Sự phát triển của hai doanh nghiệp Grab và Uber đang vấp phải sự phản đối kịch liệt từ phía các doanh nghiệp taxi truyền thống ở Việt Nam, nhất là sau khi ComfortDelgro Savico tuyên bố đóng cửa. Hai doanh nghiệp này cũng có khả năng sẽ bị thưa kiện bất cứ lúc nào.


ĐÓNG CỬA VÌ GRAB VÀ UBER

Mới đây, liên doanh taxi ComfortDelgro Savico vừa báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh để bảo toàn vốn. Với lý do không thể cạnh tranh với Grab và Uber.

Doanh nghiệp taxi Đà Nẵng đổ lỗi thất thu vì Grab, Uber / Uber, Grab dồn taxi truyền thống đến đường cùng.

Công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Sài Gòn (mã chứng khoán: SVC) cho biết, doanh nghiệp vừa tạm ngừng hoạt động kinh doanh taxi tại Liên doanh ComfortDelgro Savico Taxi. Quyết định này thực hiện theo kế hoạch được thông qua bởi đại hội đồng cổ đông vào giữa năm 2017, nhằm mục tiêu bảo toàn vốn trong bối cảnh kinh doanh sa sút.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, ComfortDelgro Savico Taxi liên tiếp gặp khó khăn trong vài năm trở lại đây. Sau gần mười năm hoạt động, liên doanh này phải cơ cấu lại đoàn xe và cải thiện chất lượng phục vụ để duy trì tỷ lệ khai thác xấp xỉ 90% nên chi phí tăng cao. Khi vừa có lợi nhuận để bù đắp lỗ lũy kế trước đó thì lại chịu sự cạnh tranh thị phần gay gắt từ Grab và Uber.

Báo cáo tài chính năm ngoái ghi nhận lợi nhuận sau thuế từ mảng taxi chưa đến 240 triệu đồng. Năm 2015 và 2016 là giai đoạn kinh doanh khả quan nhất của ComfortDelgro Savico Taxi kể từ khi thành lập, khi lãi ròng lần lượt đạt 7 tỷ đồng và 3,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này mới chỉ hoàn thành phân nửa kế hoạch đề ra và phần lớn trong số đó lại đến từ việc thanh lý xe cũ.

ComfortDelgro Savico Taxi tiền thân là Xí nghiệp taxi du lịch Savico, được thành lập vào tháng 3/2005 theo hình thức liên doanh giữa Savico và ComfortDelGro – tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng của Singapore.

Doanh nghiệp Việt Nam đang nắm giữ 40% vốn điều lệ tại ComfortDelgro Savico Taxi, tương đương giá trị ghi sổ đầu tư 35 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản của liên doanh này xấp xỉ 93 tỷ đồng. Ngoài hoạt động vận tải đường bộ bằng taxi, liên doanh này còn cung cấp một số dịch vụ liên quan như cho thuê xe, bảo trì và sửa chữa xe…

GRAB VÀ UBER LIỆU SẼ BỊ KIỆN TẠI VIỆT NAM


Ngày 9/3, Hiệp hội taxi của 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM lại gửi một bản kiến nghị lên Thủ tướng về chủ trương cho phép tiếp tục thí điểm xe hợp đồng điện tử theo quyết định 24/2015 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Hiệp hội taxi 3 miền cho biết rằng không đồng tình với báo cáo đánh giá sau 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử (nhiều người gọi tắt là thí điểm Uber, Grab) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Ngoài ra, việc Bộ GTVT đề xuất tiếp tục gia hạn hoạt động mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ, không sửa chữa những sai sót, điều này gây xáo trộn thị trường vận tải, tạo nhiều hệ lụy, bất ổn cho xã hội.

Cũng theo như 3 hiệp hội taxi kể trên, kế hoạch thí điểm của Quyết định 24 đã tạo điều kiện cho Uber, Grab thực hiện các hoạt động sai trái. Ngoài ra, việc thí điểm Uber, Grab có những sai sót, bất cập trong quản lý thuế, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, không giới hạn phương tiện, không quản lý logo nhận diện phương tiện, sai sót trong việc quy định về chất lượng dịch vụ…

Thậm chí nhiều hãng taxi truyền thống đã sẵn sàng cho việc thưa kiện đối hai doanh nghiệp công nghệ trên

Thật ra Grab, Uber đã và đang đối mặt với nhiều vụ kiện trên thế giới. Bên khởi kiện có thể là các hãng taxi truyền thống, lái xe, khách hàng của Grab, Uber hoặc một số cơ quan nhà nước.

Trong khi đó, tại Việt Nam, hai doanh nghiệp này lại khá may mắn khi chưa lần nào phải ra tòa vì tranh chấp, kể cả khi Vinasun, một ông lớn trong ngành taxi truyền thống, đã tuyên bố kiện Uber và Grab tới cùng.

Dù vậy, Uber và Grab vẫn nên lường trước trường hợp hai công ty này sẽ gặp những vụ kiện tại Việt Nam có nội dung tương tự, hoặc tương đồng như các vụ kiện khác trên thế giới.

THANH TỊNH (Tổng hợp)

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.