Panchatantra (theo tiếng Sanskrit có nghĩa là Năm quy tắc ứng xử) là một sưu tập viết bằng văn xuôi lẫn văn vần cổ xưa của Ấn Độ. Tác phẩm tiếng Sanskrit gốc, được một số độc giả xác tín rằng được Vichnousarman biên soạn vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên. 

Đây là tác phẩm văn chương Ấn Độ được dịch ra các thứ tiếng nước ngoài nhiều nhất và chính vì vậy, đây là tập truyện kể được phổ truyền rộng rãi khắp thế giới. Cuốn sách Panchatantra – Thuật xử thế Ấn Độ do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ ấn hành được nhóm dịch giả (Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, Phạm Thiếu Hương, Nguyễn Tuấn) dịch từ bản dịch tiếng Pháp - bản Sanskrit của Edouard Lancereau, Nhà xuất bản Galimard xuất bản năm 1955.


Nội dung của Panchatantra là tập hợp những câu chuyện ngụ ngôn lý thú, có quan hệ đan xen qua lại lẫn nhau. Theo lời mở đầu, khởi phát của mọi việc là nhà vua, sau khi hỏi ý kiến các quan cận thần, đã quyết định giao phó việc dạy dỗ các con mình cho đạo sĩ Vichnousarman, một bậc hiền triết thời bấy giờ. Ông đã soạn bộ sách Panchatantra để làm giáo trình giảng dạy cho các hoàng tử.

Có một truyền thuyết kể lại rằng : Ở về phương Nam có một thành phố tên là Mahilâropya. Ở đó có một vị vua tên là Amarasakti (có uy quyền vĩnh cửu), cây kalpa của các ngành khoa học, dưới chân chói ánh sáng hào quang các báu vật gắn trên vương miện các đấng vua tối cao, và có tri thức về tất cả các ngành nghệ thuật. Ông vua này có ba người con trai rất ngu đần tên là Bahousakti (có nhiều uy quyền), Ougrasakti (có một uy quyền ghê gớm) và Anantasakti (có một uy quyền không giới hạn). Nhận thấy họ không thích các khoa học, vua cho gọi các vị cố vấn đến và nói với họ: Các thần đều biết rằng các con của ta không ưa thích khoa học và thiếu trí phán đoán. Cứ nhìn thấy chúng là ta không thỏa mãn tí nào dù vương quốc của ta chẳng gặp khó khăn gì cả. Và người ta đã có lý khi nói rằng:

“Không có con trai hoặc con trai đã chết còn hơn là có đứa con ngu đần, tốt nhất là không có con trai hoặc mất đứa con trai, vì một đứa con mà mình không có và một đứa con đã mất chỉ làm ta đau khổ trong một thời gian ngắn, trong khi có một đứa ngu đần thì nỗi khổ này sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời.

Phải làm gì với một con bò cái không sinh con và không cho sữa? Có ích gì có một đứa con trai không khôn ngoan và không tu dưỡng?

Một đứa con tài cán, thuần chủng, và có những hành động tốt là trang sức của tất cả gia đình, là hạt ngọc trên vương miện”.

Phải làm cách nào cho trí thông minh của chúng nảy nở?

Thế là các cố vấn, người này kế tiếp người kia nói. Tâu bệ hạ, phải mất mười hai năm để học văn phạm; nếu ta chịu khó nghiên cứu về bổn phận, quyền lợi, khoái lạc và sự giải thoát cuối cùng, thì có thể trí thông minh sẽ vỡ ra thôi.

Tuy nhiên, một trong các quan cố vấn, tên là Soumati (rất thông minh) nói: Tâu bệ hạ, cuộc sống không phải là vĩnh cửu, học chữ phải mất nhiều thời gian. Chúng ta hãy kiếm một phương pháp ngắn để dạy dỗ các cậu ấy. Và người ta nói:

“Chữ nghĩa vô tận, cuộc sống thì ngắn ngủi, và những trở ngại thì nhiều; do đó phải gạn lấy cái tinh túy và gạt sang một bên những gì vô ích như con thiên nga vắt sữa từ nước”.

Thưa bệ hạ, có một đạo sĩ tên là Vichnousarman, nổi tiếng về sự uyên bác trong học giới. Xin ngài hãy giao các hoàng tử cho ông ta. Ông ta sẽ dạy dỗ họ trong một thời gian ngắn.


Nghe thế, vua cho vời đạo sĩ Vichnousarman đến và nói: “Này, nhà hiền triết vĩ đại! Người hãy cố dạy mấy đứa con trai của ta hiểu biết về khoa chính trị học trong một thời gian ngắn, ta sẽ thưởng cho ngươi một trăm khoảnh đất”. Vichnousarman bèn đáp lại: “Xin bệ hạ hãy nghe những gì thần nói đây và đó là sự thật. Thần không bán trí thức dù với giá một trăm khoảnh đất; nhưng nếu trong sáu tháng thần không dạy nổi các hoàng tử về khoa chính trị học thì thần sẽ mất tiếng tăm của thần. Còn gì hơn? Không phải là thần tự khen. Thần không nói với tư cách kẻ mong muốn có của cải. Thần đã 80 tuổi rồi và thần đã từ bỏ tất cả những gì thuộc về lạc thú, thần không cần của cải; nhưng để thỏa mãn ý ngài, thần sẽ dạy các hoàng tử. Xin hãy ghi ngày tháng của ngày hôm nay; nếu trong sáu tháng thần không dạy dỗ được các hoàng tử thành người uyên bác về khoa chính trị học thì xin các thần che chở thần đừng dẫn đường đến đất thánh cho thần nữa.

Vua nghe thế lấy làm vừa ý, ông ta trao ba vị con trai cho vị đạo sĩ. Vichnousarman dẫn ba cậu hoàng tử về nhà mình, và sau khi biên soạn cho họ năm quyển này: Sự chia rẽ bạn bè, Kết bạn, Chiến tranh giữa quạ và cú, Mất của và Cách cư xử không chấp nhận được, ông ta bắt họ đọc. Trong sáu tháng đọc những quyển sách này, các hoàng tử đã trở thành những người uyên bác về khoa chính trị học và làm cho nhà vua rất thỏa ý. Từ đó, sách về chính trị nhan đề PANCHATANTRA được mọi người dùng để dạy dỗ con cái.

Panchatantra tập thành các truyện ngụ ngôn được chia ra thành 5 tập: 1/ Mitra-bheda: Sự chia rẽ bạn bè (kể chuyện sư tử và bò); 2/ Mitra-labha hoặc Mitra-samprati: Sự kết giao bè bạn (kể chuyện quạ, chuột, rùa và nai); 3/ Kakolukiyam: Chiến tranh và hòa bình (kể chuyện quạ và cú); 4/ Labdhapranasam: Mất của (kể chuyện khỉ và sấu); 5/ Apariksitakarakam: Cách ứng xử không chấp nhận được (kể chuyện bốn người Bà-la-môn đi tìm sự giàu sang). Mỗi tập lấy một câu chuyện chính làm khung sườn để chèn thêm nhiều câu chuyện độc lập vào đó, như thể một nhân vật thuật chuyện cho người khác nghe. Thông thường những câu chuyện này hàm chứa những câu chuyện riêng lẻ kia, câu chuyện này mở ra câu chuyện khác, thậm chí ba bốn cấp độ sâu xa hơn. Ngoài những câu chuyện, các nhân vật còn đưa ra những câu văn vần để biểu đạt triết lý của mình và chính nhờ đó, các truyện ngụ ngôn có được sắc thái độc đáo và hấp dẫn đặc biệt.

MINH HẢI

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.