Sáng nay, với 435/453 (90,06%) Đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi với nam, 60 với nữ.

Cụ thể, Điều 169 trong bộ luật này quy định, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Lộ trình tăng tuổi hưu 62 tuổi với nam vào năm 2028, 60 với nữ vào năm 2035

Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại bộ luật Lao động (sửa đổi) tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại bộ luật tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Quốc hội đã giao Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua, nhiều ý kiến Đại biểu tán thành với quy định theo phương án 1 về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, tức là đến năm 2028 sẽ có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 sẽ có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Một số Đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án 2 và cho rằng việc áp dụng cùng một lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu khó có thể áp dụng chung cho các đối tượng lao động khác nhau. Cũng có một số Đại biểu có ý kiến đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay.

Một số ý kiến khác đề nghị đối với lao động nữ thì tuổi nghỉ hưu chỉ đến 58 tuổi; có ý kiến đề nghị đối với nhóm lao động trực tiếp và một số lao động đặc thù cần xem xét giữ như Bộ luật hiện hành…

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến Đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 Đại biểu tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 Đại biểu đồng ý với phương án 1.

Đối với một số trường hợp được làm thêm 300 giờ


Về thoả thuận thời giờ làm thêm tối đa, Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến của các Đại biểu.

Kết quả, có 406 Đại biểu bày tỏ chính kiến thì có 318 Đại biểu đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

Biểu quyết sáng nay, 433/454 Đại biểu (chiếm 89,65%) đã tán thành điều này.

Theo đó, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp như: sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước.

Các trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn... thì người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm.

Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.