Sáng 16/8, Sở Du lịch TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Công tác quản lý Nhà nước về du lịch của TP.HCM – 25 năm thành công và thách thức”.


Cách đây hơn 3 tháng, ngày 16/4, tàu Ovation of  The Seas mang theo 4.000 du khách (chủ yếu quốc tịch Mỹ, Anh, Canada, và Úc,…) và 1.600 thủy thủ đoàn thuyền cập bến cảng Phú Mỹ những phải lên đênh ngoài biển mặc dù đã đăng ký trước 18 tháng. Lý do là vì tàu hàng đã lấp đầy cảng, việc thiếu bến đang là nút thắt, là vấn đề “kinh khủng” chặn phát triển du lịch tàu biển tại TP.HCM, TS. Hà Bích Liên – giảng viên Đại học Sư phạm TP.HCM đặt vấn đề.

Trong buổi tọa đàm TS Hà Bích Liên chia sẻ, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nêu rõ định hướng ưu tiên phát triển du lịch, trong đó có du lịch đường biển. Bởi các hãng tàu lớn trên thế giới có thể chở lượng khách rất lớn, từ 3.000 - 5.000 du khách, chủ yếu là khách châu Âu, nếu chi tiêu trung bình mỗi khách khoảng 100 USD thì khách đến TP.HCM sẽ mang lại nguồn thu cực kỳ lớn.

Hiện tại, Sở Du lịch TP.HCM cũng đang phải kết hợp với Bộ đội Biên phòng phát triển tuyến du lịch từ TP.HCM ra quần đảo Trường Sa. Mặc dù vậy, nhưng khi các hãng du thuyền lớn mang đến lượng du khách khổng lồ tới thành phố, chúng ta lại không đón được du khách do không có bến cảng.

Bà Liên nói: "Có thuyền mà không có bến thì cũng vô nghĩa". Theo bà diễn giải, dẫn chứng vào  ngày 1/9 tới, chuyến tàu Voyager of the Seas mang theo 2.800 du khách đến TP.HCM đã phải hủy do không có chỗ neo đậu. Bên cạnh đó, tàu Ovation of The Seas cũng mang theo 4.800 du khách dự kiến đến TP.HCM vào ngày 7.10 cũng trong tình trạng tương tự. Kéo theo hậu quả là rất nhiều công ty lữ hành mất khách, người dân, các dịch vụ và thành phố vừa bỏ lỡ một nguồn thu lớn từ khách du lịch.

TS. Hà Bích Liên cũng nhấn mạnh: "Những tàu khách lớn trên thế giới với lượng khách khổng lồ tới TP.HCM nhưng không ai đón tiếp là câu chuyện rất đáng buồn, không thể chấp nhận được. Trong khi chờ có một cảng chuyên dụng cho du thuyền tại thành phố, các hãng tàu lớn trên thế giới sẽ bỏ đi. Lãnh đạo thành phố, cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng tìm ra lời giải cho bài toán này".

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM – ông Bùi Tá Hoàng Vũ, thừa nhận hạ tầng giao thông là điểm nghẽn lớn trong phát triển du lịch không chỉ ở TP.HCM mà còn của cả nước. Ông cho biết thêm hơn 80% khách đến TP.HCM bằng đường hàng không nhưng sân bay Tân Sơn Nhất đã quá tải. Đường sắt chưa được cải tiến, đường bộ tương đối nhưng vẫn không bằng nhiều tỉnh, thành khác. Trong khi đó, khách tàu biển là nguồn tiềm năng rất lớn thì đường biển chỉ đón được tàu nhỏ, tàu lớn không có bến neo đậu.


Theo quy định, một tàu khách cập cảng phải đóng phí neo đậu khoảng 30.000 USD, trong khi một tàu hàng với quy mô tương tự phải đóng đến 230.000 USD. Theo ông Vũ đó cũng chính là một trong những lý do để các bến tàu từ chối tàu du lịch. Về khía cạnh kinh tế, sự chênh lệch quá lớn này tác động mạnh mẽ đến sự chọn lựa của chủ cảng, nhưng về góc độ quản lý, đây là vấn đề cần giải quyết.

Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM khẳng định: "Phải xác định khách tàu biển đến không chỉ mang theo nguồn thu từ việc sử dụng cảng, mà còn kéo theo cả khoản lớn về công tác hậu cần, dịch vụ phía sau. Trong khi chờ đô thị lấn biển Cần Giờ hình thành với những cầu cảng đủ khả năng đón tàu siêu trường siêu trọng, Sở Du lịch đang làm việc quyết liệt, thông qua Sở Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu tác động đến UBND tỉnh, phối hợp cùng các doanh nghiệp để nhanh chóng gỡ nút thắt này".

MỸ XOÀN (tổng hợp)


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.