Cuối chiều tôi bỗng nghe tiếng ồn ào rất lạ của hàng xóm. Mở cửa xem, thấy chung quanh náo nhiệt tưng bừng. Mọi người vui mừng, có tiếng kêu nhau, có tiếng la, hay quá, tháo dây rồi!

Nhưng gọi nhau, cùng nhìn về một phía, không "tụ tập" lại cái chỗ thu hút mọi ánh nhìn: tấm bảng "khu phong tỏa" được gỡ xuống, dây giăng được bứt bỏ. Và bỗng... sáng bừng pháo bông, một ông chủ nhà chuẩn bị từ hồi nào, bung ra đốt, sáng bừng những gương mặt vui.

Đó là giờ cả xóm được... ăn Tết giữa năm. Tôi nghe hai ông bà cụ là lối xóm nói chuyện: Thả tù hả bà? Bà hàng xóm, là cán bộ dân phố, cười, tự tù đó chứ, ai bắt mà nói thả?. Ông cụ cãi: Nói sai. Này, bà đang bình an, bỗng trên trời rớt xuống một anh F0, chưa hiểu chuyện gì, cả khu phố ai nấy bị nhốt trong nhà, hẽm phố bịt kín, không bị tù là gì?

Thấy dân bị phong tỏa có 14 ngày mà thả ra là mừng hơn ăn Tết thì hiểu họ thực sự bức bách thế nào.

Từ khi tự dưng trong khu phố có một ca F0 thì cứ như một biến cố kinh hoàng. Các F1 cùng nhà, cùng công ty, cơ quan... bị cách ly tập trung. Lối xóm, là F2 (?) bị phong tỏa, bắt đầu 21 ngày tù túng, ngột ngạt (xét nghiệm 3 lần, liên tục nghẹt thờ chở xổ số). Công ăn việc làm tất cả F1 đều ngưng, còn mấy chục hộ F2 thì cũng thôi rồi (mà không hiểu vì sao, mình làm gì?). 

Khổ hơn người bị phong tỏa là những người bị cách ly. Nhiễm chéo là khó tránh với những khu tập trung “đại trà”. Và việc làm ăn ngưng trệ, hệ quả không tính nổi.

Giữa tháng 6. Dự cuộc họp của Ủy ban về tình hình dịch, tôi  nghe một con số mà Chủ tịch TP báo cáo: mỗi ngày TP tốn 7 tỷ cho việc phòng chống dịch. Nay tình hình bùng phát và gia tăng kiểu này, liệu 20 tỷ/ngày có đủ? Nhưng sự tốn kém vô độ ấy (là tốn kém “kép” vì chi tiêu  nhà nước tăng vọt khi kinh tế thì ngưng trệ) tôi thấy không lớn bằng tâm trạng chung của xã hội, sự xáo trộn kinh hoàng và âu lo vô kể .

Hai điều tôi muốn nói khi chứng kiến nỗi “mừng như Tết” khi tháo dây phong tỏa của dân xóm tôi là:

Thực tế đã đủ cho chúng ta tấy cần thay đổi quan niệm, tư duy về cách phòng chống dịch hiện nay.

 Quá tốn kém mà không hiệu quả, và còn gây tâm trạng bất lợi bao trùm. Từ cách thông tin trên báo đài đến cách xử lý rập khuôn giãn cách và phong tỏa với số lượng chỉ 6-7% ca F0 (mà không ít trong số này có thể tự khỏi) lại đang kéo theo hàng triệu ca F1, F2, F3... bị ảnh hưởng. Tốn kém trực tiếp cho hoạt động y tế. Chỉ tính TPHCM, bao nhiêu tiền cho hàng chục triệu ca xét nghiệm, mỗi ca tốn 734.000 đồng, bao nhiêu tiền chi cho gần 600 khu phong toả ở TPHCM rồi các khu cách ly, cho đội ngũ phục vụ trực tiêp, gián tiếp nơi tuyến đầu.

Tôi thường nghe cách lý giải: Không làm nghiêm thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm, dẫn đến, người đứng đầu thích buộc người dân và doanh nghiệp phải chịu thay cho mình, bởi chọn cách đóng, dẹp, xóa luôn là gọn và an toàn nhất?

Các hoạt động nhà nước ở vế thứ hai, quan trọng không kém phòng chống dịch là an sinh xã hội và vận hành kinh tế trong bối cảnh dịch hiện nay, liệu có bức bách như dân và doanh nghiệp đang quá bức bách? Có những kiểu cách làm việc khiến dân tự hỏi: Chừng nào thấy cái GHẾ rung rinh thì họ mới nhúc nhích?

Đã thấy Bộ Y Tế rồi Sở Y Tế TPHCM có hướng dẫn thí điểm cách ly tại nhà cho F1. Điều đầu tiên phải mừng là trẻ con sẽ không còn phải mặc đồ “phi công vũ trụ” thùng thình, đeo ba lô theo bố mẹ vào khu tập trung cách ly nữa.

Thành công mà ngành y nói về cách bắt trẻ đi cách ly sau mấy tháng áp dụng, tôi e là chưa tính đến cái “không thành công” trong việc gây sợ hãi,  ức chế tâm lý trẻ? Và nay nếu bố mẹ F1 của các cháu không phải cách ly tập trung nữa thì may cho con trẻ quá.

Đọc kỹ chỉ đạo về cách ly F1 tại nhà của Bộ Y Tế, tưởng mở, thay đổi, nhưng còn khó quá, không chừng lại khó đến không làm được. Nhiều nỗi sợ, nhất là sợ cán bộ địa phương, cơ sở  không “quản” nổi sẽ “bung”? Quán tính tập trung, bỏ quên hệ thống y tế 4 cấp khá rõ.

Chính những cán bộ y tế các cấp và cả lực lượng y tế tư nhân lúc này cần được quán triệt rõ và tạo thêm tự tin, điều kiện cho họ phát huy ưu thế hiểu rõ tình hình tại chỗ để hướng dẫn sâu sát và sẵn sàng có mặt chia sẻ với từng gia đình ở địa phương mình. Chứ nhìn lực lượng y bác sĩ và nhân viên y tế chúng ta căng sức bao lâu nay, dù kính trọng sự hi sinh, không thể không cảm thán: sức người có hạn.

Tôi nhớ, ông bố Bắc Kỳ ít học của tôi thường nói “Cạn ao thì bèo đến đất”. Lạy trời, chúng ta đừng để đến lúc cạn ao. Nhưng tình hình nay đã như mấp mé: nền kinh tế bị thiệt hại nặng, cuộc sống dân tràn đầy khó khăn, vì vậy, phải thay đổi nhanh kiểu “làm nghiêm tối đa vô điều kiện”, giãn cách - phong tỏa tự động và chi tiêu tốn kém sức người sức của vô chừng.

VŨ KIM HẠNH

 


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.