Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang vừa viên tịch vào
lúc 21 giờ 45 phút 8.11.2019 (tức ngày 12.10 Kỷ Hợi), trụ thế 97 năm. Cũng nhân
dịp này, những hoạt động tôn giáo của ông trước và sau năm 1975 là đề tài được
dư luận quan tâm chú ý từ trong nước đến nước ngoài, từ cộng đồng người Việt ở
nước ngoài đến lớp nhân sĩ trí thức trong nước, tạo nên những cuộc tranh luận nảy
lửa...
Cái quan định luận
Giữ những tranh luận về cuộc đời Đạo lão Hòa thượng
Thích Trí Quang, toàn bộ tư liệu về ông được lục tung lên. Những hình ảnh ông
trong thời kỳ lãnh đạo Phật giáo đấu tranh tại Miền Nam Việt Nam từ những năm
1963, những phát ngôn, và cả bây giờ, tràn ngập trên các báo và mạng xã hội. Và
qua đó, những đánh giá công lao cho đến kết tội, cũng rần rần không ké.
Giữa tình thế này, nhà báo Nguyễn Hồng Lam (fb lam hồng
nguyễn) có bài viết khá dung hòa tổng kết cuộc đời ông với cái nhìn khá khách
quan, thời thế buộc ông phải thế, lúc xuất đầu lộ diện lãnh đạo Phật giáo đấu
tranh, lúc quay về chăm chỉ chuyên lo việc tu hành.
Nguyễn Hồng Lam viết: “Góp mặt với nhân gian gần
trăm năm, đời ông chia thành hai nửa hoàn toàn đối ngược nhau. Nửa đầu, trước
30-4-1975, tích lũy và bùng nổ, ông là mối bất an, là thứ năng lượng gây ra nỗi
nơm nớp cho mọi chế độ mà ông từng sống, vượt ra ngoài biên giới. Tờ TIME đã gọi
ông là "Người làm rung chuyển nước Mỹ".
Nhiều người cho rằng ông thân, được CIA hậu thuẫn.
Sau 1975, ông im lặng tuyệt đối. Ngay cả khi Ngài đồng tu Thích Nhất Hạnh về
thăm ông cũng không tiếp, không trò chuyện luận bàn. Nhiều người nghĩ ông là
người Cộng Sản khoác áo tu hành...
Tôi thật sự không biết ông là ai, ngoài hình dung một
bậc chân tu. Tôi nghĩ, cứu cánh của ông là trí huệ Phật giáo. Ông là lãnh tụ do
thời cuộc và quần chúng kỳ vọng dựng nên. Ông là nhà tu hành lạc thời sa vào thế
cuộc biến động, được hoặc bị chọn mà thành người dẫn đường. Ông không phải lãnh
tụ tập hợp quần chúng và tạo ra những cuộc cách mạng. Sau 1975, không còn
"quần chúng cách mạng" nữa, không ai bắt buộc ông làm ngọn cờ, không
cuộc cách mạng nào... làm phiền, ông mới được về với bản ngã chân tu, chỉ
chuyên chú đọc sách giảng kinh... Dọn mình cho ngày về với căn nguyên nhất thế,
di nguyện ông để lại là sự tối giản của quên lãng.
Những hậu thế sẽ không quên được những gì ông đã
làm, càng không biết chắc được những gì ông đã nghĩ. Cả điều đó, từ căn tu ông
cũng không màng, thân tâm nhẹ như hạt bụi.
Ông là Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Quang. "Thân như điện ảnh hữu hoàn vô". Tôi tin
ông đã tiêu diêu thường trụ.
Một cuộc không vẫn hoàn không
Trên tờ Một
Thế giới có bài Hòa thượng Thích Trí Quang – Một cuộc đời không vẫn hoàn không
được chú ý nhất vì có nhiều tư liệu lịch sử liên quan đến Đại lão Hòa thượng
Thích Trí Quang. Theo đó, tờ này đã viết:
“Tối 8/11, trong một thông báo phát đi từ chùa Từ
Đàm (Huế) do Tỳ kheo Thích Hải Ấn, trụ trì chùa ấn ký, cho biết: “Sau vài ngày
khiếm an về thân thể, Đại lão Hòa thượng đã thuận thế vô thường an nhiên viên tịch
tại phương trượng chùa Từ Đàm, số 1 đường Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành
phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp”.
Theo di huấn của Hòa thượng Thích Trí Quang để lại,
sau khi ngài viên tịch, nhục thân của ông phải được hạ liệm cách 6 giờ sau đó
và được hỏa thiêu. Trong tang lễ các Pháp tử chỉ đến lạy 3 lạy và đưa ra xe,
không bàn thờ, bát nhang, không vòng hoa và đưa đám phúng điếu.
Hòa thượng
Thích Trí Quang là một trong những nhà lãnh đạo Phật giáo được người dân trong
nước và thế giới quan tâm suốt một thời gian dài bởi ông là nhân vật có ảnh hưởng
lớn trên chính trường miền Nam. Các hoạt của ông trong thời kỳ đó cũng tạo nên
nhiều tranh cãi về con người thật, về thái độ chính trị, về động cơ trong cuộc
đấu tranh đòi bình đẳng tôn giáo tại miền Nam, tạo nên những biến động lớn cho
chính quyền đương thời cũng như “làm rung chuyển nước Mỹ” và ''người đã lật đổ
chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm'' vào năm 1963 như báo chí nước ngoài nhận
định.
Sau năm 1975, đất nước thống nhất, Hòa thượng Thích
Trí Quang lui về chuyên tâm hành trì tu tập nghiên cứu đạo pháp.
Năm 2011, Hòa thượng Thích Trí Quang cho ra mắt cuốn
sách Trí Quang tự truyện do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Theo tự truyện của Hòa thượng Thích Trí Quang, ông
sinh ngày 21/12/1923 tại làng Diêm Điền, tổng Long Đại, phủ Quảng Ninh (nay là
phường Ninh Đông, thành phố Đồng Hới). Ông xuất gia theo Phật vào năm 1936 tại
chùa Phổ Minh (Quảng Bình). Năm 1937 ông nhập học tại Phật Học viện của Tổng Trị
sự Hội Phật học, Huế. Sau thời gian theo học 10 năm, Hòa thượng Thích Trí Quang
ra trường và “lễ tốt nghiệp được tổ chức, chỉ vài ngày trước ngày Nhật đảo
chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương”.
Sau đó thầy
Thích Trí Quang sang Tích Lan (Sri Lanka) nghiên cứu thêm về Phật giáo. Khi trở
về ông tham gia phong trào kháng chiến chống Pháp của Việt Minh. Mùa hè năm
1946, thầy Trí Quang được mời ra Hà Nội thành lập Phật Học viện tại chùa Quán Sứ,
tuy nhiên cuối năm 1946 toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, thầy phải trở
về Quảng Bình.
Năm 1950 Liên minh Hữu nghị Phật tử Thế giới được
thành lập tại Tích Lan. Nhân sự kiện này, thầy Trí Quang đề nghị thành lập Tổng
Hội Phật giáo Việt Nam (THPGVN) để hoạt động song hành với Liên minh.
THPGVN được tạm thời thành lập, suy cử Hòa thượng
Thích Tịnh Khiết đương kim Pháp chủ Tăng già miền Trung làm Tổng hội Chủ lâm thời,
và Hòa thượng Thích Trí Thủ đương kim Hội trưởng Hội Phật học miền Trung làm
Trưởng Ban tổ chức. Đại hội chính thức thành lập THPGVN vào ngày lễ Phật Đản
năm sau (1951).
Giai đoạn 1954 khi đất nước chia hai miền Nam Bắc - Hòa
thượng Thích Trí Quang viết trong tự truyện: “Đây là thời điểm mà tổ quốc phân
chia Nam Bắc. Tôi nghĩ tôi nên đứng ở cương vị thuần túy Phật giáo không nên có
ý kiến về việc đời quan trọng. Chỉ đánh dấu tâm tư bằng dấu ẩn mà thôi''.
1956 đến 1960 thầy Trí Quang tu hành tại Huế. Bước
ngoặt lớn nhất trong hoạt động tôn giáo của thầy Trí Quang được ông kể lại là
vào ngày 8/5/1963, nhân lễ Vesak, ngày Đản sanh của Đức Phật Thích ca, Phật tử
tại Huế đã chuẩn bị, kể cả việc treo cờ Phật giáo ở các cơ sở thờ tự, nhưng
chính quyền đương thời đã ra lệnh cấm treo cờ.
Vào ngày 10/5 Phật tử bắt đầu chiến dịch đấu tranh
đòi bình đẳng tôn giáo, bồi thường cho nạn nhân và trừng phạt những người có
trách nhiệm và quyền treo cờ Phật giáo.
Thầy Trí Quang và ban Tổng Trị sự quyết định chọn
ngày 21/4 âm lịch, ngày thất tuần đầu tiên của Phật tử tử nạn để phát động cuộc
“Vận Động của Phật giáo”. Sau đó ông viết điện văn gởi ông Tổng thư ký Liên hiệp
quốc thông báo chính quyền Nam Việt Nam vi phạm nhân quyền, cản trở lễ Phật Đản,
triệt cờ Phật giáo thế giới, khủng bố trắng sự phản kháng bất bạo động của Phật
tử bằng chiến xa.
Bên cạnh đó thầy Trí Quang chủ trương đấu tranh bằng
cách tuần hành biểu tình, bất bạo động. Phật tử Huế tổ chức một cuộc biểu tình,
tụ họp tại đài phát thanh để nghe chương trình phát thanh Phật giáo thường lệ.
Chính quyền cho ngưng buổi phát thanh và trong bối cảnh lộn xộn của đám đông,
đã có tiếng lựu đạn nổ khiến 9 người thiệt mạng.
Khi cuộc khủng hoảng trở nên sâu rộng, thầy Trí
Quang vào Sài Gòn để thương thuyết và chuẩn bị cho những cuộc xuống đường sau sự
kiện tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức vào ngày 11/6/1963, nhằm phản đối
chính quyền Ngô Đình Diệm trấn áp đạo Phật năm 1963.
Cuối tháng 5/1966, thầy Trí Quang lại một lần nữa đấu
tranh với chính quyền bằng cách tuyệt thực nhắm phản đối quân đội tiến vào
thành phố Huế để ổn định tình hình trật tự ở đây. Ông bị bắt đưa vào giam giữ tại
Sài Gòn. Tại đây ông tiếp tục tuyệt thực 100 ngày.
Ngày 21/8/1963, tại Sài Gòn các Phật tử tụ tập tại
chùa Xá Lợi làm lễ tưởng niệm cho những Phật tử đã tự thiêu để phản đối chính
sách của chính phủ Nam Việt Nam… và bị đàn áp. Mọi người đều biết sau đó ông đã
vượt ngục và lánh nạn vào Đại sứ quán Mỹ.
Cũng nên nhắc lại cái lịnh cấm treo cờ Phật giáo. Trong
tự truyện ông có viết: “Trước Phật đản 3 ngày, ông tỉnh trưởng Thừa thiên lên Từ
Đàm vận động tôi đừng treo cờ. Tôi từ chối. Hôm sau, ông lên, nói bây giờ có lịnh
đây, tôi chỉ tống đạt. Tôi nói rất ngạc nhiên về cái lịnh như vậy của chính quyền,
mà là chính quyền trung ương, và không thể tuân hành được.
Với sự kháng cự lịnh nầy, tôi tự hoàn thành tội danh
“mở đầu cuộc vận động 1963 của Phật giáo” không cần ai tự bảo mình sắp đặt như
vậy”.
Sau 1975, Hòa thượng Thích Trí Quang về chùa Ấn
Quang và tu viện Quảng Hương Già Lam (TP.HCM) sống độc cư, chuyên tâm hành trì,
viết sách, dịch thuật và chú giải kinh, luật, luận.
Cuối năm 2011, thầy Thích Trí Quang cho xuất bản ở
trong nước cuốn “Trí Quang tự truyện” – sách do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Trong “Tự Truyện” Hòa thượng Trí Quang thuật lại nhiều sự kiện đáng nhớ của Phật
giáo mà ngài chứng kiến hoặc trực tiếp tham gia trong giai đoạn từ trước năm
1963 đến năm 1975.
"Ấy thế, mọi việc diễn ra có lúc đến chóng mặt.
Cho đến mùa xuân 2519 (1975) thì một ngày mà có người ba lần đến vận động tôi đừng
chống việc ông Dương Văn Minh đứng ra, "vì chính quyền của ông ấy sẽ có bảy
phần mười là người tiến bộ". Tôi không nói lại gì cả, chỉ quan tâm lời thầy
Trí Thủ nói, rằng chim cá còn mưa mà phóng sinh, lẽ nào đồng bào mà không hy sinh
cấp cứu.
Rồi ông Dương Văn Minh gặp tôi, đưa ra hai mảnh giấy
báo cáo mật cho thấy ngân hàng trống rỗng và quân sự nguy ngập, và nói ông
không vụ lợi vì lợi không còn gì, không cầu danh vì danh đến quốc trưởng là
cùng, ông chỉ không nỡ ngồi nhìn chết chóc. Tôi nói, nếu lòng ông như thế là
ông làm như lời thầy Trí Thủ nói, và có nghĩa ông thay người khác mà vác cờ trắng.
Sau đó mấy tháng, tôi trả lời một thầy Phật giáo cấp Tỉnh, rằng nay Phật giáo Việt
Nam bước qua một giai đoạn khác", tự truyện của Hòa thượng Thích Trí Quang
viết.
Năm 2013, ở tuổi 91, Đại lão Hòa thượng đã trở về
thăm quê nhà Quảng Bình và lưu lại chùa Từ Đàm, Huế tiếp tục việc dịch thuật
kinh điển và chuyên tâm tu hành cho tới ngày viên tịch.
Trích tự truyện:
15/4
Khi UBLP (Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo) họp,
không ai muốn không bị bắt, là ai cũng muốn đem khổ hạnh của mình, thành tựu
nguyện vọng của Phật giáo, chứ không phải cầu may hay áp dụng khổ nhục kế.
Riêng tôi, với “cái tội khởi xướng”, tôi biết và chính quyền cũng không ngần ngại
gì mà không cho biết, chờ đợi tôi là cỗ máy đoạn đầu đài, nói nôm na là máy
chém, đừng có ảo vọng gì khác.
Ở đây, nên nói chuyện cũ một chút. Trước 1963 khá
lâu, có lần và lần đầu, ông Diệm mời tôi đến tư thất, và Cố vấn Cẩn cho biết
riêng, là để nói việc giúp đỡ đồng hương di cư của Phật giáo Quảng Bình. Khi gặp,
tổng thống Diệm nói có 2 vùng đất, một là vùng cát màu mỡ và rất đẹp ở Cam
Ranh, hai là vườn ươm của canh nông ở núi Thiên Thai. Hai vùng đất nầy, vùng
nào cũng có thể làm nơi cư trú và làm ăn cho cả trăm người. Tôi muốn thầy đứng
ra nhận để lo cho đồng hương. Tôi nói, đồng hương ấy không nhiều, chỉ có 5 học
tăng và một ít cư sĩ, họ đã sinh sống ổn định lâu rồi. Tôi chắc Tổng thống nói
chuyện giúp đỡ nầy là có ý giúp đỡ Phật giáo. Tôi nghĩ Tổng thống đặt vấn đề
như vậy thích đáng hơn. Tổng thống hỏi giúp cách nào, tôi nói, môt nửa vườn hoa
Tao Đàn và 5 triệu tiền lúc ấy, là đủ cho Phật giáo có đủ một cơ sở bề thế và
triệu tập một Đại hội Phật giáo quốc tế. Vừa thay nước mời tôi, vừa suy nghĩ
trên năm ba phút, Tổng thống nói sức tôi không lo nổi.
Bấy giờ, năm bảy hôm sau khi khởi xướng cuộc vận động
1963, cụ Nh. đến Từ Đàm, vào lúc 5 giờ sáng, nói với tôi, Tổng thống có thể thỏa
mãn đề nghị cũ nếu tôi ngưng cuộc vận động. Tôi từ tốn nói, đề nghị ấy quá lỗi
thời rồi. Với lại làm sao Tổng giám mục chịu cho Tổng thống làm. Cụ Nh. hiểu biết,
ra về, khi trời chưa sáng hẳn.
Hết màn trên tiếp liền màn khác. Một người công chức
tự nói là hội viên khuôn hội Phú Thạnh, yêu cầu nói chuyện hơn thiệt với tôi. Rằng
thầy chống đối thì đương nhiên chính quyền sắp sửa máy chém. Sao thầy không
nghĩ cuộc sống dài hơn cho công việc dài hơn? Xét thấy người nầy chỉ học bài và
trả bài, tôi điềm đạm nói với anh như vậy, anh cũng điềm đạm ra về sau khi nói,
“con không biết gì cả thật”!
15/5
Nếu bị bắt lúc Xá Lợi bị tấn công, tôi bị thọ án tử
hình theo thủ tục bình thường, hay hơn nữa theo thủ tục khẩn cấp, thì đó là điều
tôi đinh ninh như vậy. Nhưng sẽ khác hẳn nếu bị bắt lại sau 9 ngày “bị bắt mà
như không bị bắt”, nhất là sau khi về Pháp Quang. Vì vậy, tôi quyết định không
để bị bắt lại. Không để bị bắt lại, nhưng cũng đã không có cách nào khác hơn đến
tòa đại sứ Mỹ.
Tôi ý thức được sự phức tạp cho riêng tôi, kể cả khi
đã ngồi trong tòa Đại sứ ấy.
Trong người tôi tự thấy ngạc nhiên và bất ổn. Nhân
viên cao cấp của tòa Đại sứ cũng thấy ra như thế. Họ nói với tôi, nếu thượng tọa
có ý định tỵ nạn ở đây thì là khách của chúng tôi. Nếu thượng tọa không có ý định
ấy thì có thể đi ra bất cứ lúc nào thượng tọa muốn.
Tôi nói, dĩ nhiên tôi đang yêu cầu tị nạn ở đây.
Nhưng, xin lỗi, tôi vào đây còn muốn nhìn thấy người Mỹ giải quyết như thế nào
về vấn đề mà người Mỹ có trách nhiệm. Tôi ở đây tùy thuộc vào sự nhìn thấy ấy.
Họ nói, vậy xin mời Thượng tọa ở đây với chúng tôi cho đến khi thấy không cần ở
nữa.
16/1
Đến đây, tôi ngưng một giai đoạn Phật giáo, bằng
cách ghi thêm mấy việc linh tinh cần nói, mà không theo thứ tự nào cả.
1. Do Hòa thượng Chơn Trí mà Gia đình Phật tử tập họp
đúng giờ, đúng chỗ, trước tòa tỉnh trưởng Thừa thiên, vào buổi chiều 14.4 - buổi
chiều mà Pg khiếu nại cờ đèn bị phá bị giật, lễ đài Phật đản bị xúc phạm rất mất
dạy. Tỉnh trưởng mời Pg (Phật giáo) họp để giải quyết.
2. Huynh trưởng Gái được bí mật giao cho cầm đầu
đoàn GĐPT rước Phật từ Diệu đế lên Từ Đàm. Không có sự khôn khéo của anh, thì 5
biểu ngữ không lên thấu chùa, kế hoạch bị thương tổn không nhỏ. Cũng chính
huynh trưởng Gái đầu tiên đem tài liệu vào Ấn Quang mà, lúc đó, nếu thiếu can đảm
và khôn ngoan, đã không thể chu toàn nghĩa vụ.
3. Ba thanh niên hoạt động nổi tiếng sau khi thiết
quân luật là Bôi, Nho, Doãn. Bôi dã thành người thiên cổ, còn 2 người kia, tôi
chưa có dịp liên lạc được.
4. Tôi đặc biệt nói đến 1 Phật tử mà là ân nhân của
Pg, kể từ lúc Pg mới rục rịch có vấn đề suốt đến khi chế độ ông Diệm sụp đổ.
Người nầy là đệ tử hòa thượng Mật nguyện, là người đồng hương với tôi - là ông
Đẳng. Ngay từ đầu ông đã bỏ công bỏ của ra không nhỏ, dầu ông khá nghèo. Ông
đóng vai trò Tỉnh trưởng và Phật tử rất vất vả, lao tâm khổ trí. Không có ông,
tôi dã rất khó khăn trong việc tiếp xúc với các cấp chính quyền. Người sắp đặt
cho tôi lên máy bay đi Saigon là ông. Khi tôi viết mấy dòng nầy, ông đã không
còn nữa, từ lâu.
5. Bs Lê khắc Quyến, pháp danh Nhật thắng, đệ tử đại
tổ đình Quốc ân, người Huế. Tôi là bịnh nhân đến khám bịnh tại phòng mạch tư của
ông ở cửa Thượng tứ. Bấy giờ ông là Giám đốc Bịnh viện Trung ương Huế. Sau đó
được biết bà cụ thân sinh ông là em ruột cụ bà Lê Văn Định. Mối liên hệ Phât
giáo của ông là như vậy, chưa kể thân sinh của ông cũng là đệ tử đại tổ đình Quốc
ân, bổn sư là ngài Đắc Quang, Tăng cang quốc tự Linh mụ. Ông là Khoa trưởng Đại
học đường Y khoa Huế, được gia đình Tổng thống Diệm biết ơn vì chữa bịnh giỏi
cho bà cụ thân sinh của họ. Ông có nhà mới, lớn và đẹp, ở phía nam thành phố,
nhưng chưa kịp ở. Ông tham gia cuộc Vận động 1963 của Pg, mất hết chức và nhà,
bị bắt ở tù. Khi tham gia, ông tự biết sẽ phải như vậy.
Sau Phật đản năm ba ngày, một buổi sáng gặp tôi, ông
cho biết ông Diệm mời ông vào Saigon để nói về vấn đề Pg. Ông hỏi tôi muốn ông
nói gì, tôi nói, xin nói rất thật thâm tâm của tôi. Tôi không mưu đồ gì cả, chỉ
phản ứng vì hết mức chịu đựng sự xúc phạm quá đáng đến đức Phật và Pg của tôi,
mà thôi. Vấn đề như vậy quá dễ giải quyết cho Tổng thống chứ không thương tổn
gì.
Hôm sau Bs Quyến về Huế, nói, ông mời vào để nghe
ông nói, không phải để nói cho ông nghe! Bs Quyến chẳng những tham gia hết lòng
vào 1963, sau đó, đến nỗi mất sách, bị bắt bị tù nữa, vẫn không chán bỏ đạo
pháp – mà không mưu đồ gì cả, cho đến hết đời.
6. Việc Phật tử Mai Tuyết An chặt tay phản đối bà
Nhu, người Mỹ hỏi ý kiến tôi, tôi nói phong trào chống đối ông Diệm đã và sẽ
lan ra mạnh mẽ trong giới học sinh. Sự việc quả như vậy, ngay sau đó.
7. Sau khi thiết quân luật, hoạt động hải ngoại là
hòa thượng Nhất hạnh và bác sĩ W.
8. Bác học Bửu Hội gặp tôi khi về thăm mẹ. Tôi phàn
nàn động thái gây ác cảm nặng nề của ông. Ông ân hận và muốn đóng góp. Tôi nhờ
chuyển đến Tổng thư ký Liên hợp quốc 5 va-ly đầy đủ tài liệu. Chuyển ra để ở
khách sạn ông Lê Văn Hiệp. Ông Hội đến nhận ở đó, chuyển giao rất chu đáo,
nhanh chóng. Bằng tình cảm cá nhân, ông Hội lại tác động các Đại sứ Á Phi đến
điều tra nhân quyền ở Nam Việt Nam. Hòa thượng Nhất hạnh và bác sĩ W. càng liên
lạc và hướng dẫn cụ thể cho phái đoàn nầy. Chỉ vì tôi chưa kịp nói nên đôi bên
chưa hiểu nhau.
9. Khi ở Xá Lợi, tất cả chi phí không nhỏ cho việc của
Pg miền Trung mà tôi phải liệu, thì người giúp tôi là ông Lê Văn Hiệp. Nhân
đây, tôi nói đến chi phí khi còn ở Huế. Mọi chi phí ở đây và lúc ấy là do các
khuôn hội Thừa thiên lạc cúng, do tỉnh hội ấy thu và chi.
10. Tình báo một cách xuất sắc nhất là 1 Phật tử tự
động. Chính ông Nhu cũng lao đao về sự tình báo của người nầy. Người này thường
viết báo cáo giao cho hòa thượng Tâm Châu mà không ra mặt. Nhưng sau nầy tôi
cũng biết người đó là ai.
11. Hòa thượng Trí Quảng, lúc ấy, khá có khả năng vận
động phong trào học sinh.
12. Hòa thượng Thiện minh có sáng kiến tấn công bà
Nhu. Sự tấn công này tác động nhanh và mạnh đến bất ngờ đối với phong trào học
sinh. Mưu đồ lừa đảo của chính quyền trong việc thực thi Thông cáo chung cũng
rã vì “đức bà lồng lộn, vung vít”. Nhưng hòa thượng Hộ giác và thầy Giác đức
thì tai họa không nhỏ, vì “mồm miệng không ưa nổi” trong chiến dịch ấy. Nghe
nói lúc bị bắt, 2 ngài được đức Bà hỏi thăm khá ân cần.
13. Sau hết, mà thật ra là trước hết, tôi nói đến 1
người, một người bạn của tôi, Bs W. Ông thương tôi hết lòng. Việc tôi làm, mở đầu
mà thế giới biết, là do ông. Giao thiệp với Tổng thư ký LHQ đầu tiên là do ông.
Sau thiết quân luật, Pg bị hốt rồi, cũng chính ông hoạt động với hòa thượng Nhất
Hạnh, rất hiệu quả.
Ông, trước không nói gì, nhưng tôi biết và biết rõ.
Ông muốn qua tôi, Pg phải thành một lực lượng. Nhưng thực tế làm cho ước muốn ấy
không phù hợp với chính Pg. Dẫu vậy, ông không biến đổi tình cảm, vẫn một lòng
một dạ thương tôi, thương Pg của tôi.
Ở đây, tôi nói vắn tắt về ông - về cái tình ấy, cái
tình tôi không thể quên, không bao giờ quên.
17/1
Ở trong tòa Đại sứ Mỹ, khi đoán chắc sẽ có đảo
chánh, tôi lại lo như tình trạng Hàn quốc: Lý Thừa Vãn đổ rồi, đảo chánh hoài.
Như thế thì làm được cái gì. Ông Diệm bị đảo chánh rồi, tôi cáo từ ra về, người
Mỹ nói, nếu có thể, tôi nên góp ý kiến với chế độ mới. Tôi nói, nhưng không nên
đảo chánh nữa. Người Mỹ không nói lại gì hết.
Tôi đoán trước những gì sẽ xảy ra. Nếu không vì
thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), tôi đã “công thành thân thoái”
rồi. GHPGVN sẽ thành lập, là vì phải thành lập nhưng đối nội đối ngoại sẽ đầy
những sự khó vui. Dầu vậy, vẫn phải thành lập, thay thế Tổng hội Phật giáo Việt
Nam hết nhiệm vụ rồi.
Dự thảo Hiến chương cho GHPGVN, tôi viết lời mở đầu,
“Công bố lý tưởng hòa bình, Phật giáo không đặt sự tồn tại của mình ngoài sự tồn
tại của dân tộc”. GHPGVN được cầm đầu bởi chức vụ Tăng thống, tước hiệu có từ
thời đại Đinh Lê.
Tăng thống tương đồng với Tăng cang, tước hiệu vua
Minh Mạng đã đổi ra.
GHPGVN gồm 2 viện: Tăng thống và Hóa đạo, lãnh đạo tất
cả tăng ni và tín đồ của Pg VN. Khi chính thức thành lập, tôi tìm cách giữ chức
vụ Chánh thư ký viện Tăng thống, là thật sự muốn ẩn mình, hy vọng tiếp tục dịch
giải kinh sách vốn là chí hướng đích thực của tôi.
… Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả,
nên cuộc đời tôi “không vẫn hoàn không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay
như sự tự truyện này, vì không thể không có nên phải viết và phải in, mà thôi.
“Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi mới được như vậy.
(Trích “Trí Quang Tự truyện – NXB Tổng hợp TP.HCM –
2011)
Đăng nhận xét