Ngày
12 /12/2018, hơn 200 lãnh đạo, giám đốc nhân sự của các Tập đoàn, Doanh nghiệp
Việt Nam đã tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ hai với chủ đề “Xóa
bỏ rào cản để quản trị & phát triển nguồn nhân lực hiệu quả” tổ chức tại Tp.HCM.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nhằm phát triển nguồn
nhân lực của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp, giúp Doanh nghiệp
xóa bỏ rào cản, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đạt được các
mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững.
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ hai là sự tiếp
nối thành công của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam lần thứ nhất với chủ đề “Phát
triển bền vững gắn với các giá trị bình đẳng”, được tổ chức tại Hà Nội vào
trung tuần tháng 7/2018.
Ngài Craig Chittick, Đại sứ Australia tại Việt Nam |
Phát biểu tại Diễn đàn, Ngài Craig Chittick, Đại sứ
Australia tại Việt Nam chia sẻ: “Những
doanh nghiệp thông minh hiểu rằng thúc đẩy bình đẳng giới trong việc thực hiện
các chính sách nhân sự là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng suất lao động và
tăng sự gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp. Chính phủ Australia rất tự hào
được hợp tác với những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam để chứng minh bình đẳng
giới tại nơi làm việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp”.
Diễn đàn đã tập trung nội dung bàn thảo tại hai
Phiên chính. Phiên 1 đề cập đến Thị trường lao động trong kỷ nguyên số. Các
chuyên gia đã phân tích và đánh giá tương lai việc làm cũng như các thách thức
và rào cản trong quản trị và phát triển nguồn nhân lực nói chung và đặc biệt,
những yếu tố tác động từ khía cạnh văn hóa, xã hội, định kiến giới, bất bình đẳng
giới được xem là những rào cản đối với công tác quản trị và phát triển nguồn
nhân lực trong doanh nghiệp.
Thông qua các chia sẻ, những câu chuyện thực tế từ doanh
nghiệp đã cho thấy, doanh nghiệp nhận thức, quan tâm, chú trọng vào các chính
sách đảm
bảo những giá trị bình đẳng ở nơi làm việc, từ đó tạo dựng, hình thành và phát
triển một môi trường làm việc hiệu quả, xây dựng văn hóa doanh nghiệp bao trùm,
nâng cao giá trị của thương hiệu, tạo sự nhận biết ấn tượng và khác biệt trong
thế cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành hàng, lĩnh vực.
Phiên thảo luận thứ hai, tập trung thảo luận nhằm
tìm giải pháp vượt qua thách thức và rào cản từ khía cạnh giới để quản trị và
phát triển nguồn nhân lực hiệu quả.
Phát biểu tại phiên này, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch
Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE), Chủ
tịch HĐTV Deloitte Việt Nam, nhấn mạnh: “Nơi
làm việc là nơi chiếm phần lớn thời gian hoạt động trong ngày của người lao động
và được xem là ngôi nhà thứ hai của mỗi cá nhân. Do đó, việc tạo dựng và đảm bảo
các giá trị bình đẳng, tạo môi trường công bằng và phát triển cho cá nhân người
lao động không phụ thuộc vào các yếu tố giới, tuổi tác… cần được quan tâm và
coi là yếu tố đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp. Việc gỡ bỏ các rào cản nội
tại trong quản trị nguồn nhân lực, trong đó có bình đẳng giới, cần sự nỗ lực
cao từ Ban Lãnh đạo của doanh nghiệp”.
“Những
thách thức để phát triển và thích ứng với sự cạnh tranh ngày càng cao hiện nay
sẽ là cơ hội và là đòi hỏi tất yếu để các doanh nghiệp thay đổi từ tư duy đến
hành động. Đầu tư thúc đẩy bình đẳng giới ở nơi làm việc chính là đầu tư xây dựng
nội lực cho doanh nghiệp và là khoản đầu tư mang lại giá trị bền vững.”
Cùng quan điểm này, Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT
Le & Associates (L & A), cho rằng: "Để
thực sự bình đẳng toàn diện về cơ hội, điều kiện, các chính sách phát triển năng
lực, thăng tiến cho cả hai giới thì cần có chiến lược và kế hoạch hành động cụ
thể. Trong quá trình tư vấn cho doanh nghiệp, chúng tôi thường đề xuất khách
hàng tập trung vào năng lực cần có và hiệu quả công việc, tránh gắn nhãn cho một
giới nào. Các ứng dụng công nghệ của chúng tôi đưa ra sẽ giúp dễ dàng đánh giá
định lượng, làm cơ sở cho quyết định tuyển dụng, đào tạo hoặc thăng tiến được
công bằng, minh bạch”.
Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn, ba doanh nghiệp đầu
tiên của Việt Nam đã được trao chứng chỉ Bình đẳng giới toàn cầu EDGE (Economic
Dividents for Gender Equality – Lợi ích kinh tế từ Bình đẳng giới).
Theo Ngài Chittick cho biết: “một công cụ đánh giá toàn cầu đo lường mức độ bình đẳng giới tại các
doanh nghiệp. Các công ty cam kết thúc đẩy bình đẳng giới không chỉ trao thêm
quyền năng kinh tế cho phụ nữ mà còn giúp tăng hiệu quả kinh doanh của doanh
nghiệp”.
Đại diện lãnh đạo Thời báo Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh
rằng: “các chính sách và quy định về thực
hiện bình đẳng giới ở nơi làm việc cũng như tăng cường sự nhận thức về bình đẳng
giới trong khu vực doanh nghiệp cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa. Đây là khu vực
trung tâm và là lực lượng nòng cốt, quyết định trực tiếp đến sự tăng trưởng và
phát triển của nền kinh tế”.
Đăng nhận xét