hòa nhập hay thích nghi với xã hội bên ngoài.

VẤN NẠN HỌC ĐƯỜNG - DRAMA RA TAY LÝ GIẢI


Nếu những ai đã coi bộ phim 35-sai no Kokosei (Nữ Sinh Trung Học 35 Tuổi), thì sẽ thấy mảng đề tài này quả thật đã được các đạo diễn Nhật Bản chú ý, lý giải và đề xuất cách ứng xử tốt cho giới trẻ học đường.  

Bộ phim này nói về vấn nạn bạo lực học đường, thực trạng luôn tồn tại không dừng trong trường học Nhật Bản. Vào học kì mới tháng Tư, một phụ nữ tên là Baba Ayako xuất hiện và nhập học vào lớp năm ba của trường Trung học.

Mọi người đều muốn biết cô ấy là ai và đến ngôi trường này với mục đích gì. Người phụ nữ chỉ đáp rằng cô muốn trở thành học sinh Trung học.

Tưởng chừng, cô ấy cư xử như một người phụ nữ bình thường trong bộ đồng phục học sinh, đối diện với bài tập về nhà và những tiết học trên lớp như bao học sinh Trung học bình thường khác, thế nhưng, cô ấy thực sự khác biệt.

Cô ấy đến trường trong một chiếc xe mắc tiền. Trong giờ nghỉ trưa, cô ấy hút thuốc lá trong phòng hút thuốc của giáo viên. Sau giờ học, cô ấy uống rượu ở quán bar. Cô quả thật rất kì lạ.
Cô ấy còn ra tay giải quyết vấn nạn bạo lực học đường đang xảy ra trong lớp học.

Điểm bất ngờ và đắng lòng của bộ phim khi đặt tình huống về hệ thống phân chia thứ bậc trong trường học trên trang web bí ẩn được tạo ra bởi một kẻ ẩn danh nào đó. Những học sinh xếp thứ hạng cao sẽ có cuộc sống bình yên, sáng sủng như ông hoàng. Còn những học sinh xui xẻo xếp hạng chót thì bị bắt nạt đến mức dồn ép đến con đường tự kết liễu mạng sống.

Thế giới tuổi thiếu niên xảy ra trong xã hội học đường nhỏ bé, nhưng lại mang hình dáng của xã hội rộng lớn ngoài kia. Môi trường học đường, nơi tình bạn bị thử thách, nơi không có những chuyện tình gà bông, nơi tồn tại luật rừng tàn nhẫn, và cũng là nơi những thiếu niên trẻ tuổi gánh chịu nhiều áp lực về tinh thần cũng như thể chất.

Xuyên suốt bộ phim với bao câu hỏi đặt ra, ai là người tạo ra hệ thống phân cấp học đường? Đó có phải là những người đứng đầu bảng xếp hạng, hay chính họ cũng chỉ là những con rối bị điều khiển bởi kẻ ẩn danh nào đó? Ayako thực sự là ai? Cô đến trường Trung học này với mục đích gì? Và liệu Ayako có thể giải quyết những vấn đề tồn tại trong trường học không?... Tất cả khuất mắt sẽ được giải đáp trong 11 tập phim.

CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG LUÔN LÀ CHỦ ĐỀ BẤT HỦ TRONG DÒNG PHIM NHẬT


Bộ phim cuối cùng bài viết xin giới thiệu là Quartet (Tứ bộ khúc).

Maki Maki, Suzume Sebuki, Yutaka Iemori và Tsukasa Beppu tình cờ gặp nhau tại quán Karaoke. Sau cuộc trò chuyện, họ cảm thấy hòa hợp nên quyết định thành lập nhóm tứ tấu đàn dây. Họ chuyển về sống cùng nhau tại biệt thự của ông nội Beppu ở Karuizawa trong suốt mùa đông. 

Maki Maki là vĩ cẩm trưởng (violin) của nhóm tứ tấu. Chị chỉ tới Karuizawa vào cuối tuần. Chị đã kết hôn nhưng không hiểu tại sao một ngày kia chồng chị đột nhiên mất tích. Con người  Maki hơi tiêu cực và ngại đưa ra ý kiến cá nhân.

Suzume chơi trung hồ cầm (cello), là một cô gái trẻ lạc quan và ngây thơ nhưng cô lại rất người lớn và mang nhiều bí mật.

Iemori chơi đề cầm (viola), chưa có công việc ổn định, tưởng chừng tự do, phóng khoáng nhưng anh lại người nguyên tắc và cầu toàn nhất trong cả nhóm.

Beppu cũng chơi vĩ cầm. Anh sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc và hiện đang làm việc tại công ty bánh rán Donut. Anh thầm thương trộm nhớ Maki.

Nhóm tứ tấu của họ có tên là Doughnuts Hole, có nghĩa là không có cái gì trên đời này hoàn hảo, kể cả âm nhạc và những người chơi nhạc cụ. Hoàn cảnh của từng nhân vật và những câu chuyện khác đan xen được hé lộ qua từng tập phim.

Qua bộ phim, điều ấn tượng nhất luôn văng vẳng bên tai khán giả là câu hát của Maki: “Cuộc đời là có ba con dốc. Con dốc thứ nhất là dốc lên. Dốc thứ hai là dốc xuống. Và dốc thứ ba là con dốc bất ngờ”. Cuộc đời ta đang sống không thể nói trước điều gì, vậy nên cứ ước mơ và thực hiện nó, bằng cách này hay cách khác hãy luôn cố gắng hết mình cho dù biết chắc chẳng có thứ gì trên đời gọi là hoàn hảo cả.

VÌ SAO KHÁN GIẢ TÌM ĐẾN DRAMA NHẬT?

Những vấn đề xã hội Nhật Bản đang đối diện là chất liệu tốt để các nhà làm phim đất nước này khai thác triệt để.

Có thể kể đến là sự già hóa dân số, hiện tượng kết hôn muộn, nạn tự tử, hikikomori (là hiện tượng những người tự giam mình trong căn phòng đơn lẻ và từ chối tham gia vào đời sống xã hội và gia đình trong thời gian dài hơn sáu tháng, chỉ liên hệ duy nhất với người thân trong gia đình)...

Ngoài ra, drama thường miêu tả những góc khuất bên trong con người bằng cách đào sâu tâm lý nhân vật. Cho nên, khán giả có thể tự bắt gặp chính mình trong phim.

Các nhân vật phụ cũng được đầu tư từ tình huống, cốt truyện đến tính cách và họ có tác động đến nhân vật chính, làm cho chuyện phim trở nên đa sắc màu và trở thành nghệ thuật vì con người.

Phim truyền hình xứ sở hoa anh đào không mơ mộng, hào nhoáng và ăn khách như phim bộ Hàn Quốc và Trung Quốc. Bởi lẽ vậy, những bộ phim đất nước này sản xuất đều đi sâu vào lòng khán giả hâm mộ bằng chất liệu mỹ học rất riêng.

Điều đọng lại ở khán giả xem phim là cái chất bình dị dù trải qua bao sóng gió thăm trầm, chiều sâu hun hút của quá khứ, thế giới nội tâm đậm màu hiện thực và những bài học sâu sắc chiêm nghiệm cuộc đời giàu nhân văn. Bởi vậy mà drama Nhật luôn thu hút một lượng khán giả nhất định.


ANH DƯƠNG


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.