"Tuyệt đối không truy cập đường link lạ được gửi qua điện thoại, email hoặc cung cấp thông tin ngân hàng cho người lạ để tránh bị mất tiền oan", trung tá Đào Trung Hiếu khuyến cáo.

Công an Đắk Nông đang điều tra vụ chị Lê Thị Thu Thảo (vợ của một công nhân tử nạn trong sự cố Rào Trăng 3) bị kẻ gian gọi điện thoại, lừa đảo chiếm đoạt 100 triệu đồng. Đây là số tiền các nhà hảo tâm ủng hộ, giúp đỡ gia đình chị Thảo.


Theo trình báo của nạn nhân, chiều 20/10, một người lạ gọi điện nói muốn chuyển 6 triệu để động viên gia đình sau biến cố. Người này cho biết tiền chuyển từ tài khoản quốc tế nên gửi tin nhắn chứa liên kết đến điện thoại của chị Thảo. Nếu nhập các thông tin theo chỉ dẫn, chị sẽ nhận được tiền.

Tuy nhiên, sau khi người phụ nữ nhập số tài khoản và mật khẩu dịch vụ ngân hàng trên trang web trong tin nhắn, nạn nhân phát hiện tài khoản bị mất 100 triệu đồng.

Theo một điều tra viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực an ninh mạng thuộc Công an TP Hà Nội, đây là một hình thức lừa đảo thường xuất hiện trên không gian mạng.

Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là gửi tin nhắn qua điện thoại hoặc thư điện tử của nạn nhân. Nội dung chứa liên kết (link) giả mạo trang web hay giao diện các ngân hàng, tổ chức tài chính.

"Chúng dụ nạn nhân truy cập đường link, sau đó điền các thông tin liên quan để đăng nhập như đăng nhập trên trang web chính chủ hoặc ứng dụng ngân hàng trên điện thoại", điều tra viên phân tích.

Sau khi có được thông tin cá nhân của chủ tài khoản, kẻ gian kiểm soát được tài khoản chuyển tiền trực tuyến của khách hàng và thực hiện hành vi lừa đảo, đánh cắp tiền trong tài khoản.

Đưa ra khuyến cáo, trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an, nhấn mạnh người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra.

"Tuyệt đối không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử như tên đăng nhập, mật khẩu hay mã OTP hoặc truy cập vào đường link lạ trong tin nhắn, thư điện tử (email)", trung tá Hiếu khuyến cáo.

Chuyên gia nhấn mạnh người dân cần kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn từ ngân hàng, tổ chức tài chính, đặc biệt các tin nhắn có chứa đường link. Tuyệt đối không nên vội vã trả lời hay truy cập đường dẫn trong tin nhắn được gửi đến.

Chủ tài khoản cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập ứng dụng Internet banking, smartbanking để tăng mức độ bảo mật thông tin cá nhân. Ngoài ra, khi phát hiện nghi vấn cần thông báo ngay đến số điện thoại chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được hướng dẫn, ngăn chặn việc chuyển tiền.

Theo ông Hiếu, khi nghe các cuộc gọi của người lạ hỏi về thông tin cá nhân hay ngân hàng hoặc nhận được tin nhắn nghi vấn, người dân cần từ chối tiết lộ thông tin hoặc trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Theo Zing

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.