Một bác sĩ nhắn cho tôi vào 1 giờ sáng: Nhà đòn ép quá. Giá bị đẩy lên 45 triệu. Người ta không có tiền trả, đành để tử thi ở đấy nửa ngày. Đau lòng quá!
Lượng tử thi cần thiêu đang tăng đột biến không chỉ do COVID: Số bệnh nhân chết tại nhà vì lý do khác tăng do y tế quá tải, khó tiếp cận vì tình hình dịch bệnh. Tại các Bệnh viện, nạn nhân cấp cứu đột quỵ trong giờ vàng đã giảm 80%, chúng ta có thể đoán được số phận của họ.
Một bạn đọc nhắn: Nhà họ có 2 người chết, nhà đòn đòi 30 triệu/ca thiêu và lấy tro, không có tiền họ không làm. Năn nỉ mãi nên "lấy sĩ" 2 xác 40 triệu.
Sao các anh là lãnh đạo bệnh viện mà để họ làm thế?
Tôi thắc mắc. Bác sĩ trả lời bệnh viện không có dịch vụ mai táng, bệnh viện
cũng không thể giữ tử thi vì không đủ chỗ.
Một bạn đọc khác hỏi tôi: Có hay không chuyện những
người có trách nhiệm giải quyết vấn đề này ở BV đã móc nối với nhà đòn để làm
tiền thân nhân người bệnh?
Tôi định trả lời ngay là không có, nhưng e sự vội vã
ấy khiến câu trả lời của mình trở nên kém tin cậy. Tôi khất anh 03 ngày.
Gần 30 năm làm báo, tôi chơi với đủ loại nhân mối
liên quan đến vụ này. Đồng nghiệp và tôi từng có nhiều lần điều tra về nạn
"quạ đen". Tôi có nguồn để tiếp cận và kiểm chứng. Ba ngày sau khi
anh hỏi, khuya qua tôi trả lời anh:
- Tôi cam đoan không có chuyện đó. Bác sĩ và cán bộ
y tế đã làm tất cả và họ thậm chí không có thời gian ngủ. Chính hai bác sĩ (tôi
vừa kể trên) còn khóc với tôi vì không chịu nổi cảnh tử thi nằm đó không được
giải quyết. Thời điểm này chỉ nghi ngờ y bác sĩ và nhân viên y tế thôi, cũng là
tội lỗi.
Tôi cũng trao đổi với Chủ tịch Hội nhà báo và nhiều
đồng chí có trách nhiệm; tôi cũng yêu cầu các phóng viên vào cuộc. Câu trả lời
là như vầy:
- Toàn bộ dịch vụ mai táng do tư nhân đảm nhiệm. 16
lò hoả táng tại Bình Hưng Hoà (thuộc Cty
TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM, chủ quản là Sở TNMT) hoạt động bình thường,
không nâng giá.
Không có chuyện ai đó ở Bình Hưng Hoà làm tiền thân
nhân người bệnh. Với người chết do covid lại càng không. Nhiều ca chết do COVID
không có người nhà bên cạnh vì cả nhà F1, F0 phải cách ly. Cộng với tình hình
giãn cách nên các trại hòm đưa đi thiêu và sau đó nhận tiền/ trả tro cốt. Khi gặp
được người nhà, họ ép giá trả tro cốt khiến cả bệnh viện và Trung tâm Bình Hưng
Hoà mang tiếng. Giá thiêu chỉ là 4,2 triệu, không thêm khoản nào.
Tại sao họ có thể ép giá?
- Họ đẩy giá quan tài. Giá quan tài thì vô chừng.
Người nhà không cãi được. Quan tài gỗ tạp có thể chém ngang giá gỗ tốt. Ngoài
ra dịch vụ thủ tục tâm linh cũng bị ép.
Tại sao các bệnh viện lại dễ dàng cho các cơ sở mai
táng vào ?
- Bất kỳ bệnh viện nào cũng không thể làm như cái chợ,
phải có một số cơ sở mai táng nhất định thường được gọi. Các cơ sở này làm ăn
trên một thoả thuận đã thành thông lệ: Có mặt khi BV cần, không ép giá, hỗ trợ
mai táng các BN tử vong mà gia đình khó khăn.... (Để giành mối, nhiều năm trước
đã có những cuộc chiến để giành khách hàng mà báo Pháp Luật TP.HCM từng nêu
trong các phóng sự "Quạ đen ở nhà xác" trong 25 năm nay).
Tuy nhiên do dịch bệnh, lượng tử thi tăng đột biến,
các BV giờ này buộc phải gọi các cơ sở mai táng khác vào. Bản thân một số cơ sở
mai táng cũng quá tải. Phần nữa, một số trong đó là những cơ sở lâu nay muốn
vào làm nhưng không được, sinh hậm hực nên ép giá cho bõ ghét; một số thì nhân
cơ hội chụp giựt thời vụ, ép giá để kiếm tiền.
Những hình ảnh kẹt xe tử thi ở Bình Hưng Hoà mà mạng
xã hội nêu có hay không? Xác người đã nhiều đến vậy sao? Điều này không được giải
thích khiến dư luận bị ám ảnh?
Có, nhưng nó không lột tả hết thực trạng người chết.
Một phần là chết COVID và những cái chết khác đang tăng; hai là những đám tang
chôn cất giờ chuyển qua thiêu; Ba là do dịch bệnh nên người dân TP không đưa tử
thi về quê chôn được. Từ đó vấn đề giải quyết tử thi bị tăng áp lực khủng khiếp.
Đang có vấn đề ở các BV. Đó là hầu hết các BV đều
phân luồng ra cho tử thi vào buổi tối. Khi hàng trăm xe tang và xe cấp cứu chở
tử thi dồn về Bình Hưng Hoà trong đêm, đường hẹp, không quay đầu kịp dăm phút sẽ
gây kẹt hàng cây số trong hàng giờ liền.
Được biết thành phố đang phân luồng để xử lý tử thi
tại Bình Hưng Hoà, Phúc An Viên và Đa Phước một cách hợp lý.
Còn nạn ép giá người chết?
Dịch nào rồi cũng qua, khi đó chúng ta có điều kiện
nhìn lại từng khuôn mặt người khác và chính khuôn mặt mình để tự vấn mỗi người
đã đối xử với nhau như thế nào trong những ngày gian khó của thành phố và đất
nước, của đồng bào đồng loại. Mong các chủ dịch vụ mai táng nếu có ý định ép
giá, hãy nghĩ về điều này để cùng xã hội làm vơi đi khó khăn và nỗi đau của gia
đình người chết.
Nhưng, thành phố chắc chắn đã có cách, sẽ giảm tải
và xử lý vấn đề này. Nhanh thôi. Tôi biết vậy và rất tin là vậy!
Đăng nhận xét