Đường vòng eo của bạn là đường sinh mạng của bạn. Lời này tới từ Jack LaLanne, một chuyên gia sức khỏe người Mỹ.
Từ nhỏ, ông nghiện các thực phẩm chứa đường
và các thức ăn nhanh, vô bổ. Ông miêu tả bản thân vào lúc bấy giờ là “một đứa
trẻ khốn khổ khốn nạn… tựa như địa ngục”.
Bên cạnh thiếu tự tin, tính khí vô cùng tệ và các hành vi bạo lực đối với bản
thân và người khác, ông còn thường xuyên ốm yếu, đau đầu và ăn uống vô độ.
Vào năm 15 tuổi, sau khi được mẹ ông
thuyết phục và “bất đắc dĩ” tham dự buổi thuyết trình của chuyên gia dinh dưỡng
Paul Bragg, ông đã hoàn toàn biến đổi và cải thiện lối sống, chế độ dinh dưỡng
và tập luyện.
Ngay cả khi đã 70 tuổi, ông tiếp tục thực hiện những điều siêu phàm, bao gồm lập kỷ lục bơi 1 dặm trong khi kéo theo 70 chiếc thuyền có mái chèo, mỗi chiếc chở vài người. Bên cạnh đó, ông còn duy trì thể trạng sung mãn, sự minh mẫn, sắc sảo tuyệt vời cho tới ngày cuối đời ở tuổi 96.
Nói chung, mọi người đều biết rằng những
gì chúng ta ăn uống có tác động tới cơ thể, hiển nhiên nhất là ở ngoại hình. Điều
khó nhận biết hơn là tác động của thức ăn tới não bộ.
Về cơ bản, năng lượng tới từ 3 nhóm dinh
dưỡng trong thực phẩm, chất béo, chất đạm và chất tinh bột (bao gồm đường). Khi
đưa các chất này vào người, cơ thể tiết ra hóc-môn insulin để điều tiết và đưa
năng lượng tới đúng chỗ.
Tiêu thụ các chất tinh bột (có nhiều
trong các loại lúa, gạo, khoai, ngô, đậu, bánh, mì, trái cây ngọt, bánh kẹo,
tráng miệng, ăn vặt, nước ngọt …) kích thích cơ thể tiết ra rất nhiều insulin.
Các chất đạm làm cơ thể tiết ra ít insulin hơn, nhưng vẫn khá nhiều. Đối với hầu
hết các chất béo, cơ thể tiết ra rất ít insulin. Ngoại lệ là loại chất béo
omega-6 có nhiều trong các loại dầu thực vật (cọ, lạc, hướng dương, đậu nành, vừng…),
khi tiêu thụ sẽ kích thích cơ thể tiết ra nhiều insulin.
Nếu cơ thể tiết ra quá nhiều insulin quá
thường xuyên thì dần dần sẽ dẫn tới tình trạng kháng insulin, là khi hệ thống
insulin không còn hoạt động hiệu quả và cơ thể tiết ra quá ít hoặc quá nhiều
insulin so với nhu cầu.
Về khía cạnh cơ thể, kháng insulin là điểm
khởi đầu dẫn tới tiểu đường và nhiều rối loạn liên quan khác. Về khía cạnh não
bộ, các nghiên cứu mới nhất cho thấy kháng insulin có thể làm não bộ, bao gồm
chức năng điều hành, trí nhớ, khả năng xử lý thị giác cũng như không gian và khả năng
tập trung, bị suy yếu nhanh chóng.
Để duy trì và cải thiện hệ insulin, tập
luyện thể chất đều đặn với cường độ đủ cao và thời lượng đủ dài là vô cùng cần
thiết. Điều chỉnh lượng tinh bột tiêu thụ cũng quan trọng. Những người thường
xuyên vận động nặng có thể xử lý nhiều tinh bột hơn, tới một mức độ nhất định.
Ngược lại, những người thường ít vận động nên giới hạn lượng tinh bột.
Bên cạnh đó, nói chung nên bớt sử dụng
các loại dầu thực vật. Thay vào đó nên dùng mỡ động vật hoặc dầu oliu nguyên chất.
Sau cùng, đặc biệt những người ít vận động nên giới hạn số lượng bữa trong
ngày. “Bữa” bao gồm bất kì lúc nào nạp thực phẩm vào người, như bữa chính, ăn vặt,
bữa nhẹ, bữa xế và bữa phụ.
Quan Duong
Đăng nhận xét