Cuộc đời, thứ những tưởng chỉ dành cho một sinh linh, một thực thể sống, nhưng hoá ra, nó chi phối toàn bộ vạn vật cấu thành nên vũ trụ. Một bông hoa hồng bạch; một giọt sương rơi trong đêm; một tiếng chim cu gù trong bóng nắng trưa; một hạt bụi bay giữa hồng trần; một nốt nhạc thánh thót đủ đầy; một cuộc chơi chạy trên những phím ngà đen và trắng… Tất cả, đều có số phận của riêng mình.

Số phận của bông hồng bạch kia là phải hấp thụ tinh chất từ tứ đại Gió, Nước, Đất, Lửa để tạo nên mùi hương trinh bạch, cúng dường tất cả cho đấng cao cả trong một đêm rất Rằm, để rồi lại trả tất cả về Tứ Đại. Khi số phận đó chấm dứt, không còn lại gì: không hình hài, không màu sắc, không hương thơm nhưng vẻ đẹp Từng Hiện của màu sắc ấy, hương thơm ấy còn mãi trong ngón tay đã ngắt hoa cúng dường và trong tâm trí của những ai đã thưởng hoa.


Số phận có thể dài hoặc ngắn, có thể trăm năm, nghìn năm nhưng cũng có thể chỉ một vài sát na. Số phận có thể viên mãn, đủ đầy nhưng cũng có thể chỉ là những ao ước, hứa hẹn và không đi hết vòng tròn định trước. Nhưng có như thế thì mới là số phận, nhiệm màu theo cách không ai có thể nắm bắt, lý giải hoàn hảo. Mà chỉ cần đến sự an nhiên để Cảm và Hiểu.
Âm Nhạc cũng như con người, có số phận của chính mình. Âm Nhạc không phải cái gì cao siêu, huyền bí, hư ảo. Đôi khi, đó chỉ là tiếng thở dài của một con chó nằm ngóng chờ chủ đi vắng về nhà. Hoặc như đó là tiếng gió len lỏi qua tán lá, khiến trái bưởi rơi lặng trên sân buồn.
Số phận của tiếng gió rất nhanh, rất ngắn. Số phận của tiếng trái bưởi rơi rất trầm nhưng rất dài, ngân mãi trên vết dập của trái bưởi kia. Gió không buồn bởi hết nhanh, trái bưởi không vui vì dấu vết dập vùi in hằn mãi mãi. Chúng ung dung tự tại với số phận của mình, như từ nghìn năm hồng hoang về trước, như thế cả triệu năm lăn chảy về sau.
Số phận đẹp đẽ nhờ có trí tưởng tượng và tư tưởng tích cực. Nếu cứ nghĩ, dương cầm không thể nói được lời của dân gian thì mãi mãi đã không có Bóng, Lửa, Gió; đã mãi mãi không trải nghiệm vút cao cùng tiếng đàn tính giữa rừng già, hay thong thả cùng nhịp phách trên chiếu ca trù. Và cứ thế, dương cầm cứ than thở những âm thanh của các bóng ma của vài thế kỷ trước; còn âm nhạc dân gian cứ mai một hoặc biến thái theo lối cảm thụ nghệ thuật loa phường nhôm nhoam và nhồm nhoàm.


Con người ta sợ số phận, nhất là những số phận mới lạ và khác biệt. Họ từng sợ Bóng vì chầu văn là âm nhạc của mê tín dị đoan, là điều cấm kỵ không được phép xuất hiện tại những thánh đường âm nhạc, văn hoá nghiêm cẩn, trịnh trọng.
Họ sợ thứ âm nhạc hầu Thánh, hầu Mẫu mà tổ tiên của họ, ông bà cha mẹ của họ vẫn sử dụng để tạm quên đi cõi đời ô trọc, để có vài phút thanh tẩy tâm hồn, cuộc sống nặng nề của mình. Để rồi, khi Bóng khiến cả đất nước phải ngỡ ngàng vì vẻ đẹp của chầu văn được diễn xướng qua tiếng đàn dương cầm, họ lại hãnh diện khi thứ âm nhạc bị chính mình chối bỏ, ghê sợ được xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Số phận của Bóng sẽ viên mãn đẹp đẽ vô cùng bởi từ sự kết thúc của Bóng, một cuộc sống mới của âm nhạc hầu Mẫu được khai mở huy hoàng. Những màn diễn xướng lén lút, trốn tránh chính quyền khi xưa, nay được đem ra thế giới trình diễn.
Và số phận của Lửa, của Gió với tuồng và chèo cũng thế. Những viên ngọc quý của dân tộc được đóng gói bằng khí nhạc phương Tây để giúp thiên hạ biết được, cảm được giá trị đích thực. Kể một câu chuyện thuần Việt cho thế giới phải dùng ngôn ngữ của thế giới, tưởng tượng và hình dung được kể như thế nào cho hiểu chuyện chứ đâu chỉ là cưỡng bức cải biên, đặt lời mới, và hãnh diện thu tiền.
Nỗi sợ của con người là thường trực. Họ sợ ngay cả trí tưởng tượng của mình và của những người dám tưởng tượng. Họ sợ Bóng sợ Gió, sợ Độc Hành và không có đám đông. Họ suy nghĩ bằng trí tuệ của đám đông, suy diễn bằng năng lực tưởng tượng của đám đông, thứ giá trị mà Gustave Le Bon nhận định là một chuỗi số không.
Và trên hết, họ sợ phải Tỉnh Thức, cho dù Tỉnh Thức bằng âm nhạc. Số phận của âm nhạc là khơi gợi những giá trị cao đẹp chứ không phải để phục vụ những mục đích cụ thể, hạn hẹp hay những cá nhân.
Giao hưởng Anh Hùng của Beethoven đầu tiên dành để ca ngợi Napoleon, nhưng khi con người này trở nên chuyên chế, tham vọng thống trị, đánh mất đi giá trị giải phóng con người, thì Beethoven đã xé bỏ và sửa thành Giao hưởng Anh hùng ca. Từ số phận dành cho một anh hùng, lại biến thành sự ca ngợi chủ nghĩa anh hùng, đó là lựa chọn của Beethoven, và điều đó đem đến sự bất tử cho bản Giao hưởng số 3.
Âm nhạc hướng tới một cá nhân, một phạm vi không gian cụ thể thì chính là âm nhạc của nô lệ, của ý đồ. Song, mấy ai hiểu được điều đó, cảm được điều đó. Tính khái quát, tính nhân loại đã đem tạo nên số phận phải có cho âm nhạc. Nhưng sự hạn hẹp của tri thức cũng như nỗi sợ hãi vô minh lại tạo nên một số phận khác cho âm nhạc.


Hiểu được điều đó thì sẽ dễ dàng chấp nhận số phận nào sẽ đến với âm nhạc của mình, tác phẩm của mình, thành tựu hay thất bại của mình. Có thể âm nhạc ấy sẽ được hàng trăm khán giả trực tiếp thụ hưởng; có thể âm nhạc ấy sẽ vang lên trên mạng để hàng triệu người thưởng thức; hoặc cũng có thể nó chỉ được ngân lên trong sự đắm đuối của một con chó, một cô bạn hoặc một nhóm bạn. Tự số phận của âm nhạc sẽ quyết định cách nó đến với cuộc đời.
Tỉnh sẽ một cao trào thắt nút cho một chặng đường. Có Tỉnh hay không có Tỉnh, hành trình ấy cũng đã đi xong rồi. Kinh Phật còn rách, ngọc Biện Hoà còn sứt mẻ, đấy mới là điều đẹp đẽ, tuyệt vời của cuộc sống này, của một cuộc đời âm nhạc.
Trăng đến Rằm cứ việc tròn thôi!
Ảnh Đoàn Kỳ Thanh

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.