Sài Gòn được mệnh danh là thiên đường ẩm thực với
nhiều món ăn hấp dẫn, thú vị từ Bắc vào Nam, từ nước này qua nước khác. Không
những thế, Sài Gòn còn là thiên đường ăn vặt với những món ăn vặt đang làm khuấy
đảo cộng đồng giới trẻ hiện nay như xoài lắc, bánh mì nướng muối ớt, mì cay,
trái cây tô,…
“Sài Gòn chỉ ăn uống theo trào lưu” đó là câu nói
quen thuộc của giới trẻ hiện nay, vì không cần biết món ăn đó như thế nào, mùi
vị ra sao, ngon hay dở, chỉ cần một ngày facebook tràn ngập hình ảnh mọi người
đi ăn món ăn đó, nhà nhà đi ăn món ăn đó đăng ảnh lên trang cá nhân của mình là
giới trẻ ngay lập tức rủ bạn bè, người thân đi lùng sục địa điểm đó và ăn món
ăn đó cho bằng được, rồi chụp hình lại đăng lên trang cá nhân của mình, cứ thế
tạo thành một trào lưu hay cơn sốt về món ăn đó.
Khoảng 2 năm về trước, khi trà sữa trân châu đã được
nhiều người biết đến thì cơn sốt “trà chanh chém gió” bắt đầu lên ngôi. Khắp
các tuyến đường, vỉa hè Sài Gòn, đâu đâu cũng thấy “trà chanh chém gió”, vì loại
trà chanh cũng dễ uống và giá cả cũng hợp với túi tiền của mọi tầng lớp nên
trào lưu này cũng tồn tại một thời gian khá lâu. Trong thời gian này, bún đậu mắm
tôm cũng lăm le tung hoành, một món ăn của người miền bắc nhưng cũng được giới
trẻ Sài Gòn hưởng ứng nhiệt tình.
Vào khoảng đầu năm ngoái thì những món ăn của trào
lưu này đã dần dần lặng mất, thay vào đó là nhường chỗ cho cơn sốt mới của giới
trẻ như các món ăn của họ nhà “lắc”, mì cay, bánh tráng nướng muối ớt, trái cây
tô,…
Những tháng đầu năm những món ăn của họ nhà “lắc” đã
làm khuấy đảo thị trường, cha đẻ của món xoài lắc này là anh Hải, với chiếc xe
xoài lắc nằm ngay trên đường Đặng Văn Ngữ và khu vực bờ kè đường Trường Sa, cứ
thấy xe xoài lắc của anh Hải vừa tới con hẻm của đường này thì đã có hàng chục
người vây kín để mua xoài. Từ đó, mọi người bắt đầu truyền tai nhau, người thì
chụp hình đăng lên facebook, rồi món xoài lắc này bắt đầu lan rộng, mọi người rủ
nhau đi mua xoài lắc. Từ đó, các khu vực khác như quận 1, Bình Thạnh, Gò Vấp,
qua tới Bình Chánh, Bình Tân, đâu đâu cũng thấy có người bán xoài lắc.
Xoài lắc và những món ăn theo như cóc lắc, khoai
lang lắc,…bắt đầu nở rộ từ đó, nhưng thời gian gần đây những món ăn này đang bắt
đầu bão hòa, vì món ăn này dễ làm, giá thành lại rẻ nên rất nhiều người đổ ra
kinh doanh bán khắp nơi, và lượng người mua cũng ít dần. Dù bây giờ những món
ăn này còn bán nhưng không còn được ưa chuộng nhiều như trước nữa.
Sau món ăn xoài lắc không lâu là đến cơn sốt bánh mì
nướng muối ớt, cơn sốt này cũng không hề thua kém. Món ăn này có nguồn gốc từ
An Giang du nhập vào Sài Gòn vào giữa năm 2016 và bất ngờ nổi lên thành trào
lưu món ăn vặt đường phố “hot” của giới trẻ Sài Gòn. Bánh mì nướng muối ớt hầu
như có mặt khắp các đường phố của Sài Gòn, sở dĩ món này trở thành trào lưu là
vì món này lạ, được biến tấu theo nhiều kiểu khác nhau để hợp với khẩu vị của
người dân Sài Gòn.
Lúc ấy đi đến đâu cũng thấy bán bánh mì nướng muối ớt,
không những người lớn tuổi mà ngay cả những bạn trẻ cũng đua nhau đi bán món
này. Lúc mới ra tạo thành cơn sốt, nhiều người đã phải chen chúc nhau xếp thành
hàng dài để mua món này.
Cũng trong thời điểm này, trào lưu mì cay 7 cấp độ cũng
bắt đầu nở rộ. Thậm chí khi mới trở thành cơn sốt, món ăn này đã tạo thành một
trào lưu “check-in” khiến giới trẻ thích mê trên mạng xã hội. Điểm đặc biệt của
món ăn này là sự mới lạ trong hương vị và tạo cho giới trẻ sự tò mò muốn thử
thách bản thân mình. Từ lúc trào lưu mì cay nở rộ, hàng loạt quán với những cái
tên ăn theo thương hiệu Hàn Quốc như Sasin, Nasin, Naga,… nhanh chóng mọc lên ở
khắp đường phố Sài Gòn.
Cũng như các trào lưu ăn vặt trước, trào lưu mì cay
này cũng vậy, đã là trào lưu, cơn sốt, thì cũng đến lúc thoái trào và hết hot,
mặc dù lúc mới nở rộ, buôn bán có lời và lượng người ăn cũng đông nhưng những
ai kinh doanh theo phong trào nhất thời này cũng chỉ kiếm lời trong thời gian
ngắn chứ không thể lâu dài được, vì những trào lưu ăn vặt chủ yếu hầu hết nằm ở
giới trẻ nên cũng chính họ quyết định tất cả “độ hot” của món ăn và cũng vì sở
thích thất thường “sớm nắng chiều mưa” nên kéo theo sự lên xuống thất thường của
các trào lưu này.
Bên cạnh đó, tâm lý của giới trẻ thường thích cái mới,
muốn trải nghiệm thử 1 lần nên việc ăn uống theo trào lưu là điều rất dễ hiểu
và một khi có trào lưu ăn uống mới, hấp dẫn hơn thì tất nhiên những trào lưu cũ
sẽ không còn “hot” nữa. Do đó, những trào lưu ăn vặt này chỉ tồn tại được thời
gian ngắn và “nhường chỗ” cho những trào lưu ăn uống mới hơn.
Đăng nhận xét