Theo quan niệm của người Việt, đốt vàng mã là một nghi thức không thể thiếu trong việc cúng kính vào dịp lễ tết hay những ngày rằm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng đây là một việc làm  không chỉ mang tính chất mê tín, vô nghĩa  về mặt tâm linh, mà còn tốn kém và gây ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, dù đã có công văn đề nghị loại bỏ việc đốt vàng mã từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhưng liệu người dân có chấp thuận việc từ bỏ hay không, đó là một vấn đề đang gây tranh cãi.



LIỆU NGƯỜI DÂN CÓ TỪ BỎ?

Công văn kêu gọi các phật tử bỏ tục đốt vàng mã của Giáo hội Phật giáo \Việt Nam đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận. Theo khảo sát của PV báo Lao Động, vàng mã vẫn được bày bán la liệt trước các cổng đền, chùa, phủ trên địa bàn Hà Nội. Tình trạng đốt vàng mã có giảm bớt nhưng để chấm dứt hoàn toàn thì còn là một câu chuyện dài. Tâm lý của nhiều người dân vẫn là tiếp tục đốt vàng mã, chỉ là hạn chế chứ không thể từ bỏ được.

Nhớ lại câu chuyện đặt linh vật ngoại lai ồ ạt trước đây, đến nay tình trạng này đã được dẹp bỏ. Vì thế, chúng ta có quyền kỳ vọng vào việc ngăn chặn, loại bỏ tục đốt vàng mã.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo ngại, nếu chỉ dựa vào lời kêu gọi, tuyên truyền, liệu có giúp người dân nhận thức và từ bỏ tục đốt vàng mã?

Theo PGS. TS Bùi Hoài Sơn (đăng trên báo Lao Động vào 1/3/2018), Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, ngoài công văn số 31, nhiều năm qua Bộ VHTTDL đã có nhiều công văn chấn chỉnh về tình trạng đốt vàng mã bừa bãi. “Tuy nhiên, hiệu quả của các công văn chưa thực sự tốt. Lý do là chưa có sự chung sức của các tổ chức xã hội. Ngăn chặn tục đốt vàng mã, nếu chỉ có nỗ lực của mỗi ngành văn hóa thì không đủ”.

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết thêm, trong chuyến đi kiểm tra lễ hội đầu năm nay, tình trạng hóa vàng ở một số nơi thờ Phật đã giảm bớt. Chùa Tổ (Thiên Quang) nằm trong khu di tích Đền Hùng đã kiên quyết từ chối việc đưa vàng mã vào. Phủ Dầy (Nam Định) cũng đã bớt. Tuy nhiên tình trạng vàng mã vẫn được bán lan tràn bên ngoài như ở Đền Trần (Nam Định), Phủ Tây Hồ (Hà Nội), …

Trung ương Giáo hội Phật giáo có ảnh hưởng rất lớn đến các phật tử và người dân. Đặc biệt là ở các cơ sở thờ tự chịu sự quản lý của Giáo hội Phật giáo như các chùa, nơi từ trước đến nay vẫn xảy ra tình trạng đốt vàng mã thường xuyên.

Tuy nhiên, do đặc điểm của Phật giáo, trong chùa có ban thờ mẫu, các ban thờ này không thuộc phạm vi chi phối của Giáo hội Phật giáo. Người dân có thể “lách luật” bằng cách không đốt trong chùa nhưng có thể đốt ở ban thờ mẫu.

Theo PGS Bùi Hoài Sơn, thói quen của người dân cũng là một rào cản. Vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của Giáo hội Phật giáo, Bộ VHTTDL và các ngành nghề khác trong xã hội.

ĐỐT VÀNG MÃ CÓ THỂ HIỆN GIÁ TRỊ TÂM LINH ?


Mỗi quốc gia trên thế giới này đều có đồng tiền riêng cho mình, và đồng tiền được luật pháp và chính quyền bảo mật, bảo hộ để đề phòng người ta in tiền giả làm rối loạn nền kinh tế. Chỉ có chính phủ của quốc gia đó mới được phát hành tiền tệ của nước mình mà thôi, vì thế nếu ai in tiền giả để tiêu thụ là phạm luật và bị chính quyền xử lý.

Do đó, nhiều quan điểm cho rằng cõi trần thế nào thì cõi âm cũng như vậy. Con cháu ở đời muốn cho tiền ông bà cha mẹ thì phải bỏ công sức ra làm việc mới có tiền, không thể ăn cướp của người khác, cũng càng không thể đi mua tiền giả tiêu thụ được. Người sống lấy đống giấy lộn có in hình vẽ rồi gọi nó là “vàng mã”, “tiền âm phủ”… loại tiền này ở trên thế gian vốn không có giá trị, làm ra rất dễ, có thể in ra số lượng lớn. Nếu gửi chúng xuống cõi âm, thì vẫn tiền giả không có giá trị lưu thông và trao đổi. Nhà lầu, xe hơi, cũng như vậy. Đó là chưa kể đến việc đốt vàng mã cũng gây nên một số vấn đề về ô nhiễm môi trường hay cháy nổ.

Theo một đại bộ phận người dân, khi cúng kính cần nhất là cái tâm. Việc đốt vàng mã là không cần thiết và nó cũng không thể hiện lòng thành của người dương thế với người cõi âm.

Trong giáo lý của Phật Giáo cũng không thấy nói đến chuyện đốt vàng mã. Thượng toạ Thích Thanh Nhã, trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) khẳng định với PV Báo GĐ&XH rằng, kinh Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố. Bản thân trụ trì cũng thường xuyên nhắc nhở Phật tử nên hạn chế đốt vàng mã. Theo ông thì nên dùng tiền mua vàng mã đốt để làm việc thiện cho đời sẽ tốt hơn rất nhiều.

Tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời và ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam nên rất khó để từ bỏ. Mặc dù vậy, qua công văn kêu gọi đến từ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như những quan điểm phân tích về ý nghĩa tâm linh, chúng ta có thể thấy rằng vẫn có nhiều người vẫn rất kỳ vọng về việc chấm dứt tập tục này trong tương lai.

THANH TỊNH (tổng hợp)

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.