Vụ việc cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung phải quỳ gối trước phụ huynh học sinh vào ngày 28/2 đã trở thành một sự kiện gây chấn động cho ngành giáo dục nói chung và như trường Tiểu học Bình Chánh nói riêng. Rất nhiều quan điểm trái chiều đã được đưa ra từ các bên liên quan, cũng như từ phía báo chí và bạn đọc.


CÔ GIÁO NHUNG: TÔI ĐÃ PHẢI QUỲ 40 PHÚT

Vào ngày 6/3/2017 (theo thông tin cùng ngày của báo Tuổi Trẻ), bản tường trình vụ việc của cô N đã được gửi đến UBND huyện Bến Lức.

Theo nội dung tường trình, trong quá trình làm việc với phụ huynh ngày 28-2, cô Nhung cũng như nhà trường nhận thấy hành động của cô khi phạt quỳ học sinh là sai nên đã xin lỗi và hứa khắc phục triệt để, không để xảy ra nữa.

"Nhưng phía phụ huynh nhất quyết không chấp nhận lời xin lỗi, đồng thời yêu cầu nhà trường đổi giáo viên hoặc chuyển lớp cho con họ. Bên phía nhà trường thì lại có quan điểm là không thể làm như vậy do đây là thời điểm cuối năm hồ sơ không thể thay đổi'', bản tường trình ghi.

''Phía phụ huynh vẫn khăng khăng không chịu xuống nước. Phụ huynh nam (ông Thuận - PV) cứ nhắc đi nhắc lại: con tôi không có lỗi cô bắt quỳ, bây giờ cô đang có lỗi cô quỳ lại đi. Cô quỳ được tôi coi như chuyện này giải quyết xong.

Tôi giữ im lặng trước thái độ của phụ huynh vì cho rằng mình đã sai và cũng không biết phải giải quyết thế nào cho thỏa đáng. Còn về phía phụ huynh vẫn khăng khăng lập lại nhiều lần ý muốn tôi phải quỳ.

Trong tình hình bản thân đứng trước sức ép lớn từ phía phụ huynh, đồng thời cũng nhận thấy bản thân mình sai trước, tôi không nghĩ được gì khác, chỉ muốn mọi việc được giải quyết xong nên có suy nghĩ buông xuôi, hơn nữa hiệu trưởng cũng không có ý gì về thái độ của phụ huynh.

Sau đó, nhìn đồng hồ gần đến giờ ra chơi nên tôi có hẹn phụ huynh 9h khi học sinh vào lớp sẽ thực hiện. Trong quá trình chờ đó thì phía hiệu trưởng có nói với phụ huynh rằng giáo viên đã biết sai và cũng có ý quỳ thì coi như bỏ qua, nhưng phụ huynh vẫn một mực không đồng ý.
Sau đó, khi đến 9h tôi có chút nấn ná chờ mọi việc xem có dịu lại hay không, lúc này hiệu trưởng nói nói với tôi rằng: cô ở lại đây, tôi đi dự giờ.

Cuối cùng tôi ở lại phòng cùng 3 phụ huynh. Phụ huynh nam nói đã đến giờ và đang chờ tôi làm (tức quỳ gối - PV). Ở tình huống không còn đường lui và do suy nghĩ non nớt của bản thân là làm để mọi việc giải quyết xong nên tôi đã quỳ trong thời gian 40 phút.

Sau khi sự việc xảy ra, bên phía phụ huynh còn trao đổi với tôi một số việc, lúc này thái độ của họ đã lắng xuống, nam phụ huynh có nói lời xin lỗi tôi cũng như yêu cầu tôi không được có những hành động như thế nữa. Sau đó họ mới chịu cho tôi về lớp", cô N. viết.

Theo báo Lao Động (6/3/2018), hiện cô Nhung vẫn còn xin nghỉ phép, chưa đi dạy lại. Ban Giám hiệu Trường TH Bình Chánh phải bố trí giáo viên khác đứng lớp 4/3 thay cô Nhung.


CÓ NÊN LÊN ÁN CÔ GIÁO?

Trong những ngày qua, trên các trang báo và mạng xã hội, rộ nên rất nhiều ý kiến chỉ trích tất cả các bên. Song cũng có những ý kiến quay ngược lại chỉ trích cô giáo Bùi Thị Cẩm Nhung, cho rằng hành động quỳ gối là hành động  sỉ nhục, hạ bệ nền giáo dục Việt Nam.

Trong một bài báo của Vietnamnet vào ngày 7 tháng 3 mang tên “ Cô giáo bị buộc quỳ gối và “nền giáo dục không quỳ gối” đã chỉ trích như sau: “Trong cách xử lý tình huống, cô giáo trường tiểu học Bình Chánh đã mắc lỗi khi phạt học sinh bằng hình thức bắt quỳ, rất đáng trách. Nhưng đáng trách hơn, khi vì lỗi mình gây ra mà cô chấp nhận quỳ gối trước nhóm phụ huynh.

Hình như cách đào tạo người thầy trong trường sư phạm hiện nay đang có vấn đề?”

Trên mạng xã hội, điển hình là Facebook, nhiều cá nhân cũng lên án với những câu từ khá nặng nề. Một tài khoản mang tên Trong Duc Journalist  đã có những phát ngôn như sau: “ Người ta có thể bị chém, nhưng ko quỳ... Chuyện này có gì nguy hiểm tới mức độ ép chết. Chưa gì đã quỳ là sao?”

Nhưng vẫn có nhiều quan điểm cho rằng, việc cô giáo phải quỳ là việc hoàn toàn hợp lý với tình huống lúc đó. Bởi lẽ trong các quyền cơ bản của con người, có quyền được sống và bảo vệ tính mạng của bản thân trước mọi nguy hiểm. Và nguy hiểm ở đây có rất nhiều. Trường hợp của cô giáo Nhung là nguy hiểm về mặt tinh thần khi cô phải đối mặt với những phụ huynh có thái độ rất tiêu cực. Đó là chưa kể, tâm lý của một người mẹ mới sinh con rất dễ bị trầm cảm.

Và trong trường hợp này, cô Nhung rất cần sự bênh vực của những người có tiếng nói và trách nhiệm như thầy Hiệu trưởng và Chủ Tịch Hội Phụ huynh lại bỏ đi giữa chừng với lý do “có việc bận”. Chỉ còn cô giáo và bà Hội trưởng Hội phụ huynh của lớp, hai con người hoàn toàn yếu thế trước vợ chồng ông Thuận. Mặc dù ông Thuận có lên tiếng phủ nhận việc ép buộc cô giáo phải quỳ và nói rằng đó là hành động tự nguyện, nhưng những áp lực mà ông gây ra là không thể chối cãi.

Một bạn đọc cũng đã bày tỏ với báo Tuổi Trẻ (6/3/2018) rằng: “Giá như lúc đó ông hiệu trưởng không bận đi dự giờ (hoặc gác lại chuyện dự giờ để giải quyết cho xong vụ việc này đã, vì nó quan trọng hơn), giá như ông hội trưởng hội phu huynh không né việc vì bận đột xuất thì ít ra cô giáo Nhung cũng có một chỗ dựa về tinh thần cho mình... Nhưng hành động bỏ đi giữa lúc "nguy nan" là một điểm trừ rất lớn của ông hiệu trưởng và ông hội trưởng hội phụ huynh”.

Khi đối diện với nguy hiểm, con người ta khó phân định được cái gì nên và không nên. Bản thân người giáo viên như cô Nhung cũng cảm thấy có lỗi mình có lỗi khi đã phạt chưa đúng nên chấp nhận để tự giải thoát cho mình.

Không phải vô cớ mà nhiều nước phát triển luôn giáo dục công dân phải biết bảo vệ mạng sống của chính mình, thậm chí một người khi bị bọn cướp đe dọa, một bé gái khi bị cưỡng hiếp cũng phải biết cách chấp nhận để đảm bảo an toàn cho tính mạng của mình. Trong những trận thiên tai như động đất và sống thần, người ta có thể không muốn thiệt hại về của cải nhưng vẫn ưu tiên cho việc thoát thân và bảo vệ con người trước tiên.

Điều đó cho thấy sinh mạng là tài sản quan trọng và quý giá nhất. Nếu bị cộng đồng lên án dữ dội, cô giáo Nhung sẽ bị xấu hổ, mất bình tĩnh và cũng có thể tự sát. Như vậy chẳng phải chúng ta đã vô tình phạm tội giết người sao.

Nhà văn Nam Cao đã từng nêu ra quan điểm: “Sống đã rồi hãy viết”. Trong cuộc đời, ai cũng phải có lý tưởng riêng cho mình, nhưng muốn thực hiện được thì phải sống. Những lời phán xét mà chúng ta giành cho cô giáo Nhung ngoài việc thỏa mãn “cái tôi anh hùng” của bản thân thì hoàn toàn không có giá trị gì.

Có chăng, chúng ta nên động viên cô giáo, góp ý những người phụ huynh hãy hành xử đúng mực hơn, và ngành giáo dục cũng cần xây dựng một cơ chế định hướng và bảo vệ tốt, để những người giáo viên có thể ý thức và có điều kiện để phát huy tốt vai trò của mình trong sự nghiệp giáo dục và trồng người.

THANH TỊNH (TỔNG HỢP)


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.