Sáng nay trong một cuộc họp với các Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM, trong khi các hội ngành nghề sử dụng nhiều nguyên liệu của Trung Quốc như dệt may, da giày… đều khuyến cáo Chính phủ cần hành động chứ nguyên phụ liệu nhập khẩu dự trữ sản xuất đã hết, nguy cơ thiếu việc làm cho hàng triệu lao động sẽ diễn ra nghiêm trọng.


Trong khi đó, hai chợ đầu mối của TPHCM là Thủ Đức và Hóc Môn đều báo, lượng rau củ quả sản xuất tại Việt Nam và gia súc gia cầm của Việt Nam về chợ đầu mối tăng vọt đủ đắp cho lượng thiếu hụt vốn được nhập khẩu từ Trung Quốc, bán ra tốt, giá cao.

Sau đó, đọc bài của FBker Dac Ho – Nga bàn những lợi ích hay thiệt hại khi chúng ta đóng cửa Biên giới với Trung quốc vì đại dịch khá thú vị, giới thiệu cùng bạn đọc:

“Trở ngại lớn nhất trong việc Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung quốc trong tình hình dịch bệnh là vấn đề kinh tế. Mọi người lo sợ thiệt hại kinh tế. Nhưng theo phân tích của mình, thật ra đóng cửa biên giới sẽ có lợi hơn về kinh tế cho Việt Nam. Trong ngắn hạn, kinh tế Việt Nam chắc chắn bị thiệt hại dù có đóng hay mở cửa biên giới với Trung Quốc. Nhưng trong dài hạn đóng cửa sẽ có lợi hơn.

1. DU LỊCH: ngay cả đồng nghiệp của mình ở Mỹ cũng đã huỷ các chuyến công tác ra nước ngoài. Do đó, người ở Trung Quốc không ai có tâm trí đi du lịch trong thời gian này cả. Bây giờ chỉ có 1 lý do người ở Trung Quốc muốn qua Việt Nam thôi: trốn dịch. Tức là những người này ở trong vùng có nhiều bệnh dịch, muốn qua Việt Nam để trốn. Đây sẽ là một gánh nặng cho y tế và kinh tế Việt Nam chứ không có lợi ích gì hết vì họ là những người có khả năng mang bệnh cao, dễ lây nhiễm.

Việc mở cửa cho người Trung Quốc qua vào lúc này sẽ làm cho các nước khác ngại qua Việt Nam du lịch vì cảm thấy không an toàn. Nếu Việt Nam đóng cửa biên giới, chống dịch thật tốt, dập dịch trước Trung Quốc, du khách các nước khác sẽ đến Việt Nam thay vì Trung Quốc vì Việt Nam an toàn hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích kinh tế lớn và lâu dài cho Việt Nam.


2. SẢN XUẤT: với tình hình hiện nay, mở hay đóng thì Trung Quốc cũng sẽ không thể cung ứng nguyên vật liệu cho Việt Nam tốt được vì các nhà máy của họ đang phải đối phó với bệnh dịch. Việc ngành sản xuất của Việt Nam dựa vào nguồn cung duy nhất từ Trung Quốc là rất rủi ro. Đâu có gì bảo đảm rằng chuyện như thế này sẽ không xảy ra nữa.

Đây là thời điểm để Việt Nam đa dạng hoá nguồn cung. (1) phát triển nguồn cung trong nước. (2) tìm kiếm nguồn cung ở các nước khác. Trước đây chúng ta không làm là vì không muốn bước ra vùng thoải mái (nguồn cung từ Trung Quốc vừa nhiều vừa rẻ vừa gần). Nay chuyện này là không an toàn nữa. Việc bắt buộc tìm nguồn cung mới và tự xây dựng nguồn cung nội địa sẽ làm cho nền nền kinh tế Việt Nam mạnh hơn và tự chủ hơn. Sau khi qua dịch, chúng ta không còn phụ thuộc vào Trung Quốc về chuyện này nữa.

Một khía cạnh khác của sản xuất là nhân công. Mở cửa biên giới sẽ tăng nguy cơ nhiễm bệnh, làm suy sụp đội ngũ nhân công trong nước, ảnh hưởng rất xấu đến năng suất một cách lâu dài. Nguồn nhân lực này cũng chính là nguồn cầu cho các sản phẩm. Khi bị bệnh họ cũng giảm chi tiêu, làm giảm nhu cầu nội địa. Việc giảm cả năng suất lao động và nhu cầu nội địa sẽ ảnh hưởng rất xấu lên kinh tế về lâu dài. Trong khi đó, nếu đóng cửa, chúng ta có thể dập dịch tốt hơn, duy trì năng suất lao động và nhu cầu nội địa, có lợi lâu dài về kinh tế.

3. XUẤT KHẨU: những gì Trung Quốc cần thì vẫn phải mua của chúng ta thôi. Có thể thương thuyết để chừa đường xuất khẩu hàng hoá lại. Nếu không được thì là cơ hội để đi tìm thị trường khác. Ngược lại, nếu mở cửa sẽ làm cho các thị trường khác không dám nhập hàng của chúng ta vì sợ. Thực phẩm cũng là 1 nguồn lây. Nhất là đồ đông lạnh có thể mang tính truyền nhiễm trong thời gian dài. Ngay cả đồ may mặc hay gia dụng cũng có thể chứa virus đến hàng chục ngày.


Thêm vào đó, phụ thuộc quá nhiều vào 1 thị trường cũng rủi ro và mất đi tính tự chủ. Trong tình hình này, việc sản xuất của nhiều nước sẽ bị đình trệ. Nếu chúng ta đóng cửa dập dịch tốt thì là cơ hội rất lớn để đi ra các thị trường khác vì họ sẽ thiếu hàng. Và đây cũng là thời điểm để chúng ta cân bằng lại cơ cấu kinh tế, trở thành một nền kinh tế tự chủ hơn, mạnh mẽ hơn.

Tình hình cấp bách nên có vài dòng viết vội. Hy vọng đến tay người hữu trách. Ra quyết định càng sớm thì càng tốt. Nếu để dịch bệnh bùng phát ở Việt Nam (tôi cầu nguyện để chuyện này đừng xảy ra) thì du lịch Việt Nam sẽ không có khách hàng trong 1 thời gian dài, nền sản xuất và thị trường xuất khẩu cũng thiệt hại nặng nề và rất khó hồi phục (Tôi luôn mong là dự đoán này của tôi sai).


Hiện nay Trung Quốc đã rơi vào tình trạng này rồi và đã bị thế giới cô lập. Singapore có thể sẽ là nước thứ 2. Mong rằng Việt Nam không đi theo vết xe đó và bị cô lập giống như Trung Quốc bị.

Trong nguy có cơ. Nó là nguy hiểm hay là cơ may là do sự quyết đoán sáng suốt trong thời điểm này!

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.