Bên cạnh những con phố người Hoa (Q.5), phố Tây Bùi Viện đã quá nổi tiếng ở Sài Gòn thì dạo giờ đây lại nổi lên một khu phố đặc trưng dành riêng cho người Malaysia. Vì vậy mà lượng khách du lịch Malaysia, Indonesia đến Sài Gòn ngày một đông.


SÀI GÒN ĐÂU CHỈ CÓ PHỐ TÂY CÒN CÓ PHỐ MÃ LAI

Đoạn đường Nguyễn An Ninh nằm ở phía cửa Tây chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM). Đây là con đường dài khoảng 100m, nối đường Phan Chu Trinh với Trương Định. 

Tuy không gian đoạn đường Nguyễn An Ninh không quá rộng nhưng nhìn sơ qua nơi đây đã có đến vài chục cửa hàng buôn bán thời trang, phục vụ các món ăn, thức uống truyền thống của người Malaysia. Vì vậy nên nơi đây được người dân thành phố gọi cho cái tên “Phố Mã Lai”.

Phố Mã Lai được hình thành từ năm 2011, khi đó bà Basiroh - cựu nhân viên nghiên cứu thị trường của Anh - đã mày mò khởi nghiệp với dòng hàng dành cho du khách, người lao động Malaysia đến Sài Gòn. Trước đó, du khách đến từ các quốc gia đạo Hồi đã gặp khó khăn khi rất ít hàng quán phục vụ đồ ăn đúng chuẩn Halal cũng như quần áo đặc trưng.


Ban đầu, bà Basiroh bán hàng tại nhà ở đường Huỳnh Văn Bánh (Q. Phú Nhuận), nhưng lại quá xa trung tâm nên khó kiếm được. Một thời gian sau đó, bà thuê mặt bằng tại đường Nguyễn An Ninh, bắt đầu kinh doanh lại và tạo ra một điểm đến thú vị cho người đạo Hồi ở Sài Gòn.

Kể từ đó, mà con đường Nguyễn An Ninh đã bắt đầu được nhiều du khách biết đến từ Malaysia, Indonesia, Brunei và cộng đồng người Hồi giáo truyền tai nhau cái tên Saigon Halal Stress. Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là “hợp pháp” hoặc cho phép và là thuật ngữ áp dụng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống người Hồi giáo. Những đồ dùng, món ăn hay vật phẩm được xem là Halal phải phù hợp với chế độ của người theo đạo Hồi.

CON PHỐ CHO NGƯỜI HỒI GIÁO

Các hộ dân sinh sống và kinh doanh ở đây đều tuân thủ các quy chế nghiêm ngặt trong ăn uống và phục vụ cho cộng đồng dân cư Hồi giáo.

Hơn 50 hộ kinh doanh ở bên đường bày bán từ thức ăn, quần áo đến đồ lưu niệm. Các cửa hàng quần áo rất phong phú về mẫu mã, chất liệu, giá rẻ nên thậm chí một số người nước ngoài còn sang đây mua hàng với giá sỉ rồi mang về nước bán lại. Thậm chí khăn đội đầu truyền thống của phụ nữ Hồi giáo (Hijab) cũng có bán tại đây. Giá niêm yết bằng đồng Việt Nam và cả ringgit Malaysia (RM).


Không chỉ thích thú chọn lựa đồ may sẵn, một số du khách người Malaysia còn thích thú lựa chọn vải và đặt may theo sở thích, nhờ vậy một số cửa hàng may trên con đường này cũng làm ăn phát đạt. Nhiều cửa hiệu thời trang dọc đường Nguyễn An Ninh, Lê Thánh Tôn và xung quanh chợ Bến Thành cũng ngày càng phát triển.

Trong ẩm thực, người Malaysia không uống rượu và ăn thịt heo. Ngoài những món ăn truyền thống của họ như mì xào Penang, món canh hầm nổi tiếng Bak Kut Teh, bánh Himheang..., mọi bữa ăn của người Malaysia đều có cơm và họ rất thích các món cơm của Việt Nam như canh chua, cá kho tộ, gỏi...


Ngoài ra, các nhà hàng phục vụ thực khách những món ăn đúng điệu như đặc sản của Malaysia như Nasi Lemak - loại cơm nấu cùng nước cốt dừa, ăn kèm cá khô và trứng. Những nhà hàng, quán ăn hoặc gánh hàng rong nơi đây đều có dán dấu dòng chữ “Halal”. Những du khách Malaysia, Indonesia khi đến đây cũng đặc biệt hứng thú với cà phê Việt Nam.

Sự phát triển của con phố Mã Lai ở Sài Gòn đã thu hút một lượng lớn du khách theo đạo Hồi đến Việt Nam du lịch, tham quan, nghỉ dưỡng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh đẹp của Việt Nam trong lòng du khách quốc tế. Từ đó, Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu của khách du lịch nước ngoài.

PHAN HỒNG 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.