Nước máy được lắp đặt nhưng lại có mùi, màu cà phê, không những vậy giá thành lại cao. Thế nên hiện nay trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) vẫn còn tình trạng nhiều hộ dân sử dụng nước giếng để sinh hoạt.

Theo Tuổi trẻ online, trên địa bàn Tp.HCM có đến 62% mẫu nước giếng không đạt chất lượng. Còn trên báo Dân Sinh được Báo Mới dẫn lại, nhiều khu vực trên địa bàn dân cư được cung ứng mạng lưới cấp nước sạch nhưng dân vẫn xài nước giếng, vì sao?

62 % MẪU NƯỚC GIẾNG KHÔNG ĐẠT CHẤT LƯỢNG


Theo thống kê của Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên (Sawaco), trên địa bàn TP (chưa tính huyện Củ Chi) hiện có hơn 109.000 trường hợp đã được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng nước máy, đa số sử dụng nước giếng khoan.

Tại TP.HCM, với lưu lượng khai thác nước ngầm hơn 716.000m3/ngày, người dân sử dụng nước ngầm có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe (khi sử dụng), chưa kể nạn ô nhiễm, lún sụt, ngập nước...

Bảo vệ nguồn nước ngầm là cần thiết, nhưng đến nay việc kiểm soát, hạn chế khai thác nguồn tài nguyên này vẫn rất nan giải.

62% mẫu nước giếng không đạt chất lượng

Kết quả giám sát chất lượng nước ngầm trong tháng 7-2017 của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho thấy chất lượng nguồn nước ngầm tại nhiều nơi diễn biến xấu.

Trong 24 mẫu nước được lấy ngẫu nhiên tại 12 quận, huyện trên địa bàn TP, có hơn 62% không đạt chỉ tiêu về hóa lý, vi sinh. Trong đó chủ yếu là độ pH, hàm lượng amoni vượt tiêu chuẩn cho phép.

Có những mẫu nước (khu vực đường Trịnh Đình Trọng, Q.Tân Phú) có hàm lượng amoni 19mg/lít, vượt hơn 6 lần tiêu chuẩn cho phép. Nhiều mẫu nước có sự xuất hiện của vi khuẩn Ecoli và Coliform (gây bệnh đường ruột).

Không chỉ các mẫu nước giếng tại các hộ dân bị ô nhiễm, ngay cả mẫu nước giếng được Trung tâm Y tế dự phòng giám sát tại các cơ sở cung cấp nước có sử dụng nước giếng khoan cho mục đích sản xuất, chế biến thực phẩm (công suất dưới 1.000m3/ngày đêm) cũng không đạt chất lượng.

Kết quả giám sát tại 12 cơ sở ở Q.Bình Tân với 12 mẫu nước được xét nghiệm thì có tới 11 mẫu không đạt về các chỉ tiêu như: độ pH, hàm lượng sắt, mangan...

Dù nước giếng tại nhiều nơi không đạt chất lượng nhưng nhiều hộ dân vẫn sử dụng cho sinh hoạt, thậm chí ăn uống hằng ngày. Chị Lê Thị Huệ, ngụ P.Hiệp Thành, Q.12, cho biết gia đình chị vẫn sử dụng song song hai hệ thống nước máy và nước ngầm.

THẾ NHƯNG NHIỀU NƠI CÓ NƯỚC MÁY VẪN XÀI NƯỚC GIẾNG, VÌ SAO?


Còn trên Báo Mới dẫn lại bài của báo Dân Sinh thì cho biết, để đảm bảo cho việc tất cả hộ dân tại TP.HCM đều có nước sạch để sử dụng, những năm gần đây Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã thực hiện việc đầu tư phát triển nguồn và mạng lưới nước máy trên địa bàn.

Mặc dù một số khu vực đã có mạng lưới cấp nước, nhưng nhiều hộ gia đình vẫn không sử dụng mà tiếp tục khai thác và duy trì sử dụng nguồn nước từ giếng khoan.

Theo thống kê, trong quý 1 năm 2018, gần 270 ngàn đồng hồ nước trên địa bàn có chỉ số sử dụng từ 0 – 4m3. Trong đó, tính riêng huyện Hóc Môn, hơn 51,1 ngàn đồng hồ có chỉ số sử dụng rất thấp trên tổng số 98 ngàn đồng hồ nước, chiếm hơn 50%.

Ông Nguyễn Văn Tuấn (ngụ huyện Hóc Môn) cho biết, gia đình ông nhiều năm nay vẫn sử dụng nước giếng ngầm mặc dù đã được lắp hệ thống nước máy từ 3 năm trước.

Bà Đỗ Thị Mười (ngụ phường 8, Gò Vấp) cho biết, bà chưa từng sử dụng nước máy dù đã lắp nhiều năm. Bà cho biết: “Hồi mới lắp, tôi có mở ra dùng thử thì thấy có mùi thuốc tẩy. Nhiều lần như thế tôi không dùng nữa, chỉ dùng nước giếng thôi”.

Tương tự bà Mười, anh Tâm (ngụ phường Trung Mỹ Tây, quận 12) cho biết, gia đình anh cũng chỉ sử dụng nước giếng để sinh hoạt chứ không dùng nước máy. “Nhà tôi có dùng nước máy đâu, mở lên thì hôi mùi thuốc tẩy, bơm ra có màu đục như cà phê, mà giá lại cao ai dám dùng”, anh Tâm cho biết.

Không chỉ anh Tâm, tại khu vực phường Trung Mỹ Tây, rất nhiều gia đình không sử dụng nước máy hoặc sử dụng song song 2 loại nước mặc cho chính quyền địa phương và công ty cấp nước đã cố gắng tuyên truyền, vận động. Theo một số người, chất lượng cùng giá thành là lý do khiến họ từ chối nước máy.

“Nhà tôi chỉ dùng nước máy để thỉnh thoảng giặt đồ thôi, nhưng mỗi tháng đã mất gần 100 ngàn. Giá cao quá mà chúng tôi là dân lao động thì tiền đâu mà trả. Nước giếng dùng bình thường có gì đâu, vẫn ngon, ngọt, đâu có bệnh hoạn gì”, một người dân cho biết.

Theo kết quả giám sát của Sawaco từ Trung tâm Y tế Dự phòng, nguồn nước giếng tự khai thác tại các hộ dân TP.HCM hầu hết đều không đạt theo tiêu chuẩn về nước dùng cho sinh hoạt, cụ thể là không đạt ở các chỉ tiêu pH, sắt và có khoảng 50% mẫu nước không đạt chỉ tiêu amoniac. 

Việc chất lượng nước bị phản ánh, phía Sawaco cho rằng tại những khu vực hệ thống cấp nước mới được thiết lập có thể xảy ra hiện tượng bị đục vì thay đổi thuỷ lực mạng lưới, gây bong tróc trong đường ống, tạo cặn, chỉ cần xả bỏ nước trong thời gian ngắn sẽ hết.

"Việc khai thác nguồn nước ngầm quá khả năng bù đắp của tự nhiên có thể gây sụt lún nền đất, gia tăng đáng kể khả năng xâm nhập mặn vào sâu trong thành phố gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và cạn kiệt nghiêm trọng tài nguyên nước. Sử dụng nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung một cách hợp lý, hiệu quả sẽ giảm chi phí sử dụng cho người dân và là hành động thiết thực bảo vệ môi trường”, phía Sawaco cho biết.

ẢNH HƯỞNG SỨC KHỎE, Ô NHIỄM, NGẬP NƯỚC


Thông thường, người dân sử dụng nước giếng lắng lọc lại bằng các thiết bị thông thường vì nghĩ rằng có thể loại được những tạp chất hay vi khuẩn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Nguyễn Thị Vy Uyên - phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, các bình lọc nước có các lõi lọc sứ gần như không có tác dụng lọc vi khuẩn.

Chỉ những thiết bị lọc nước có chứa tia UV hay đun sôi mới có thể diệt được vi khuẩn tồn tại trong nước, nhưng cách này lại chưa thể lọc hết những tạp chất khác có trong nước mà amoni là một ví dụ.

Trong khi đó, nước có hàm lượng amoni cao kết hợp với oxy chuyển hóa thành nitrat, nitrit. Nếu sử dụng nước này trong một thời gian dài sẽ gây nguy cơ ung thư. "Chất nitrat, nitrit khi vào cơ thể tích tụ dần và kích hoạt các tế bào ung thư phát triển" - bác sĩ Uyên cảnh báo.

Ngoài ảnh hưởng sức khỏe cho người sử dụng, các nghiên cứu khoa học gần đây cũng chỉ ra rằng việc khai thác nước ngầm quá mức là nguyên nhân gây ra hiện tượng lún, sụt, gia tăng nguy cơ ngập nước.

Nhóm nghiên cứu của Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng kết quả phân tích ảnh viễn thám cho thấy TP.HCM đang có dấu hiệu lún trên diện rộng. Hiện tượng này làm gia tăng mức độ ngập lụt đô thị, và một trong những nguyên nhân được đưa ra là do tình trạng khai thác nước ngầm.

Thêm vào đó, việc khai thác nước ngầm quá mức cũng dẫn đến hiện tượng thông tầng giữa các tầng địa chất, dẫn đến tình trạng ô nhiễm nước ngầm vì thế cũng lan rộng.

Những hệ lụy khai thác nước ngầm quá mức đã được cảnh báo nhưng hiện nay việc kiểm soát tình trạng này gặp nhiều khó khăn.

Theo Sở Tài nguyên và môi trường, do Luật tài nguyên nước không yêu cầu các trường hợp khai thác nước ngầm dưới 10m3/ngày phải xin phép... nên việc ban hành vùng cấm khai thác nước ngầm cũng là việc không khả thi dù TP đã cung cấp 100% nước sạch cho người dân.

GIẢI PHÁP

Nên tập trung đầu tư cấp nước sạch những khu, cụm dân cư nơi nguồn nước ngầm ô nhiễm. Những địa bàn rộng lớn, chất lượng nước ngầm còn tốt nên để dân dùng nhưng có giải pháp giám sát kỹ thuật khoan giếng, cách bảo quản sử dụng. Các cơ quan chức năng cần ban hành khu vực nào nước ngầm bị ô nhiễm, khu nào nước ngầm bị hụt...

Sawaco phải đầu tư hệ thống cấp nước sạch, những nơi nước ngầm còn tốt Sawaco phân kỳ đầu tư, như vậy việc đầu tư cấp nước sạch đạt hiệu quả hơn.

Siết chặt khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm bên cạnh vấn đề kiểm soát nguồn nước, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân khi sử dụng, về lâu dài còn để đảm bảo nguồn nước dự trữ cho thành phố. Nếu khai thác tràn lan nguồn nước sẽ cạn kiệt, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà còn tác động không nhỏ đến hàng loạt vấn đề khác liên quan đến đô thị.

ÁNH NGÂN


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.