Chia sẻ về các giá trị văn hoá liên quan đến truyền thyết ‘Con Rồng Cháu Tiên’, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, tuy đây chỉ là một truyền thuyết khá đơn sơ, nhưng xoay quanh nó có nhiều ý nghĩa và giá trị to lớn về nhiều mặt văn hoá, lịch sử.
Bên cạnh đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn những thông điệp ý nghĩa của truyền thuyết ‘Con Rồng cháu Tiên’ sẽ được tái hiện ngày càng nhiều qua cả điện ảnh, hoạt hình và nhiều hình thức khác.
nhà sử học dương trung quốc, con rồng cháu tiên
Nhà sử học Dương Trung Quốc
Mọi quốc gia, dân tộc đều có nhu cầu thấu hiểu về nguồn gốc của mình. Đây là nhân tố cần thiết để gắn kết đồng loại. ‘Con Rồng cháu Tiên’ là chủ đề được các nhà nghiên cứu quan tâm, vì lý giải chúng ta là ai, cái gốc rễ sâu xa của chúng ta là gì, tại sao lại gắn kết thành quốc gia, dân tộc.
Mặc dù bắt nguồn là một truyền thuyết nằm trong dân nhưng câu chuyện đã thực sự đi vào chính sử, cụ thể là “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư”. Vào thế kỷ XV, sau khi vừa kết thúc 20 năm đô hộ giặc Minh, bằng việc ghi nhận lại câu chuyện lý giải nguồn gốc, dân ta muốn chứng minh rằng dân tộc ta có cội nguồn, có nền tảng văn mình, chứ không phải là một nhánh, một bộ phận của quốc gia nào khác.
Câu chuyện tưởng chừng rất không thực tế, lại là cơ hội để lý giải vì sao từ xa xưa người Việt hình thành. Chính việc tồn tại chung một niềm tin trong tiềm thức rằng chúng ta dù già trẻ lớn bé đều là “Con Rồng cháu Tiên”, đều chung một cội nguồn, các giá trị cốt lõi của dân tộc sẽ được trân quý một cách bền vững. Đó là lòng tự hào về dân tộc Việt duy nhất, hậu duệ của dòng dõi Lạc Rồng. Là lòng tri ân, biết ơn những người đã tạo nên hình hài đất nước. Là tình yêu thương, sự gắn kết với những người “đồng bào”, cùng sinh ra từ bọc trăm trứng Rồng Tiên. Là ý thức về đất nước mình vừa có rừng, có biển – những tài nguyên, không gian sống mà con người phấn đấu, bảo vệ.
Mặc dù câu chuyện đơn sơ thôi, nhưng sự thật rất gần gũi, có sức hấp dẫn riêng, đặc biệt ở con trẻ. Chúng không đặt câu hỏi mà người lớn rất dễ đặt ra, tại sao con người đẻ trứng? Chúng ta có thể tin như thế vì đó là đặc điểm của truyền thuyết, của quốc gia, cộng đồng, và nó đáp ứng nhu cầu tinh thần, tình cảm của con người, tạo ra những cảm xúc mà người ta rất hồn nhiên chấp nhận nó.
“Con Rồng cháu Tiên” có ý nghĩa như thế, nhưng một số người có xúc cảm mơ hồ với câu chuyện này. Việc lựa chọn của các thế hệ trẻ chỉ nên xem là sản phẩm của thời đại. Vì thời kỳ nào cũng có xu thế. Thời gian các bạn sống còn dài. Các bạn có thể tiếp tục tin tưởng, phấn đấu, hội nhập sâu hơn nữa với thế giới. Nhưng tôi tin lúc nào đó các bạn sẽ nhận ra giá trị cội nguồn.
Để các bạn ấy nhận ra thì mỗi người chúng ta cần phải nỗ lực. Nỗ lực làm sao để quảng bá, thuyết phục nhiều hơn các bạn gắn kết với cộng đồng. Chúng ta phải viết sách, viết truyện, làm phim, dựng tiểu phẩm thật hay. “Con Rồng Cháu Tiên” chỉ là một truyền thuyết đơn sơ, nếu muốn trở thành công trình nghệ thuật giá trị thì cần có cách tiếp cận khác, với sự sáng tạo khác nhau. Hiện hiểu biết của chúng ta về câu chuyện chỉ thực sự đơn giản. Việc chưa được khai thác nhiều, chưa nhiều người quan tâm đúng mức, chưa đủ năng lực sáng tạo là vấn đề của chúng ta. Cho nên mỗi thế hệ, mỗi một nhóm sáng tạo, cần cố gắng hơn nữa, để đạt được sự chia sẻ, sự thừa nhận của cộng đồng. Phấn đấu để nghệ thuật hoá những câu chuyện truyền thuyết, những giá trị về tinh thần mà “Con Rồng cháu Tiên” chỉ là khúc khởi đầu, hết sức quan trọng.
Rất nhiều anh em muốn truyền tải giá trị lịch sử, truyền thuyết qua các tác phẩm hội hoạ, làm thơ, ca, kể cả làm phim với rất nhiều tâm huyết. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các sản phẩm đó vẫn chưa thực sự được phổ biến rộng rãi với nhiều thế hệ người Việt. Rất mong rằng nhiều bạn làm, sẽ có lúc thành công. Người khen, kẻ chê là điều rất bình thường. Miễn sao chúng ta sống trong mục tiêu ấy bằng năng lực của mình đều là điều đáng quan tâm cả.
Tôi chỉ nghĩ nếu các bạn có ý tưởng, có một khát vọng rất gần với những người lớn như chúng tôi – cố gắng truyền tải những giá trị truyền thống, cụ thể hơn là truyền tải câu chuyện “Con Rồng cháu Tiên” bằng ngôn ngữ khác như điện ảnh, hoạt hình, đó là điều đáng hoan nghênh.
Tuy nhiên, tôi mong các bạn lồng ghép những yếu tố truyền thuyết, lịch sử nhưng hãy đưa vào đấy những suy nghĩ sáng tạo của người trẻ, để làm sao người xưa nói, mà người nay nghe vẫn hiểu. Tôi tin rằng khi ấy, không chỉ trẻ con, mà người lớn như chúng tôi cũng rất mong muốn được tiếp cận những tác phẩm do các bạn làm ra.
Nhà sử học Dương Trung Quốc

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.