Nét đẹp văn hóa của một làng nghề làm hoa giấy nép mình bên dòng sông Hương đã tồn tại hàng trăm năm nay. Một bó sen giấy của người Thanh Tiên (Huế) làm ra bao gồm hoa, lá, nụ đẹp mắt. Đứng ở khoảng cách chừng vài mét, những bông hoa khiến người xem ngỡ là thật.


ĐỘC ĐÁO NGÔI LÀNG 300 NĂM LÀM HOA GIẤY Ở HUẾ

Đặt chân tới làng hoa giấy Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế đâu đâu cũng tràn ngập không khí rộn ràng của người mua kẻ bán. Trong các ngôi nhà, những sắc màu hoa giấy như muốn mời gọi người mua. Trên nhiều nẻo đường làng những bó hoa Thanh Tiên được chở bằng xe đạp vượt quảng đường xa lên phố bán cho người thành thị.

Làng hoa giấy Thanh Tiên được UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013. Ngôi làng Thanh Tiên nằm dọc theo bờ nam, hạ lưu sông Hương, gần ngã ba Sình. Là một địa danh nổi tiếng về nghề làm hoa giấy thờ cúng, đặc biệt là hoa sen và nghề làm hoa đã xuất hiện cách đây 300 năm. Những năm gần đây, làng hoa giấy Thanh Tiên đã khẳng định được chỗ đứng của mình, khi có mặt trong các lễ hội Festival Huế, lễ hội Festival làng nghề Huế, lễ hội áo dài.... cùng nhiều sự kiện văn hóa khác.


Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian. Tục xưa, hoa giấy được trang trí trang trọng ở những nơi như: Trang Ông, Trang Bà, Am cảnh, Ông táo. Hàng năm thay thế một lần vào dịp Tết Nguyên đán, hoa mới được thay thế, hoa cũ hạ xuống "Duống" và đốt đi gọi là "Tẩu". Cứ như thế, hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa tín ngưỡng của người dân xứ Huế.

Hiện tại, làng hoa còn khoảng 10 hộ vẫn lưu giữ được những kỹ thuật làm hoa giấy bằng tay truyền thống.

HOA GIẤY THANH TIÊN TỪ NHÀ RA PHỐ


Hoa giấy Thanh Tiên từ bao đời nay đã trở thành nét văn hóa trong tín ngưỡng dân gian của người dân xứ Huế. Thậm chí, truyền thống này còn lan tỏa ra các tỉnh lân cận, đặc biệt là dịp Tết.

Người dân Thanh Tiên tận dụng những nguyên liệu sẵn có ở vùng mình như cây lùng, cây tre để tạo nên những bông lùng, hoa tre (hay còn gọi là hoa đũa) và nhuộm màu ngũ sắc. Bông lùng, hoa tre chỉ dùng cho việc thờ cúng, dần dà phát triển nghề làm hoa giấy.






Để làm ra một bông hoa, tất cả các công đoạn đều được thực hiện thủ công. Người làm phải bỏ ra rất nhiều thời gian và cần sự tỉ mỉ cùng với đôi bàn tay khéo léo để tạo ra một bông hoa. Tất cả những chi tiết đều được chuẩn bị trước. Tre được người dân chẻ, vót mỏng, phơi khô, nhuộm giấy, ruột sắn để làm nhụy và sau đó sẽ kết thành những cây hoa hoàn chỉnh. Hoa sẽ được cắm vào chông, một chông sẽ có 100 cây hoa và người bán sẽ vác cả chông hoa trên vai đi bán dạo khắp các phố phường, các khu chợ.




Hoa giấy Thanh Tiên ngày nay chính là kết quả của sự sáng tạo qua bao đời làm hoa giấy. Với óc tưởng tượng phong phú và bàn tay khéo, nghệ thuật, người dân nơi đây đã mô phỏng các loại hoa có ở tự nhiên như hoa bìm bìm (loa kèn), hoa cúc đơn, hoa cúc kép, hoa mắm nêm, hoa tường vi, hoa quỳ và sau đó là hoa sen.

Một bó sen gồm hoa, lá, nụ đứng ở khoảng cách xa vài mét nhiều du khách phương xa cứ ngỡ là hoa thật. Hoa sen giấy Thanh Tiên, biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam lâu nay đã có mặt ở châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương...

Tổng hợp

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.