Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo Phòng cháy chữa cháy TP.HCM, tính đến thời điểm 5h20 sáng ngày 23/3, vụ cháy chung cư Carina, P.16, Q.8, TP.HCM đã có 13 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Ngoài những nguyên nhân do vụ cháy gây nên, đại bộ phận người dân vẫn còn thiếu kỹ năng thoát hiểm trong những tình huống nguy hiểm như thế này.



MẤT MÁT QUÁ LỚN CỦA NGƯỜI DÂN SÀI GÒN

Đám cháy bùng phát vào khoảng 1h30 sáng ngày 23/3 tại tầng hầm chung cư Carina trên đường Võ Văn Kiệt, thuộc quận 8. Được biết, vụ cháy tại tầng hầm rộng khoảng 22.000m2, trong đó khu để xe có diện tích 1.000m2, đã thiêu rụi 150 xe máy và 13 ôtô.

Người dân chứng kiến tại hiện trường, chung cư bị ngọn lửa thiêu đốt, khiến nhiều mảng bê tông bị sụp xuống. Hàng trăm người bị mắc kẹt bên trong tòa nhà la hét, kêu cứu. Nhiều người chưa thoát thân được đã tìm cách chạy lên phía trên cao.


Theo thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng, quyền Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, đã có 34 xe chữa cháy chuyên dụng và 205 cán bộ chiến sĩ đã được điều động đến dập lửa và cứu nạn kịp thời.

Đến rạng sáng cùng ngày, ngọn lửa đã được khống chế nhưng khói vẫn còn dày đặc dưới tầng hầm. Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC TP.HCM đã xác định được tổng cộng 13 người chết và 28 người bị thương. Các nạn nhân tử vong nguyên nhân được xác định là do ngạt khói. Lực lượng chữa cháy cũng tổ chức thoát nạn cho khoảng 1.000 người, trực tiếp cứu được hơn 150 người.

Trong số 13 nạn nhân tử vong, có 3 trẻ em hiện chưa rõ danh tính. Thương tâm hơn, trong lúc sợ hãi, tìm cách thoát khỏi đám cháy bằng thang leo, chị Lưu Lê Bích Phượng, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP.HCM, đã bị trượt tay, rơi từ tầng 19 chung cư Carina Plaza xuống đất thiệt mạng.

Theo đó, đa số người chết đều ở khu vực thoát hiểm thang bộ do quá trình tháo chạy không đúng cách, những người ở trong nhà cố thủ lại không bị thương vong. Trên các tầng cao rất nhiều người hò nhay ra ngoài hành lang, ban công quơ đèn pin cầu cứu trong trạng thái bấn loạn, hoảng sợ. Nhiều người được cứu vẫn chưa thấy người thân được giải cứu đã bật khóc tại hiện trường mỗi khi có nạn nhân được đưa ra.

Có mặt tại hiện trường vụ cháy, chủ tịch UBND thành phố  Nguyễn Thành Phong nói thiệt hại của vụ cháy là quá đau đớn với thành phố. Ông Phong chia sẻ: “Việc đầu tiên bây giờ là chăm lo cho các nạn nhân, lo xử lý tất cả các vấn đề phát sinh sau vụ cháy và trấn an bảo đảm an toàn cho các hộ dân trong chung cư”

KỸ NĂNG THOÁT HIỂM CẦN BIẾT KHI Ở CHUNG CƯ


Vụ cháy chung cư Carina chỉ là một trong số ít các trường hợp cháy chung cư thương tâm trong thời gian qua. Có thể thấy những vụ cháy trong nhà cao tầng đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân là hầu hết nhà cao tầng trong thành phố đều xây bịt kín, không có lối thoát hiểm và người dân còn thiếu kỹ năng thoát hiểm trong những tình huống này.

Trong các vụ hỏa hoạn, đa phần nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Do đó nguyên tắc đầu tiên là quan sát thật kỹ, tìm mọi cách di tản ra khỏi khu vực nhiễm khói càng nhanh càng tốt và tri hô để mọi người ứng cứu.

Khi có hỏa hoạn ở chung cư đông người, mọi người thường hoảng loạn và có rất ít thời gian để suy nghĩ. Chính tâm lý đó khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để quan sát tìm ra lối thoát hiểm. Vì vậy, yếu tố quan trọng để con người thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.

Trong cơn hỏa hoạn, tuyệt đối không sử dụng thang máy làm lối thoát nạn. Vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện sẽ bị ngắt, bạn sẽ có thể bị kẹt lại trong đó. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ “EXIT” – lối ra để thoát nạn. Đồng thời trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.


Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người để tránh để lửa bén vào trang phục. Bò hoặc đi khom người di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bịt lên mũi, giúp hạn chế hít phải khí độc.

Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động ngay, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Lưu ý: nếu phải mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở. Khi mở cửa nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt và tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất.

Khi thấy khói ở cầu thang hoặc mở cửa buồng thang có khói, hãy tìm cầu thang bộ hoặc cửa vào buồng thang bộ khác gần đó. Trường hợp toàn bộ đều có khói, hãy trở về căn hộ của mình, dùng điện thoại gọi 114 thông báo đang ở phòng số mấy của tòa nhà đang cháy. Bên cạnh đó, cần dùng khăn nhúng nước, chèn kín vào khe cửa căn hộ. Sau đó ra cửa sổ, ban công dùng khăn, vải, áo sáng màu vẫy và cầu cứu.

Trường hợp bí bách, có thể dùng đồ vải nối lại hoặc thang dây để leo xuống đất. tuy nhiên, không được nhảy từ tầng quá cao xuống đất nếu không có sự hướng dẫn của lực lượng cứu hộ.

Hỏa hoạn thường bắt đầu bằng những đám cháy nhỏ, mỗi chúng ta cần nắm rõ những kỹ năng trên giúp cho thoát hiểm nhanh chóng và an toàn, tránh gây nguy nhiểm đến tính mạng.

PHAN HỒNG

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.