LTS: Vụ việc tại chùa Ba Vàng đang gây tranh cãi ầm ĩ giữa người theo đạo và không theo đạo, giữ những người có đạo và tin đạo Phật với nhau. Một bài viết của nhà báo Hoàng Hải Vân khá hay và chi tiết, đặt lại vấn đề tôn giáo ở Mỹ, nhưng nó gần gụi với cách đang giải quyết ở Việt Nam.


Bởi thực tế, nếu không xử lý khéo, kêu gọi chấn hưng Phật giáo trong vài trò của Chính quyền thì không ổn, người dân các tôn giáo khác sẽ thế nào. Học hỏi để có biện pháp đúng, thượng tôn luật pháp là hay nhất. Còn mỗi đạo, họ phát triển theo yêu cầu của chính đạo đó.

Bài biết được đưa lên báo Một Thế giới ngày 09/03/2018, lúc 16:40.
---------
Không phải ngẫu nhiên mà Tự do tín ngưỡng được đặt lên hàng đầu của vấn đề nhân quyền trong lịch sử nước Mỹ. Nó không phải xuất phát từ sự đàn áp tôn giáo của các lực lượng vô thần thế tục, mà xuất phát từ sự loại trừ lẫn nhau của các tôn giáo.

Thời thuộc địa, nhiều nhóm dân cư theo các tôn giáo khác nhau phải chạy trốn khỏi sự bức hiếp của nhà thờ Anh giáo, đến lượt họ sau khi có lãnh thổ lại không chấp nhận những cộng đồng khác tôn giáo với mình. Đó là bản chất thiếu khoan dung của nhiều tôn giáo.

Trong 10 Tu chính án đầu tiên, được gọi là Tuyên ngôn nhân quyền (the Bill of Rights), bổ sung vào Hiến Pháp Mỹ, câu đầu tiên của Tu chính án thứ nhất (The First Amendment) được ghi như sau: “Quốc hội không được ban hành luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm thực hành tự do tín ngưỡng” (Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof). Cái câu ngắn gọn đó hàm chứa hai điều khoản: điều khoản thiết lập (the establishment clause) và điều khoản hành đạo tự do (the free exercise clause).

The establishment clause, sau này được Tối cao pháp viện định nghĩa, qua lời Đại thẩm phán Hugo Black trong vụ án Everson v. Board of Education vào năm 1947: “Không một chính quyền nào, liên bang hay tiểu bang, có quyền thiết lập ra một thứ nhà thờ. Không chính quyền nào có quyền thông qua các luật lệ giúp đỡ một tôn giáo, các tôn giáo, hay hỗ trợ một tôn giáo này hơn tôn giáo kia. Không chính quyền nào bắt buộc một cá nhân phải đi nhà thờ hay xa lánh một nhà thờ ngoài ý muốn của người đó, hay bắt buộc người đó phải tin hay không tin vào một tôn giáo nào”. Theo giải thích đó của Tòa tối cao thì vấn đề không dừng lại ở việc “Quốc hội không được ban hành luật” nữa, mà như Đại thẩm phán Hugo Black khẳng định, mục đích của The establishment clause là tạo ra “một bức tường ngăn cách giữa nhà thờ và nhà nước” (a wall of separation between church and state).

“A wall of separation between church and state” là câu của Thomas Jefferson viết trong một bức thư không liên quan gì đến việc thông qua Hiến pháp, ông cũng không phải là một trong những tác giả của Hiến pháp Mỹ, nhưng Thomas Jefferson là tác giả của đạo luật Tự do tôn giáo của bang Virginia được thông qua vào năm 1786 mà tinh thần khoan dung của nó đã ảnh hưởng sâu sắc đến các tác giả của bản Hiến pháp. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử, cả nhà nước lẫn nhà thờ đều đồng thuận với “bức tường” nói trên, mặc dù theo quan điểm của Jefferson thì nếu không có “bức tường” đó thì xấu cho nhà nước, còn quan điểm của nhà thờ thì ngược lại, không có “bức tường” đó là xấu cho giáo hội.

Vấn đề là, việc các tổng thống Mỹ trong lễ nhậm chức đã đặt tay lên cuốn Kinh Thánh và mời các giáo sĩ đến cầu nguyện có vi hiến hay không? Dù Hiến pháp không bắt buộc phải đặt tay lên Kinh Thánh cũng như phải có giáo sĩ đến cầu nguyện, nhưng lễ nhậm chức của phần lớn các tổng thống Mỹ đều có nghi thức này, riêng Tổng thống Trump thì mời tới 6 giáo sĩ của các giáo phái khác nhau đến làm lễ. Hơn nữa, vào đầu buổi họp của Quốc Hội hay Tối cao pháp viện, vẫn có phần cầu nguyện và trong lễ nhậm chức vẫn có câu tuyên thệ “One nation, under God”.


Các nghi thức đó mặc nhiên trở thành truyền thống lâu đời của nước Mỹ, không ai đặt vấn đề có vi hiến hay không. Cho đến năm 1983, nhân phán quyết vụ kiện cơ quan lập pháp bang Nebraska dùng tuyên úy có hợp pháp hay không, Tối cao pháp viện mới khẳng định tất cả các nghi thức cầu nguyện nói trên không vi phạm The establishment clause mà chỉ là “sự công nhận niềm tin của nhiều người trong quốc gia này” mà thôi. Cần biết ở Mỹ, phán quyết của Tòa tối cao có giá trị ngang với một điều khoản của Hiến pháp.

Tuy nhiên, tất cả những quy định bắt người dân và nhân viên nhà nước phải thề trung thành với Thượng đế đều bị Tòa Tối cao tuyên bố vi hiến và bác bỏ.

Ở trường học, tại các trường công lập ngày trước nhiều nơi vẫn dạy giáo lý (Tin Lành, Công Giáo, Do Thái giáo…) cho học sinh ngoài giờ học chính. Cho đến năm 1948, cũng nhân một vụ án, Tòa tối cao tuyên bố việc giảng dạy tôn giáo trên phần đất của trường công lập là vi hiến. Tòa cho rằng, chương trình giáo dục như vậy “chắc chắn đã dùng tiền thuế cấp cho hệ thống giáo dục công lập để hỗ trợ các nhóm tôn giáo phổ biến niềm tin của họ”. Sau này, Tòa tối cao có “nhẹ tay” hơn chút đỉnh đối với các hoạt động tôn giáo trên phần đất của trường công, chẳng hạn như vào năm 1984, có luật cho phép các nhóm tôn giáo được hội họp tại trường tiểu học và trung học ngoài giờ học nhưng không thấy tòa “thổi còi”, chắc là do hoạt động này không liên quan đến việc dùng tiền thuế để hỗ trợ tôn giáo.

Nếu như cầu nguyện trong lễ nhậm chức tổng thống và vào đầu các phiên họp nói ở trên được coi là bình thường thì việc cầu nguyện và đọc Kinh Thánh trong các trường học lại có vấn đề. Năm 1962, Tòa tối cao bác bỏ quy định bắt học sinh phải đọc lời cầu nguyện viết sẵn vào đầu buổi học. Năm 1962, Tòa tuyên bố việc đọc và nghe Kinh Thánh mà không được bình luận tại các trường học công lập là vi hiến, ngay cả trong trường hợp một số học sinh được miễn đọc. Nhân đó, Tòa khẳng định chính quyền phải trung lập, không ủng hộ và không phản đối tôn giáo. Tòa chỉ chấp nhận cho học sinh đọc Kinh Thánh như một môn học lịch sử hay văn chương mà thôi.

Việc áp dụng điều khoản thứ hai (the free exercise clause) cũng khá thú vị. Không xâm phạm tự do tín ngưỡng, nhưng trong quá trình áp dụng điều khoản này, Tòa tối cao đã từng bước xác định một số giới hạn, sao cho quyền này không vi phạm lợi ích của quốc gia, trật tự và luân lý xã hội, sức khỏe của cộng đồng và sự an toàn của người khác. Trong đó, có một số tranh cãi nên Tòa phải có động thái “co giãn”, ví dụ như vấn đề chào cờ (quốc kỳ).

Trước và sau Đại chiến 2, một loạt bang của Mỹ có luật bắt học sinh các trường công lập phải chào quốc kỳ buổi sáng. Quy định này khiến cho một giáo phái phản đối, vì tôn giáo này coi việc chào cờ là tôn sùng một biểu tượng tà giáo. Có 2 em học sinh giáo phái này bị đuổi học do không chào cờ. Sự việc đưa lên Tòa tối cao. Tòa cho rằng việc chào cờ làm tăng cường tinh thần đoàn kết quốc gia, là một trong những yếu tố căn bản của nền an ninh quốc gia (vụ School District v. Gobitis, 1940). Nhưng sau đó, vào năm 1943, trong một vụ án tương tự, Tòa tuy vẫn khẳng định sự quan trọng của tinh thần đoàn kết quốc gia nhưng lại tuyên bố chính quyền không nên bắt buộc người dân thi hành các nghi lễ ái quốc nếu như người ta không muốn.

Vấn đề tranh cãi nhiều nhất, đến nay vẫn chưa ngã ngũ là vấn đề phá thai. Từ một phán quyết trong vụ Roe v. Wade vào năm 1973, Tòa tối cao tuyên bố hủy bỏ các điều luật về chống phá thai vì cho rằng các điều luật đó vi phạm quyền riêng tư trong Hiến pháp Mỹ. Từ đây, phá thai ở Mỹ được hợp pháp hóa, dù hàng năm đều diễn ra các cuộc tuần hành phản đối quyết định này. Đó là các cuộc tuần hành của phong trào “Phò sự sống” (Pro-Life) càng về sau càng có đông người tham gia ở Mỹ. Tuy nhiên, vào thời tổng thống Reagan, luật pháp Mỹ không cho phép chính quyền dùng ngân sách tài trợ cho các dịch vụ phá thai. Quy định này bị Tổng thống Clinton gỡ bỏ, Tổng thống Bush phục hồi, đến Tổng thống Obama lại gỡ bỏ.


Do đạo Thiên chúa chống phá thai, nên cả Giáo hội cũng như tín đồ Ki-tô giáo đều cho rằng việc Chính quyền Obama cho phép dùng ngân sách nhà nước tài trợ cho các hoạt động phá thai là bắt các tín đồ Ki-tô giáo nộp thuế để chống lại niềm tin tôn giáo của mình, do đó Chính quyền đã vi phạm The free exercise clause trong Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp. Bởi vậy, khi Tổng thống Trump ký sắc lệnh bãi bỏ các quy định tài trợ phá thai dưới thời Obama, lập tức được những người theo đạo Thiên Chúa nhiệt liệt hưởng ứng. Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan cho rằng sắc lệnh đảo ngược này của Tổng thống Trump là một chiến thắng cho quyền được sống và tự do tôn giáo.

Hoàng Hải Vân



Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.