Các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.


Mặc dù còn gần hơn một tháng nữa mới vào mùa Trung thu nhưng trên khắp các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, hay trang thương mại điện tử Shopee, Sendo.., đã xuất hiện loại bánh trung thu gây "sốt" có nhân trứng chảy tràn ngon mắt với giá siêu rẻ chỉ 160.000 đồng/hộp 6 cái.

Những chiếc bánh này được người bán quảng cáo là bánh trung thu nghìn lớp, với lớp vỏ thơm giòn, lớp 2 mochi dẻo ngậy, lớp 3 nhân custard, cuối cùng là nhân trứng chảy tràn thơm ngon, đậm vị... Họ cũng xác nhận rằng loại bánh này có nguồn gốc từ Trung Quốc, không nhập tiểu ngạch nên giá thành rẻ.

Không chỉ thế, tại các khu chợ bán lẻ lớn ở TP.HCM, xuất hiện khá nhiều loại bánh trung thu mini với giá siêu rẻ từ 2.000-5.000 đồng/cái, tùy kích cỡ bánh. Trên vỏ những chiếc bánh này đều in những dòng chữ Trung Quốc, mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nào. Điều này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng sản phẩm và độ an toàn của chúng.

Những chiếc bánh này đều in những dòng chữ Trung Quốc, mà không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nào
Mới đây thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), liên tiếp từ ngày 5 đến ngày 8-8, QLTT tỉnh Lạng Sơn đã cũng thu giữ trên 4000 chiếc bánh ngọt, bánh ngọt nhân trứng và bánh dẻo các loại, cùng 1 tấn bột làm bánh trung thu có nguồn gốc từ Trung Quốc. Toàn bộ số hàng hóa trên không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và được vận chuyển sang các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Có thể thấy, trong nhiều năm nay, cứ gần tới dịp Trung thu, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm, lại tăng cao.

Luật Sư Khưu Thanh Tâm, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định pháp luật. Theo đó, căn cứ vào Điều 17, NĐ 185/2013/NĐ-CP thì hình thức phạt chính được áp dụng đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là phạt tiền.

Cụ thể tùy theo giá trị hàng hóa nhập lậu mà mức phạt tiền có thể lên đến từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.

Mức phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên đối với một trong các trường hợp sau đây: Người vi phạm là người trực tiếp nhập hàng hóa; hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu; Hàng hóa nhập lậu là lương thực, thực phẩm,...

Như vậy vì bánh trung thu là một loại thực phẩm nên người thực hiện hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là bánh trung thu sẽ bị phạt gấp hai lần mức phạt theo quy định.

Ngoài ra, còn có hình thức xử phạt bổ sung như sau như tịch thu tang vật đối với các hành vi vi phạm trên, và tịch thu phương tiện vận tải trong trường hợp tạng vật vi phạm có giá trị từ 100 triệu trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm. Bên cạnh đó còn có các biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, môi trường, vật nuôi…

Luật sư Tâm cũng thông tin, luật cũng đưa ra các quy định đối với hành vi buôn lậu, và hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới sẽ phạt chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 188 và 189của Bộ Luật Hình sự 2015.

Theo Pháp Luật HCM

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.