Rằm tháng 8 hay còn gọi là TẾT TRUNG THU, đây là cái Tết lớn thứ ba trong năm của người Châu Á. Mỗi dịp đến Tết
trung thu thì không thể không nhắc đến một món ăn quen thuộc đó là bánh trung
thu. Bánh trung thu từ lâu đã trở thành một món ăn quen thuộc của mọi gia đình mỗi
dịp trung thu. Còn gì hạnh phúc hơn khi cả gia đình ngồi lại bên nhau uống tách
trà, ăn miếng bánh, bên cạnh đám trẻ con xách lồng đèn chạy loanh quanh.
Các bà nội trợ thường có thói quen
đến trung thu sẽ ra tiệm mua một vài chiếc bánh truyền thống đến từ các thương
hiệu nội tiếng về thưởng thức. Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ, chúng
ta hoàn toàn có thể tự tay làm những chiếc bánh trung thu với đủ các kiểu dáng
hình thù ngộ nghĩnh cùng nhiều hương vị mới lạ
ngon, bổ, rẻ, đảm bảo chất lượng mà vẫn an toàn cho sức khỏe.
Nhìn thì dễ nhưng thật ra cách
làm bánh như thế nào thì không phải ai cũng biết. Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn
các bạn cách làm món bánh trung thu thơm ngon ngay tại nhà.
LỰA CHỌN NGUYÊN LIỆU CÓ XUẤT XỨ RÕ RÀNG
Đầu tiên, khâu lựa chọn nguyên liệu
là quan trọng nhất, bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cũng như hương vị của
bánh. Vì vậy, khi chọn nguyên liệu, bạn nên chọn những loại có nguồn gốc xuất xứ
rõ ràng và còn hạn sử dụng tại cái siêu thị lớn hay các cơ sở uy tín. Để có những
lựa chọn tốt, chúng tôi đã note lại cho bạn những cách chọn nguyên liệu để cho
ra đời những chiếc bánh trung thu tuyệt hảo nhất.
- Bột bánh: Bột mì là nguyên liệu quan trọng để làm
vỏ bánh. Để làm bánh dẻo và bánh nướng, bạn nên chọn những loại bột có thương
hiệu, màu trắng mịn, tơi, không lẫn các hạt màu đen hoặc có dấu hiệu bị ẩm mốc.
Điều cần thiết là trên bao bì có thông tin đầy đủ của sản phẩm và hạn sử dụng.
- Nước đường: Đây là nguyên liệu chính giúp bánh
lên màu đẹp mắt. Đường trắng, đường vàng, đường nâu là những lựa chọn thích hợp
vừa dễ mua, vừa cho hương vị ngon, đậm đà không kém những loại đường khác. Một
lưu ý nhỏ là nước đường càng để lâu thì bánh càng ngon, lên màu càng đẹp.
- Đậu xanh: Nên chọn loại đậu đã bỏ vỏ, màu vàng
ươm, không có tạp chất hay mọt lẫn vào đậu.
- Trứng muối: Trứng muối nếu muốn bánh ngon thì bạn
nên tự làm ở nhà sẽ canh chuẩn được độ mặn cho trứng. Bạn cũng có thể mua từ
bên ngoài. Khi mua, bạn nên chọn những quả không có vết mốc hoặc vết rạn, soi
trứng dưới nắng hoặc ánh điện thấy lòng trắng trứng màu hồng, lòng đỏ trứng thu
nhỏ và áp sát vào vỏ là quả trứng muối có chất lượng tốt.
- Nhân thập cẩm: Lạp xưởng nên chọn lạp xưởng ngon
có thịt mịn và màu hồng đặc trưng, sờ nhẹ vào nếu không thấy chất dính, vỏ khô
ráo là được. Hạt sen sên đường nên lựa những hạt màu vàng ươm, không chọn những
hạt ngã màu, có mùi ẩm móc. Hạt điều muốn ngon nên chọn hạt căng tròn, đều
nhau, màu vàng sáng, hạt không bị cháy và không có dấu hiệu bị mốc. Các món mứt bí đều nhau, lớp đường
trắng trải dài khắp xung quanh, không bị nát vụn, không có dấu hiệu ẩm mốc, chảy
nước. Rượu nên chọn rượu hiệu Mai Quế Lộ, nhân bánh sẽ ngon hơn nhiều.
- Những nguyên liệu khác: bơ đậu phộng, dầu ăn, bột
bắp…
- Khuôn bánh: Đây là dụng cụ không thể thiếu để tạo
hình nên những chiếc bánh trung thu đẹp mắt. Trên thị trường bán rất nhiều dụng
cụ làm bánh, thay vì sử dụng những khung bánh bằng gỗ, bạn nên lựa chọn những
khuôn bánh lò xo để ép cho chặt bánh hơn và có nhiều kiểu khuôn để lựa chọn.
TRỘN VỎ BÁNH
Tùy số lượng bánh mà
cho khối lượng nguyên liệu khác nhau. Đầu tiên, cho bột mì đã rây vào một âu lớn,
trộn đều với bột baking soda, sau đó rây lại lần nữa nếu muốn bột được mịn và
loại bỏ tạp chất. Sau đó, tạo một cái lõm giữa lòng bột, cho nước đường, bơ đậu
phộng, dầu ăn, dùng thìa trộn đều cho tất cả các nguyên liệu hòa quyện vào với
nhau tạo thành một khối không quá đặc cũng không quá nhão.
Để bột nghỉ trong khoảng
30 phút. Sau khi bột đã nghỉ đủ, nhào lại bằng tay rồi bắt đầu chia bột thành từng
viên nhỏ. Khối lượng của viên vỏ bánh phụ thuộc vào kích thước khuôn và sở
thích ăn nhiều hay ít vỏ của bạn nhé.
CHUẨN BỊ NHÂN BÁNH
Đậu xanh vo sạch, ngâm trong nước khoảng 2 tiếng cho mềm rồi cho vào nồi
nấu nhừ. Sau đó, cho đậu vào may xay sinh tố để làm nát. Khi đậu đã nhuyễn, bạn
cho đậu ra chảo cùng với đường, dầu ăn và đun trên lửa nhỏ để xào nhân. Trong
quá trình xào nhân, bạn đảo liên tục để đậu xanh không bị khét. Sau đó khuấy bột
nếp với nước rồi cho vào và tiếp tục xào cho đến khi nhân đã nhuyễn mịn và
không dính trên chảo. Cuối cùng là để nhân nguội và vo thành từng viên nhỏ.
Với cách làm trên, bạn
cũng có thể làm nhân khoai môn, đậu đỏ, mè đen... Nếu bạn thích phá cách với
nhân trà xanh, trong lúc sên nhân đậu xanh, bạn hòa 2 thìa nước sôi hòa tan bột
trà xanh vào khuấy đều với đậu xanh để có nhân trà xanh yêu thích.
Để làm món bánh trung
thu nhân thập cẩm, đầu tiên chúng ta cần chuẩn bị những nguyên liệu như hạt sen
sên đường, lạp xưởng, gram hạt điều, mứt bí, hạt dưa, rượu Mai Quế Lộ… Tùy vào
khẩu vị của nhiều người mà có thể lựa chọn thêm bớt nhiều nguyên liệu.
Đầu tiên là sơ chế
các nguyên liệu. Lạp xưởng hấp chín, để ráo nước và thái hạt lựu. Các loại hạt
như hạt điều, hạt bí, hạt dưa rang chín rồi thái hạt lựu. Tất cả các nguyên liệu
phải được cắt cùng 1 kích cỡ để các nguyên liệu có thể kết dính tốt hơn với
nhau.
Trứng muối tách bỏ
lòng trắng, rửa sạch với nước, ngâm rượu và gừng trong khoảng 20 phút. Sau đó vớt
ra, nướng trong lò ở nhiệt độ 150oC trong 15 phút. Thấy lòng đỏ
trở đục là được. Lưu ý khi làm bánh nhân ngọt, bạn cũng làm trứng muối theo
cách này nhé.
Tiếp theo, trộn
tất cả các nguyên liệu đã được sơ chế lại với nhau, nêm lại cho vừa vị, có thể
thêm đường nếu thích ngọt hay thêm nước tương hoặc dầu hào nếu thích ăn vị đậm
đà. Sau đó, cho thêm ngũ vị hương, một chút rượu, nước lọc và trộn đều các hỗn
hợp lại với nhau. Nếu phần nhân bị khô và chưa dính với nhau thì bạn cho vào hỗn
hợp một ít nước và bột bánh dẻo vào trộn đều. Trộn hỗn hợp đến khi nào ép nhân
vào thành tô thấy kết dính lại thành một khối là được.
Mách nhỏ với các
bạn là nên cho nước và bột bánh dẻo vừa đủ, không nên cho quá nhiều rượu vì mùi
bánh sẽ bị nồng và không thay thế bột dẻo bằng bột bắp hay bột mì. Sau khi đã
có được phần nhân đạt yêu cầu, bạn hãy chia ra từng phần nhỏ sao cho phù hợp với
khối lượng của vỏ bánh và kích cỡ của khuôn.
TẠO HÌNH BÁNH
Chia bột bánh thành các viên tròn
theo tỷ lệ là 1 phần vỏ 2 phần nhân. Sau đó dung thanh cán để cán mỏng vỏ bánh,
cho từng phần nhân đã được vo tròn vào và đặt
vào chính giữa lớp bột, bao kín bột với nhân lại. Lưu ý, động tác này
nên nhẹ tay nếu không muốn bánh bị bể.
Áo một ít bột mì bên ngoài bánh rồi
cho vào khuôn để tạo hình bánh, ấn nhanh và thật chặt tay rồi gỡ bánh ra cho
vào khay bánh.
NƯỚNG BÁNH
Cho bánh đã tạo hình vào khay có
lót sẵn giấy nướng, làm nóng lò ở 2000 C khoảng 15 phút.
– Nướng bánh lần 1: Quét 1 lớp hỗn
hợp trứng gà và mật ong lên bánh trước khi nướng trong khoảng 10 phút, ở 2000
C. Khi mặt bánh trở đục, lấy ra, xịt ít nước để làm nguội rồi quét hỗn hợp trứng
gà lên mặt bánh. Chú ý chỉ nên quét một lớp mỏng để để tránh tình trạng bánh bị
nứt và mất nét.
– Nướng bánh lần 2: Nướng trong
khoảng 10 phút ở 180 độ C. Lúc này bánh đã chín, lấy bánh ra để nguội. Lưu ý,
tùy từng kích thước khác nhau mà thời gian bánh chín sẽ khác nhau. Công thức
chúng tôi đề cập ở trên là dùng để nướng bánh có trọng lượng 125g các bạn nhé.
Một
lưu ý quan trọng: Bánh mới nướng sẽ hơi cứng nhưng để 1-2 ngày sau, bánh sẽ ngấm
dầu từ phần nhân thơm ngon, bóng đẹp hơn.
Chỉ cần bỏ một ít thời gian là bạn
đã có những chiếc bánh trung thu xinh xắn do chính tay mình làm rồi. Còn gì tuyệt
vời hơn khi vào dịp cuối tuần cả gia đình ngồi lại bên nhau vừa uống một tách
trà, ăn một miếng bánh trung thu đảm bảo tuân thủ những tiêu chí ngon, bổ, rẻ
và an toàn vệ sinh vừa trò chuyện đôi ba câu về cuộc sống của nhau nhỉ. Còn chần
chờ gì nữa, chúng ta hãy bắt tay vào thực hiện ngay nào.
THÙY ANH
Đăng nhận xét