“Thành phố vượt vũ môn” tập bút ký của nhà văn Dương Trọng Dật: Nói “Yêu Saigon” - Nay ta yêu càng thêm sâu sắc

Một người chạy xe ôm, một người buôn thúng bán bưng… cuộc sống còn nghèo nhưng ai cũng nói yêu Saigon

Nhà văn Sơn Nam - như một nhà “Saigon học” thì bảo thành phố này được coi như một Quê hương với cả những người Sài gòn không phải là quê hương.

Saigon không biết buồn, không ngủ lại còn… hỗn loạn đáng yêu trong mắt người nước ngoài (yêu thì… cái dở cũng đỡ bực mình). Không kỳ thị, thân thiện chất phác vô tư…

Ai cũng thấy Saigon hiện đại, trong sự phát triển có lúc có cảm giác bề bộn của nó… Đó đều là cảm nhận đúng nhưng chỉ là vẻ bề ngoài.


Cuốn bút ký - của nhà văn Dương Trọng Dật, đã lý giải tình yêu Sài Gòn từ phía bên trong - một thành phố đang trên con đường vượt vũ môn để hóa rồng. Bỗng giật mình vì những con số thật, con người thật - những sự thuyết phục đầy cảm xúc, hoàn toàn không giống một bản nghiên cứu hay báo cáo ta vẫn nghe đầy trên truyền thông và trong các hoạt động ào ạt của cuộc sống sôi động vào bậc nhất của cả nước - Saigon - Tp Hồ Chí Minh.

“Thành phố vượt vũ môn” lý giải những thành công của quá trình đổi mới của thành phố Hồ Chí Minh. Đó là con đường đổi mới hợp quy luật bắt đầu từ trí tuệ nhân dân - là công cuộc đổi mới của dân, do dân và vì dân. Đó là nơi bắt đầu của những câu chuyện cổ tích “Vừng ơi! Mở ra” với những huyền thoại có thật trong đời thường. Chuyện cổ tích của Phố Đông bắt đầu từ vượt hầm Thủ Thiêm, điểm nối hai bờ Tây và Đông Saigon. “Giấc mơ đau đáu cả đời của những người dân ven sông, chỉ cách trung tâm hoa lệ 300 mét đường sông, mà bao năm khắc khoải nhìn về cái vùng sáng bồn chồn thương nhớ” để hình thành một phố Đông Saigon


Đó là câu chuyện anh Việt kiều Canada, David Phan Thành, khát vọng dựng lại hồn quê “Làng tôi” cực đẹp, nung nấu suốt từ những ngày tha hương. Đã có người tưởng như một ước vọng điên khùng, nhưng David Phan Thành đã biến một khu đầm lầy thành một khu làng quê điển hình tốn đến 7,8 triệu đô mà “không nhắm lời về kinh tế”. Đây không phải là một cuộc chơi mà là khái niệm độc đáo về hạnh phúc - đi tìm mô hình đô thị kiểu mới có sự cân bằng giữa truyền thống - hiện đại, hòa hợp con người - thiên nhiên.

Chỉ chưa đầy 200 trang sách, nhà văn Dương Trọng Dật đã dẫn ta đi qua những công trình lớn của thành phố: Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Metro Bến Thành - Suối Tiên, tòa tháp Bitexco 68 tầng như biểu tượng của phát triển của Việt Nam đổi mới, theo cách nói của một kiến trúc sư nước ngoài - với doanh nhân Vũ Quang Hội. Một kiến trúc sư nổi tiếng của Mỹ đã tìm ra bản sắc Việt từ hình dáng búp sen - đựơc CNN chọn vào Top 1 trong 25 tòa nhà biểu tượng của kiến trúc thế giới. Ông chủ Bitexco Vũ Quang Hội với triết lý sống: “Ai cũng đi một chuyến tàu cuộc đời và cũng xuống ga cuối cùng, nhưng cuối cùng anh đã để lại gì cho cuộc đời” - (Búp sen xanh).

“Nhiêu Lộc lại xanh” là khát khao cải thiện môi trường sống cho nhân dân của lãnh đạo thành phố bắt đầu từ nỗi đau khôn nguôi với cả triệu người nghèo sống bên dòng nước đen hôi hám. Quyết tâm của Thành phố: Đầu tư 1.600 tỷ đồng giải tỏa nhà ổ chuột của 7000 hộ dân. Toàn khu vực đã xây dựng 60 km cống các loại, xây dựng 16 km bờ kè bằng cừ bê tông, hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa dài hơn 15 km… Đó cũng là quyết tâm đầy nhân văn và vị nhân sinh của việc cải tạo kênh Bến Nghé - Tào Hủ, kênh Tân Hóa - Lò Gốm, kênh Tẻ - kênh Đôi…

Nhưng cuốn bút ký không chỉ dừng ở những công trình vĩ đại, các đại lộ… mà dẫn ta đi vào những vẻ đẹp bất ngờ: màu xanh mát vườn lan ở Xuân Thới Sơn với câu chuyện kỳ công mà tinh tế về chương trình phát triển hoa lan của tỷ phú xuất thân nông dân Trần văn Xê. Rồi vườn cò Long Thạnh Mỹ ở vùng bưng 6 xã với mô hình du lịch miệt vườn đặc sắc ở TPHCM. Sản phẩm gốm sứ mỹ thuật của người phụ nữ trí thức Kim Trúc làm ngạc nhiên người bạn Paris, “trở thành một thế lực mới trong ngành gốm sứ Việt Nam”.

Cuốn bút ký không làm ta mệt dù đọc nhiều con số. Bởi đó là những con số chắt lọc, có hồn, làm ta thêm yêu, yêu rất nhiều con người Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh. Những con người hào hiệp trượng nghĩa, dám làm, dám ước mơ. Những con người dám “xông lên đoạt trời” theo cách nói của Ph.Angghen


Đọc cuốn bút ký, nhiều người trong giới văn học - báo chí sẽ ngạc nhiên, “không ngờ Dương Trọng Dật biết… nhiều chuyện tỷ mỉ đến thế về Saigon”. Anh giữ nhiều cương vị trong Hội Nhà báo, Nhà văn, vốn là Tổng Biên tập của báo Sài Gòn Giải Phóng. Sau khi rời báo, anh về góp công xây dựng nhiều chương trình đào tạo cả mảng truyền thông - PR & nghệ thuật và xã hội nhân văn cho trường Đại học Văn Lang. Tưởng anh đã “ngồi một chỗ” công việc tĩnh tại, ít thời gian để đi. Vậy mà khi đọc tập bút ký, bạn bè mới ngạc nhiên thán phục, anh đã cho tình yêu Sài Gòn thêm nền tảng hiểu biết sâu rộng và cảm động, biết nó đã can đảm và đáng yêu trong những gian khó khi “vượt vũ môn “.

Cứ yêu Sài Gòn như ta đã yêu. Từ những quán cơm 2 ngàn đồng của nhiều nhà báo phục vụ, từ những thùng nước, bánh mỳ miễn phí và quần áo tự đem đến cho ai cần thì lấy, những chuyến xe cơm cháo miễn phí cho bệnh nhân, cho đến các em sinh viên trưng biển viết tay “Tụi con bán sữa” bên hè đường những ngày chống dịch…

Nhưng tập bút ký này góp phần cho tình yêu Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh sâu sắc hơn thật nhiều.

NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.