Kể từ 15/9/2018 tới đây, các thuê bao di động 11 số sẽ bắt buộc chuyển sang 10 số. Như vậy sẽ có khoảng 60 triệu thuê bao phải chịu ảnh hưởng bởi việc chuyển đổi này, rất nhiều người dùng đang rất lo lắng vì không biết có gây ảnh hưởng gì đến chuyện làm ăn của mình không.


Sự cần thiết chuyển đổi mã mạng là vì sự phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, nhiều loại hình dịch vụ viễn thông ra đời như 2G, 3G, 4G, 5G...; đáp ứng xu thế phát triển lâu dài cho thị trường viễn thông, giúp Việt Nam có trên 500 triệu số thuê bao di động 10 chữ số cho liên lạc người với người, khoảng 1 tỷ số thuê bao di động cho mục đích liên lạc thiết bị với thiết bị.

Sự thay đổi này nhằm giúp Việt Nam sẽ có thêm nhiều dải số mới phục vụ cho giao thông thông minh, y tế thông minh, điện lực thông minh... Ngoài ra, thuê bao di động 11 số hiệu quả sử dụng không cao nếu so với thuê bao 10 số, có tỷ lệ sim rác nhiều... Tuy nhiên, bên cạnh cái lợi lâu dài như nêu trên thì trước mắt khoảng 60 triệu thuê bao di động sẽ bị phiền phức, bị ảnh hưởng trong làm ăn, liên lạc...

Thực tế gần đây, thuê bao 11 số đã trở nên phổ biến, không chỉ được dùng như một SIM thứ 2 hay SIM dữ liệu, SIM rác mà đã trở thành SIM chính chủ, nhiều người dùng dùng thuê bao 11 số để đăng ký cho dịch vụ “bên thứ 3” như ngân hàng, mạng xã hội…

Nhiều người cho rằng việc đổi số liên lạc của 60 triệu thuê bao sẽ nảy sinh rất nhiều bất tiện, nhất là với người kinh doanh là rất phiền phức, tốn kém như phải đổi toàn bộ danh bạ, in lại danh thiếp, bao bì, biển hiệu, quảng cáo trên mạng, ảnh chụp mỗi sản phẩm mình đều in kèm số điện thoại liên hệ, giờ sẽ phải gỡ xuống chỉnh lại. Việc đã giao dịch với khách hàng chủ yếu qua sim 11 số đã nhiều năm, giờ đổi còn 10 số có thể sẽ mất liên lạc, mất khách hàng.


Hiện tại, nhiều tài khoản trực tuyến đã gắn với số thuê bao 11 số. Các dịch vụ này sử dụng số điện thoại thay cho tên đăng nhập hoặc là một lớp bảo mật bổ sung (xác thực hai lớp). Cụ thể, khi kích hoạt xác thực hai lớp, ngoài mật khẩu, người dùng sẽ phải nhập thêm dãy số dùng một lần và có thời hạn nhất định (OTP) được nhà cung cấp gửi SMS đến số điện thoại đăng ký tài khoản. Các dịch vụ phổ biến hiện nay như Facebook, Instagram, Google (Gmail, Driver, YouTube...) hay Apple ID (App Store, iCloud...) thường được kích hoạt thêm lớp bảo mật OTP. Như vậy, khi chuyển đổi đầu số, người dùng có thể không nhận được mã xác thực vì OTP được gửi đến số điện thoại cũ, không đăng nhập được tài khoản.

Bên cạnh đó, nhiều sim 11 số được mua sử dụng vì số đẹp, số mang nhiều ý nghĩa như số trùng ngày sinh, số đối xứng hai bên, số ngũ quý, số lộc phát..  khi chuyển đầu số sẽ mất giá trị và đã từng xảy ra tình trạng thị trường sim thẻ biến động, găm hàng các số đẹp sau khi chuyển đổi chờ lên giá. Sim tứ quý, sim ngũ quý... có thể có giá vài chục triệu đồng/sim.

Mới đây, việc nhiều chủ thuê bao điện thoại di động phải ra cửa hàng để chụp ảnh chân dung, bổ sung lý lịch… cũng đã rất phiền, tốn thời gian nay lại thực hiện việc đổi số điện thoại. Nếu ngành quản lý nhìn xa trông rộng hơn, làm cái gì thì làm từ đầu, không nay bổ sung, mai thay đổi thì sẽ tốt hơn và đỡ gây phiền hà, mất thời gian của người tiêu dùng.


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.