“Phú quý sinh lễ nghĩa” chỉ câu này đủ để giải thích sao lại sinh ra tầng lớp quý tộc. Sẽ có bạn cho rằng nhiêu khê, không phải quý tộc bố vẫn ăn, vẫn uống, vẫn hưởng thụ đàng hoàng. Không phải quý tộc nào cũng giàu có đề huề.

Có những gia đình quý tộc đã bị lụn bại, sống trong cảnh nghèo khó. Nhưng tinh thần quý tộc của họ vẫn tồn tại, họ nghèo nhưng không hèn, ví dụ như đứng trước những phần ăn cứu trợ của nhà thờ, họ vẫn từ tốn, khiêm nhường, dành cho người khác cơ hội lấy trước rồi thong thả lấy phần mình.

Lão PP chắc mang dòng máu quý tộc. Hồi đi du lịch ở Phnôm Pênh, Campuchia vào ăn tự chọn ở một điểm du lịch. Đang chuẩn bị cầm đĩa lấy đồ ăn, một đoàn du lịch người Trung Quốc ùa vào, chen chúc tranh nhau lấy đồ ăn. Lão bị đánh bật ra khỏi vòng và đứng ngoài chờ đợi. Hết đợt này sang đợt khác, lão vẫn không có cơ hội bước đến quầy tự chọn. Đến khi đám đông giãn ra, lão bước đến thì trong các khay chỉ còn lèo tèo vài sợi đồ ăn. Lão gom cho mình mỗi thứ chút ít rồi thong thả ngồi ăn, không một chút oán giận.

Các bạn Trung Quốc vừa ngồm ngoàm vừa nhìn lão với con mắt kỳ lạ. Bỗng một cô em quản lý người Mỹ cầm một đĩa đồ ăn đầy ụ và một bình nước lọc đi đến chỗ lão, cô dịu dàng đặt đĩa đồ ăn trước mặt lão và lịch thiệp mời: "Sir, please enjoy it!” (Mời ngài thưởng thức). Quý tộc là vậy, là xuất chúng, là không bình thường, là đạo đức văn minh của con người đáng để học tập. Nếu bạn nói, bạn đéo cần quý tộc, vậy thì nên dừng lại tại đây.

Những quý tộc châu Âu ngày xưa đã được đào tạo hay nuôi dưỡng như thế nào để trở thành một quý ông thực thụ?
Trước hết, tất nhiên là xuất phát từ ảnh hưởng của gia đình, đối với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình quý tộc, sự giáo dục ban đầu về cơ bản là từ lời nói và việc làm của các thành viên trong gia đình, nhưng có một vấn đề liên quan cần nhận thức là quý tộc không phải từ trên trời rơi xuống, không phải sinh ra trong gia đình quý tộc là trở thành quý tộc, và giáo dục của họ không phải là bẩm sinh.
Sự hình thành ra giới quý tộc như thế nào? Chém chút về đề tài này mong rằng Việt Nam ta cũng sẽ thăng hoa, không thành quý tộc thì cũng thành những người Việt cao cấp có lòng tự trọng, có văn hoá, lịch thiệp, biết điều.
Ban đầu, tổ tiên của giới quý tộc là những người rất thô tục, không được học hành, không có văn hóa, thậm chí một chữ bẻ đôi cũng không biết. Điều này liên quan đến nguồn gốc của giới quý tộc. Vào những ngày đầu của Anh, về cơ bản là chỉ đánh nhau. Chỉ cần biết đánh nhau, không biết đánh thì thằng khác đánh mình. Họ đều là một nhóm binh lính trong chiến tranh, ngày nào cũng sẵn sàng xung trận và sống những ngày không có ngày mai.

Họ phải thường xuyên rèn luyện kỹ năng chiến đấu và phấn đấu để tồn tại trong trận chiến. Tất cả họ đều là những người khỏe mạnh, thô thiển nhưng thiện chiến. Để bắt những quân sĩ này phải bán thân cho chinh chiến, nhà vua phải gần gũi họ, phải ban thưởng hậu hĩnh về quyền lợi và tài sản, nhóm người này dần dần hình thành tầng lớp quý tộc.

Cho đến nay, con cái của hoàng gia Anh lớn lên trước hết phải rèn luyện kỹ năng quân sự, cưỡi ngựa, bắn súng, thậm chí lái máy bay, tầu chiến đều thành thạo.
Bởi vì hệ thống đặc quyền lâu đời và nhiều năm chinh chiến, các gia đình quý tộc đầu tiên vẫn phổ biến phong cách hiệp sĩ, nhóm người này dũng cảm xả thân, trong đầu óc đều chỉ có chiến đấu và chém giết. Họ cảm thấy sự hiểu biết về văn hóa và kiến ​​thức sách vở không có ích gì cho việc điều hành đất nước và chinh phục các vùng lãnh thổ.

Vì vậy, các quý tộc từ nhỏ đã được giáo dục về quân sự và tôn giáo, và nơi giáo dục chủ yếu là gia đình, sau khi con cái của các quý tộc được sinh ra, chúng nhận được sự giáo dục của mẹ và gia sư, chúng còn được gửi đến các gia đình của các lãnh chúa cao hơn mình một bậc để phụng dưỡng họ và rèn luyện, nên vấn đề giáo dục vẫn mang tính chất gia đình. Sau 21 tuổi, khi đã nhận được sự giáo dục bên cạnh lãnh chúa và vợ của lãnh chúa, việc học hành coi như đã được hoàn thành và được trao tặng danh hiệu hiệp sĩ.
Kiểu giáo dục quân sự và tôn giáo này đã khiến cho một số quý tộc thậm chí không biết chữ, thực hiện nhiệm vụ đều từ miệng nói ra, quan trọng là không có thì giờ để viết, đánh nhau hàng ngày, viết xong thì cũng đã tiêu đời. Ở đây còn có vấn đề thừa kế, quý tộc sinh được mười người con, chỉ người con trai cả mới được quyền thừa kế, và tài sản của gia đình cũng vậy, tất cả đều thuộc về con trai cả. Còn những người con trai khác thì sao? Gửi họ đến trường, vào trường để học kiến ​​thức, sau đó đi vào xã hội để kiếm sống. Trong số họ sẽ trở thành các quan chức trong bộ máy chính quyền, nhưng chữ nghĩa ít ỏi, điều hành công việc rất ỡm ờ.
Sau đó, chính phủ bắt đầu hỗ trợ mạnh mẽ giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng giới tinh hoa để có đủ điều kiện đảm nhận chức vụ của nhà nước. Dần dần trong tầng lớp thượng lưu đã xuất hiện một nhóm trẻ có văn hóa, có nội hàm, lịch sự và hiểu biết. Những người này cư xử lịch thiệp, nói năng lịch sự, biết tiếng Latinh, biết thiên văn, địa lý và hiểu biết âm nhạc. Tóm lại, họ biết tất cả mọi thứ. Dần dần, trong xã hội thượng lưu hình thành sự đối lập rõ rệt từ lớp trẻ với những quý tộc ngu dốt, thất học và các quý tộc thô thiển cổ xưa này phải hứng chịu áp lực rất lớn, họ tự vỗ tay vào đầu, ôm hận vì thất học.
Kết quả là, việc đào tạo quý tộc dần dần thay đổi từ giáo dục gia đình sang giáo dục trường học, và con cái của họ bắt đầu đến trường để được giáo dục. Sự ra đời của một quý ông phải trải qua ba giai đoạn: “học trường công lập, học đại học và du học”.
Trước tiên nói về giáo dục trường công lập. Vào khoảng 13 tuổi, trẻ em của các nhà quý tộc đến trường đi học. Các trường học ban đầu dành cho cả dân thường và vai trò của giáo dục là đào tạo ra các nhà truyền giáo và mục sư. Hầu hết các giáo viên đều là mục sư và giảng dạy bảy môn (logic, ngữ pháp, hùng biện, toán học, hình học, thiên văn học, âm nhạc, được gọi là "Bảy nghệ thuật").

Con cái của các quý tộc bắt đầu theo học, ban đầu họ chọn các trường trong hoặc xung quanh London, điều này khiến các trường này ngày càng mang màu sắc quý tộc hơn. Từ đó hình thành sự ra đời của 9 trường quý tộc nổi tiếng thời bấy giờ như: Eton College, Harrow College, Chatham House, Winchester, Hrewsbury, Rugby, St. Paul’s, Westminster và St Alban’s school, dành cho giới quý tộc mà trẻ em chiếm đa số.

Cho dù là con nhà quý tộc, tiêu chuẩn tuyển sinh cũng rất nghiêm ngặt, nếu không có thành tích tốt thì hoàn toàn không được nhận vào trường.
Những đứa trẻ quý tộc vốn quen với sự nuông chiều nay phải đối mặt với môi trường học tập gian khổ ở những ngôi trường này, có một số lượng lớn các quy định và luật lệ để gò bó chúng trong những ngôi trường này, về cơ bản thì tương tự như nhà tù. Trường thực hành chế độ nội trú, học sinh phải ăn mặc đồng phục và có những quy định nghiêm ngặt về lễ nghi.

Để rèn luyện ý chí của học sinh, nhà trường đã cố tình chế biến những bữa ăn đạm bạc, ngủ trên giường ván cứng, mùa đông mở cửa sổ, tắm nước lạnh, thức dậy và ăn uống đúng giờ, dọn vệ sinh đúng tiêu chuẩn, Kỷ luật cực kỳ cao. Tóc dài quá, ăn uống sai tư thế đều bị phạt, ngay cả tư thế đi đứng hàng ngày cũng phải tuân theo quy định của nhà trường.
Địa vị quý tộc trước đây có được là nhờ chiến tranh và quân sự, và tinh thần hiệp sĩ đã ngấm vào trong máu của mỗi quý tộc. Vì vậy, một cơ thể cường tráng đương nhiên là rất quan trọng. Nhà trường coi trọng công tác rèn luyện thể chất, về cơ bản môn thể dục chiếm phần lớn thời gian học, nội dung học rất đa dạng, bao gồm bóng đá, chạy đường dài, chèo thuyền, bóng chày, bóng bầu dục. Dù sao, miễn là liên quan đến tăng cường thể chất. Cộng thêm điều kiện gian khổ của nhà trường và các quy định nghiêm ngặt đã mài dũa được ý chí chịu đựng gian khổ, tinh thần hợp tác đồng đội cho học sinh.
Tất nhiên, giáo dục chất lượng văn hóa không thể không nói đến. Để tạo ra những quý ông, trường học quý tộc chủ trương giáo dục tinh hoa cho các quý ông, nội dung tương tự như tác phẩm tứ thư ngũ kinh của Trung Quốc. Nội dung chương trình chính của trường là nhân văn cổ điển, học các kiệt tác Hy Lạp và La Mã cổ đại, chẳng hạn như chương trình giảng dạy của Trường Eton tọa lạc tại thị trấn Windsor. Giáo án chứa tất cả các bài viết của Cicero, Vergil, Ovid and Horace. Họ cho rằng học cổ điển có thể trau dồi tình cảm, nắm vững quy luật phát triển của lịch sử, phản ánh bản chất con người. Nhà trường muốn các em học tốt những danh nhân cổ đại này.
Nhưng để làm quen, ít nhất phải biết tiếng Latinh, và tiếng Hy Lạp cổ đại, một ngôn ngữ đã bị loại bỏ từ lâu, vì vậy học sinh phải học những ngôn ngữ này hàng ngày. Sau đó, không thể chỉ đọc tốt, còn phải có thể viết, viết bằng tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp.

Khi đó con nhà quý tộc kêu la quá trời, bởi những thứ ngôn ngữ khô khan, nhàm chán này. Những thứ này tưởng như vô dụng trong xã hội, nhưng xét về tu dưỡng văn học cá nhân và xây dựng đạo đức thì chúng thực sự đóng một vai trò nhất định. Ngoài nội dung trên, học sinh còn học múa, vẽ tranh, học nhạc cụ, v.v. Ngoài ra còn có giáo dục tôn giáo, học sinh được giáo dục tôn giáo tại nhà ngay từ đầu, và nhà trường sẽ hoàn thành chương trình này sau khi nhập học. Mỗi trường học đều có một nhà thờ, nơi tôn giáo và khoa học nhân văn được giảng dạy cùng nhau.
Trong suốt thời kỳ giáo dục ở trường công lập, các quy tắc và luật lệ hà khắc và tàn nhẫn của trường học, các khóa học nhàm chán nhưng tẻ nhạt có thể nuôi dưỡng tình cảm đạo đức, và sự hoà lẫn giữa tôn giáo và nhân văn trong phương pháp giảng dạy đã giúp học sinh phát triển cách cư xử và cách giao tiếp thanh lịch, bất kể trong trường hợp nào, các bạn ấy đều rất lý trí và điềm đạm, đậm chất quý tộc và phong thái lịch lãm. Đây là bản chất và là tinh hoa giáo dục từ trường học quý tộc Anh.
Khi đã tốt nghiệp trường phổ thông, nếu muốn trở thành một quý ông lịch lãm, giàu nội hàm văn hóa thì phải học đại học để được nâng cao hơn. Các khóa học ở trường đại học về cơ bản là văn học cổ điển, logic, hùng biện, đạo đức, v.v ... Những khóa học này được sử dụng để đào tạo các quý ông. Vào thời điểm đó, Oxford và Cambridge là những trường được lựa chọn đầu tiên của giới quý tộc. Bằng cấp đại học mà họ mơ ước có được là bằng tốt nghiệp Oxbridge. Về mặt tuyển sinh đại học, Christian College (học viện cơ đốc) của Oxbridge chiếm tỷ trọng lớn, còn Cambridge thì tập trung chủ yếu ở Trinity College và St. John's College.
Học xong đại học, việc đào tạo các quý tộc chỉ mới đi được nửa chặng đường, sau đó là việc đào tạo trong du học. Những người du học thường là con trai cả của các gia đình quý tộc, vì chi phí học tập du học rất cao. Quá trình tham quan học tập rất vất vả và con đường đầy chông gai. Tuy nhiên, sau này khi giao thông phát triển, đường sá đi lại thoải mái thì đỡ hơn rất nhiều, thậm chí nhiều tiểu thư quyền quý cũng tham gia du ngoại học tập. Họ phải mang theo người hầu và gia sư khi đi du học.
Ở đây có một số tuyến đường tương đối cố định cho du học, những tuyến đường này đã được các con cháu quý tộc đi theo lộ trình của các bậc tiền bối, nhưng cũng có những tuyến đường khác do họ lựa chọn. Điều này không hoàn toàn cố định. Tuy nhiên, hai nước chủ yếu là Pháp và Ý.

Những điều họ cần học trong chuyến du học có mục tiêu đề ra rõ ràng. Ví dụ như kế hoạch du học của Edward, Công tước xứ Laterland, sang Pháp du học năm 1571 đề ra mục tiêu: "Học tiếng Pháp, ghi nhật ký mỗi ngày, hiểu quốc phòng, pháo đài, quản lý thành phố, nghiên cứu hệ thống hành chính và luật pháp, đặc điểm của cung điện, tuổi của các triều thần chính, tài chính hoàng gia, hệ thống tiền tệ, trường đại học và tài sản quý tộc, bất động sản và quản lý”.

Không chỉ học tập, du học còn mở rộng của họ chân trời, hiểu phong tục địa phương, hiểu được triều đình của quốc vương nước bạn, hiểu về toà án, nhà thờ, thư viện của họ. Dân quý tộc Anh thích du học đến Paris, Rome, Venice, Florence, Naples và các thành phố khác có bầu không khí văn hóa và nghệ thuật tương đối đậm nét.
Vào thời điểm đó, du học ở lục địa Anh rất phổ biến trong giới thượng lưu, và nó thường trở thành diễn đàn cho các hoạt động xã hội trong giới thượng lưu, nếu khi ấy nói rằng bạn chưa đi du học thì bạn sẽ rất xấu hổ. Sự phổ biến của du học và tham quan khiến các khách sạn của các thành phố nổi tiếng thường hết phòng. Người du lịch đến từ Anh thường hay tham quan, quan tâm nhất đến kiến ​​trúc, hội họa và các tác phẩm nghệ thuật khác.
“Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã” (tiếng Anh: The History of the Decline and Fall of the Roman Empire) là một bộ sách về lịch sử Đế quốc La Mã gồm sáu quyển do sử gia Anh Edward Gibbon viết. Nhà sử gia này hồi đó cũng đi du học để nâng cao kiến thức.
Năm 1763, Edward Gibbon thực hiện một chuyến đi kéo dài ba tháng ở Pháp. Ông nói"Ngay khi tôi ra nước ngoài, sự tò mò đã trở thành công việc và giải trí của tôi. Tôi đã dành nhiều buổi sáng để đi tham quan Paris và các khu vực lân cận, thăm nhiều nhà thờ và cung điện nổi tiếng với kiến ​​trúc tinh tế, chiêm ngưỡng nhiều đồ thủ công của hoàng gia, thư viện sách, tranh, và nhiều tác phẩm nghệ thuật khác nhau. Tất cả những kho báu của cuộc sống học thuật xa hoa. Tôi đã đến thăm nhiều thư viện khác nhau. Mặc dù chỉ cưỡi ngựa xem hoa, nhưng nó đã mở ra một lĩnh vực nghiên cứu mới. Tôi thấy tác phẩm đầu tay của những tác giả khác nhau ở các thời đại khác nhau. Vì vậy, nhiều bản thảo đã khiến tôi phải tra cứu đến cuốn sách “Palaeo Graphology".
Sau khi đến Rome, ông ta nói: "Sau hai mươi lăm năm trong khoảng thời gian dài như vậy, tôi không thể nào quên được những cảm xúc mạnh mẽ đã khuấy động trái tim tôi khi lần đầu tiên tôi bước chân đến thành phố Vĩnh hằng này, và thật khó khăn khi sử dụng từ ngữ để diễn đạt nó. Tôi mất ngủ cả đêm trường, và ngày hôm sau, tôi bước những bước chân đầy kiêu hãnh và đặt chân lên tàn tích của quảng trường cổ La Mã. Tôi đã đánh mất hoặc tận hưởng say sưa vài ngày trước khi có thể bình tĩnh lại và ngắm nhìn chi tiết. ”
Chính vì cảm xúc này, mà khiến Edward Gibbon viết lên cuốn "Lịch sử suy tàn và sụp đổ của Đế quốc La Mã" tuyệt vời.


Có thể thấy, chuyến tham quan học tập của họ chủ yếu nhằm mục đích tìm hiểu văn hóa. Nhưng không phải chỉ có vậy, họ phải đi thăm những người nổi tiếng khắp nơi, hoặc vào cung đình để tham gia các hoạt động xã hội trong giới thượng lưu. Ví dụ, các tiệm ở Pháp lúc bấy giờ nổi tiếng và là nơi giao lưu của giới thượng lưu. Những sinh viên này thường xuyên đến dự các hoạt động xã hội, họ học ngôn ngữ, phép xã giao và gặp gỡ những người nổi tiếng từ mọi tầng lớp xã hội ở đó.
Sau khi được nuôi dưỡng trong gia đình từ nhỏ, sau đó vào trường được giáo dục công lập, giáo dục đại học, tham quan và học tập ở nước ngoài, tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau, với những người nổi tiếng, và thông qua một loạt các học tập và đào tạo, một người Anh đủ tiêu chuẩn quý ông được sinh ra.
Nhớ hồi phố cổ Hà Nội xưa, ông bà ta chưa chắc đã giàu có, nhưng hầu hết mọi gia đình đều sống có nề nếp và đạo đức. Thực sự là “đói cho sạch, rách cho thơm”. Cuộc sống xô bồ ngày nay con người chỉ chú trọng đến vật chất, đến tiền bạc giàu có, nhưng lễ nghi đạo đức trong óc thì trống rỗng. Quả đúng là loại trọc phú hôi hám bất lịch thiệp như đám người du lịch Trung Hoa kia.
Phú phải đi cùng quý cộng thêm học hành, tu dưỡng và rèn luyện thì mới gọi là quý tộc. Bạn đã hiểu quý tộc chưa?

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.