Ngày Đại lễ Vu Lan hay còn gọi là ngày lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ lớn của Phật Giáo. Ngày lễ này trùng với Tết Trung Nguyên của người Hán và cũng trùng với Rằm tháng bảy Xá tội vong nhân của người Á Đông. Cứ tới tháng cô hồn (tháng bảy âm lịch) người Trung Quốc và người Việt Nam có quan niệm rằng tháng bảy là tháng không may mắn.

Ngày Đại lễ Vu Lan xuất phát từ truyền thuyết Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình khỏi kiếp ngạ quỷ. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông nhớ bà và muốn biết bà đang ở đâu nên đã dùng mắt phép nhìn khắp đất trời để tìm. Vì gây nhiều tộc ác nên bà phải sanh là ngạ quỷ, bị đói khát, bị hành hạ khổ sở. Khi tìm thấy mẹ mình, ông đã mang cơm xuống tận cõi quỷ để dâng cho mẹ. Tuy nhiên do đã đói lâu ngày nên khi ăn cơm mẹ ông đã lấy một tay che không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, khi thức ăn đưa lên đến miệng bà đã hóa thành lửa đỏ.


Mục Liên đã quay về tìm Phật để tìm cách cứu mẹ. Phật đã dạy: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng và ngày đó”. Mục Liên làm theo lời Phật, mẹ của ông đã được giải thoát. Phật cũng đã dạy rằng: “Chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng làm theo cách này (Vu Lan Bồn Pháp)”. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.

Cứ tới Rằm tháng bảy, chúng ta lại có dịp để thể hiện tình yêu thương và báo hiếu của mình đến các đấng sinh thành và để giúp đỡ những linh hồn đói khát. Báo hiếu là đối với người sinh thành, nuôi dưỡng chúng ta không chỉ ở kiếp này mà còn ở kiếp khác. Bởi Phật giáo luôn nhìn nhận con người trong mối tương quan nhân quả, trong vòng báo luân hồi. Ngoài ra còn để cúng dường, làm phước, phóng sinh, bố thí để hồi hướng công đức cho cha mẹ.

GHI CHÚ NHỮNG NGÔI CHÙA NÊN ĐẾN VÀO NGÀY VU LAN

 1. Chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn


Chùa tọa lạc ở 710 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5. Vì là ngôi chùa thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu nên người ta thường gọi là Chùa Bà Thiên Hậu (hay còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu Chợ Lớn để phân biệt với các ngôi chùa Bà Thiên Hậu ở những nơi khác).

Thiên Hậu Thánh Mẫu có tên thật là Lâm Mặc Nương sinh ngày 23 tháng 3 năm 960, người đảo Mị Châu (Phúc Kiến, Trung Quốc). Khi bà mới chào đời đã tỏa hào quang và hương thơm ngát. Khi lớn, bà có thể cỡi chiếu ra biển, cỡ mây đi khắp nơi. Bà vốn là người Đản Dân sống bằng nghề đánh bắt cá và trao đổi hàng hóa trên biển. Bà là một người rất thông minh, tháo vát, giúp người dân vượt khỏi hoạn nạn, bệnh tật.

Vào một ngày bà đang ngủ trưa, cha bà tên Lâm Nguyện cùng hai anh trai đi bán muối ở Giang Tây, đi giữa đường thì gặp bão lớn, bà đã xuất thần đi cứu cha và hai anh. Bà đã dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay níu lấy hai anh trai. Trong lúc cố cứu họ, bà bị mẹ lây gọi phải mở miệng trả lời thì sóng trôi cha đi mất, bà chỉ cứu được hai anh trai. Về sau, bà dùng năng lực của mình để giúp đỡ người dân trên biển, cảm hóa và thu phục được hai vị ác thần Thiên Lý Nhãn và Thuận Phong Nhĩ. Từ đó, khi  thuyền bè ngoài biển bị hoạn nạn đều gọi bà tới giúp. Đến ngày mồng 9 tháng 9 năm 897, bà không bệnh tật nhưng tự nhiên qua đời ở tuổi 28.

Khi bà qua đời, người dân ở đảo Mị Châu dựng miếu thờ bà, gọi là Miếu Ma Tổ. Bà thường hiển linh giúp đỡ người hoạn nạn trên biển nên về sau gọi bà là Vị Hải Thần. Năm 1110 nhà Tống phong sắc cho bà là Thiên Hậu Thánh Mẫu.


Chùa bà Thiên Hậu được xây dựng năm 1760 do một nhóm người Tuệ Thành (Quảng Đông, Trung Quốc) di dân sang Việt Nam xây dựng. Do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội Quán, nơi tụ tập của người Hoa, nên chùa còn được gọi là Tuệ Thành Hội Quán. Chùa nằm trong trung tâm của những người Hoa tạo lập nên Chợ Lớn sau này. Chùa bà Thiên Hậu là một ngôi chùa cổ nhất ở Sài Gòn mang nét cổ kính của người Hoa. Theo học giả Vương Hồng Sển, từng viên gạch, mái ngói, đồ gốm đều được mang từ Trung Quốc sang.

Chùa có hàng trăm đồ cổ quý bao gồm pho tượng thần, tượng đá, chuông nhỏ, lư hương đá… được chế tác rất tỉ mỉ và công phu. Tiền điện chùa thờ tượng Phúc Đức Chánh thần (bên phải) và Môn Quan Vương Tả (bên trái). Trong trung điện còn có bộ lư phát lam lớn Quang Tự năm thứ 12 (1886). Chính điện chùa có hai đại đồng chung hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830), chính điện chùa thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu, hai bên thờ Bà Kim Hoa Nương Nương (bên phải) và Bà Long Mẫu Nương Nương (bên trái).

Hằng năm cứ tới mùng một, ngày rằm, tết Nguyên Đán,… người dân đều đến đây cúng vái và những người dân trước khi ra biển đều đến đây vái bà phù hộ và nhờ sự che chở của bà.

2. Chùa Giác Lâm


Chùa tọa lạc ở 565 đường Lạc Long Quân, phường 10, quận Tân Bình. Chùa Giác Lâm còn có những tên khác như Cẩm Sơn, Sơn Can, Cẩm Đệm, là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở TPHCM. Đây là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam.

Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long (người Minh Hương, Trung Quốc) đã quyên tiền xây dựng vào năm 1744 trên gò Cẩm Sơn, chùa ban đầu được lấy tên là Sơn Can, nhưng về sau còn được gọi là Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có một cái tên là Cẩm Đệm vì cư sĩ có tên riêng là Cẩm chuyên đan đệm bán, người dân ở đây thường gọi cư sĩ là Cẩm Đệm. Năm 1774, thiền sư Viên Quang thuộc phái Thiền Lâm Tế tông về chủ trì chùa, đồng thời đổi tên chùa thành Giác Lâm. Dưới thời kỳ này, chùa Giác Lâm trở thành nơi đào tạo về kinh điển, giới luật đầu tiên cho chư tăng ở Gia Định và Nam Bộ. Đến năm 1873, dưới sự chủ trì của thiền sư Minh Khiêm, chùa còn là nơi in ấn, sao chép kinh sách, khắc bản gỗ kinh, luật và diễn Nôm một số sách Phật giáo.


Kiến trúc chùa Giác Lâm được coi là tiêu biểu cho kiến trúc Nam Bộ, với lối kiếm trúc chữ Tam, chính diện với kiểu nhà dân gian truyền thống một gian hai chái, bốn cột chính hay còn gọi là tứ trụ. Trong chính diện đặt 113 pho tượng Phật bằng đồng và gỗ quý. Phía trước chính điện thờ tượng A Di Đà, Thích Ca, Di Lặc. Hai bàn thờ bên phải, trái là tượng Quan Thế Âm, Đại Thế Chí.  Đặc biệt là tại chùa Giác Lâm có đến hai bộ tượng Thập bát La Hán và hai bộ tượng Thập điện Diêm Vương chứng minh cho quá trình phát triển Phật giáo ở Nam Bộ. Trước chùa là bảo tháp xá lợi bảy tầng hình lục giác. Nghệ thuật trang trí trên các tháp mang phong cách kết hợp giữa Nam Bộ với văn hóa Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp. Chùa còn có tượng Quan Thế Âm Bồ Tát dưới bóng cây bồ đề trong sân chùa.


Hằng năm cứ tới mùng một, ngày rằm, tết Nguyên Đán,… Chùa Giác Lâm đón hàng ngàn khách thập phương và du khách quốc tế đến lễ Phật cầu an và chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa.

3. Chùa Ông

Chùa tọa lạc ở 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5. Đây không chỉ là nơi cúng bái của người Hoa gốc Triều Châu mà còn là một công trình giá trị về kiến trúc và nghệ thuật nửa cuối thế kỉ 19 – đầu thế kỉ 20.


Chùa Ông còn có tên khác là miếu Quan Đế, vị thần được thờ trong miếu chính là Quan Công, một nhân vật thời tam quốc. Miếu Quan Đế được xây dựng trước thế kỉ 19. Đối với người Hoa, ông là một người tài đức vẹn toàn. Và vị trí tọa lạc của ngôi chùa cũng là nơi hội họp của người Triều Châu nên chùa còn được gọi là Nghĩa An Hội Quán (Nghĩa An là một vùng đất thuộc Quảng Đông, Trung Quốc có đa số người Triều Châu sinh sống). Tuy nhiên ngôi chùa này được gọi là chùa Ông theo thói quen của nhiều người.

Ngôi chùa mang màu sắc và phong cách Trung Hoa cổ kính có lịch sử trên 200 năm thể hiện rõ nét ở giá trị nghệ thuật thư pháp, chạm đá, chạm gỗ… Chính giữa tiền điện bày một hương án, trên đặt một chiếc lư hương bằng đồng được làm vào năm Đạo quang thứ 5 (1825). Bên trái tiền điện là bệ cao thờ Phúc Đức chính thần (hay còn gọi là thần Thổ Địa). Bên phải là tượng Mã Đầu tướng quân đứng bên ngựa Xích Thố. Trong giữa chính điện có thờ Quan Thánh Đế quân (Quan Vũ) trang trí bao lam lưỡng long trang châu. Hai bên tả hữu có thờ Thiên Hậu nguyên quân (Thiên Hậu Thánh Mẫu) và Tài Bạch tinh quân (Thần Tài).


Chùa Ông được coi là rất linh thiêng nên vào các dịp rằm tháng bảy, mùng một,… người dân thường đến đây cúng bái, khấn nguyện. Người thì khỏi bệnh nan y, người thì vượt qua được gian nan sống gió, người thì làm ăn phát đạt… Ngoài ra, lễ cúng Quan Đế được tổ chức lớn vào ngày 24 tháng 6 (âm lịch) và rằm tháng giêng. Chùa còn các lễ cúng Bà Thiên Hậu, Phúc Đức chính thần…

4. Chùa Hoằng Pháp

Chùa tọa lạc tại Thành Ông Năm, xã Tiên Hiệp, huyện Hóc Môn. Chùa đã tồn tại hơn nửa thế kỉ. Cho đến nay chùa Hoằng Pháp nổi tiếng là nơi thu hút các tín đồ Phật Giáo ở Sài Gòn đến tham quan và tham gia các khóa tu Phật Giáo.

Chùa Hoằng Pháp được cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957, nơi đây trước kia là một cách rừng chồi. Năm 1959, Hòa thượng mới bắt đầu xây dựng bằng gạch đinh, hai tầng mái ngói, mặt chùa xoay về hướng Tây Bắc. Do đức độ cao dày của Hòa Thượng, các Phật tử tụ họp về đây ngày càng nhiều. Tuy hình thức có mới nhưng vẫn mang dáng vẻ cổ kính của chùa miền Bắc với góc đao cong vút, hai tầng mái ngói màu đỏ. Toàn bộ nền móng, đà, cột, trần, mái đều đúc bêtông kiên cố. Nền lót gạch granite nhập từ Tây Ban Nha. Toàn bộ cánh cửa, bao lam, án thờ đề làm bằng gỗ quý, chạm trổ rất tinh vi.


Chùa Hoằng Pháp có khuôn viên rộng lớn với nhiều cây cao bóng mát quanh năm. Hai bên bậc cấp dẫn lên thềm tiền đình chánh điện là hai con sư tử lớn bằng cement. Hai bên cửa chánh điện là hai bức phù điêu khắc tượng thần Kim Cang với vẻ mặt cương nghị, thân hình mang dáng vóc lực sĩ. Tiền điện thờ đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ngự trên tòa sen trong tư thế thiền định. Phía trên chung quanh vách tường là bảy bức phù điêu bằng cement chạm khắc hình ảnh cuộc đời đức Phật từ lúc xuất gia cho đến lúc nhập niếc bàn. 
Đối diện chánh điện là tượng đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật tọa thiền dưới gốc cây Bồ Đề. Bên trái chánh điện nhìn từ ngoài vào là tháp “Nhị Nghiêm”, nơi an trí nhục thân của cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử. Cách một khoảng là tháp các vị Ni của chùa đã quá cố. Bên trong hồ ngay chính giữa tôn trí tượng đức Quan Âm Bồ Tát. Sau đó là tháp Phổ Độ, nơi để cốt của thập phương bá tánh.

Vào các dịp lễ rằm tháng bảy, rằm mùng một, Tết Nguyên Đán… người dân bốn phương ồ ạt về đây cúng bái và cầu an cho gia đình mình.

5. Chùa Vĩnh Nghiêm


Chùa được tọa lạc ở 339 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7, quận 3. Chùa nằm ngay trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa nên đi từ xa đến, người ta đã trông thấy được tòa tháp 7 tầng của ngôi chùa.

Từ miền Bắc, hai Hòa thượng là Thích Tâm Giác và Thích Thanh Kiểm vào miền Nam truyền bá đạo Phật và sau đó hai ông đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm. Người vẽ bản thiết kế cho ngôi chùa là kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng và có sự cộng tác của các ông Lê Tấn Chuyên, Cổ Văn Hậu. Chùa được khởi công năm 1964 tại khu đất thấp nằm bên rạch Thị Nghè. Họ lấy nguyên mẫu ngôi chùa gỗ cùng tên ở Đức La, phủ Tạng Giang (Bắc Giang).


Chính điện ngôi chùa được xây theo kiểu chữ “Công”, mặt hướng phía Đông Bắc gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt gồm có hai phần, phần ngoài nằm bên dưới sân thượng, phần trong nằm bên dưới Phật điện. Từ dưới sân có ba cầu thang rộng có khoảng 23 bậc thang, dẫn lên tầng trên bao gồm sân thượng, Phật điện và Tháp Quan Thế Âm. Phía bên phải sân thượng có một gác chuông, treo một đại hồng chung do các Phật tử ở Nhật Bản tặng trước năm 1975 để cầu cho Việt Nam sớm được hòa bình. Chính giữa Phật điện là bàn thờ Phật Thích Ca, hai bên có Bồ Tát Văn Thù (bên trái), Bồ Tát Phổ Hiền (bên phải).
Ngôi chùa còn các ngôi tháp như Tháp Quan Thế Âm nằm bên trái Phật điện gồm 7 tầng, cao gần 40m, đỉnh tháp có 9 bánh xe vòng tròn và  những khối tròn gọi là Long sa và Quy châu. Tháp Xá Lợi cộng đồng được xây bên trái, phía sau Phật điện gồm 4 tầng, cao gần 25m, đây là nơi đựng tro thi hài người chết mà thân nhân của họ gửi và gìn giữ ở chùa. Tháp đá Vĩnh Nghiêm được xây bên phải (hướng từ cổng nhìn vào) cao 14m, là tháp thờ cố Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Kiểm.


Vào các dịp lễ rằm tháng bảy, rằm mùng một, Tết Nguyên Đán… người dân bốn phương ồ ạt về đây cúng bái và cầu an cho gia đình mình.

Trên đây là một số chùa linh thiêng tôi đã đi và cầu an cho gia đình tôi đã trở thành sự thật. Gia đình tôi giờ đây đã khỏe mạnh, an lành. Công việc của tôi đã suôn sẻ hơn. Cứ đếm mùng một hoặc rằm tôi lại đến những ngôi chùa này cúng vái, ăn chay. Khi bạn thành tâm khẩn phật thì điều may mắn sẽ đến với mình.


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.