Cho đến lúc này, đồng loạt các tờ báo đã đưa tin: với cáo buộc cầm đầu vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, ông Nguyễn Bắc Son bị VKSND Hà Nội đề nghị tử hình về tội nhận hối lộ.

Sáng 20/12, VKSND Hà Nội công bố bản luận tội 14 bị cáo trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, trong đó mức án cao nhất là tử hình được đề nghị đối với ông Nguyễn Bắc Son. Theo đó:

Ông Nguyễn Bắc Son: bị đề nghị mức án 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và tử hình tội Nhận hối lộ. Hình phạt chung, VKSND đề nghị HĐXX tuyên với ông Son là tử hình.

Ông Trương Minh Tuấn: bị đề nghị 6-7 năm tù tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng; 8-9 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng mức đề nghị 14-16 năm tù.

Ông Lê Nam Trà: bị đề nghị 7-8 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng hình phạt 23-25 năm tù.

Ông Cao Duy Hải: bị đề nghị 4-5 năm tù tội Vi phạm quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, 10-11 năm tù tội Nhận hối lộ. Tổng mức án đề nghị là 14-16 năm tù.

Còn lại, với tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, Phạm Đình Trọng bị đề nghị 5-6 năm tù; Phạm Thị Phương Anh 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Nguyễn Mạnh Hùng 2 năm 6 tháng-3 năm tù; Nguyễn Bảo Long 2 năm 6 tháng-3 năm tù; Nguyễn Đăng Nguyên 2 năm-2 năm 6 tháng tù; Phan Thị Hoa Mai 3 năm-3 năm 6 tháng tù; Hồ Tuấn 2 năm 6 tháng - 3 năm tù; Võ Văn Mạnh 4-5 năm tù; Hoàng Duy Quang 3-4 năm tù.

Đến lúc này ông Nguyễn Bắc Son chưa nộp lại 3 triệu USD

Cơ quan công tố nhận định, bị cáo Nguyễn Bắc Son, với chức vụ Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, là người có quyền hạn cao nhất ở cơ quan này. Bị cáo có vai trò quyết định trong việc triển khai dự án MobiFone mua 95% cổ phần AVG.

Xuất phát từ động cơ tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, bị cáo đã định hướng, chỉ đạo quyết liệt cấp dưới tại MobiFone và các thành viên chủ chốt tại MobiFone thực hiện dự án dẫn đến sai phạm đặc biệt nghiêm trọng. Sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo đã nhận số tiền 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ.

Trong vụ án này, bị cáo giữ vai trò đứng đầu. Xuyên suốt trong quá trình thực hiện dự án, chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son mang tính quyết liệt, buộc cấp dưới phải thực hiện. Do đó, ông Son phải chịu trách nhiệm chính về hậu quả đã xảy ra.

Bị cáo cũng là người được hưởng cao nhất so với các bị cáo khác từ thương vụ AVG, với số tiền nhận hối lộ đặc biệt lớn. Từ các căn cứ nêu trên, VKS quy kết ông Nguyễn Bắc Son phải chịu trách nhiệm cao nhất trong số 14 bị cáo ở vụ án này.

Ông Son được tặng nhiều huân, huy chương và có nhiều thành tích trong công tác. Với những thành tích đó, đáng lẽ bị cáo phải là tấm gương đạo đức về sự trung thực, tận tâm phục vụ đất nước và nhân dân.

Nhưng vì hám lợi vật chất, bị cáo đã tha hóa bản thân và phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây tổn hại uy tín của các cán bộ chân chính. Dù trong quá trình điều tra, bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội nhưng khi ra tòa, bị cáo tự mình phủ nhận rồi lại thừa nhận một phần. Điều đó cho thấy bị cáo chưa thực sự ăn năn, hối lỗi.

Số tiền chiếm đoạt 3 triệu USD chưa được ông Son nộp lại. Do đó, dù bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đủ để bị cáo được hưởng mức khoan hồng mà cần có hình phạt nghiêm khắc.

Lê Nam Trà được VKS đề nghị giảm nhẹ đáng kể hình phạt

Với bị cáo Lê Nam Trà (cựu Chủ tịch MobiFone) nhận thức rõ tài chính AVG yếu kém, nợ vay lớn, kinh doanh thua lỗ, việc thực hiện dự án phải tuân theo luật nhưng thực hiện chỉ đạo của Nguyễn Bắc Son, bị cáo cùng Cao Duy Hải chỉ đạo cấp dưới lập dự án trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt.

Sau đó, ông Trà là người ký hợp đồng chuyển nhượng theo chỉ đạo của ông Son và được Phạm Nhật Vũ đưa 2,5 triệu USD.

Quá trình điều tra và tại tòa, bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội. Đối với tội Vi phạm quy định của nhà nước về đầu tư công, bị cáo cùng lãnh đạo MobiFone khắc phục thiệt hại nên cần áp dụng mức án dưới khung hình phạt.

Về tội Nhận hối lộ, bị cáo được nhận số tiền đặc biệt lớn, lẽ ra phải xử mức cao nhất của khung hình phạt. Tuy nhiên, bị cáo viết đơn tự thú trước khi bị khởi tố, nộp lại toàn bộ số tiền đã nhận, có nhiều thành tích xuất sắc nên cần giảm nhẹ đáng kể hình phạt.

Đề nghị áp dụng triệt để nguyên tắc xử lý khoan hồng với Phạm Nhật Vũ

Còn bị cáo Phạm Nhật Vũ sau khi đạt được mục đích bán AVG cao hơn giá trị thực tế nhiều lần đã đưa 3 triệu USD cho Nguyễn Bắc Son, 2,5 triệu USD cho Lê Nam Trà, 200.000 USD cho ông Trương Minh Tuấn và Cao Duy Hải là 500.00 USD.

Trước khi khởi tố vụ án, Vũ đã chủ động khắc phục toàn bộ thiệt hại và các chi phí phát sinh, tự thú về hành vi Đưa hối lộ, tích cực cung cấp các tài liệu để cơ quan điều tra làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác.

Trong quá trình điều tra, Phạm Nhật Vũ ăn năn, hối lỗi, tích cực phối hợp. Ngoài ra, bị cáo có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam… nên cần áp dụng triệt để quy định về nguyên tắc xử lý khoan hồng đối với người phạm tội để giảm nhẹ đáng kể hình phạt.

 Ông Trương Minh Tuấn là người bắt buộc phải ký nên được giảm án

Với bị cáo Trương Minh Tuấn, VKS xác định cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông là người ký một số văn bản, báo cáo liên quan trong quá trình thực hiện dự án trên cơ sở thực hiện theo chỉ đạo của ông Nguyễn Bắc Son. Việc ông Tuấn ký là thụ động và bắt buộc phải ký.

Sau khi hoàn thành xong dự án, Phạm Nhật Vũ đã đến phòng làm việc đưa cho Trương Minh Tuấn 200.000 USD. Bị cáo nhận thức được việc Vũ đưa tiền vì ông có tham gia dự án. Số tiền này ông Tuấn đã sử dụng chi tiêu cá nhân.

Quá trình điều tra, bị cáo đã có đơn xin nộp lại hết số tiền chiếm đoạt bất hợp pháp. Ngoài ra, gia đình bị cáo cũng tự nguyện nộp thêm 2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.

VKS nhận thấy quá trình tố tụng, bị cáo đã nhận thức và chủ động, tích cực khai báo. Đồng thời, ông Tuấn cũng tích cực khắc phục hậu quả. Bị cáo có nhiều thành tích trong công tác. Trong vụ án, bị cáo là người nhận ít tiền nhất, có đơn tự thú và tác động gia đình khắc phục số tiền chiếm đoạt. Do đó, VKS đề nghị giảm nhẹ hình phạt đáng kể cho bị cáo ở cả 2 tội danh.

Cao Duy Hải được giảm án vì viết đơn tự thú trước khi bị khởi tố bổ sung

Đối với Cao Duy Hải (cựu Tổng giám đốc MobiFone), thực hiện chỉ đạo của Lê Nam Trà, bị cáo đã ký các quyết định thành lập các tổ công tác và văn bản có liên quan lập dự án.

Sau khi thương vụ này thành công, Hải đã nhận số tiền 500.000 USD từ Phạm Nhật Vũ. Tuy nhiên, khi bị cáo về công tác tại MobiFone thì dự án đã được triển khai. Bị cáo đã có những băn khoăn về việc thực hiện mua AVG nhưng phải làm theo chỉ đạo của cấp trên. 

Sau đó, ông Hải từ chối ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần AVG, chủ động tích cực tham gia khắc phục hậu quả vụ án, thành khẩn khai báo hành vi phạm tội.

Đối với tội Nhận hối lộ, bị cáo Hải được nhận số tiền ít thứ 2, viết đơn tự thú trước khi bị khởi tố bổ sung… do vậy xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt.


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.