Những ngày vừa qua, báo chí và dư luận đã được một phen dậy sóng trước đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS-TS. Bùi Hiền, nguyên Hiệu phó trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, đưa ra tại hội thảo “Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và phát triển” do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và ĐH Quy Nhơn tổ chức.

Trái ngược với sự đồng thuận của dư luận, đề xuất cải cách của ông Bùi Hiền đã gây bùng nổ làn sóng tranh cãi trong dư luận. Bởi nếu cải cách sẽ không còn là ngôn ngữ thuần Việt nữa.



CẢI TIẾN TIẾNG VIỆT THÀNH TIẾQ VIỆT

Trong bài viết “Chữ Quốc ngữ và hội nhập quốc tế” của PGS-TS Bùi Hiền có đề xuất cải tiến tiếng việt với lý do đất nước trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, không gây lẫn lộn cho người dùng.


Lý giải cho bất cập của chữ quốc ngữ, ông Bùi Hiền lập luận: “Hiện tại, chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt âm vị phụ âm đứng đầu. Ví dụ C-Q-K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr- Ch (tra, cha), S- X (sa, xa)… Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh…). Đây là những hiện tượng không thống nhất, không theo một nguyên tắc chung nào dẫn đến khó khăn cho người đọc, người viết, thậm chí gây hiểu nhầm hoặc không hiểu được chính xác nội dung thông tin. Việc cải tiến chữ cái tiếng Việt nếu được áp dụng sẽ khiến cho nhiều từ ngữ khó giải nghĩa hơn trước.”.

Theo đó, bảng chữ cái sẽ giảm từ 38 xuống còn 31 ký tự. Cụ thể là sẽ bỏ chữ cái Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng anh như F, J, W, Z cho dễ sử dụng. Bên cạnh đó, đề xuất cũng tiến hành thay đổi giá trị âm của 11 chữ cái như C = Ch/Tr, D = Đ, G = G/Gh, F = Ph, K = C/Q/K, Q = Ng/Ngh, R = R/S = S, X = Kh, W =Th, Z = D/Gi/R. Vì âm “nh” chưa tìm ra ký tự thay thế nên trong văn bản được biểu đạt bằng n’.

Tuy nhiên, đề xuất cải tiến của ông ngay lập tức đã vấp phải những ý kiến phản bác, tranh cãi, chỉ trích, “ném đá” từ phía dư luận xã hội, phần lớn nhiều người không đồng tình với sự thay đổi này vì ông đã sử dụng từ ngữ, khái niệm chưa chính xác.


Chị Ngọc Hạnh, giảng viên dạy Anh văn ở Đồng Nai bày tỏ suy nghĩ: “Nếu thay đổi theo đề xuất không chỉ làm mất đi sự trong sáng của tiếng việt mà còn khiến nhiều từ trở nên khó hiểu giống như ngôn ngữ “teencode” thịnh hành trước đây vậy. Việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến từ vựng trong môn học của tôi. Chưa kể tiếng việt còn là chữ quốc ngữ, là niềm tự hào của người Việt Nam nên không thể làm mất đi giá trị bản sắc văn hóa của chúng ta”.

Những ồn ào về đề xuất này đang dần lắng xuống. Hầu hết các chuyên gia ngôn ngữ, nhà văn, công chúng đều bày tỏ sự phản đối với đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của tác giả Bùi Hiền. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục lại cho rằng đề xuất của ông Bùi Hiền đáng được ghi nhận vì đó là nghiên cứu khoa học nghiêm túc.



BỘ GD&ĐT NÓI GÌ VỀ ĐỀ XUẤT CỦA ÔNG BÙI HIỀN?

Liên quan đến vấn đề đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS-TS Bùi Hiền, nguyên Phó hiệu trưởng ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, nguyên Phó viện trưởng Viện Nội dung và Phương pháp dạy – học phổ thông, ngày 30/11, Bộ GD&ĐT đã có thông cáo báo chí chính thức.

Theo đó, Bộ khẳng định trân trọng tất cả công trình nghiên cứu và đề xuất của các nhà khoa học. Tuy nhiên, việc đưa một đề xuất liên quan vấn đề cải tiến chữ viết của ngôn ngữ quốc gia vào thực tế cần có sự thẩm định của các chuyên gia, ý kiến của nhiều tầng lớp nhân dân và sự xem xét, quyết định của Quốc hội, Chính phủ.

Bộ GD-ĐT không đủ thẩm quyền và không dự kiến áp dụng bất cứ phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.


NẾU CẢI TIẾN SẼ LÀM ĐẢO LỘN NHIỀU VẤN ĐỀ

Chữ Quốc ngữ - chữ của quốc gia của Việt Nam ra đời đã gần 4 thế kỉ nay (1651). Chữ Quốc ngữ đã giữ một vai trò quan trọng trong lịch sử văn hóa của Việt Nam. Có thể nói, sự ra đời của chữ Quốc ngữ đã làm giản tiện hóa chữ viết, dễ học, dễ đọc và dễ nhớ, trong khi chữ Hán và đặc biệt là chữ Nôm thì vô cùng nhiêu nét.

Từ khi chữ Quốc ngữ ra đời đến nay, nhiều nhà khoa học đã quan tâm, nghiên cứu cải tiến chữ Quốc ngữ, làm giản tiện và hợp lí hơn nhằm phát huy tốt nhất vai trò và công năng của nó. Tuy nhiên, cải tiến chữ viết là công việc không thể tùy tiện. Các nhà ngôn ngữ học phải làm việc cẩn thận và phải có những nguyên tắc hợp lí.

Theo PGS.TS Phạm Văn Tình, nếu đem sử dụng đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền, sẽ sản xuất ra hàng loạt văn bản mới, những văn bản cũ đương nhiên sẽ thành những văn bản cổ. Hệ thống giáo dục cũng sẽ phải thay thế toàn bộ sách giáo khoa theo cách viết mới. Học sinh sẽ phải học lại toàn bộ bảng chữ cái. Tất cả những ai viết tiếng Việt bằng chữ Quốc ngữ kiểu cũ cũng sẽ phải cập nhật và thay đổi. Rõ ràng, việc làm quen với mã kí hiệu mới này sẽ gặp vô vàn trở ngại.

Với một ngôn ngữ, chữ viết của cả một cộng đồng, khi đã định hình thì mọi sự thay đổi đều là chuyện đại sự, sẽ nan giải nhiều bề. Điều quan trọng là phải tính tới chuyện khả thi. Phương án cải tiến chữ Quốc ngữ khi đưa ra cần phải cân nhắc tới nhiều nhân tố, nếu không vô hình chung, chúng ta tự làm đảo lộn nhiều vấn đề liên quan tới chữ viết, ngôn ngữ và văn hóa của cả dân tộc…

Bất kể một đề xuất nào, kể cả mang danh công trình nghiên cứu khoa học, trước tiên đều phải có ý nghĩa nhân sinh, phù hợp với tình hình đất nước, điều kiện đời sống nhân dân chứ không phải xa rời thực tế. Bởi vậy, không nên làm mất thời gian với một ý tưởng phi thực tế, xa lạ với tư duy và truyền thống của người Việt Nam.

PHAN HỒNG (Tổng hợp)


Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.