Hàng cứu trợ!

Khu tôi ở phần lớn là hộ nghèo, đa số các gia đình mua bán hàng ăn quanh xóm hoặc chạy grab... Dịch bệnh bắt đầu bùng lên ở Sài Gòn ngày 25/5 là ở khu Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng, cách nhà tôi khoảng 200 mét. Kể từ hôm đó, các gia đình mua bán xung quanh khu vực đều phải nghỉ bán do bị cách ly, phong tỏa... đều đó đồng nghĩa với việc họ tạm thời thất nghiệp.

Mỗi sáng, ngồi trong nhà tôi nghe mọi người rủ nhau đi nhận hàng “cứu trợ”, người này rủ người kia rồi kéo nhau đi nhận, họ nhận của nhóm này, hội kia, của ai cho họ cũng nhận. Thỉnh thoảng tôi lại thấy ngoài thùng rác bịch rau thối, hay những đồ hư mà ai đó chưa ăn kịp.

Tôi chợt nghĩ, phải chi các nhà hảo tâm liên lạc với tổ dân phố hay hội phụ nữ của tổ nhờ họ đi phát cho từng nhà, vì chỉ có họ mới biết được nhà ai khó khăn cần giúp đỡ. Chỉ một nhóm đi phát, ai có nhu cầu thì nhận, không thì nhường cho người khác, điều đó sẽ hạn chế lây lan dịch bệnh và cũng không lãng phí thực phẩm trong thời kỳ khó khăn này.

Chuyện đi chợ, siêu thị!

Trước khi TP.HCM chính thức áp dụng chỉ thị 16, trên mạng đã truyền nhau mấy ngày về việc giãn cách. Nhà tôi sắp hết gạo, thời gian này, ở quê không thể gởi gạo lên (nhà tôi không mua gạo ở Sài Gòn, chỉ ăn gạo ruộng từ quê) nên tôi định chạy ra siêu thị để mua mấy kg gạo ăn tạm.

Ra chợ thì chợ đã đóng cửa, sau khi xếp hàng gần 40’ tôi mới vào được siêu thị, nhìn cảnh tượng không thể tin được, quầy mì gói gần quầy gạo trống trơn, rau thì không còn một cọng, chỉ còn một ít cà chua, trứng thì cũng như mì, hết sạch... Tôi thấy tình hình có vẻ căng nên nhờ các em bên chồng ở Đà Lạt gởi rau, củ quả vào nên cũng không phải lo đến vấn đề rau củ.

Tôi “cố thủ” trong nhà 2 tuần, đến hôm nay thì thịt cá hết sạch, tủ lạnh trống trơn nên sáng nay tôi đành phải ra khỏi nhà để đi siêu thị mua thức ăn. Lâu rồi không ra khỏi nhà, nhìn cảnh đường phố Sài Gòn vắng hoe, nhà nhà cửa đóng then cài, lưa thưa vài chiếc xe tải chở hàng, thỉnh thoảng cũng có xe máy chạy vụt qua, có lẽ cũng đi mua thức ăn như tôi.

Siêu thị cũng vắng hoe, hôm nay là Chủ Nhật, nếu bình thường thì ngày này chen chân nhau mà đi, rồng rắn xếp hàng ở quầy tính tiền. Nhìn quanh, tôi thấy các quầy hàng quần áo, giầy dép, túi xách... không một bóng người, toàn bộ tập trung ở các quầy bán thực phẩm.

Đúng như tivi, báo đài nói, hàng hóa không thiếu, có thiếu là thiếu tiền để mua. Tôi không thể tin là cá điêu hồng ướp đá mà giá đến 114.000đ/1kg, bình thường, nếu mua ở chợ, cá sống bơi trong thau cao nhất là 60.000đ/1kg; thịt heo loại nạc dăm hơn 200.000đ/1kg, tăng gần 50%; trứng gà thì 39.500đ/1 chục mà chỉ mua được 2 chục, trước khi có dịch giá khoảng 22.000đ/1 chục; bây giờ 1 kg khoai lang mật Đà Lạt giá 45.500đ/1kg, còn đắt hơn 1kg gạo ST25 (35.000đ/1kg) của chú Ba Cua nữa đó.

Trước khi đi siêu thị, tôi ghi ra các thứ cần mua, tính trong đầu là mua bấy nhiêu đó thì khoảng... bấy nhiêu tiền, nhưng khi tính tiền thì số tiền tăng gần gấp đôi con số tôi đã tính.

Tôi lại ước, như hồi xưa, các vua chúa biết lo cho dân sẽ đi vi hành để xem dân chúng sống thế nào. Phải chi, thời buổi dân tình khốn khó thế này, các quan bây giờ cũng thử một lần tự cỡi... xe máy đi một vòng các điểm nóng, đi không thông báo cho địa phương, không báo đài đưa tin, không người tháp tùng...

Đi để biết tình hình thực tế các siêu thị, các chợ, giá cả như thế nào thì lúc đó sẽ hiểu được nổi khổ của dân, và của cả những người lính, công an phải chịu áp lực trước cái nắng nóng giữa trưa ở những chốt kiểm dịch trên đường họ đi qua.

Chuyện giãn cách!

Dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP.HCM hơn 2 tháng rồi mà tôi thấy vẫn loay hoay, giãn rồi siết rồi giãn... dịch cũng không giảm, số ca nhiễm hôm sau cao hơn hôm trước.

Trong lòng tự diễn biến, trong suy nghĩ hạn hẹp, nếu là tôi, tôi sẽ tạo an toàn cho từng khu vực. Khu nào dịch bệnh nhiều, tôi sẽ cho xét nghiệm hết một lần, nếu ai chưa nhiễm thì chích ngừa toàn bộ khu đó, ai nhiễm thì đưa đi chữa bệnh và xem như người đó miễn dịch.

Làm từng khu nhỏ, nhân ra cả phường rồi cả quận, vậy là an toàn một quận, quận đó có thể mua bán sinh hoạt bình thường, giấy chích ngừa xem như giấy thông hành để đi các nơi khác, dĩ nhiên vẫn thực hiện 5K cho chắc. Cách này sẽ giảm chi phí, nhân lực dành cho xét nghiệm, đồng thời cũng giảm lây lan dịch bệnh cho các khu khác.

Đó là cách dịch mới bắt đầu bùng lên ở TP.HCM, vaccine dành cho TP.HCM còn nhiều, bây giờ hầu như tỉnh nào cũng bùng phát dịch bệnh, dĩ nhiên vaccine phải đưa về các tỉnh để chích ngừa cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Hiện nay, TP.HCM tập trung chích ngừa cho các đối tượng có bệnh lý nền, người từ 65 tuổi trở lên. Nếu là tôi, tôi sẽ tiêm vaccine cho các đối tượng buộc phải ra ngoài đường kiếm sống như tài xế xe tải, xe ôm, grab, những người bán ở chợ, siêu thị, những người nội trợ phải đi mua thực phẩm cho cả nhà...

Các đối tượng này họ biết thời điểm như hiện nay ra khỏi nhà là nguy hiểm, nhưng họ phải ra đường thì mới có cái ăn cho cả nhà, họ có thể là người mang mầm bệnh về nhà và đi khắp nơi. Khi những người này an toàn thì xem như phần nào giải được bài toán chợ búa, siêu thị, lưu thông hàng hoá…

Các đối tượng có bệnh lý nền và lớn tuổi hầu như thời gian này họ chỉ ở nhà, người lây bệnh cho họ là những người phải bươn chảy ở ngoài đường để kiếm cái ăn cho cả nhà vì không phải ai cũng mong chờ hàng cứu trợ. Ở đời, có vay thì phải trả, nhận của ai cái gì thì xem như mình đã đi vay…

----------

Đêm trắng, cho ngày đầu Sài Gòn “giới nghiêm” từ 18 giờ cho đến 6 giờ sáng hôm sau (ngày 26/7/2021).

P/s: Hình ảnh chỉ mang tính minh họa.

Nguyễn Thị Mỹ Xuân 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.