Như tôi từng viết đầu năm ngoái, con virus mắc dịch này là không thể ngăn cản được căn cứ vào hàng loạt các chỉ số của nó lẫn thói quen sinh hoạt trong xã hội con người.

Bây giờ, nó lại quay lại, trên truyền thông, với những chỉ số còn tệ hơn. Hơn 86% ca bệnh không có triệu chứng lâm sàng, cao hơn hẳn so với tỷ lệ 60% công bố trước đây.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói với Hà Nội: “Phân tích dịch tễ cho thấy tình hình khó khăn hơn, phức tạp hơn, khác hẳn đợt dịch ở Đà Nẵng. Giải trình tự gen trường hợp sang Nhật thì thấy đã biến chủng, tốc độ lây nhiễm nhanh, bệnh tăng nặng, kể cả ở người trẻ. Chu kỳ lây bệnh trước là 4-5 ngày, nay chỉ còn rất ngắn, gần như xoá chu kỳ lây nhiễm. Thời gian khởi phát rất nhanh; khả năng nhân lên của virus và mầm bệnh rất cao. Mới 4 ngày qua đã có chu kỳ lây nhiễm thứ 4 là rất nguy hiểm. Cơ chế lây cũng dễ hơn trước. Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải quyết liệt và nhanh”.

Cả ngành y, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, khẩn trương theo phương châm “truy vết, khoanh vùng,” với tuyên bố "dập dịch trong 10 ngày".

Những nỗ lực đó thật đáng trân trọng, nhân dân rất tin tưởng.

Điều đau khổ là năng lực xét nghiệm của chúng ta quá mỏng, chẳng hạn, Trung ương phải cấp cứu cho HN 50 ngàn mẫu xét nghiệm, như giọt muối bỏ biển vì HN – thủ đô của cả nước – thiếu năng lực đó.

Xét nghiệm còn không ra, huống hồ không xét nghiệm thì làm sao mà ra được!

Vì thế, tuyên bố "dập dịch" đem lại sự cổ vũ, động viên, thể hiện quyết tâm, hơn là thực tế.

Chúng ta phải thay đổi nhận thức đó.

Chúng ta phải nhận thức và chấp nhận thực tế rằng, con virus đó đã có trong cộng đồng; nó có thể ở trong quán café, ở ngay trong ‘tay vịn’, ở trong người trước mặt, ở ngay trong ta.

Chỉ khi thay đổi nhận thức đó thì cách chống dịch mới hiệu quả hơn:

1/ Dân không thụ động trông chờ nhà nước chống dịch; dân phải tư mình chống dịch cùng với nhà nước để bảo vệ chính mình, người thân và gia đình.

2/ Nhà nước không quá lo lắng, áp lực để phong tỏa diện rộng khi mới chỉ có vài ca nhỏ. Hãy thực hành phương châm “Lửa nhỏ khoanh nhỏ, lửa to khoanh to” chứ không khoanh tất cả để duy trì việc làm và sinh kế cho dân. Vì sao phải khoanh cả tỉnh như vậy để rồi phải ra công văn cầu cứu giải cứu đào, rau? Phải tuyệt đối bảo vệ bệnh viện, hãy đến 108 mà học tập quy trình.

Chúng ta phải cùng thay đổi, nhận thức, hành động, thói quen, để tránh được một lockdown khi chưa có sóng trào, và nếu may mắn chúng ta sẽ tránh được đợt sóng trào, các đợt sóng trào trước khi có vắc xin.

Hoàng Tư Giang 





 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.