Báo Ngày Nay đưa tin, rất nhiều người dân thành phố đang rất bức xúc vì tiền nước tháng này đột nhiên phải trả cao gấp hơn 10 lần, thậm chí tăng gần 30 lần nhưng không biết phải kêu ai.
Đây là bài viết của nhà báo Võ Đức Phúc và được nhiều người dân thành phố Hồ Chí Minh quan tâm.
Theo đó, nhà báo Võ Đức Phúc cho biết những trường hợp cụ thể như sau: Nhà của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc mỗi tháng bình quân sử dụng chưa tới 28 m3 (tương đương khoảng 250 ngàn đồng), nhưng tháng 11/2021 đột nhiên tiền nước phải trả đến 3,2 triệu đồng trong khi sinh hoạt vẫn như cũ, không thay đổi mức tiêu thụ nước hàng ngày.
Gia đình bác sĩ Danh Liệt (đường Sư Vạn Hạnh, quận
10) thê thảm hơn khi tiền nước tháng này phải trả tăng đột biến lên gần 11 triệu
đồng (tương đương 719 m3 nước) trong khi gia đình bác sĩ này tiêu thụ nước bình
quân hàng tháng chỉ ở mức từ 25 đến 28m3 nước (tương đương chỉ 250-350 ngàn đồng).
Rất nhiều người dân thành phố rơi vào thảm cảnh
tương tự. Gọi điện đến Công ty cấp nước Phú Hòa Tân, Cty cấp nước Bến Thành rồi
gọi đến cả Tổng Cty cấp nước Sawaco, phải chờ đến 2 tuần sau mới được nhân viên
cấp nước đến kiểm tra.
Khi không phát hiện được điều gì bất thường như rò rỉ
đường ống sau đồng hồ nước thì họ tháo đồng hồ đi kiểm định nhưng không niêm
phong đồng hồ. Rồi "dọa" dân nếu kiểm định đồng hồ không sai thì vẫn
phải trả tiền nước theo chỉ số báo mức tiêu thụ.
Đồng hồ nước sau khi được tháo đi khỏi nhà dân, phía
"ông" cấp nước làm gì với nó thì dân không được rõ, chỉ biết ngóng cổ
chờ thêm 2 tuần nữa mới được thông báo đến đơn vị kiểm định đồng hồ để giám sát
kiểm tra. Một quy trình lấy mẫu đồng hồ đi kiểm định đầy sự hoài nghi như vậy
thì người dân nào biết đúng sai để mà khiếu nại.
Người dân thật sự mệt mỏi và bị động, không có một sự lựa chọn nào tốt hơn là ngồi chờ sự phán quyết của "ông" độc quyền cấp nước.
Nhiều người bức xúc tìm đến "ông" độc quyền để phản ứng thì họ
cho nhân viên trong tổ giải quyết khiếu nại tìm cách "thương lượng"
riêng sau giờ làm việc mà theo phản ánh của người dân là mỗi bên chịu một nửa
trên tổng số hóa đơn tiền nước phải trả khi không xác định được lỗi khiến đồng
hồ nước phi mã là do phía bên nào. Nhưng khi không xác định được nguyên nhân đến
từ đâu thì mọi thiệt thòi, lỗi thuộc về người dân.
Người dân còn sự lựa chọn nào không khi nước là một
trong hai thứ hàng ngày phải cần để duy trì sự sống nhưng lại do mấy
"ông" độc quyền ban bố.
Người dân dù có bức xúc, dù có ức chế đến độ nào thì
rốt cuộc cũng phải lầm lũi nhẫn nhịn thở dài cho qua. Ít thấy ai dám tự hào
tuyên bố từ đây cạch mặt không xài nước thủy cục nữa. Làm thế khác nào ngửa mặt
lên trời phun nước bọt.
Tình trạng mập mờ không minh bạch này đang xảy ra tại
nhiều nhà dân nhưng vì nhiều lý do khác nhau khiến nhiều người ấm ức cho qua để
đổi lấy sự bình yên không mệt mỏi để rồi mang trong lòng cái cảm giác mất niềm
tin vào nhiều thứ.
Nhưng ở đâu ra cái kiểu phục vụ dân của
"ông" độc quyền, lợi dụng dịch không đến tận nơi ghi chỉ số đồng hồ
hàng tháng mà chỉ ngồi một chỗ tính bình quân mức tiêu thụ cao nhất để tính tiền
rồi đùng một cái khi đồng hồ chạy phi mã thì đổ vấy cho nhà dân rò rỉ nước
nhưng không thể xác định được nguyên nhân rõ ràng. Không lẽ nước chảy vào họng
mấy "ông" độc quyền sao?
Ở đâu ra cái thái độ phục vụ bê trễ, cái kiểu hành xử
ép người tiêu dùng nước mang dáng dấp của những kẻ muốn "bóp cổ" người
dân để lấy tiền như vậy mà vẫn tồn tại hoài.
Không thể chấp nhận tình trạng mọi người dân đều chịu
thiệt chỉ mỗi "ông" độc quyền là đúng. Trách nhiệm công vụ của Tổng
Công ty cấp nước Sài Gòn Sawaco ở đâu khi để các công ty thành viên, đối tác gây
bao nỗi bức bối cho dân?
Trước tình hình này, nhà báo Võ Đức Phúc kết luận: "Nếu không làm được điều gì tốt hơn cho dân thì thành phố cũng nên xem xét thay vị trí điều hành đứng đầu lĩnh vực cấp nước của ông Trần Quang Minh cho người dân bớt chịu thiệt".
VÕ ĐỨC PHÚC
Đăng nhận xét