Trên fb Nathan Việt Phương đã viết bài này khá hay, có góc nhìn rộng để mọi người hiểu bản chất vấn đề của cuộc kiện tụng này này là gì.
Cuối cùng thì vẫn chính là cần xem loại hình kinh doanh là gì và thuế bạn đã đóng bao nhiêu mà thôi...
--------------
Mấy ngày gần đây trên Facebook rất hot về vụ việc kiện tụng giữa Grab và Vinasun. Đa số cư dân mạng auto chửi chính phủ ngăn cản 4.0 cũng như chửi Vinasun bố láo vì kiện thằng Grab vô lý.

Vì từng có thời gian tìm hiểu về hoạt động của Uber và Grab ở cả VN lẫn trên thế giới nên tôi sẽ dành thời gian viết một chút về bản chất vấn đề và một cái nhìn khác của hai sự việc nói trên để hi vọng rằng ít ra thì những bạn bè trong friendlist hiểu rõ hơn.
Đầu tiên phải khẳng định rằng tôi là một fan nhiệt tình của Uber, Grab và khái niệm nền kinh tế chia sẻ (sharing economy) bao gồm cả những thằng như Lyft, AirBnB, Getaround, TaskRabbit nói chung. Những app này cách mạng hóa những ngành già cỗi như giao thông, du lịch, khách hàng có nhiều thông tin hơn, nhiều sự lựa chọn hơn và có nhiều quyền lực hơn.
Người dân Việt Nam vốn trong đầu luôn có xu hướng ghét chính phủ cộng sản và ủng hộ tư bản tự do (trước đây tôi cũng như vậy thôi) nên không thèm để ý tới cốt lõi vấn đề hoặc do đang tận hưởng giá rẻ nên cố tình không thèm quan tâm. Nhưng đây thứ tư duy cực kì nguy hiểm, số đông không phải lúc nào cũng đúng và vì dân mông muội nên mới cần chính phủ can thiệp.

CẦN KHẲNG ĐỊNH GRAB LÀ DOANH NGHIỆP KINH DOANH VẬN TẢI

1. Cần phải khẳng định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải (DNVT) nhưng đội lốt công ty công nghệ để giảm chi phí bằng các cách trốn thuế, trốn nghĩa vụ xã hội với người lao động…
Bản chất của môi trường cạnh tranh kinh doanh là phải công bằng, thế nhưng từ khi khai sinh ra tới giờ Uber sau đó là Grab dựa trên nền tảng pháp lý còn lỏng lẻo và chưa theo kịp công nghệ để cạnh tranh một cách rất lưu manh, tôi sẽ dần dần vạch mặt bọn tư bản chơi xấu này.
Nếu Grab chỉ đơn thuần là app công nghệ, chỉ cung cấp dịch vụ phần mềm để kết nối hành khách với tài xế như nó vẫn ra rả thanh minh, thì nhiệm vụ đơn thuần của Grab chỉ để kết nối hai bên là hết, còn việc thỏa thuận đi đâu về đâu, giá cả ra sao, thanh toán thế nào sẽ do 2 bên tự thoả thuận.
Thế nhưng Grab quản lý tài xế, điều xế cho khách, áp đặt mức giá, thưởng phạt tài xế dựa trên các chỉ số, vậy nếu ko phải là kinh doanh taxi thì nó là cái gì? Cái app của nó thực tế chỉ thay thế cho cái tổng đài bằng cơm của mấy thằng Vinasun và MaiLinh và nhờ công nghệ cao nên có tính ưu việt và thuận tiện hơn trong việc đặt xe mà thôi còn mọi bản chất và sự việc đều không hề thay đổi.

Có một cách so sánh hơi tục nhưng rất thú vị và hài hước mà tôi đọc được của một anh bạn trên FB, nếu thằng Zalo bây giờ chỉ là app giao tiếp bằng Internet thì nó đúng đơn thuần là một app công nghệ, các em cave trên đó quảng cáo hàng họ đi khách thì các em tự dùng zalo tìm khách, zalo ko can thiệp.
Nhưng nếu zalo quản lý danh sách cave, điều cave cho khách dựa trên địa điểm, tự áp đặt giá cả đi khách, thỏa thuận ăn chia % với các em cave, rồi thì cho khách chấm điểm các em cave dựa trên service. Nếu Zalo làm tất cả những điều trên rồi lại bảo rằng app chúng tôi chỉ là app công nghệ, chúng tôi ko làm môi giới mại dâm thì nghe có ngửi được ko?
Cuối năm 2017 tòa án công lý châu Âu đã ra phán quyết cụ thể coi Uber là doanh nghiệp kinh doanh vận tải, Nhật Bản cũng đã quy định điều này từ lâu. Chỉ cần google bạn sẽ thấy một loạt thông tin chống lại Grab trên khắp thế giới, ko lẽ bọn tư bản này cũng toàn lũ ngu?
Thực tế thì chính phủ VN từ năm 2015 đã cực kì cởi mở với mô hình thí điểm taxi công nghệ này, cởi mở một cách đáng ngạc nhiên! Thế nhưng thí điểm kết thúc rồi thì tới lúc phải ra luật mới để đảm bảo sự công bằng trong ngành vận tải.

VINASUN ĐẠI DIỆN DOANH NGHIỆP KINH DOANH VẬN TẢI KIỆN LÀ ĐÚNG

2. Mọi người nhầm lẫn là việc Vinasun kiện cáo thằng Grab là kiện ngu, chậm đổi mới cạnh tranh ko lại nên giở trò bẩn kiện cáo, rạch mặt đòi tiền như Chí Phèo. Sai lắm!
Tất cả các DNVT kinh doanh taxi đều phải tuân thủ luật pháp nhà nước VN mà Grab thì đang làm ngơ để giảm chi phí như (1) taxi có niên hạn sử dụng cũng như thời gian kiểm định ngắn hơn (2) số lượng taxi đăng ký bị giới hạn bởi quy hoạch giao thông của mỗi tỉnh thành, điều này để hạn chế tắc đường là tốt cho người dân (3) taxi phải đóng BHXH và BHYT cho tài xế.
Như nói ở trên Grab là DNVT nhưng lại đu dây như một thanh niên công nghệ, cạnh tranh ko công bằng gây thiệt hại tới các hãng taxi, ở đây chỉ có Vinasun là quyết liệt và “đanh đá” nhất nên đâm đơn kiện Grab. Vấn đề là Vinasun phải chứng minh được hành vi của Grab đã gây thiệt hại thế nào tới hoạt động kinh doanh của Vinasun.
Cần phải nói thêm, quyền được hưởng BHXH và BHYT của người lao động là thứ mà dân lao động cả thế giới đã phải đấu tranh hàng trăm năm mới có được, nó là cái thứ mà các bạn đang đi làm cũng như bố mẹ các bạn được hưởng với hi vọng về một tương lai ổn định sau khi hưu trí cũng như đảm bảo về y tế.
Bây giờ các bạn chỉ vì ham giá rẻ mà ủng hộ Grab dần trở thành độc quyền và đứng trên luật pháp như hiện nay tức là đang ủng hộ việc tài xế lái Grab mà không được bảo hiểm, nếu nhỡ may có ốm đau hay tai nạn về nằm một đống, không có ai gánh vác kiếm tiền nuôi gia đình, về già cũng không có lương hưu.
Các bạn có thể vô cảm nhưng những tài xế đó chính là cha là chồng là trụ cột gia đình của biết bao người trong cái xã hội này đấy! Đừng cổ vũ việc người lao động bị bóc lột trên chính đất nước của mình.

NHÌN RÕ CHIÊU BÀI PHÁ GIÁ THỊ TRƯỜNG CỦA DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ GRAB VÀ UBER

3. Grab và Uber chiếm lĩnh thị trường bằng chiêu bài phá giá thị trường, phá giá tức là giá tiền khách trả cho một chuyến đi thấp hơn chi phí thực tế cho chuyến đi đó. Chúng nó phá giá được bởi vì chúng nó có tiềm lực mạnh, chấp nhận lỗ để đập chết tất cả đối thủ cạnh tranh thống lĩnh trị trường.
Nhưng các bạn tưởng chúng nó tử tế sẽ nâng niu chăm sóc bạn mỗi ngày à? Nhầm nhé. Tới khi nào nó đã là kẻ khổng lồ chiếm hết thị phần rồi thì khách hàng cũng chỉ là miếng thịt cho chúng nó xơi thôi, chúng nó thích chén kiểu gì thì chén, lúc đó chúng nó mới kiếm tiền để bù lại chi phí lỗ ban đầu đã làm các bạn sung sướng!
Cái cảm giác độc quyền này người dùng đã phải nếm trải khi Grab mua lại Uber, ít khuyến mãi hơn và giá thành tăng, và nó sẽ còn khủng khiếp hơn khi nào Vinasun và Mailinh phá sản hết!
Mà nói đến chuyện Grab mua lại Uber nó mới thể hiện hết bản chất lưu manh khốn nạn của hai thằng tư bản chó này, để tôi kể cho mà nghe.
Khi mới vào thị trường thằng Uber nó gọi tài xế với cái tên mỹ miều là “đối tác”, nó thúc giục hỗ trợ tài xế cắm nhà, vay ngân hàng mua xe để chạy, hứa hẹn các mức thu nhập trên trời, “mật ngọt chết ruồi” để cánh tài xế cắm đầu vào làm nô dịch.
Tới khi cảm thấy có lợi khi bán lại cho Grab thì chúng nó âm thầm thỏa thuận với nhau, giấu như mèo giấu cứt, rồi đùng một cái nó quăng cái thông báo là ngày mai Uber chính thức dừng hoạt động tại VN, các “đối tác” muốn chạy xe tiếp thì đăng kí với Grab nhé, mặc kệ các “đối tác” ra sao thì ra, Grab nó muốn thịt các đối tác thế nào thì thịt, tăng mức phí từ 20% lên 27% thì các “đối tác” cũng tự đi mà chịu nhé, tao ôm tiền rồi tếch đây hê hê.
Những lời hứa hẹn trước đó chỉ như gió thoảng, vì người lao động làm gì có hợp đồng lao động, làm gì có nghiệp đoàn làm gì có tiếng nói quyền lợi gì, thích là cắt, tài xế chết dở mặc kệ tài xế.
Khốn nạn với các “đối tác”chưa đủ, chúng nó còn dám khốn nạn với cả chính phủ mới sợ! Theo luật chống độc quyền ở VN thì tất cả các vụ sát nhập tạo nên một doanh nghiệp nắm hơn 30% thị phần thì đều phải báo cáo với chính phủ trước khi thực hiện mà khi đó thị phần Uber và Grab cộng lại hơn 90% thị phần taxi công nghệ, nhưng thằng Uber và Grab mặc kệ chính phủ VN đấy, tao cứ sát nhập rồi thông báo sau làm gì được tao hê hê.
Khốn nạn cái là khi bị tra hỏi về việc không thông báo, Grab nó trả lời ráo hoảnh là khi đó thị phần vận tải taxi của hai đứa em còn dưới 30% mà, việc gì phải báo cáo anh! Ôi thế mới tài, thế mới lộ rõ bộ mặt tư bản chó ra, mồm thì ra rả chúng tôi chỉ là app công nghệ, nhưng mà nếu cần thì tôi lại báo cáo thị phần của taxi nói chung trong đó chúng tôi dưới 30%, ô thế tóm lại chúng mày là app công nghệ hay công ty taxi?
Đấy là còn chưa kể việc sát nhập nhưng không hề đề cập tới trách nhiệm thanh toán khoản nợ thuế 53 tỷ của Uber, chính phủ chả biết đòi Grab hay Uber, truy thu tới cả năm giời mới đòi lại được.
Đấy, sau khi bị chúng nó nhổ thẳng vào mặt như thế thì chính phủ VN mới trắng mắt ra, cứ tưởng bọn tư bản công nghệ cao chúng nó minh bạch tử tế lắm, ai dè còn lưu manh hơn cả mấy thằng Vinasun Mailinh, thế nên là trước đây quy định thì khác nhưng sau đó chính phủ VN mới lật cái lồng bàn đưa ra NĐ 86 rọ ngay mõm thằng Grab vào thành DNVT kinh doanh taxi. Tôi là tôi thấy hả hê lắm!
Hầu hết mọi người thích đi Uber và Grab vì xe mới, sạch sẽ, tài xế lịch sự nhưng mọi người ko nhìn thấy rằng đó hoàn toàn là những thứ mang tính thời điểm. Grab dùng mật ngọt dụ dỗ được bao tài xế vay tiền mua xe mới chạy với lời hứa thu nhập 3-40 triệu đồng, nhiều người thậm chí bỏ công việc hiện tại dồn tiền mua xe để chạy Grab.
Khi mà mật ngọt không còn đáng tin, xe mới cũng sẽ thành cũ bẩn thỉu, lái mới ban đầu lịch sự cũng sẽ thành lái xe taxi chuyên nghiệp như bao đồng nghiệp Vinasun khác. Mọi việc sẽ diễn ra rất nhanh thôi và gần đây ngày càng có nhiều than phiền về chất lượng cũng như sự an toàn của Grab là minh chứng rõ nhất cho việc này.
Grab độc quyền rồi thì mọi thứ không biết có tồi tệ hơn việc nhiều hãng taxi truyền thống vẫn phải cạnh tranh với nhau như trước kia không? Có lẽ chỉ có thời gian mới trả lời được điều này.

NGƯỜI VIỆT CẦN PHẢI BIẾT LÀM NGƯỜI TIÊU DÙNG THÔNG THÁI

Còn nhiều điểm tôi muốn nói lắm nhưng thôi dừng ở đây chứ không nói tiếp các bạn lại bảo tôi viết sớ thì bỏ xừ. Tóm lại là chẳng ai cấm Grab hay thằng công nghệ cao nào kinh doanh trên cái đất Việt Nam này cả, nhất là nó mang lại cái lợi cho người tiêu dùng và tạo thêm cạnh tranh. Thế nhưng kinh doanh là phải công bằng và sòng phẳng, kinh tế thị trường nhưng phải có sự quản lý của nhà nước và có khung pháp lý phù hợp nếu ko là sẽ biến tướng ngay.
Cuộc sống này chẳng có thằng nào làm kinh doanh là tự nguyện tử tế cả, phải có quản lý chặt chẽ thì chúng nó mới chơi đúng luật. Đối với mô hình kinh doanh mới và tiên tiến như Grab cần phải rất linh hoạt trong khâu pháp lý và chế tài, có lẽ phải định ra một loại hình kinh doanh mới, không thể bắt ép quản lý như taxi truyền thống, nhưng cũng không thể coi như doanh nghiệp công nghệ phần mềm được!
Còn các bạn, những người tiêu dùng thông thái, ham rẻ nhưng cũng đừng vô tình cổ vũ cho việc ngân sách bị thiệt hại do trốn/lách thuế, doanh nghiệp bản địa làm ăn tuân thủ pháp luật bị cạnh tranh bất công gây thiệt hại, người lao động chân chính bị bắt nạt và bóc lột, để rồi tới lúc chúng nó giữ vị thế độc quyền rồi thì người tiêu dùng cũng chỉ là miếng thịt trên thớt cho chúng nó chén thôi.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, Grab gian lận thì taxi truyền thống cũng lưu manh không kém, sự có mặt rất cần thiết của những thành phần mới như Grab góp phần tích cực tăng tính cạnh tranh và là động lực để các hãng vận tải cải thiện chất lượng dịch vụ.
Với người tiêu dùng, đơn giản là cứ thằng nào rẻ hơn chất lượng dịch vụ tốt hơn thì ta dùng, tôi ghét nó lắm nhưng khi nào đi so giá nếu giá rẻ hơn thì tôi vẫn đi hehe tội gì! Nhưng dù có dùng thằng nào thì cũng phải có một nhận thức đúng đắn và đầy đủ về vấn đề này, ít ra để không bị những con bài truyền thông của cả hai bên xỏ mũi!
Share không cần hỏi để thông não cho nhiều người đang có suy nghĩ lầm lạc

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.