Người lớn thì lao vào công việc, danh phận, chức vụ, tiền bạc; trẻ con thì miệt mài với học hành, sách vở, máy tính. Nhưng cuối cùng, để viên mãn hoặc ít nhất là hài lòng với cuộc sống thì lại không đủ. Vì sao vậy?

Mất kết nối

Chúng ta đã quen với khái niệm công nghiệp 4.0, với khái niệm đầy mỹ miều là Big Data. Công nghệ đang tạo nên khả năng kết nối thật sự vĩ đại mà ngay cả giới công nghệ sừng sỏ hiện nay cũng chưa phát huy hết.

Nhưng trái ngược, khả năng kết nối giữa con người với nhau lại đang dần mất đi. Chúng ta chỉ còn đơn thuần “liên lạc” dựa trên sự phát triển của công nghệ đem lại.

 Thử nhìn vào một gia đình hạt nhân với 2 thế hệ

 7h sáng, cha – mẹ, con cái bắt đầu mỗi người một hướng. Nếu có nhanh thì cũng chỉ kịp chào nhau một tiếng, hoặc tình cảm hơn thì hôn lên trán nhau một cái rồi “vẫy tay vẫy tay chào nhau”. Mối liên hệ ngắn ngủi ấy ít ra nó cũng tạo nên một động lực cho cả ngày dài.

Từ 18h giờ tối các thành viên trong gia đình bắt đầu trở về, nhưng không phải cùng nhau. Người lớn lại bắt đầu ôm điện thoại, tài liệu, công việc; trẻ con lại bắt đầu đi học thêm, có những bé sau ngày học ở trường còn học thêm vài ba ca nữa, toán, tiếng Anh các loại.

Có khi phải đến 22h đêm thì trong căn nhà mới đếm đủ thành viên gia đình. Thời gian còn lại cho đến trước khi lên giường ngủ là dành cho hoạt động vệ sinh cá nhân, sắp xếp sách vở, đồ đạc để chuẩn bị cho một hành trình tán loạn tiếp theo.

Vậy thì, các gia đình chỉ còn đúng một nơi, đúng một công việc có thể - cần – và nên bắt buộc – làm cùng nhau. Đó là gian bếp và bữa cơm gia đình.

Ai cũng đều có nhiệm vụ của mình, nhưng gian bếp chính là nơi thắp lại hơi ấm của căn nhà, là nơi mà mọi thành viên trong gia đình đều cần có mục tiêu và nhiệm vụ chung là cùng nhau tạo nên một bữa cơm ngon với đầy đủ dưỡng chất để cân bằng lại những fastfood, những đồ uống công nghiệp đã phải nạp cả ngày ở văn phòng, đường phố, trường học, để làm sạch cơ thể. 

Gian bếp không đỏ lửa thì căn nhà sẽ lạnh

Bữa cơm tối vốn không chỉ đơn giản là một bữa ăn. Quan trọng hơn, đó là nơi kết nối mọi thành viên lại với nhau, là nơi hàn gắn những xa cách và rạn nứt. Bữa cơm tối là nơi để mọi người hỏi han nhau sau một ngày miệt mài với nhiệm vụ riêng mình, là nơi quan tâm, chia sẻ và thúc đẩy giữa các thành viên trong gia đình. Bữa cơm tối sẽ kết nối tất cả mọi người lại với nhau. Sau đó, mỗi người có thể lại có nhu cầu riêng của mình, không sao cả.

Các mẹ có thể kiêng ăn tối, nhưng các mẹ hoàn toàn có thể tham gia cùng theo chế độ riêng của mình, Keto, Lowcab chẳng hạn; hoặc các mẹ có thể dùng rau củ quả, đâu cứ phải thịt cá, tinh bột… Điều quan trọng nhất là cần góp mặt cùng với gia đình.

Các bố có thể bận trăm công nghìn việc, có thể đao to búa lớn ngoài xã hội, nhưng các vị nhất định phải có mặt ở bữa cơm tối trong vai trò một người chồng, người cha và người bạn của gia đình.

Bữa cơm gia đình không vui thì hạnh phúc gia đình sẽ không trọn vẹn.

Cuộc sống của mỗi gia đình thế nào thì đôi khi, chỉ cần nhìn vào gian bếp và bữa cơm tối là có thể mường tượng. 

Những cái máy

Chúng ta cứ phấn đấu, cứ miệt mài với công danh, tiền bạc. Nhưng rồi đến một ngày, khi chúng ta có thể nghỉ ngơi thì cũng chẳng còn hưởng thụ gì được nữa. 

62 tuổi với đàn ông và 60 tuổi với phụ nữ, khi ấy, niềm hạnh phúc của chúng ta chỉ còn là mỗi ngày ngóng trông con cháu trở về để được vui vầy, trò chuyện, đôi khi chỉ để được mắng yêu chúng một tiếng.

Thế nhưng, bọn trẻ lại chính là chúng ta xưa kia, chúng không có thời gian ở bên những ông bà già.

Bọn trẻ cứ miệt mài đi học, hết ca này lại đến ca khác. Rất có thể, chúng sẽ biết nhiều thứ, ta hỏi điều gì chúng cũng có thể trả lời. Nhưng đôi khi, ta quên mất rằng, những kiến thức của chúng không mang nhiều giá trị thực tế cho cuộc đời của chúng sau này.

Đừng ai đem chuyện mấy nhà bác học thường hay bỏ học ngày xưa ra làm chỉ dẫn. Quan điểm đó chưa đúng nhưng cũng cho chúng ta vài điều.

Isaac Newton sẽ không thể phát minh ra định luật vạn vận hấp dẫn nếu ông không thẩn thơ nằm dưới gốc cây táo.

Với bọn trẻ, để chúng hoàn thiện thì kiến thức cần phải được đưa vào thực tế. Vấn đề là chúng ta lại đang cướp mất thời gian trải nghiệm thực tế của chúng. Điều quan trọng là biết quan sát và suy luận. Vạn vật đều có những quy luật của nó.

Rủ nhau cho bọn trẻ lên Mù Cang Chải chơi. Bờ ruộng bậc thang cao đến 1 mét, bọn trẻ con thành phố loay hoay không biết làm sao trèo lên. Mấy đứa H’Mong tiến lại gần, dùng mũi chân đạp đạp vào bờ ruộng rồi chỉ cho các bạn thành phố cách đặt chân vào đó làm điểm tựa… Vậy đấy, kiến thức sách vở có thể tốt hơn nhiều, nhưng kiến thức để vượt qua khó khăn thực tế lại không có.

Sẽ có bố, có mẹ nào đó nói rằng: Đến mùa hè, bọn trẻ sẽ có những học kỳ quân đội, sẽ có những trại hè thực tế, có những khóa hướng đạo sinh. Thế nhưng, những cái gọi là thực tế đó, bản chất vẫn chỉ là những “ví dụ” mà chúng ta tạo nên để huấn luyện kỹ năng cho trẻ. 

Thực tế của cuộc sống nó hoàn toàn khác và muôn hình vạn trạng nếu không có những trải nghiệm thực sự. Tin tôi đi, bọn trẻ có thể học giỏi vật lý, có thể nói chuyện về thiên văn nhưng khi đêm đến, bảo chúng nhìn lên bầu trời và dự báo thời tiết ngày mai thì kết quả sẽ hoàn toàn thất vọng.

Nhìn ngay mỗi chúng ta. Những điểm số thời đi học không hoàn toàn tương đồng với những thành công trong sự nghiệp và cuộc sống. Thành công đến từ trải nghiệm và tư duy thực tế, và nó sẽ tốt hơn khi có sự bổ trợ của kiến thức.

Bởi vậy, đừng chỉ dựa dẫm vào những buổi học liên tu bất tận mà hãy tạo điều kiện cho bọn trẻ trải nghiệm thực tế, kể cả những trải nghiệm mà chúng ta không cần phải trông chừng.

Cuối cùng, mỗi chúng ta cần xác định ai và điều gì là quan trọng nhất. Những thứ khác, dù có hào nhoáng, hấp dẫn đến đâu thì cũng chỉ để hỗ trợ cho những người ta yêu thương nhất, cho những điều thiêng liêng nhất.

Còn không, mọi chia sẻ và quan điểm đều chỉ là vô nghĩa.

Vi Đức Thọ 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.