Không đâu khác, chính gia đình là nơi đầu tiên hình thành tình yêu văn hoá dân gian cho trẻ. Và khi tâm hồn của con đã được nuôi dưỡng bằng nguồn văn hoá dân tộc, hơn ai hết chính ba mẹ là người đầu tiên nhận được quả ngọt từ điều này.  


văn hoá dân gian cho trẻ
Văn hoá dân gian sẽ giúp nuôi dưỡng tâm hồn trẻ, giúp trẻ phát huy khả năng tưởng tượng, tư duy sáng tạo và giàu tình cảm.

Nuôi dưỡng tâm hồn trẻ bằng văn hoá dân gian từ cái "nôi" đầu tiên: Gia đình

Tri thức văn hóa dân gian vốn đã sẵn có từ trong gia đình. Chính thói quen giáo dục, dạy dỗ trẻ hằng ngày của cha mẹ, ông bà là ngọn nguồn của những tri thức ấy. Từ xưa, những lời ru, điệu hát, câu chuyện kể, trò chơi…luôn là phương tiện giáo dục duy nhất để chăm dạy con cái. Dỗ con nhanh vào giấc ngủ thì chỉ có thể nhờ vào giọng à ơi“ Ru con con théc cho muồi/Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu”.

“Quà” để con ngoan hơn là kể con nghe về truyền thuyết dòng dõi con Rồng cháu Tiên, đến bước chân thần của Thánh Gióng (“Đêm hè mẹ kể con nghe/ Chuyện xưa ông Gióng nhổ tre diệt thù”); hướng con vào những tấm gương đạo đức làm người, đã có kho tàng thân phận của cô Tấm - cô Cám (“quả thị thơm, cô Tấm rất hiền”)…

văn hoá dân gian
Những câu chuyện kể từ kho tàng văn hoá dân gian là kho tri thức, là phương cách giáo dục của ông bà thế hệ trước nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị và ý nghĩa to lớn..

Giải trí cùng con thì vừa hát đồng dao “chi chi chành chành” vừa tay xòe tay rụt, “kéo cưa lừa xẻ”, mẹ con cùng cười hơn cả “mười thang thuốc bổ”; năm, mười, mười lăm, hai mươi, mẹ trốn con tìm, mẹ vừa giải khuây, con mau biết đếm… Đó là phương cách giáo dục của thế hệ trước. Việc dạy con chủ yếu được dựa vào phương pháp “lời nói”, lời kể. Qua đó, trao vào con cả kho tàng tri thức văn hóa dân gian một cách trực tiếp, tự nhiên nhất.

Thế kỷ XXI, cuộc sống hiện đại, các phương tiện vô cùng phong phú, phương pháp dạy con vì thế cũng “công nghệ hóa”, gắn với “nhìn” hơn là “nghe”, “truyền khẩu”. Xu thế chuyển đổi phương tiện giáo dục – giải trí cho trẻ ảnh hưởng đến việc trao truyền tri thức dân gian, khi mà đặc điểm của văn hóa – văn học dân gian phần lớn thể hiện qua ngôn ngữ nói (lời nói) hơn là ngôn ngữ hình ảnh.

Văn hoá dân gian giúp trẻ phát triển tốt hơn

Có thể nói, việc chuyển hướng sử dụng phương tiện giáo dục – giải trí đã “vô tình” bỏ phí một nguồn lợi tinh thần to lớn về tri thức văn hóa dân gian. Tuy nhiên, con trẻ vẫn có cơ hội được nuôi dưỡng tâm hồn bởi nguồn tri thức này nếu gia đình vẫn dành sự quan tâm nhất định, biết kết hợp phương tiện giáo dục – giải trí từ truyền thống đến hiện đại.

Bố mẹ không chỉ kể con nghe, mà còn có thể đọc cùng con, xem với con những quyển sách, những bộ phim dân gian. Kết hợp “nghe” và “nhìn” trong cách thức chuyển tải tri thức văn hóa dân gian. Sự quan tâm, ý thức của ba mẹ trong việc chủ động truyền thụ tri thức văn hóa dân gian đến con sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực không chỉ cho con mà còn cho ba mẹ: con giảm thời lượng tiếp xúc thiết bị điện tử, tăng cường việc giao tiếp gia đình, con có điều kiện trau dồi ngôn ngữ và phát huy năng lực tưởng tượng.


Những điều này, ngoài việc làm cơ sở cho trẻ phát triển thể chất khỏe mạnh (giảm thời gian ngồi bất động trước màn hình) còn có ý nghĩa trong việc phát triển trí tuệ, tình cảm (hướng trẻ vào giá trị của lòng nhân ái, tính trung thực, sự cần cù, nhẫn nại, tình yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc…).

Những giá trị văn hóa tiếp nhận từ gia đình sẽ là lớp nền tảng vững chắc, để khi tri thức của trẻ mở rộng đến kho tàng văn hóa các nước trên thế giới, trẻ sẽ có sự phát triển hài hòa, cân bằng vốn văn hóa dân tộc và thế giới. Điều này có ý nghĩa sâu sắc trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.