Báo Dân Việt hôm nay có bài viết rất hay, phỏng vấn ông Đoàn Ngọc Hải (còn có cái tên mới từ hôm nay Ksor Hải) nhìn lại những chuyện đã qua và con đường mà ông đang đi. Xin được đăng lại.
PV: Rất hân hạnh được tiếp cận ông – "ông quan dẹp
vỉa hè" quận 1 năm nào. Từ ngày cởi áo công chức, từ quan rồi đi làm từ
thiện, cuộc sống của ông có gì khác?
Ông Đoàn Ngọc Hải: Khác nhiều chứ. Ngày trước là công chức. Và, bây
giờ là người đi làm thiện nguyện, gần như khác nhau rất nhiều. Trước đây, một
ngày tôi họp khoảng 5 cuộc họp. Thậm chí, có ngày đến 7 cuộc họp. Tôi vốn không
quen dùng xe của cơ quan, mà tự mình lái xe, không có tài xế.
Vì vậy, có những lúc từ điểm họp này sang điểm họp kia, tôi tự lái xe liên tục. Có khi không còn thời gian, vừa lái xe vừa gặm ổ bánh mì cho xong. Bây giờ, mọi cái từ đi đứng, tới đâu, gặp ai…, tôi chủ động hết. Bây giờ, ngủ ngon hơn trước nhiều và thực sự có được giấc ngủ sâu hơn, cuộc sống rất vui.
Tại sao những chuyến đi thiện nguyện, làm từ thiện
khắp mọi miền đất nước, người ta chỉ thấy một Đoàn Ngọc Hải đơn độc, mà không
có một ai nữa cạnh bên? Phải chăng, ông đang cô đơn trên hành trình của mình?
Những chuyến đi dài, liên tục như thế, liệu ông có đủ sức khỏe để đi?
- Hiện nay, có thể nói là sức khỏe của tôi vẫn
"ngon". Nhưng tương lai, ngày càng nhiều tuổi, mình không thể nói trước
được. Nên tôi phải định lượng sức khỏe của mình cho phù hợp.
Tôi đang quản lý cái quỹ quyên góp từ đồng bào trong
và ngoài nước. Qua quỹ này, mọi người ủng hộ, để biến thành thịt, sữa, nước mắm,
cái ăn… cho bà con nghèo khó. Tôi đi tới đâu cũng quyên góp được rất nhiều sữa,
thịt, nước mắm… Những thứ rất dễ vận chuyển và để lâu được.
Để làm làm được việc giúp đời, giúp người như thế,
tôi hiểu mình phải có sức khỏe. Nên sức khỏe phải đặt lên hàng đầu. Giờ đây,
tôi không ăn nhậu, không bù khú với bất kỳ ai.
Thỉnh thoảng, tôn trọng lắm những nhà hảo tâm, những
doanh nghiệp, họ có tấm lòng ủng hộ người nghèo tôi mới cố gắng đến để cụng ly
với họ. Nhưng chỉ cụng ly thôi, nhấp nhấp tý để giữ sức khỏe còn làm việc. Vì
còn rất nhiều trẻ em đói nghèo - các cháu đang chờ mình, mà sức khỏe mình yếu
thì không được, hỏng hết.
Tại sao ông chọn trẻ em nghèo là đối tượng đầu tiên
để ông làm từ thiện?
- Phải lên vùng cao, mới thấy được trẻ em vùng cao
đói khổ như thế nào thì sẽ hiểu tại sao tôi lại hướng đến điều đó. Và nói thẳng
với bạn, tôi chỉ muốn đi một mình để thực hiện mục đích của chính mình.
Đi một mình, có những cung bậc cảm xúc mà tiền nhiều
không thể mua được. Tôi lái xe một mình trên rất nhiều cung đường, gặp các cháu
bé người dân tộc vùng cao. Tôi nán lại, chuyện trò với các cháu, có khi cả nửa
tiếng rồi mới đi…
Nếu đồng hành với một tài xế, một doanh nghiệp nào
đó, liệu họ có chấp nhận giống như tôi, la cà, chuyện trò với các cháu như thế?
Đa phần người ta đi từ thiện, nhanh nhanh, nhảu nhảu để về khách sạn. Họ đến giờ
ăn là phải ăn, rồi thế này thế khác, rất là lệch pha với tôi. Như vậy, còn gì cảm
xúc, tình thương khi làm từ thiện?
Vì vậy, hành trình thiện nguyện tôi đi một mình để
chủ động tất cả. Tất cả những cung bậc cảm xúc nó đến với mình, xin lỗi tiền
nhiều không mua được cảm xúc. Tôi đã từng đi với rất nhiều đoàn, doanh nghiệp,
cá nhân đi theo… Nhưng cuối cùng đúc kết
một điều là làm từ thiện nên đi một mình. Đi một mình vẫn giúp được nhiều người
đấy chứ.
Mặc dù đã cởi
áo từ quan, về với đời sống của một người dân, ông vẫn luôn nói rằng "còn
nợ người dân"?
- Trước đây, tôi là một đảng viên, là cán bộ, đứng
trước là cờ Đảng với lời thề phục vụ nhân dân. Tôi học không biết bao nhiêu lớp
chính trị, đều dạy cán bộ phải đến với người nghèo, đến với nhân dân.
Ngay cả Bác Hồ cũng dạy chúng ta rất nhiều điều. Vì vậy, tôi luôn hướng đến những điều đã từng học hỏi ấy. Bản chất con người tôi cũng là thế. Thực sự, tôi rất thương người nghèo.
Tôi từng trải qua môi trường quân đội và gần 26 năm ở
bộ máy công quyền và các đơn vị chuyên môn. Nó rèn cho tôi thành con người như
vậy.
Lẽ ra, ở cái tuổi này, bạn bè tôi là những người khá
giả như gia đình tôi ai cũng hàng ngày đi đánh golf, đi du lịch nước ngoài liên
tục, hưởng thụ thoải mái. Chỉ mình tôi như vậy thôi. Bạn bè giờ nhìn tôi như
nhìn người xa lạ, họ ngạc nhiên. Tôi kiểm lại rồi, có đến 90% bạn bè từ 7 tháng
nay không liên lạc gì với tôi nữa.
Nghĩa là ông mất 90% bạn bè của ông?
- Không phải là mất mà họ không còn liên hệ, hỏi
thăm qua lại thường xuyên như khi tôi còn là Phó Chủ tịch UBND quận 1 ngày xưa.
Vì sao? Vì tôi đang đi một con đường mà rất ít người đi.
Con đường đó là con đường từ thiện, làm thiện nguyện,
tiếp sức, giúp cho người nghèo, giúp những phận người khốn khổ. Còn họ, họ đang
đi một con đường khác hoàn toàn với tôi - con đường hưởng thụ.
Con đường hưởng thụ xa hoa thì đầy hoa thơm, cỏ lạ,
nhiều người đẹp, người mẫu chân dài… Trong khi con đường tôi rẽ lối đi cho mình
nào rừng núi hiểm trở, trời tối tăm, đường xa thăm thẳm, cơm nước tạm bợ qua đường…
Cách làm từ thiện như ông, người khen rất nhiều,
nhưng cũng không ít thị phi. Cay đắng, có người còn buông lời "ông Hải làm
màu". Ông nghĩ sao?
- Làm từ thiện,
sợ thị phi, e ngại thì đừng làm. Còn khi đã dám làm thì không sợ gì cả. Hơn nữa,
tôi sống trong sáng, ngay thẳng nên không sợ thị phi. Thị phi phải sợ mình. Anh
thích ăn chơi, nhảy múa và thích những gì đẹp đẽ, không thích sự khổ hạnh, nên
anh chơi với giới nhà giàu.
Còn tôi, tôi thích giúp đỡ người nghèo và tôi luôn
trân trọng những người giàu làm ra những sản phẩm cho đời. Nhưng tôi nặng lòng
vì người nghèo để giúp đỡ họ. Chúng ta trân trọng những người giàu có, nhưng
cũng đừng quên những người nghèo, như vậy xã hội mới có sự công bằng.
Ông từng nói rất nhiều đến phẩm chất người lính và
cũng ông đã từng là một người lính. Chất lính ảnh hưởng như thế nào đến con người
ông?
- Chất lính ảnh
hưởng rất lớn đến con người tôi. Tận hôm nay, không biết các bạn có để ý, mỗi
khi tôi chụp hình, hai bàn chân tôi đều đứng chếch ra. Là do 3 năm trong quân
ngũ, người ta huấn luyện tôi đứng phải chẽ chân ra. Đó là điều lệnh quân ngũ, 2
chân chẽ ra thì đứng sẽ chắc chắn hơn, không bị nghiêng ngả.
Kế đó là sự uy nghiêm của người lính và tính mạnh mẽ
của người đàn ông. Có thể nói 3 năm trong quân ngũ dạy tôi rất nhiều điều, tính
kỷ luật, sự quyết tâm, sự kiên trì và tính quyết đoán.
Làm lãnh đạo phải có tính quyết đoán, nếu không có
tính quyết đoán thì không thể làm lãnh đạo được.
Cách đây vài
năm, đường hoàng là Phó Chủ tịch UBND quận 1 – trung tâm của Sài Gòn hoa lệ.
Cái chức đó là điều mong ước của nhiều người, nhưng đột ngột, ông từ chức, cáo
quan về dân. Xin ông cho biết suy nghĩ của ông về việc từ quan?
- Nghĩ về từ
chức, chắc chắn mỗi người có 1 suy nghĩ khác nhau. Nhưng theo tôi, một khi mình
không hoàn thành nhiệm vụ thì nên từ chức. Tổ chức, đơn vị đánh giá mình là
hoàn thành hay không hoàn thành, lỗi đó do ai lại là một câu chuyện khác. Đó là
cái văn minh trong hệ thống công chức.
Ôm ghế ngồi mãi, trong khi dân khổ, đường sá bầy hầy,
vỉa hè bị lấn chiếm, nhếch nhác, tai nạn giao thông rất nhiều… Đặc biệt, sự nhếch
nhách của một đô thị diễn ra như thế, liệu mình ngồi cái ghế đó mãi có nên
không?
Lấn chiếm vỉa hè, lấn chiếm lòng lề đường – câu chuyện
nói mãi không có hồi kết ở đất nước này. Ông cho biết quan điểm của ông về câu
chuyện này?
- Tôi quan sát thực trạng lấn chiếm vỉa hè ở TP.HCM
hiện nay. Nó tái diễn trở lại rất nhiều
so với thời gian có phong trào dọn dẹp lòng đường, vỉa hè của quận 1 và
các địa phương khác làm theo.
Nó giống như một căn bệnh vậy. Anh cho nó uống thuốc
kháng sinh chưa đủ liều nên giờ nó tái phát lại mạnh hơn. Đừng trách người dân,
hãy trách chính cán bộ thực thi công vụ.
Thật ra, việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè là do cán bộ tự tạo ra chứ không phải người dân. Họ muốn một sự lộn xộn như thế. Khi tôi còn công tác, họ thu của bà bán xôi 1 tháng, 1 triệu đồng, sau đó tăng lên triệu rưởi. Bị tố cáo, tố cáo thấy đúng, chuyển lên Chủ tịch phường. Chủ tịch phường thấy đúng, báo cáo Bí thư, Chủ tịch quận về trường hợp này… Nhưng mọi cái rơi vào im lặng.
Tôi thấy mình bất lực. Việc xử lý này phải dứt
khoát, nhanh, gọn thì quận 1 mới thay đổi được. Còn tôi ở cấp Phó Chủ tịch lúc
đó, chỉ báo cáo và không có quyền xử lý
cán bộ được, rất khó. Xử lý cái kiểu nửa chừng xuân, dở dở ương ương như thế
này thì mãi không xong, thật sự rất khó nên tôi từ chức và nhận hết trách nhiệm
về phía mình.
Còn lúc đó, có thể nói tôi đã làm hết 200% sức lực của
mình chứ không phải là tôi làm có 80%, để rồi từ chức.
Trong câu
chuyện dọn dẹp lấn chiếm lòng lề đường năm xưa khi ông còn giữ chức vụ Phó Chủ
tịch UBND quận 1, TP.HCM. Ông gặp những khó khăn, thách thức như thế nào?
- Khó khăn, thách thức nhiều. Thậm chí, có người đe
dọa, đòi giết tôi. Bởi, việc dọn dẹp lấn chiếm lòng lề đường đụng chạm rất nhiều
tới các bãi giữ xe. Các bãi giữ xe ở TP.HCM nhiều nhất thu được 3 tỷ/tháng, ít
nhất là 500 triệu/tháng.
Ở quận 1, có 48 bãi ở mức như thế, tôi dẹp hết vì
sai hoàn toàn, không đúng quy định. Có người thắc mắc, tại sao trước đây không
làm mà bây giờ làm? Trước đây người khác, tôi mới phụ trách do đó tôi phải tìm
hiểu, làm theo đúng quy định, làm sai là chết ngay, họ kiện tôi ra tòa ngay chứ.
Trước mỗi nhà
đều có mặt tiền (bình quân 4m/căn) thì ở quận 1 có hàng mấy nghìn căn nhà như
thế. Nhà nào kinh doanh cũng đều để xe máy trên vỉa hè, trước nhà. Quy định của
quận là cấp giấy phép trông giữ xe trước cửa nhà.
Khi tôi làm Phó Chủ tịch quận phụ trách quản lý đô
thị thấy điều đó không hợp lý, tôi nói ngay. Trước cửa nhà người ta, người ta đỗ
xe, chính quyền lại lập thành bãi giữ xe, ký giấy phép 6 tháng 1 lần…
Điều này lãng phí về chi phí, in giấy tờ thủ tục
"giấy phép con", tiêu cực. Cán bộ cứ 6 tháng/1 lần sẽ hành người ta để
có được cái giấy phép đấy, đó là "giấy phép con". Tôi nêu bất cập
trong cuộc họp thường vụ. Đồng chí cao nhất không chịu, đồng chí Bí thư không
chịu…
Xong rồi vẫn tiếp tục thực hiện cái đó, rồi 6 tháng
ký một lần. Thế là cả quận có 4.000 bãi xe. Mỗi bãi xe có mấy mét vuông, ngang
4m, sâu 1m. Nhưng cuối cùng, tôi buộc vẫn phải ký loại giấy phép như vậy vì Ban
Thường vụ quận ủy không đồng ý, Bí thư không đồng ý bỏ giấy phép đó.
Mỗi tháng, ký mỏi tay 4.000 cái "giấy phép
con" như thế. Buồn lắm, rồi người ta đưa cái "giấy phép" con lên
báo chí, đổ cho ông Hải ký "giấy phép con", ông Hải dẹp lòng lề đường
nhưng vẫn ký "giấy phép con"… Mọi người đâu có hiểu, chẳng lẽ cái gì
mình cũng phải lên thanh minh trước truyền thông, báo chí? Tất cả là do tập thể
Thường vụ và Chủ tịch quận không chịu thay đổi. Tôi là người sau này lên phụ trách
lĩnh vực này, buộc phải ký 6 tháng một lần.
Trời ạ! Mỗi sáng ra, nhìn thấy đống "giấy phép
con" trên bàn là muốn bệnh luôn. Vậy đó, một điều cực kỳ bất hợp lý, dễ
phát sinh tiêu cực nhưng hiện nay vẫn còn giữ. Không phải tôi đề ra cái đó, mà
từ bao nhiêu đời nay đã đề ra rồi.
Giờ tôi đề nghị cải tổ, bãi bỏ thì không ai ủng hộ.
Trong khi chúng ta hô hào cải cách hành chính, chúng ta lên án tất cả các bộ
ngành về vấn đề "giấy phép con". Nhưng riêng quận vẫn giữ và đấy là sự
bất hợp lý vô cùng.
Còn 48 cái
bãi xe to, sai bét hết, tôi phải đi dọn dẹp. Bãi xe "đặc biệt" nhất
là bãi xe sau lưng Nhà hát thành phố. Bãi xe này doanh thu 3 tỉ một tháng. Tôi
cho dẹp để làm công viên như ngày nay. Bây giờ người ta bảo nôm na "Công
viên ông Đoàn Ngọc Hải" đấy. Có người ngồi uống cà phê nhìn ra, bảo
"vườn hoa ông Đoàn Ngọc Hải"… Nói thật, giờ đây là công viên rất đẹp
nhưng có ai biết, 20 năm trước từng là bãi xe không dẹp được.
Tại sao? Bởi
cái bãi xe thu 3 tỉ một tháng thì làm sao dẹp được? Cách dẹp của tôi, nó
"bạo động" lắm. Phóng viên, truyền thông đi theo rần rần, không cục cựa
được. Kiểm tra giấy tờ hành chính nếu không đúng, xử lý thôi. Thế mới dẹp được,
xây vườn hoa ngay. Ông Chủ tịch thành phố hỏi tôi "dẹp cái đấy đúng hay
sai?". Tôi đáp "Đúng chứ anh". Tôi hiểu, có rất nhiều thứ tác động
đến các lãnh đạo nên họ phân vân…
Trong khi đó, theo hồ sơ quy hoạch 930 ha khu trung
tâm TP.HCM, căn cứ các quy định hiện tại thì khu vực đó quy hoạch vườn hoa.
Nhưng suốt 20 năm, "vườn hoa" không thấy mà chỉ thấy mọc lên cái bãi
giữ xe, không dẹp được.
"Vườn hoa" lại cấp phép cho đội quản lý trật
tự đô thị - dưới quyền tôi đứng tên bãi xe. Nhưng đội quản lý trật tự đô thị có
giữ xe đâu, lấy cái giấy phép đấy đưa cho "ông đầu nòng kia", rồi
xong!
Thời còn làm việc tôi bị rất nhiều cái "oan ức"
không chịu được. Cứ đổ hết cho mình, mình làm tốt mà họ cứ bảo tại sao? Nếu tôi
sai, tôi không đúng luật đã bị kỷ luật, bị khởi tố rồi. Đây nói thật, những gì đã qua rồi tôi cũng không nhắc đến nữa.
Tôi giờ là một công dân bình thường thích đi làm những
việc thiện nguyện, mong muốn các cháu đỡ khổ nên tôi cũng không muốn nhớ lại những
việc đã qua. Năm 2017 có tới 10 tháng kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. 10
tháng đó khiến mình phải từ chức 2 lần mới được về. Những điều đó tôi nói từ tận
đáy lòng, từ trái tim mình.
Tôi cảm thấy cuộc đời như thế, chân lý nó là chân lý
và tôi nên đi theo chân lý, con tim mình mách bảo chứ tôi không phải con heo đi
qua bảo con gà, con gà đi qua bảo con heo. Tôi không có đức tính đó, cái gì
đúng là đúng, cái gì sai là sai. Trong một
hệ thống công chức cái gì cũng phải công khai, minh bạch, rõ ràng và trong công
tác thiện nguyện, càng phải chính xác công khai, minh bạch rõ ràng.
Trong chiến dịch
dọn dẹp lòng, lề đường năm xưa, có ai đút lót hoặc cám dỗ ông?
- Họ đến để hối lộ nhiều chứ, họ đưa tiền, các quán
ăn, nhà hàng chẳng hạn… Đỉnh điểm, có người mang cả 20.000 USD lên phòng làm việc.
Tôi phải lệnh cho thư ký ra chứng kiến 20.000 USD này và trả lại trước mặt họ,
bắt phải mang về.
Rồi các bãi xe, họ chỉ cần tôi không dẹp nữa, mỗi tháng, tôi sẽ có bao nhiêu tỉ đồng… Nhưng, tôi không thể như vậy. Tôi không thể thấy mấy tỉ một tháng như vậy mà hoa mắt được. Ở quận 1 có nhiều người hiểu tôi nên rất ủng hộ. Còn số người lỡ "nhúng chàm" thì không ủng hộ.
Vì thế, tôi luôn luôn tạo ra hai luồng dư luận trái
chiều. Chỉ có người nào trong một tập thể không dám làm gì hết, gặp ai cũng tay
bắt mặt mừng thì người đó luôn luôn được cả số đông ủng hộ. Còn tôi đúng là
đúng, sai là sai thì thành hai nhánh ngay. Ngay trong dân cũng thế, có những
người dân lấn chiếm vỉa hè, nhưng họ vẫn mặc nhiên nể trọng tôi.
Người ta nói ông Đoàn Ngọc Hải từ chức để sám hối.
Theo ông, người ta nói như thế là đúng hay sai? Từ chức thì ông được gì? Mất
gì? Mất hay là được?
- Cuộc đời này nói "được" và "mất"
nó vô cùng lắm. Còn sám hối, tôi có làm gì không tốt với Nhân dân, với Tổ quốc
đâu mà tôi phải sám hối? Người đời có những nhận xét hết sức là trừu tượng và
viển vông. Điều đó không đúng. Tôi không làm điều gì sai với Tổ quốc, sai với
Nhân dân. Trong lòng tôi chỉ muốn làm sao đất nước giàu mạnh, đẹp đẽ thì không
có gì phải sám hối cả.
Tôi cảm thấy mình từ chức là đúng đắn, là chính xác,
không nên tiếp tục làm quan nữa. Công việc thiện nguyện hiện nay thì nên tiếp tục
và nên làm. Còn đời sống công chức rất phức tạp, tôi cảm thấy không còn phù hợp
với sự phức tạp đó nữa nên tôi chấm dứt.
Ông quan niệm
thế nào về chữ "tín" trong cuộc đời này?
- Đó là một điều rất quan trọng trong tính cách của
tôi. Các bạn biết không, tôi thích ăn sữa đặc với bánh mì ghê gớm. Nhà tôi đầy
sữa, nhưng khi cần ăn bánh mì với sữa, tôi nói người nhà ra ngoài mua. Chỉ xuống
tầng hầm nhà tôi thôi, hàng chục ngàn hộp sữa dùng để đi cứu trợ cho bà con còn
nằm nguyên, mình ăn vài hộp có ai biết đâu nhưng tôi không làm thế. Giữ chữ tín
với tôi phải chặt chẽ như thế.
Trên xe của tôi lúc nào cũng đầy thịt hộp. Khi mình
chạy marathon, ăn món thịt hộp là cực kỳ tốt. Trước giờ xuất phát của cự ly
42km là phải ăn một hộp thịt trước 2 tiếng.
Có những hôm chuẩn bị giải, quên không mua mà trên
xe có đầy nhưng tôi vẫn quyết đi bộ ra các khu phố tìm mua để ăn chứ không bao
giờ lấy hàng cứu trợ dành cho người dân, không lấy đồ từ thiện. Bởi vì chữ tín
nó phải đặt trong người, từ đó anh mới phát ra những gì tốt nhất trong hành động.
Hiện cái tên
Đoàn Ngọc Hải rất nổi tiếng trong cộng đồng, dư luận ngoài đời, trên báo chí và
đặc biệt là trên mạng xã hội. Có bao giờ, cuộc sống của ông bị phiền toái vì sự nổi tiếng ấy không?
- Chẳng có gì
vui hơn khi được người dân yêu quý mình. Người dân mà yêu quý mình đó là niềm
vui tột bậc. Nhưng cũng lắm rắc rối, trong 7 tháng qua, tôi nhận được hơn
10.000 tin nhắn và cuộc điện thoại nhất là sau khi tôi lập cái quỹ hỗ trợ người
nghèo. Có người hỏi vay 900 triệu đồng, 200 triệu đồng, 50 triệu đồng... Mọi
người vay tiền nhiều đến mức mà cái danh sách cứ nối dài trong các tin nhắn.
Họ cứ tưởng mình là một tỷ phú, cứ thấy nghèo là
giúp. Nhưng họ đâu có hiểu được, tôi đang đi giúp những thân phận thân cô thế
cô thật sự trên con đường của riêng mình. Không thể nào qua tin nhắn mà tôi
giúp được ngay và tôi cũng không thể nào giúp được hàng vạn, hàng triệu người...
Tôi chỉ đến được hàng vạn, hàng triệu những cháu bé
cho sữa, cho thịt của mọi người. Thật sự
là tôi đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua sữa, mua thịt… Có những lúc kẹt quá, tôi
phải móc tiền cá nhân ra mua để xử lý ngay. Có những lúc 600 bà con ngồi đó,
nghèo khổ, mua ngay 600 hộp sữa cho bà con rồi có cái gì trên xe mang hết xuống
cho họ.
Còn bây giờ bảo tự nhiên giúp 900 triệu đồng cho một
người để họ giải quyết việc gia đình họ thì thật buồn cười. Tôi biết người ấy
là ai? Rồi họ nhờ mình bán đấu giá những món đồ cổ, họ sẽ ủng hộ 50% quỹ từ thiện
vì người nghèo. Rồi họ bảo bán cho họ miếng đất, cái nhà rồi họ sẽ ủng hộ quỹ.
Họ cứ bắt mình làm những việc buồn cười như vậy. Xin
lỗi, không nhân văn, bạn có tiền bạn làm từ thiện thì bạn làm từ thiện. Tại sao
bạn bắt tôi làm những cái đó xong bạn mới làm từ thiện? Nói thật những tin nhắn
đó mình không trả lời nữa, nhiều lắm.
Hiện tại, ông rong tuổi trên mọi miền đất nước để làm viện thiện, thỏa ý nguyện con người mình. Song, vợ con, người thân trong gia đình ông có ủng hộ ông?
- Quả thật, vợ tôi cũng rất buồn vì chồng không ở
nhà thường xuyên; rồi buồn vì công việc
kinh doanh ở nhà không có tôi. Nhưng tôi điều hành công việc qua điện
thoại hết. Ví dụ, mua bán cái gì, kinh doanh như thế nào…
Dịch Covid - 19 này lỗ hết, nợ ngân hàng nhưng mà
không sao, tài khoản ngân hàng vẫn cân đối được. Mình còn sướng hơn biết bao
người, những người vùng cao khổ như thế họ còn sống được. Trong khi tôi còn làm
ăn, kinh doanh, đi đây đi đó. Sức khỏe vẫn còn sung. Vậy là hạnh phúc lắm rồi.
Xin cảm ơn ông đã dành cho báo Dân Việt cuộc trò
chuyện thẳng thắn, chân tình này!
Đăng nhận xét