Trước đây, Nhật Bản cũng có phong tục đón Tết âm lịch như các quốc gia châu Á khác. Thế nhưng để phát triển và hòa cùng dòng chảy thế giới, kể từ năm 1873, người Nhật đã chuyển sang ăn Tết theo lịch phương Tây.

Tuy nhiên, những phong tục, lễ nghi và các món ăn truyền thống đặc biệt trong ngày Tết của xứ sở vẫn trường tồn mãi đến ngày nay.

Các Thánh Ăn đâu rồi, hãy cùng Saigon8 tìm hiểu ẩm thực ngày Tết của đất nước Mặt trời mọc nhé!

OSECHI – BỮA ĂN ĐÓN NĂM MỚI


Trong tiếng Nhật, “sechi” có nghĩa là “chuyển giao giữa từng mùa”. Osechi là bữa ăn bắt đầu một năm mới với ý nghĩa “Hạnh phúc chồng hạnh phúc”.

Sở dĩ có cái tên này vì về hình thức, Osechi gồm các khay xếp chồng lên nhau và bên trong lấp đầy những món ăn mang ý nghĩa phúc lành.

Người Nhật có quan niệm cả phòng bếp Thần linh cũng ghé thăm, nên từ ngày 1 đến ngày 3 họ sẽ không nấu nướng gì cả. Do đó, các món ăn trong Osechi đa phần là những món bảo quản được dài ngày. Người nội trợ cũng không cần phải nấu nướng nên có thể thảnh thơi tận hưởng không khí năm mới.


Trước khi dùng Osechi, người Nhật sẽ chúc tết và uống rượu Otoso để cầu mong một năm mới đầy sức khỏe cho cả gia đình.

Một số món có trong Osechi là Kobumaki (rong biển cuộn rim ngọt), Ebinosaka Mushi (tôm hấp rượu sake), Kazunoko (cá trích), Nimono (rau củ hầm), Namasu (cà rốt và củ cải ngâm giấm), Tazukuri (khô cá cơm rim nước tương), Kinpira Gobo (ngưu bàng xào cà rốt), Kuromame (đậu đen ninh), Kurikinton (bánh làm từ hạt dẻ và khoai lang nghiền), Datemaki (trứng cuộn), Tai-no Shioyaki (cá biển nướng), chả cá Kamaboko trắng hồng...

TOSHIKOSHI SOBA – MÌ TRƯỜNG THỌ


Người Nhật ăn mì trường thọ (có ý nghĩa là năm cũ đã qua) vào đêm giao thừa (Omisoka). Có nhà thường ăn trong bữa tối, cũng có nhà sau khi dùng bữa tối với Sushi, lẩu Sukiyaki, rồi mới thưởng thức Toshikoshi soba trong tiếng chuông giao thừa (Joya no Kane).

Sợi mì trường thọ được làm bằng kiều mạch, sợi dài, tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, dài lâu.

OZONI (SÚP MOCHI)


Vào buổi sáng đầu tiên của năm mới, cả nhà sẽ quây quần bên bàn ăn uống rượu sake và ăn Ozoni, món súp truyền thống gắn liền với ngày Tết. Zoni được hiểu là các nguyên liệu nấu chung với nhau nên không hề có một công thức chính xác nào để nấu món này cả.

Linh hồn của Ozoni là bánh dày (mochi) được ninh chung với thịt gà, rau củ và nước dùng Dashi, thường ăn kèm với Osechi .

MOCHI (BÁNH DÀY)


Mochi xuất hiện thường xuyên trong những sự kiện đặc biệt của người Nhật. Ngày Tết, người Nhật có nhiều cách ăn Mochi khác nhau như Ozoni, mochi nướng chấm Shoyu cuộn rong biển bên ngoài, mochi chấm đường, mochi nhào đậu đỏ, bột đậu nành và củ cải bào.

Tương đồng với người Việt, người Nhật cũng luôn tôn sùng những hạt gạo đã nuôi dưỡng họ trưởng thành theo tháng năm. Để tạ ơn Thần linh, người Nhật dâng vật cúng là những chiếc bánh mochi làm từ gạo nếp dẻo ngọt.


Kagami mochi là bánh dày dâng lên thần linh. Họ bày bánh ở hốc tường Tokonoma trang trọng trong phòng khách hoặc nhà bếp để cầu nguyện trường thọ cho gia đình. Kagami mochi gồm 2 chiếc bánh mochi xếp chồng lên nhau, cái nhỏ nằm trên cái lớn và được trang trí hài hòa, đẹp mắt. Trên chiếc bánh mochi nhỏ người ta còn đặt một quả cam với mong ước phồn thịnh cho gia đình.

Tuy nhiên, người Nhật quan niệm những ngày đầu năm mới không nên ăn Kagami mochi vì sẽ đuổi Thần linh ra khỏi nhà. Cho nên, họ chỉ ăn Kagami mochi vào ngày cuối Tết, tùy từng vùng nhưng phổ biến nhất là ngày 11/01, với ý nghĩa “Vậy là cuối cùng cũng hết Tết rồi nhỉ”. Họ sẽ đập nhỏ bánh dày giờ đây đã cứng bằng chày gỗ, rồi cho vào món súp Ozoni hay Shiruko (món chè đậu đỏ ăn kèm với bánh dày).

NANAKUSAGAYU (CHÁO THẤT THÁI)


Vào ngày 7/1, người Nhật thường nấu cháo với 7 loại “thảo dược mùa xuân” là cần ta, cây rau tề, gogyo, hotokezona, cây tinh thảo, củ cải tròn và củ cải.

Sau khi ăn quá nhiều món ăn ngày Tết, người Nhật sẽ ăn món này cho dịu bụng và cung cấp dưỡng chất từ rau xanh cho cơ thể.

Ngoài ra, món này còn mang ý nghĩa cầu mong một năm mới đầy sức khỏe.

ANH DƯƠNG (tổng hợp)


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.