Vào 6 giờ sáng 17/11/2017, tử tù Nguyễn Hải Dương, hung thủ chính trong vụ thảm sát 6 người tại Bình Phước đã chính thức lãnh án tử hình. Thông tin về vụ việc trên được công khai trên các phương tiện báo chí. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến từ dư luận cho rằng việc thông tin như thế không có tác dụng răn đe, giáo dục mà ngược lại còn rất thiếu tính nhân văn.

Nguyễn Hải Dương tại phiên tòa sơ thẩm


TÂM SỰ CỦA NGƯỜI TỬ TÙ

Nhắc đến Nguyễn Hải Dương, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến một tên sát thủ máu lạnh, kẻ đã nhẫn tâm giết hại 6 người trong 1 gia đình tại Bình Phước vào năm 2015. Không ít người khi xem qua vụ án đó đều cảm thấy bàng hoàng và thương xót cho cái chết của gia đình nạn nhân cũng như căm giận kẻ thủ ác.

Nhưng dù thế nào thì bây giờ, Dương cũng đã phải trả giá cho hành động của mình bằng mức án cao nhất. Giờ đây, người ta lại quan tâm đến diễn biến tâm lý của anh ta như thế nào trong những ngày chờ thi hành án.

Theo lời kể ông Nguyễn Phú Hải, cha ruột của Dương, đăng trên báo Người Lao Động (16/11/2017), cách đó ít hôm, gia đình đã đến trại giam tỉnh Bình Phước để gặp Dương lần cuối. Tinh thần và sức khoẻ của Dương ổn định, chỉ có ánh mắt có phần mệt mỏi.

Trong khi đó, bà Vũ Thị Thi, mẹ Vũ Văn Tiến cho biết cách đây không lâu khi đến trại giam thăm con trai, bà ghé qua phòng thăm hỏi của Nguyễn Hải Dương để nhìn mặt. Lúc này, Dương quỳ gối chắp tay năn nỉ bà xin đừng oán hận. "Dương khóc rất to và kêu Dì Năm ơi, dì Năm đừng trách con, mọi việc do con gây ra cho Tiến. Dì Năm, con xin lỗi. Nghe xong tôi đơ người và không biết phản xạ như thế nào"- bà Thi nhớ lại.

 Một người thân của Dương kể lại: "Dương có 3 điều mong mỏi trước khi thi hành án tử. Đó là,  mong gia đình Vũ Văn Tiến thứ lỗi. Thứ hai, xin giảm tội cho Vũ Văn Tiến khỏi chịu án tử hình. Thứ ba, gia đình khỏe mạnh và Dương được thi hành án càng sớm càng tốt".

Theo thông tin của báo Thời Đại (15/11/2017), 10/2016, Nguyễn Hải Dương cũng ngỏ ý muốn được hiến xác cho y học và xem đây là việc làm có ích cuối cùng để anh ta bớt dằn vặt và chuộc lại phần nào lỗi lầm đã gây ra. Tuy nhiên, vì vấp phải nhiều rào cản pháp lý khiến việc này khó thực hiện. Nên sau đó, Dương đã quyết định rút đơn xin hiến xác. Đồng thời tử tù này cũng cảm thấy buồn vì nguyện vọng cuối đời không thực hiện được.

Nói chuyện với phóng viên báo CAND, Dương cho biết: “Em rất hối hận về việc làm đã qua. Nếu thời gian có quay trở lại, em sẽ không hành động tội lỗi như vậy. Sau khi em chết, em có nguyện vọng thi thể mình được mang thiêu để đem tro cốt vào chùa”. Một cán bộ cho biết, Nguyễn Hải Dương nhờ cán bộ chuyển lá thư cuối cùng về tâm sự với cha mẹ, em gái.

THÔNG TIN THI HÀNH ÁN, CÓ NÊN KHÔNG

Vào 6 giờ sáng 17/11/2017,  Nguyễn Hải Dương được đưa từ Bình Phước xuống một trại giam ở H.Phú Giáo (Bình Dương) để thi hành án bằng hình thức tiêm thuốc độc. Sau đó thi thể của Dương đã được chuyển về Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước để bàn giao cho gia đình lo hậu sự.
 
Nguyễn Hải Dương viết thư cho người thân
( Nguồn: Báo Công An Nhân Dân)

Thông tin về vụ việc trên được đăng tải công khai trên các phương tiện báo chí và truyền thông, thậm chí nó còn là tiêu điểm liên tục được nhắc đến trong những ngày vừa qua và nhận được khá nhiều ý kiến phản hồi từ phía dư luận. Song, không ít quan điểm cho rằng hành động này không có tác dụng giáo dục cộng đồng hay răn đe những ai có ý định phạm tội mà ngược lại còn rất thiếu tính nhân văn và thậm chí sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác.

Luật sư Trương Anh Tú (Văn phòng luật sư Trương Anh Tú - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đã nêu quan điểm với phóng viên báo điện tử Infonet rằng thông tin công khai, nhất là trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ không đảm bảo tính bảo mật của việc thi hành án theo trình tự đặc biệt này.

“ Cá nhân tôi cho rằng việc công khai thông tin thi hành án tử hình không mang ý nghĩa tích cực, cũng không mang tính răn đe giáo dục như một số quan điểm hiện nay. Bởi việc công khai giống như là thông tin ấn định ngày “chết” của một người, điều này sẽ gây nên những tâm lý tiêu cực không chỉ cho người bị thi hành án mà còn ảnh hưởng đến cả thân nhân của họ ”, anh Tú chia sẻ.

Người phạm tội phải chịu sự trừng phạt của pháp luật là điều hiển nhiên. Nhưng gia đình, người thân của họ không có lỗi để phải chịu những tổn thương về tinh thần khi biết ngày con, em họ phải bị thi hành án. Đây là việc làm thiếu cân nhắc và thiếu tinh thần nhân đạo.

Hơn thế nữa, đối với những loại tội phạm hoạt động theo tổ chức như buôn bán ma túy, buôn bán người… còn có thể dẫn đến nguy cơ như cướp pháp trường, gây khó khăn cho việc di chuyển phạm nhân từ trại giam đến nơi thi hành án.

Vì vậy, thiết nghĩ thông những thông tin về việc thi hành cần được giữ bí mật để hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra, đồng thời cũng thể hiện tính nhân văn sâu sắc đối với gia đình người phạm tội. Dù sao đi nữa, vẫn phải ghi nhận sự thành khẩn ăn năn cùng tâm nguyện chuộc lỗi của Nguyễn Hải Dương. Một vụ án đau lòng đã khép lại, hy vọng rằng từ câu chuyện của Dương, mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ có nhận thức đúng đắn hơn, đừng hành động mù quáng để rồi phải hối hận muộn màng.

THANH TỊNH (tổng hợp)



Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.