Người dân tại Vũ Hán đã đổ xô tới nhà ga và sân bay trong đêm nhằm mua vé rời khỏi thành phố trước khi lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng có hiệu lực.

Theo SCMP, người dân tại thành phố Vũ Hán đã đổ xô tới các địa điểm bán vé phương tiện giao thông công cộng trong đêm 22/1 nhằm tìm cách rời khỏi Vũ Hán trước khi lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng hoạt động bắt đầu có hiệu lực vào lúc 10 giờ sáng 23/1


"Tôi không muốn bị nhốt ở thành phố này"

Truyền thông Trung Quốc cho biết sân bay và nhà ga ở thành phố Vũ Hán chật kín người xếp hàng để mua vé trong đêm ngay sau thông báo về việc đình chỉ hoạt động các phương tiện công cộng của nhà chức trách.

 "Các loại vé không bán qua ứng dụng trực tuyến sau 23h30, vì thế tôi phải tới nhà ga và tìm cách mua vé tàu về nhà. Tôi không muốn bị nhốt ở thành phố này trong 1 hay 2 tháng tới", người đàn ông tên Cui quê ở tỉnh Hà Nam cho biết.

Ông Li, một người ngoại tỉnh làm việc ở Vũ Hán, đã lập tức đổi vé máy bay sau khi nắm được thông tin về lệnh cấm. Ông cho biết sân bay Vũ Hán đã quá tải ngay trong đêm. "Tôi không thể nhìn thấy nhân viên sân bay đâu cả. Chúng tôi đang chờ làm thủ tục kiểm tra hành lý. Tôi thậm chí không chắc là chuyến bay của mình có thể cất cánh đúng giờ hay không".

 Chính quyền thành phố Vũ Hán đã ra lệnh bắt buộc yêu cầu người dân đeo khẩu trang tại khu vực công cộng. Nhân viên các cơ quan nhà nước và cơ sở công cộng phải đeo khẩu trang trong thời gian làm việc.

Trong ngày 22/1, Beijing News cho biết các bệnh viện ở Vũ Hán đang quá tải bệnh nhân có triệu chứng sốt xếp hàng chờ thăm khám. Các phòng truyền nước chật kín bệnh nhân, một số người phải ngồi tại các hành lang trong khi truyền tĩnh mạch. Theo SCMP, Vũ Hán đang gặp khó khăn trong điều trị các ca nghi nhiễm virus corona do nguồn lực có hạn.

"Sao không ban hành lệnh cấm sớm hơn?"

Lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng của chính quyền Trung Quốc dự kiến sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của xe bus đô thị, tàu điện ngầm và các tuyến phà. Các chuyến bay và tàu hỏa rời khỏi Vũ Hán cũng bị dừng hoạt động. Nhà chức trách không cho biết khi nào các dịch vụ giao thông trên được cho phép hoạt động trở lại.

Lệnh cấm của chính quyền Trung Quốc không đề cập tới xe ôtô cá nhân. Tuy nhiên, người dân được cảnh báo "không rời khỏi thành phố trừ khi xuất hiện tình huống đặc biệt".

Bắc Kinh cho biết lệnh cấm các phương tiện giao thông công cộng là "biện pháp tốt nhất để ngăn chặn và kiểm soát dịch bệnh do virus corona gây ra, chặn đứng hiệu quả sự lây lan của virus, ngăn ngừa dịch bệnh lan truyền" nhằm "bảo đảm sức khỏe và an toàn cho người dân".


Trên mạng xã hội, một số ý kiến hoan nghênh lệnh cấm phương tiên giao thông công cộng hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi vì sao nhà chức trách không áp dụng biện pháp này sớm hơn. Bên cạnh đó, một số người tỏ ra quan ngại trước việc lệnh cấm áp dụng cho các phương tiện như xe bus đô thị và tàu điện ngầm. "Làm thế nào bệnh nhân có thể tới bệnh viện nếu họ không có ôtô cá nhân", một người sử dụng viết trên Weibo cá nhân.

Trong ngày 22/1, Trung Quốc xác nhận hơn 500 người đã mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, trong đó 17 người đã thiệt mạng.

Mỹ hôm 21/1 cũng xác nhận ca nhiễm "virus Vũ Hán" đầu tiên. Cùng ngày, truyền hình nhà nước Trung Quốc dẫn lời giới chức xác nhận virus corona gây ra chứng viêm phổi lạ có khả năng lây trực tiếp từ người sang người.

Các trường hợp nhiễm virus cũng đã được ghi nhận ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan, Macau, Hong Kong và Mỹ. Tuy nhiên, WHO vẫn chưa ban bố tình trạng đại dịch có lẽ vì lo ngại có sự xáo trộn rất lớn cho tất cả các hãng hàng không quốc tế ra vào Trung Quốc.





Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.