Đi cùng với quá trình phát triển kinh tế, năng lượng luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, phát triển kinh tế cũng phải song song với việc bảo vệ môi trường, do vậy, những nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường như năng lượng mặt trời, năng lượng gió rất được quan tâm và chú trọng.

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo dồi dào, thúc đẩy sử dụng sạch được coi là một bước đi chiến lược nhằm gia tăng lợi ích kinh tế, tăng cường an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường. Do đó, việc xem xét đầy đủ vai trò của năng lượng sạch là rất cần thiết góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia.


ĐẦU TƯ SỬ DỤNG ĐIỆN MẶT TRỜI Ở CÁC HỘ GIA ĐÌNH

Nhằm hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm đồng thời góp phần trong việc bảo vệ môi trường, một số dự án đã tiến hành hướng dẫn và tuyên truyền cho một số hộ dân biết được lợi ích của việc sử dụng năng lượng sạch trong tiêu dùng cho nhiều hộ dân sinh sống tại TP.HCM.

Chị Nguyễn Thị Kim Ánh (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị đã đầu tư 12 tấm pin mặt trời Sau thời gian sử dụng, mỗi tháng gia đình chị tiết kiệm được từ 800.000 - 900.000 đồng tiền điện và quan trọng hơn là nguồn điện rất ổn định không phải lo bị cắt hay cúp để sửa điện theo kế hoạch ngành điện. Điện thu về từ các tấm pin năng lượng mặt trời không chỉ cho gia đình xài, mà còn dư để nối lưới. Cũng theo chị Ánh, mặc dù mức đầu tư ban đầu cao, tuy nhiên về hiệu quả lâu dài và xu hướng phát triển chung thì đây là dự án rất thiết thực. Để khuyến khích người dân tham gia nhiều hơn nữa, chị Ánh cho rằng, các cơ quan, đặc biệt là ngành điện lực cần vào cuộc mạnh hơn nữa để phát triển mô hình này.


Ước tính chi phí trung bình để sản xuất điện hiện nay là khoảng 2500 đồng/ KWh ( giá điện kinh doanh) và điều này đã tăng khoảng 7% mỗi năm. Ước tính rằng một hộ gia đình sử dụng trung bình sẽ sử dụng khoảng 3500KWh/năm. Một hệ thống năng lượng mặt trời 2KWp NỐI LƯỚI điển hình có thể cung cấp trên 50% nhu cầu này. Bạn sẽ tiết kiệm tiền bằng cách giảm sử dụng nhiều năng lượng từ lưới điện.

Giá điện đã tăng khoảng 7% mỗi năm và dự kiến sẽ còn tăng cao. Nhu cầu về điện cũng đã phát triển đáng kể trong vài năm qua. Cùng với sự phát triển kinh tế thì sự gia tăng này sẽ còn lớn. Hệ thống năng lượng mặt trời có thể được thiết kế sao cho nhu cầu điện của một hộ gia đình được đáp ứng toàn bộ hoặc một phần. Điều này có thể loại bỏ hoặc giảm sự phụ thuộc của bạn trên mạng lưới cung cấp điện.

Nếu trước đây người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư còn e dè trong việc đầu tư điện mặt trời thì từ năm 2013 đến nay, công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời trên địa bàn TP đã tăng khá nhanh, năm 2013 mới chỉ có 200 KWp, đến năm 2015 lên đến gần 1 MWp và đến tháng 7-2017, công suất lắp đặt điện mặt trời trên địa bàn ước tính đạt 3 MWp. Dự kiến, sắp tới số lượng chủ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời nối lưới sẽ ngày càng tăng do Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11-4-2017 (đã có hiệu lực từ 1-6-2017) về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ MÔ HÌNH “KHÔNG GIAN NĂNG LƯỢNG SẠCH” ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM.

Vào ngày 27/10/2017 vừa qua, công ty Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa đưa mô hình mang tên “Không gian trải nghiệm năng lượng sạch - Solar Experience Space” được tổ chức tại khuôn viên trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Đây được xem là mô hình trải nghiệm về năng lượng sạch đầu tiên tại Việt Nam.


Dự án lần này do Tập đoàn Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK) phối hợp với trường Đại học Bách Khoa TP.HCM tổ chức thực hiện xây dựng một khu vực trải nghiệm toàn bộ giải pháp về năng lượng mặt trời trên tổng diện tích 108 m2. Công suất lắp đặt tại đây là 16.065 kWp với 63 tấm PV công suất 255 Wp/ tấm từ đó tổng năng lượng của toàn hệ thống được lắp đặt sẽ đạt giá trị trung bình là 22.832 kWh/ năm. Đồng thời, tại đây cũng trình diễn mô hình kết hợp với giải pháp nước nóng năng lượng mặt trời được lắp đặt đồng thời phía trên mái nhà, khiến đây là không gian đầu tiên đầu tiên vận hành 100% bằng năng lượng sạch tại Việt Nam.

Ông Mai Văn Trung, Giám đốc Phát triển Kinh doanh của SolaBK cho biết, chi phí lắp đặt tiết kiệm một nửa so với nhiều năm trước đây vì công nghệ liên quan đến năng lược sạch đã phát triển mạnh trong những năm qua.


Với mong muốn đưa năng lượng sạch xuất khẩu ra thị trường để mang lại những hiệu quả trải nghiệm thực tế, SolarBK đã tính toán chi tiết tổng hệ giải pháp điện – nước nóng năng lượng mặt trời vừa đủ cho nhu cầu vận hành của Solar Experience Space. Việc vận hành 100% bằng năng lượng sạch, không chỉ có ý nghĩa về mặt chủ động nguồn cung năng lượng, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải gần 23 tấn CO2 ra ngoài môi trường mỗi năm.

Ngành năng lượng sạch Việt Nam cũng đã ứng dụng Công nghệ IoTs (Internet kết nối mọi thứ), một công nghệ đang làm nên cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn Thế giới. Theo dõi bằng hệ thống trực quan trên nền tảng IoTs, không chỉ ghi nhận theo thời gian thực lượng điện sản sinh mỗi ngày, mà còn cho biết số tiền ước lượng tiết kiệm được và lượng CO2 giảm phát thải, từ đó đưa đến cho sinh viên nhận thức rõ ràng hơn về tính ứng dụng của điện mặt trời trong đời sống hiện nay.


Không gian được thiết kế thành 4 khu vực chính giúp người xem có thể hiểu về năng lượng sạch từ những thành phần đơn lẻ đến giải pháp hoàn chỉnh. Đặc biệt, tích hợp công nghệ thông minh vào trong những giải pháp đã thể hiện rõ nền tảng nghiên cứu khoa học và việc lấy R&D làm trọng tâm phát triển của SolarBK.

Bên cạnh không gian dành cho các bạn trẻ học tập, làm việc và vui chơi, Solar Experience Space còn tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo để tạo điều kiện cho những bạn sinh viên muốn nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu những kiến thức về ngành. Hoạt động này cũng là cách để kết nối doanh nghiệp với sinh viên, giúp các bạn có tư duy thực tiễn về ngành, nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai cho ngành năng lượng sạch Việt Nam.


THÙY ANH


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.