Nhờ sự phát triển như vũ bão của điện thoại thông minh, những năm gần
đây, các ứng dụng xe ôm, taxi công nghệ ra đời thu hút số lượng lớn hành khách.
Điều này dẫn đến sự cạnh tranh khốc liệt các ứng dụng này với các hãng taxi và
xe ôm truyền thống.
Đứng trước nguy cơ thất nghiệp và vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi
sự xuất hiện của hàng loạt loại hình xe ôm công nghệ như Grabbike, Ubermoto...
các hãng taxi truyền thống đã tung ra những chiến lược mới để không phải chia sẻ
một lượng lớn khách hàng của mình nữa. Mới đây, Tập đoàn Mai Linh cũng đã hòa
vào trào lưu “xe ôm công nghệ” để cạnh tranh với Uber và Grab và làm cho dư luận
chú ý.
GỌI XE BẰNG ỨNG DỤNG THÔNG MINH
Chỉ mới xuất hiện vài năm trở lại
đây, với sự phát triển và phổ cập ngày càng rộng rãi của công nghệ, xe ôm công
nghệ ra đời là một loại hình dịch vụ giao thông qua ứng dụng được cài đặt trên
điện thoại thông minh, điển hình như Grab và Uber.
Chỉ cần cầm chiếc điện thoại
thông minh (smartphone) là đã có thể đặt xe dễ dàng với giá cả niêm yết theo từng
lộ trình, không phải lo bị chặt chém hay thu phí. Vì thế, khi dịch vụ xe ôm
công nghệ ra đời đã hấp dẫn rất nhiều người sử dụng.
Bạn Nguyễn Thị Đoan Thùy (Q. Bình
Thạnh), một bạn thường xuyên sử dụng Grabbike chia sẻ: “Có những lúc đi công việc
về trễ, cầm điện thoại bắt Grab khá tiện lợi và nhanh chóng. Bởi vì mình biết
được tên, số điện thoại, địa chỉ của người chở mình và giá cả đã hiện sẵn lúc
mình book (đặt) xe nên không phải lo chặt chém này nọ”.
Hiện nay, điều kiện để trở thành
tài xế lái xe của Grab và Uber khá đơn giản, chỉ cần có xe máy và một chiếc
smartphone cùng một số loại giấy tờ cần thiết để làm hồ sơ như giấy đăng ký xe,
bằng lái xe, sơ yếu lý lịch, sổ hộ khẩu... Sau khi làm xong thủ tục đăng ký,
công ty sẽ hỗ trợ mũ bảo hiểm, áo khoác, áo mưa... và tài xế có thể bắt đầu
"hành nghề". Vì thủ tục đơn giản, nhanh chóng và không đòi hỏi điều
kiện khắt khe nên hầu như người nào có xe máy và smartphone đều có thể trở
thành lái xe ôm của các hãng.
Bạn Nguyễn Thuận, một sinh viên
làm thêm tại Q.1 hiện đang là tài xế Grabbike cho biết: “Buổi sáng mình đi học ở
trường, trưa về ăn trưa ở cửa hàng tiện lợi và ngồi bắt wifi xem có ai book xe
không, mỗi ngày cũng chạy được 3 đến 4 chuyến. Công việc này không quá vất vả
mà thu nhập khá ổn định, trừ chi phí xăng xe, điện thoại và 15% tiền phí mỗi
chuyến nộp lại về công ty, một ngày anh cũng kiếm được hơn một trăm nghìn đồng”.
HÀNG LOẠT ÔNG LỚN BẮT ĐẦU VÀO CUỘC
Đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ” bởi
sự lên ngôi của các ứng dụng xe ôm thông minh, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận
tải hành khách truyền thống không chỉ đầu tư xây dựng các phần mềm book mà còn
đang bắt đầu áp dụng công nghệ cho xe ôm nhằm cạnh tranh trực tiếp với Grab và
Uber.
Trong những dịch vụ xe ôm mới ra
đời, Tập đoàn Mai Linh đã áp dụng các công nghệ book xe trên toàn hệ thống với
phần mềm “Mai Linh Car” và trong ngày 20/11 vừa qua, tập đoàn này đã hoàn thành
nhiều thủ tục cũng như nâng cấp các tính năng mới đưa vào hoạt động chính thức
cho loại hình “xe ôm công nghệ” của chính họ để cạnh tranh với Uber và Grab và
đã gây được chú ý của dư luận.
Sau một thời gian dài tranh đấu
giữa ứng dụng thông minh và truyền thống cùng với nền kinh tế chia sẻ, tập đoàn
Vinasun, tuy đã ra mắt tính năng mới trên Vinasun App và ứng dụng Facebook
Messenger, giúp khách hàng có thể biết trước số tiền phải trả cho đoạn đường sẽ
đi nhưng vấn đề phát triển dịch vụ xe ôm công nghệ vẫn còn đang được xem xét và
lập chiến lược lâu dài cho dịch vụ này.
Công ty CP Phát triển công nghệ
Vivu (Công ty Vivu) cũng đã phát triển phần mềm Vivu có những tính năng nổi bật,
tương tự như của Uber và Grab. Ứng dụng của Vivu có 3 tính năng VivuCar,
VivuTaxi và VivuMoto ứng với từng loại xe. Công ty này đang tập trung triển
khai ở một số địa phương mà Grab, Uber chưa đến như Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu,
Lâm Đồng...
CẠNH TRANH TRỰC DIỆN VỚI XE ÔM TRUYỀN THỐNG
Có thể nói, sự phát triển của dịch
vụ xe ôm công nghệ đã phá vỡ tính chất hoạt động của xe ôm truyền thống. Nếu
như trước đây, muốn làm xe ôm phải trầy trật tìm chỗ đứng, thì giờ đây chỉ với
một chiếc smartphone, việc tìm khách hàng đã trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn.
Tài xế xe ôm của các hãng như
Grabbike hay Ubermoto có thể ung dung ngồi tại nhà hoặc tại quán nước mà vẫn
tìm được khách đi xe. Điều này đã khiến không ít người chạy xe ôm truyền thống,
suốt ngày phơi nắng, phơi mưa mưa ngoài đường
lâu nay rơi vào cảnh mất khách, ế ẩm, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, dẫn đến
tình trạng một số tài xế xe ôm lâu năm trong nghề cũng thành “lính mới” của các
hãng Grab hay Uber.
Có một sự thật không thể phủ nhận
được, xe ôm công nghệ tiện lợi, an toàn, giá rẻ hơn và như một quy luật tất yếu
của kinh tế thị trường, nó đang tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt đối với xe
truyền thống, loại hình dịch vụ đã từng chiếm lĩnh và thay thế chiếc xích-lô.
Khi các dịch vụ xe ôm công nghệ
bành trướng trên thị trường và sau đó là sự ra đời của các loại hình xe taxi đã
khiến những người lái xe truyền thống rơi vào cảnh lao đao. Thực tế, đã có rất
nhiều tài xế xe ôm không thạo công nghệ bằng lớp thanh niên trẻ nhưng vẫn đang
tham gia đội ngũ xe ôm công nghệ, do các phần mềm này được thiết kế rất đơn giản,
dựa trên những ký hiệu linh hoạt, có tính phổ dụng cao đối với số đông người
dùng.
Nhưng những câu chuyện không mấy
tốt đẹp về xe ôm truyền thống được lan truyền ngày một nhiều, lại thêm sự phát
triển của xe ôm công nghệ như Grab hay Uber đã khiến hình ảnh xe ôm truyền thống
không còn trọn vẹn như trước.
Trong suốt một thời gian dài,
trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội nhan nhãn về việc
xe ôm truyền thống hành hung xe ôm công nghệ. Sau khi dư luận lên tiếng chỉ
trích hành động và đòi tẩy chay xe ôm truyền thống thì những người này sẽ ú thức
hơn về hành động của mình và có thái độ canh tranh lành mạnh hơn.
Đành rằng nhiều tài xế xe ôm truyền
thống đều có hoàn cảnh khó khăn, vì miếng cơm của mình mà có những hành động
sai trái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người khác, nhưng không thể cứ bám víu
vào hoàn cảnh như cái cớ để bắt người khác thông cảm cho những hành động quá
khích của mình. Nếu không muốn bị đào thải thì xe ôm truyền thống phải tự thay
đổi mình.
Dưới góc độ kinh tế, khi kinh
doanh trên lĩnh vực công nghệ, doanh nghiệp nào có công nghệ tốt hơn, đáp ứng
được nhu cầu thực tế nhiều hơn và có thể duy trì lâu hơn thì sẽ được thị trường
lựa chọn. Những hình thức kinh doanh nào kém hiệu quả hoặc không mang lại sự tiện
lợi cho người sử dụng, chắc chắn sẽ đào thải.
PHAN HỒNG (Ảnh nguồn internet)
Đăng nhận xét