Trong những ngày này Sài Gòn mưa liên tục, không khí ẩm ướt, nhưng khu vực trung tâm lúc nào cũng đông đặc, kẹt xe. Đông có lẽ không phải số lượng tăng nhiều so với trước mà là do nhiều tuyến đường vào trung tâm bị chặn, bị quay lại để xây dựng và sửa chữa. Nói không ngoa, khi vực trung tâm Sài Gòn bây giờ như một đại công trường xây dựng không hơn không kém.

Trở về thăm Sài Gòn, tôi lang thang qua nhưng nơi mình thường đến khi còn là sinh viên, để thử lại cảm xúc của mình bây giờ có còn rạo rực xao xuyến như xưa. Và thật bất ngờ, khi đến khu vực Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (hay còn gọi là Nhà thờ Đức Bà) là điểm tham quan không thể bỏ qua của các khách du lịch trong và ngoài nước khi đặt chân đến Sài Gòn, cũng là nơi tuổi thanh niên của chúng tôi gắn bó với nơi này với rất nhiều kỷ niệm, thấy nơi đây đang được quây lại để sửa chữa.
  

 Việc quây bao xung quanh được làm đẹp nên tránh vẻ nhếch nhác thường có ở những nơi đang là công trường. Đằng sau hàng rào, phần trên của Nhà thờ Đức Mẹ vẫn uy nghi và đẹp. Tò mò tìm hiểu, tôi được biết Nhà thờ này đang được trùng tu lần thứ 4 sau 140 năm hiện diện tại Sài Gòn, cũng là lần trùng tu lớn nhất từ trước tới nay.

Những thông tin trên mạng truyền thông cho biết, vào sáng 4/7/2017, Cha Linh mục Hồ Văn Xuân - Tổng đại diện Giáo phận Sài Gòn - cho biết Nhà thờ Đức Bà (Quận 1) chính thức khởi công trùng tu sau khi Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (Sở Giao thông Vận tải Tp.HCM) bàn giao mặt bằng. Thời gian dự kiến trùng tu khoảng 2 năm. Kế hoạch đại trùng tu lần này đã được chuẩn bị rất kỹ càng từ nhiều năm trước.

Nhiều người biết rằng, Nhà thờ Đức Bà đã xuống cấp nghiêm trọng trong những năm gần đây. Năm hạng mục chính sẽ được trùng tu bao gồm mái ngói nhà thờ, 2 chóp tháp chuông, sửa chữa tường trong và ngoài nhà thờ, các ô cửa kính màu, bộ chuông và còn nhiều hạng mục nhỏ khác cần được trùng tu. Mái ngói nhà thờ đã bị hư hỏng nặng, nhiều miếng ngói đã bị rơi rớt. Hai chóp tháp chuông được lắp bằng tôn kẽm giả màu trắng đã bị gỉ, nhiều mảng tôn đã bị bong tróc và rơi rớt. Phần gạch tường xung quanh nhà thờ đã bị mục. Đây là phần khó trùng tu nhất, thay thế những viên gạch sao cho không ảnh hưởng gì đến nhà thờ.


Tìm hiểu thông tin tôi được biết, nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 7/10/1877, có chiều dài 93m (305 ft), chiều rộng 35m (115 ft) và chiều cao 57m (187 ft) với tổng chi phí xây dựng 2.500.000 franc Pháp (tương đương 500.000 ngàn Yên thời bấy giờ), do Giám mục Colombert chủ trì và được xây dựng trong 3 năm. Đây là một kiến trúc đặc sắc do kiến trúc sư Jules Bourands (người Pháp) thiết kế theo phong cách kiến trúc Roman. Toàn bộ nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, ốc vít đến gạch ngói đều được mang từ Pháp sang. Lễ Phục sinh ngày 11/4/1880, nhà thờ chính thức được khánh thành do Giám mục Colombert tổ chức.

NHÀ THỜ ĐỨC BÀ SẼ ĐƯỢC SỬA CHỮA THẾ NÀO

Quả thật, việc nhà thờ Đức Bà xuống cấp thì là ai cũng thấy. Tuy nhiên, việc sửa như thế nào để vẫn giữ được nét cổ kính, không khác trước, trong điều kiện nhiều nguyên vật liệu chắc đến nay không còn được sản xuất.

Trước hết, nhà thờ này là một trong những nhà thời đầu tiên tại Việt Nam không xây tường rào. Tại đây, những viên gạch đỏ được xây trần không tô, sau bao nhiêu năm tuy có chỗ đã mục nhưng vẫn giữ màu đỏ như son. Được biết, trước đây khi xây gạch bên ngoài nhà thờ đã chọn xây bằng loại gạch đỏ đặt tại Marseille để trần, không tô trát, không bám bụi rêu, nhưng đến nay gạch đang bị mục.


Mái ngói ở đây cũng bị hư hỏng nặng, nhiều miếng ngói bị vỡ đã không có ngói thay thế. Đã vậy, toàn bộ nhà thờ có 56 ô cửa kính do hãng Lorin (tỉnh Chartres, Pháp) sản xuất, hiện nay nhiều cửa đã bị vỡ kính mà cũng không có kính thay.

Phía trong, bộ chuông 6 chiếc được lắp đặt và vận hành từ lúc nhà thờ được khánh thành và trên 6 chiếc chuông đều chạm khắc tên của kiến trúc sư thiết kế Jules Bourands (Pháp). Bộ chuông này được lắp đặt âm thanh phát ra từng bảng nhạc theo giờ của chiếc đồng hồ trước mặt tiền nhà thờ. Tuy nhiên năm 1978, hệ thống âm thanh này đã bị hư.

Theo kế hoạch trùng tu trong 2 năm, nhiều hạng mục đang phải làm nhanh nhưng cũng rất thận trọng để giữ nguyên vẻ đẹp của nhà thờ này. Chẳng hạn, việc thay mái ngói dự kiến tiến hành khoảng 1 năm, vì mất 2 tháng để dọn vệ sinh, kiểm tra mọi thứ bên trong và ngoài mái ngói, và lắp đặt dàn giáo. Mái ngói nhà thờ được đề nghị sửa chữa với số đo dài 91m, rộng 35m, cao 57.3m. Ngói mũi tên (ngói tây) được đặt từ hãng Monier (Pháp) để sử dụng cho phần mái trên. Ngói vảy cá và ngói âm dương đều được đặt từ hãng Meyer (Đức) để sử dụng cho phần mái dưới của nhà thờ. Ước lượng khoảng 50.000 ngàn viên ngói sẽ được thay thế.
Phần gạch tường xung quanh nhà thờ đã bị mục nên đây cũng là phần khó trùng tu nhất, cần thay thế những viên gạch sao cho không ảnh hưởng gì đến nhà thờ. Hai tòa tháp nhọn cũng cần kiểm tra và thay thế dự kiến kéo dài một năm. Hai chóp tháp chuông được thay thế bằng kẽm Azengar và máng xối được thay thế bằng Inox mờ đều của công ty VMZINC (Pháp) sản xuất.


Sau khi trùng tu hai hạng mục mái ngói và tháp chuông sẽ tiếp tục trùng tu những hạng mục còn lại. Do vậy, dự án trùng tu này đòi hỏi tay nghề của những người thợ phải thật tinh tế và giỏi.Theo đánh giá chung, nếu việc trùng tu đúng theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 hoặc tháng 6/2020 sẽ xong, với tổng chi phí ước tính khoảng 100 tỷ đồng được vận động từ nguồn xã hội hóa.

Ngay hôm chính thức khởi công trùng tu nhà thờ, Cha Linh mục Hồ Văn Xuân - Tổng đại diện Giáo phận Sài Gòn - cho biết: "Hiện tại, Việt Nam vẫn còn một số ít nguyên liệu ngói tương đồng với ngói nhà thờ nhưng đã cũ, không xác định được sử dụng trong bao lâu. Vì vậy, phải sang Pháp đặt hàng những đơn vị sản xuất giỏi. Khó khăn nhất là tìm được nguyên liệu giống như ban đầu. Chúng tôi cùng đơn vị thi công đã tính toán rất kỹ trước khi tiến hành trùng tu, phục chế và sửa chữa để nhà thờ vẫn giữ nguyên nét nguyên thủy và đảm bảo sự chắc chắn lâu dài cho công trình để thế hệ mai sau còn sử dụng và chiêm ngưỡng.”

NGƯỜI DÂN THÀNH  PHỐ HOAN NGHÊNH

Xem qua trên các báo như Tuổi Trẻ, VNexpress… Người dân Bùi Thế Trung cho hay: “Trùng tu để công trình kiến trúc đẹp tuyệt vời này giữ nguyên hình dạng và nội dung chi tiết ban đầu với các phương án tìm đúng chủng loại các vật liệu để thay thế những phần bị hư hỏng, thể hiện trách nhiệm rất cao, đầy tâm huyết của Ban trùng tu. Mong công việc trùng tu diễn ra đúng kế hoạch và thành công mỹ mãn”.Theo MrDuc2000: “Đề nghị bỏ luôn hệ thống ống thoát nước! Nhìn vào Nhà thờ toàn thấy ống thoát nước ngang dọc! Cứ để nước chảy tự nhiên! Và tẩy luôn mấy dòng chữ của những người vô ý thức viết lên tường! Và cần thì thiết kế cả hệ thống ánh sáng ban đêm cho đẹp như UBND TP (nên do Pháp làm vì họ xây và họ cũng là bậc thầy về kiến trúc và chiếu sáng của thế giới)! Buồn vì 2 năm Nhà Thờ sẽ bị che chắn! Nhưng cũng gần 1,5 thế kỉ rồi cũng phải sửa sang! Rất mong Nhà thờ sớm trở lại hoạt động! Nhà thờ Đức Bà thành phố thành 1 trong những biểu tượng và tâm linh của Sài Gòn! Tôi sẳn sàng đóng góp để tu sửa Nhà thờ!”


Theo Trần Phúc: “Chúc mừng Cha, giai đoạn tiếp theo chắc chắn còn nhiều khó khăn, cầu xin Chúa thương ban cho Cha nhiều sức khỏe để hoàn thành dự án.”
Theo Nguyễn Nhi: “Khó khăn nhất chính là phần tường gạch. Đang chờ giải pháp từ các chuyên gia hàng đầu!”
Theo Hiền Tạ: “Sau khi trùng tu xong mình nghĩ tình trạng vẽ bậy lên tường nhà thờ có còn tiếp diễn nữa hay không vì nhiều người còn thiếu ý thức quá.”
Theo Huy Hoàng: “Sau khi trùng tu xong...chắc chắn nhà thờ Đức Bà sẽ rất đẹp. Vì đợt trùng tu này sẽ giữ nguyên hiện trạng, nét cổ điển, các vật liệu trùng tu được nhập từ Pháp và nước ngoài, một số như gỗ Lim, Hương...thì lấy từ nguồn trong nước...Công trình trùng tu lần này có sự tư vấn của các chuyên gia Pháp...và Ban trùng tu nhà thờ là những vị có trình độ, kinh nghiệm và nhận thức rất tốt về đặc điểm về di tích quốc gia này. Từng chi tiết nhỏ nhất của nhà thờ sẽ được trùng tu một cách tỉ mỉ, mang tính chất bảo tồn nguyên vẹn và không phá hủy nét đặc trưng của một công trình tồn tại 140 năm qua - một biểu tượng sống mãi cùng Thành Phố mang tên Bác. Xin kính chúc Ban trùng tu và cộng tác viên sức khỏe và thành công. 
Mong mọi người tham gia đóng góp về nhiều mặt và thật sự gìn giữ công trình sau khi trùng tu xong.”


Cùng điểm lại nhà thờ Đức Bà từ xưa tới nay:

Nhà thờ được khởi công xây dựng vào ngày 7/10/1877 do Giám mục Colombert  và được xây dựng trong 3 năm. Nhà thờ được khánh thành ngày 11/4/1880. Ban đầu nhà thờ có tên Nhà thờ Nhà Nước vì do Pháp bỏ tiền xây dựng và quản lí nhà thờ.

Năm 1985, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông. Mỗi tháp cao 57.6m, trên mỗi đỉnh tháp có một cây thánh giá cao 3.5m, ngang 2m. Tổng thể chiều cao từ mặt đất lên đỉnh thánh giá cao 60.5m
Năm 1903tượng Đức ông Pigneaux de Béhaine (Tiếng Việt là Bá Đa Lộc) tay trái dẫn hoàng tử Cảnh (con trưởng vua Gia Long), tay phải giương bản Hiệp ước Versailles được ký ngày 21/11/1787 với chính phủ Pháp. Tượng được làm bằng đồng, tác phẩm của nhà điêu khắc Lormier (Pháp). Thời đó được gọi là tượng “hai hình”.
Năm 1945, tượng đã bị chính phủ Trần Trọng Kim phá bỏ, nhưng bệ đá vẫn còn đó mà không có bất kì tượng nào đặt lên.

Năm 1959, Linh mục Giuse Phạm Văn Thiên (Giám mục giáo phận Phú Cường) – cai quản Giáo xứ Sài Gòn thời bấy giờ - đã đặt tạc một Tượng Đức Mẹ Hòa Bình bằng loại đá cẩm thạch trắng Carrara của Ý. Tượng được tạc tại Pietrasanta cách Roma khoảng 500km. Khi tượng hoàn tất được đưa xuống tàu Oyanox từ hải cảng Gênes vào ngày 8/1/1959. Tượng được cập bến vào Sài Gòn ngày 15/2/1959. Công ty Société d'Entreprises đã dựng tượng Đức Mẹ lên bệ đá đã để trống từ năm 1945.

Tự tay Linh mục viết kinh cầu nguyện “Xin Đức Mẹ cho Việt Nam được hòa bình” rồi đọc trước toàn thể quan khách có mặt ngày hôm đó. Ngày 17/2/1959, Hồng Y Aganianian qua Sài Gòn để chủ tọa lễ bế mạc và làm phép bức tượng. Từ đó, nhà thờ có tên là Nhà thờ Đức Bà.
Ngày 5/12/1959, Tòa Thánh cho phép làm lễ “xức dầu” tôn Nhà thờ chính tòa Sài Gòn lên hàng tiểu Vương cung thánh đường. Từ đó, nhà thờ có tên chính thức Vương cung thánh đường Đức Bà Sài Gòn.





Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.