Tiếp theo tập Sài Gòn, chuyện tập tàng (Lược sử truyền miệng thức uống Sài Thành) được xuất bản năm 2018, tác giả Lê Lade thừa thắng xông lên với cuốn thứ hai Sài Gòn, chuyện tập tàng (tập: nàng Cơm), NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019.


Đúng như chia sẻ của tác giả: “Chuyện tập tàng là chuyện khơi gợi để bà con cô bác có cái hứng chí nhớ lại, kể lại cho vui những kỷ niệm, lưu lại những chuyện đời”. Với cách viết dí dỏm, hài hước, tác giả đưa người đọc về những vùng kỷ niệm xa xưa, thời mà cơm là món ăn chính trong mỗi gia đình, có khi ba bữa sáng – trưa – chiều đều ăn cơm, thời mà mâm cơm là nơi cả gia đình tề tựu, “quây quần bên mâm cơm gia đình còn là dịp để trò chuyện, dạy dỗ lẫn nhau, nhứt là người lớn dạy cho con trẻ phong tục, lễ nghĩa”… Đến những bữa ăn công nghiệp thời hiện đại, khi cuộc sống tất bật hơn, vội vã hơn, thì cơm nhà ít lại mà thay bằng cơm bụi, cơm bình dân, cơm tiệm hay cơm mang theo… Đến những bí kíp của cái thời nấu cơm bằng củi, nếu cơm sống, cơm khét, cơm khê, cơm cháy, cơm nhão thì phải làm sao… Rồi những món ăn kèm với cơm như canh (ăn cơm có canh như tu hành có bạn), như cá thịt (ăn cơm có cá có canh, ăn vô mát dạ như anh gặp nàng), như rau (ăn cơm không rau như đau không thuốc)…Trong sách, tác giả còn kỳ công sưu tầm và liệt kê các phiên bản của cơm từ cơm thuần túy là cơm trắng, có nhiều loại cơm khác lần lượt có mặt khi đời sống ngày một phồn thịnh hơn như cơm ghế, cơm chiên, cơm rang, cơm trộn, cơm tấm, cơm sấy, cơm niêu, cơm thố, cơm lam, cơm nị, cơm hến… Tác giả còn kỳ công sưu tầm và trích dẫn nhiều câu ca dao tục ngữ về cái ăn, nết ăn, cách chế biến món ăn của người Việt ta thật thú vị!


Thế vì sao cơm lại được gọi là nàng – Nàng Cơm? Tác giả lý giải: “Cơm được nấu từ gạo, gạo xay ra từ lúa, là thức ăn chánh của người Việt ta. Bữa bữa, ngày ngày, tháng tháng, năm năm, cơm đều đều hiện diện trên mâm, gọi hẳn là mâm cơm luôn cho dù có nhiều món khác. Cơm như người yêu dấu vậy. Nên từ xa xưa, ông cha ta đã đặt cho lúa gạo tên chung là Nàng với kèm những tên riêng, Nàng Hoa, Nàng Xuân, Nàng Sen, Nàng Thơm, Nàng Ba, Nàng Yến...”. Và cuối cùng, ai cũng có cho riêng mình một “nàng Cơm của những nàng Cơm”, đó là người vun vén cho bữa cơm gia đình, người lo cho khỏi thiếu trước hụt sau, người đáp ứng hết các yêu cầu sở thích ăn uống của mọi thành viên trong nhà, người làm cho chúng ta dẫu đi đâu ăn gì cũng thòm thèm bữa cơm “chuẩn mẹ nấu”.

Đ.P.T.

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.