Có thể bạn là một người sành thưởng thức rượu vang bằng cả 5 giác quan, nhưng những điều dưới đây có thể sẽ hữu ích cho bạn mỗi khi bạn chọn mua hoặc đơn giản là để hiểu hơn về một loại đồ uống đã được cả thế giới ưa chuộng.

Từ chiếc nhãn chai

Mỗi cụm từ ngữ trên nhãn chai rượu đều mang một thông điệp về nguồn gốc xuất xứ, phương thức ủ rượu hay những thuộc tính của chai rượu đó. Dưới đây là một số thuật ngữ thường được sử dụng:

-         Mis en bouteille au chateau/Estate-bottled: Thuật ngữ này cho biết rượu vang được đóng chai bởi chính nhà sản xuất chứ không phải các công ty thương mại.

-         Reserva/Riserva: Dòng rượu để lâu năm.

-         Superiore/Superieur: Rượu vang có độ cồn tối thiểu cao hơn mức tiêu chuẩn.

-         Dry: Vang có lượng đường thấp, khoảng vài gam/lít.

-         Medium/Semi-Dry: Vang có lượng đường trung bình, khoảng 10g/lít.

-         Sweet: Vang ngọt, có lượng đường khoảng vài chục gam/lít.

-         Still Wine: Vang không có bọt.

-         Sparkling wine: Vang có bọt (Vang nổ).

-         Aromatised wine: Vang khai vị.

Một số thuật ngữ chuyên môn trong nếm thử rượu:

-         Đồ ngọt: Trong thuật ngữ thử rượu, đối nghĩa với “ngọt” là “khô” (“Sweet” và “Dry”).

-         Độ axit: Vang có vị hăng xộc lên mạnh là vang có độ axit cao và ngược lại. Axit là một trong những yếu tố giúp cho rượu vang có thể giữ lại được lâu. Rượu càng có độ cường tự nhiên cao thì càng cần có nhiều axit để đạt độ cân bằng về vị. Vị chua trong rượu vang là bằng chứng của rượu bị hỏng.

-         Độ cân bằng giữa các mùi vị: Là sự hòa hợp giữa hương thơm và các vị của rượu vang. Rượu có độ cân bằng giữa các mùi vị tốt là rượu không quá nhiều một vị nào đó ví dụ như chua, chát, ngọt. Tất cả các vị quyện vào nhau hài hòa và mùi hương phức hợp là biểu hiện cao nhất của độ cân bằng giữa các mùi vị.

-         Độ chát: Đây là một trong những thành tố không thể thiếu của rượu vang đỏ. Về mặt kỹ thuật, tannin làm từ một tổ hợp các thành phần như vỏ nho, hạt và cuống của nho đỏ. Có thể nhận ra chất tannin qua cảm giác khô và se bao trùm trong miệng khi thử rượu.



Đến những cái nút rượu vang

Những cái nút xoáy đã quay trở lại với rượu vang sau một thời gian dài vắng bóng. Vang có 2 loại nút chính: nút liège và nút xoáy. Nút liège còn được gọi là nút bần (phiên âm tiếng Pháp liège, trong tiếng Anh là cork). Nó được làm chủ yếu từ bỏ gỗ sồi, có loại dùng bằng chất dẻo tổng hợp hoặc gỗ ép có độ đàn hồi cao. Nút có hình trụ, được dùng khá phổ biến trong bảo quản vang. Người Hy Lạp đã đóng chai rượu bằng nút liège từ thế kỷ thứ V trước Công Nguyên và người La Mã cổ đại cũng chẳng lạ gì loại nút này.

Trong khoảng 1.500 năm sau đó, khi hầu hết các vườn nho lớn ở Châu Âu đã được ra đời, thì rượu vang được bảo quản trong các thùng tròn hay bình, túi da hoặc lọ đất nung được bịt kín bằng vải hay nút da, chốt gỗ. Đôi khi cho thêm một ít sáp ong. Nút liège được dùng cho gần như toàn bộ các loại vang hảo hạng trong suốt thế kỷ XIX. Nút xoáy là hậu duệ của nút liège, được sáng chế bởi Dan Rylands của Bamsley vào ngày 10.08.1889.  Đến năm 1926, nó đã được dùng cho các loại rượu mạnh này đã tăng lên nhanh chóng nhờ tính tiện dụng, chi phí thấp của nút xoáy kim loại. 

Năm 1973, một thử nghiệm với 3000 chai rượu vang đỏ, vang trắng đóng chai bằng nút liège tự nhiên và nút xoáy cho thấy nút xoáy giữ chất lượng rượu vang tốt nhờ đặc tính kín hoàn hảo, sự điều chỉnh thay đổi gas và đặc biệt, không hề có TCA-chất hóa học gây ra mùi thối trong rượu vang, thường thất trong các chai đậy nút liège bị hỏng. Hơn nữa, việc sử dụng vang cũng thuận tiện hơn khi không uống hết rượu. Việc theo dõi thử rượu được thực hiện sáu tháng một lần đã tổng kết rằng nút xoáy đạt số điểm cao hơn. Giờ thì ngày càng có nhiều quốc gia và nhà sản xuất rượu vang chuyển sang dùng nút xoáy.

 Định kiến cho rằng rượu vang cần có hơi để ủ hay loại nút liège tốt hơn cho rượu vang cao cấp bây giờ trở thành lỗi thời. Và có lẽ những động tác cầm nút liège lên ngửi đầy sành sỏi của ai đó sẽ sớm chỉ còn là một câu chuyện vui trong tiệc rượu!

6 bước mở nút vang (áp dụng cho loại nút Liège):

1.    Dùng dao cắt đầu bọc ở cổ chai. Lau sạch cổ chai trước khi mở nút. Bạn nên cắt nút chai một cách gọn gàng dưới mép với lưỡi của cái mở nút chai. Chắc chắn rằng đầu rách được cắt tỉa ra khỏi phần nút.

2.    Cắm đầu xoáy nhọn vào chính giữa nút liège. Nếu cái mở nút chai đi vào một góc, nó sẽ phá vỡ nút. Xoáy cái mở nút chai vào sâu trong nút liège theo chiều thẳng đứng vào giữa nút chai.

3.    Khi đầu xoáy nhọn đã ngập gần hết thì dừng lại. Gập phần ngạnh tạo lực đòn bẩy vào cổ chai.

4.    Từ từ bẩy nút chai lên theo chiều thẳng đứng. Lực của đòn bẩy thích hợp sẽ đẩy nút chai và giảm thiểu khả năng phá vỡ nút.

5.    Dừng lại khi nút vẫn còn ở một phần (khoảng nữa centimet) trong cổ chai. Nếu rút mạnh tiếp, sẽ tạo ra tiếng nổ khó chịu. Ngoài ra, có thể có những vụn nhỏ rơi vào bên trong chai.

6.    Dùng tay nhẹ nhàng rút nút chai ra. Hãy dùng khăn (loại không có sợi bông) lau nhẹ nhàng đầu chai rượu. Chớ vứt nút chai đi. Bạn có thể xoay ngược nó để đóng chai lại nếu không uống hết.

Nguồn: theo Tạp chí Đồ Uống Việt Nam


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.