Sáng qua, tôi có đặt vấn đề về việc tạo hành lang pháp lý hoặc tìm cách nào đó để các bệnh viện tư nhận tiền của bệnh nhân Covid - 19 có điều kiện chi trả, muốn được hưởng dịch vụ tốt và mong mỏi chia sẻ gánh nặng với Nhà nước!


Đa số các ý kiến phản hồi đồng ý với việc này bởi về lâu dài cũng như cách ly miễn phí trước đây, ngân sách cùng nguồn lực của Nhà nước cực kì khó để đảm đương nổi, khi mà số ca nhiễm chỉ trong đợt dịch này đã gần 225.000 ca, 3757 ca tử vong. Dù cho 76.000 đã về nhà thì vẫn còn hơn 145.000 người đang chữa trị và sáng nay lại thêm 5149 ca nữa!

Hiện nay Luật chưa cho phép bệnh viện thu bất cứ khoản phí nào liên quan đến chữa trị cho bệnh nhân Covid – 19 và nói như một Tổng Giám đốc bệnh viện, thì ông chưa biết lấy nguồn nào bù vào và chưa rõ Nhà nước sẽ tính sao cho khối tư nhân khi họ tham gia chữa trị!

Một số bệnh viện đã nhận đóng góp tự nguyện của những bệnh nhân được chữa khỏi nhưng khoản này "tùy hỉ" và khi có khi không. Nhất là sau khi Sở Y tế TP.HCM ra văn bản "chấn chỉnh" việc nhận tài trợ thì các bệnh viện càng như bị gắn thêm "vòng kim cô".

Chủ một bệnh viện tư khá lớn cho rằng thay vì "ngăn cản" thì Sở Y tế nên cho phép các bệnh viện, nhất là bệnh viện tư tiếp nhận tài trợ, đóng góp của cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức... tuân theo những quy định và chịu trách nhiệm pháp luật về việc này. Mở theo hướng đó sẽ không cần sửa luật, thêm các quy định tốn thời gian công sức và giúp các bệnh viện có nguồn lực, kinh phí để bù đắp vào việc chữa trị cho bệnh nhân Covid.

Thật ra với chi phí khá lớn, có khi lên đến hàng tỉ đồng cho một trường hợp nặng thì việc nhận là tài trợ hay đóng góp chỉ bù đắp được phần nào. Tại một bệnh viện tư dành ra 100 giường cho bệnh nhân Covid thì ít nhất 1 tháng cũng tốn khoảng 20 tỷ, chưa kể nếu bệnh nặng tăng cao thì sẽ đội lên rất nhiều.

Theo tìm hiểu của tôi, không ít gia đình khá giả sẵn sàng chi trước hoặc đóng góp khoản lớn, vì như chủ một doanh nghiệp thực phẩm chia sẻ "Người nhà tôi chết thì tiền có nghĩa lý gì? Sao không để tụi tôi phụ một tay".

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng việc các bệnh viện tư mở ra khu chữa trị Covid - 19 đã đang và sẽ cứu được nhiều mạng người. Như giám đốc một bệnh viện cho biết, chưa đến một tháng nhưng nếu không vào kịp bệnh viện ông có lẽ cũng hơn chục người đã ra đi.

Nhiều trường hợp chỉ vào kịp, cấp cứu đúng và thở oxy đủ là qua nguy cấp, không cần phải can thiệp nhiều. Người có điều kiện chọn bệnh viện tư cũng là một cách "nhường" chỗ ở bệnh viện công cho bà con còn khó khăn.

Sẽ còn tranh cãi và vướng mắc không ít luật, lệ nhưng chỉ cần "mở" cho đóng góp tự nguyện, theo tâm nguyện của người bệnh và gia đình có nhu cầu, muốn góp phần chung tay cùng các bệnh viện thì tôi nghĩ chẳng có gì quá khó! Quan trọng là có làm sớm và muốn mở nhanh hay không mà thôi.

Sáng nay, Sài Gòn đã gần chạm mốc 125.000 ca, điều mà hơn 1 năm trước không ai tưởng tượng nổi khi Chủ tịch Phong cho biết: “Nếu 1.000 người nhiễm bệnh là vỡ trận”. Giờ đây mọi thứ đã vượt xa khả năng của TP khi hàng chục bệnh viện dã chiến đã gấp rút mọc lên khắp nơi. Hơn 5.000 giường bệnh dành cho bệnh nhân Covid nặng đã được thiết lập.

Dù đã đi ngang và có chiều hướng xuống mấy ngày qua, nhưng với gần 4.000 người nhiễm/ngày như hai hôm gần đây, thì khó có thể tránh né rằng nếu không có chi viện và cả các bệnh viện tư vào cuộc thì ngành y TP sẽ cực kì vất vả, nếu không muốn dùng từ tệ hơn.

Cho đến nay cũng như vắc xin, việc chữa trị cho bệnh nhân Covid 19 được miễn phí hoàn toàn và phần lớn do các bệnh viện công đảm nhận. Về an sinh, điều này cần vỗ tay nhưng với tình hình hiện nay và lâu dài thì có khi đây lại là “vòng kim cô”.

Khi mà vắc xin đã có chủ trương và sẽ hướng đến tiêm dịch vụ thì việc chữa trị cho bệnh nhân Covid cũng nên như thế. Tại sao lại khước từ những người có nhu cầu, đủ tiền bạc và muốn san sẻ gánh nặng với Nhà nước, dành cơ hội ở những bệnh viện công cho bà con khó khăn hơn?

Đừng nghĩ cho thu phí với nhóm này sẽ đào sâu ngăn cách giàu nghèo mà nên xem đó là việc hỗ trợ, san sẻ và “xã hội hóa” khi ngân sách Nhà nước có hạn, nguồn lực ngành y có mức và dịch bệnh không chờ để xem xét mãi.

Hôm qua, chủ một doanh nghiệp ở Bình Dương là bạn tôi buồn bã báo tin mẹ anh bị nhiễm Covid nên rất muốn có nơi điều trị theo mong muốn của gia đình. Nhà anh sẽ chi trả mọi chi phí, tôi giới thiệu anh sang bệnh viện Nam Sài Gòn, một bệnh viện tư tham gia chữa trị Covid từ 20/7 đến nay, cũng đã có hơn 100 bệnh nhân Covid - 19 nhập viện với 14 ca bệnh nặng đang thở máy và oxy dòng cao (HFNC). Nhưng khi nghe bệnh viện chưa được thu phí thì anh khá áy náy và hỏi sao lạ vậy?

Đúng là lạ thật khi nhiều bệnh viện tư đầu tư 50-70 tỷ đồng để có những khu chữa trị Covid 19 hiện đại, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận dân chúng đủ khả năng và muốn chi trả nhưng lại không được phép! Nếu không cho thu phí họ lấy gì bù chi trong khi hiện nay tiếp nhận tài trợ cũng thủ tục khá nhiêu khê, Sở cũng nhiều lần “chấn chỉnh”?

Nếu dịch chỉ ngày một ngày hai thì còn chịu nổi nhưng kéo dài với hàng trăm ca nặng mỗi bệnh viện, chi phí cực cao, thì sẽ bào mòn nguồn lực lẽ ra rất hữu ích và cần thiết lúc này

Trước đây, Nhà nước “bao cấp” tất cả F0 nhưng rồi cũng phải cho về bớt hoặc tự theo dõi ở nhà, khá nhiều việc khác dần cũng phải “thuận theo tự nhiên” hay “xã hội hóa”. Cũng nên từ từ xem việc chữa trị Covid như các bệnh khác, có cả dịch vụ lẫn bảo hiểm hoặc free cho bà con khó khăn.

Tôi nghĩ dù hơi muộn nhưng đã đến lúc tạo hành lang pháp lý và có chủ trương để thu phí những bệnh nhân Covid có nhu cầu, đủ khả năng chi trả để được chữa trị tốt hơn theo mặt bằng chung, vừa ích nước và cũng lợi nhà. Một nguồn thu cao và nhu cầu lớn như thế bị "lãng quên" trong lúc này quả là quá lãng phí!

Ảnh: Bệnh nhân Covid 19 đang được chữa trị ở Bệnh viện Nam Sài Gòn, nơi đã đầu tư cả trăm tỷ đồng cho khu chữa bệnh này nhưng không được thu phí!?

HÀ PHAN 

Đăng nhận xét

Được tạo bởi Blogger.